Theo Hàn Phi, pháp luật là công cụ để trị dân, ổn định xã hội, nhưng để mọi
người tuân thủ theo pháp luật thì người cầm đầu chính thể phải có “thế”. Nếu
cái danh của nhà vua bị hạ thấp và địa vị bị nguy thì người dưới nhất định
không theo pháp lệnh. Hàn Phi cho rằng, “Uy thế là cái thống trị thiên hạ, là
chỗ dựa để sai khiến quần thần. Có quyền thế thì sẽ có được sự tôn quý, còn
nếu bị mất quyền thế thì sẽ bị mất luôn quốc gia, sẽ có nguy cơ bị giết hại. Cho
nên nhà vua nhất định phải tự mình giữ lấy quyền thế, không để lơ là lọt vào
tay kẻ khác”
14 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2475 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Vấn đề con người trong quan niệm pháp trị của Hàn Phi, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
* * * * *
Đề tài triết học
VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG
QUAN NIỆM PHÁP TRỊ CỦA
HÀN PHI
VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG QUAN NIỆM PHÁP TRỊ CỦA HÀN PHI
TRIỆU QUANG MINH(*)
TRẦN THỊ LAN HƯƠNG(**)
Xuất phát từ quan niệm của Hàn Phi về bản chất con người, bài viết tập trung
phân tích phương pháp giáo hoá đạo làm người của ông. Nội dung của phương
pháp giáo hoá này dựa trên cơ sở quan niệm của Hàn Phi về pháp trị với ba
phạm trù căn bản: pháp, thế và thuật. Cuối cùng, bài viết khẳng định rằng, mặc
dù còn có những hạn chế nhưng học thuyết triết học - chính trị nói chung, quan
niệm về con người nói riêng của Hàn Phi đã tạo nên một dấu ấn đặc sắc trong
lịch sử tư tưởng Trung Quốc nói riêng, trong lịch sử tư tưởng nhân loại nói
chung.
Pháp gia được biết đến với tư cách một trong bốn trường phái lớn nhất của hệ
thống tư tưởng triết học Trung Quốc thời cổ đại. Trong số các đại biểu lớn của
trường phái này, Hàn Phi được coi là người tập đại thành tư tưởng Pháp gia.
Chính vì vậy, vấn đề con người trong triết thuyết chính trị của ông là sự tập hợp
đầy đủ toàn bộ nội dung căn bản về vấn đề này của trường phái Pháp gia. Bên
cạnh đó, khi nghiên cứu vấn đề này, chúng ta có thể thấy, vượt lên hình ảnh con
người thần bí, đức độ với những tấm gương hoàn hảo của Nho gia, Hàn Phi đã
động chạm tới điểm mấu chốt nhất của giá trị Người trên cả hai khía cạnh tích
cực và tiêu cực. Có lẽ vì thế mà Pháp gia thường được đề cập tới như một thứ
công cụ để trị người hơn là dạy người và dùng người. Mặt khác, khi nghiên cứu
vấn đề con người trong tư tưởng Hàn Phi, chúng ta bắt gặp không ít vấn đề của
xã hội hiện tại, những giá trị mới trong những nội dung tưởng như đã cũ.
1. Quan niệm về bản chất con người của Hàn Phi
Là học trò của Tuân Tử, Hàn Phi tán đồng quan niệm “tính con người ta vốn
ác”(1) của Tuân Tử, đồng thời có bổ sung và phát triển thêm những nội dung
mới. Những nội dung về vấn đề con người trong triết thuyết của ông khá tàn
nhẫn và thể hiện một sự công phá từ bên trong khi ông nhận ra bản chất đích
thực của con người lại thường bị che giấu bởi những giá trị không thật. Ông
chấp nhận con người với đầy đủ bản năng sinh tồn để đấu tranh cho sự tồn tại của
chính bản thân mình như một lẽ tự nhiên. Với xuất phát điểm đó, Hàn Phi đã đi
thẳng vào khía cạnh lợi ích cá nhân - chủ yếu là lợi ích về mặt vật chất, để khẳng
định cơ sở sự tồn tại của con người và bản tính vốn hám lợi, sợ hại của mọi cá
thể. Theo Hàn Phí, bản chất này được bộc lộ qua vô số các hiện tượng khác nhau,
như người đóng quan tài thì mong cho người ta chết, người làm cỗ xe thì mong
cho người ta được sang, thầy thuốc thì mong người ta bị bệnh nhiều còn trong
quan hệ vua tôi: “Làm hại đến thân mình mà có lợi cho nước, bầy tôi không
làm… Tình cảm của bề tôi là không thấy cái lợi ở chỗ thân mình bị thiệt hại”(2).
Cho nên, với Hàn Phi, các quan hệ giữa người với người đều bị quyết định bởi
cái lợi ích thiết thân; cái lợi ở đâu thì người ta theo đó mà làm, cái hại đến thân ở
đâu thì người ta theo đó mà tránh, mọi giá trị nhân, nghĩa đều chỉ là giả dối.
Thẳng thắn nhìn vào con người với tư cách một sinh vật mang bản chất hám lợi
và ích kỷ, Hàn Phi chấp nhận sự tồn tại một cách tự nhiên và phổ biến của dạng
người này như một sản phẩm tất yếu của quá trình phát triển. Theo ông, đã có
thời kỳ lịch sử con người không đặt cái lợi ích lên hàng đầu, đó là thời thượng
cổ. Lúc đó, “đàn ông không cày vì các sản phẩm của cây, cỏ đủ để ăn; đàn bà
không dệt vì da của chim muông đủ để mặc: Không phải vất vả mà việc nuôi
dưỡng có đủ, số người thì ít mà tài sản thì có thừa. Vì vậy cho nên nhân dân
không phải tranh giành. Bởi vậy không cần phải thưởng hậu, không phải dùng
hình phạt nặng mà nhân dân tự nhiên trị an”(3). Về sau, con người đông lên còn
của cải ít đi, nên mặc dù họ đã cố gắng, vất vả làm việc nhưng vẫn không đủ
sống. Lúc này, xã hội bắt đầu nảy sinh sự tranh giành của cải, cướp bóc lẫn
nhau, và xã hội vì thế mà loạn.
Hàn Phi đã giải thích mâu thuẫn xã hội bắt đầu từ lợi ích kinh tế trên cơ sở phân
tích sự biến đổi của điều kiện dân số, tình trạng dân cư, trình độ của công cụ lao
động… Có thể nói, khi khẳng định ảnh hưởng mang tính quyết định của yếu tố
kinh tế đối với mỗi cá nhân và từng xã hội, Hàn Phi đã động chạm đến gốc rễ
của vấn đề - cái gốc rễ mà nhiều người đương thời đã che đậy, không dám
thẳng thắn thừa nhận. Hơn thế, Hàn Phi còn nhận ra tác dụng hai chiều của yếu
tố kinh tế đối với con người. Một mặt, cái lợi là yếu tố căn bản thúc đẩy con
người hành động, tranh giành của cải và là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn;
nhưng, mặt khác, nó cũng là yếu tố liên kết con người với nhau. Theo đó, hành
động vì cái lợi là lẽ bình thường, vấn đề là cần đặt cái lợi riêng trong cái lợi
chung, không vì cái lợi riêng mà đi ngược lại cái lợi chung. Đây là tư tưởng
biện chứng khá sâu sắc của Hàn Phi. Ông đã đánh giá xã hội đương thời và phê
phán chế độ quân chủ một cách sắc bén và thẳng thắn. Trong hệ thống triết học
- chính trị của Hàn Phi, mỗi con người với tư cách cá nhân đều bị “lột trần” cái
vỏ bọc bề ngoài để hiện ra với nguyên nghĩa cá thể cần những giá trị căn bản
bên trong như nhau để tồn tại. Theo Hàn Phi, bản chất hám lợi và sợ hại ấy của
con người là cái không thể che giấu, sửa đổi, nhưng nếu biết sử dụng nó sao
cho hợp lý trong các mối quan hệ giữa người với người thì nó sẽ đem lại hiệu
quả nhất định.
2. Phương pháp giáo hoá đạo làm người của Hàn Phi
Để tìm ra những nội dung thực chất, bên trong của xã hội quân chủ và bản chất
của con người nói chung, từ đó chỉ ra đạo làm người với tư cách nguyên lý cơ
bản, Hàn Phi đã xuất phát từ các điều kiện lịch sử cụ thể, dùng chính sự trải
nghiệm của bản thân kết hợp với vốn kiến thức uyên thâm về nhiều lĩnh vực
như lịch sử, văn học, chính trị… Đặc biệt, “ông là con người duy nhất của
Trung Quốc thực hiện được một sự tổng hợp ba học thuyết Nho, Lão, Pháp, ở
đó Nho là tài liệu xây dựng, Pháp là cái bản thiết kế, nhưng Lão mới là kỹ thuật
thi công của cái ngôi nhà độc đáo”(4). Tất cả những lý do trên khiến cho đạo
làm người của Hàn Phi không đi quá nhiều vào nguyên lý mà thường xuất phát
từ điều kiện xã hội và hoàn cảnh cụ thể để phân tích đúng, sai, được, mất.
Đạo làm người không được Hàn Phi trình bày với tư cách một nội dung độc lập,
mà nó biểu hiện qua những câu chuyện luận bàn về lối xử thế và cách nhìn
nhận sự vật, sự việc để hành động… Ở đó, chúng ta có thể thấy, quan niệm Đạo
của Lão Tử, Chính danh của Nho gia, nhưng dưới hình thức, cách lý giải và vận
dụng khác. Theo Hàn Phi, không thể gọi tên hay định hình đạo ấy, vì nó luôn
biến dịch theo thời. Trong quyển VI, thiên XX, Giải Lão, Hàn Phi khẳng định
tính biến dịch của đạo: Đạo cũng giống như nước, kẻ khát uống nó mà sống,
người chết đuối vì uống nó nhiều mà chết. Nó cũng giống như thanh kiếm, mũi
giáo, người ngu dùng nó vào việc phẫn nộ mà sinh ra hoạ, bậc thánh nhân dùng
nó tạo ra cái phúc bằng cách trừng trị kẻ bạo ngược. Như vậy, có thể thấy, Hàn
Phi vẫn giữ cái đạo pháp tự nhiên giống như trong quan niệm của Lão Tử và
quan trọng hơn cả, đó là hiểu được lẽ tự nhiên để đề phòng và tận dụng. Nói
cách khác, bằng cách nhìn thẳng vào các quan hệ bất biến với lối tư duy độc
đáo, Hàn Phi đã đặt mọi vật, mọi việc, mọi cá thể vào mối quan hệ tất yếu để từ
đó khẳng định đạo làm người là cái phải được chấp nhận như lẽ tất nhiên. Thực
chất, quan niệm này có tiền đề từ chính tồn tại xã hội và ý thức xã hội của
Trung Quốc cổ đại.
Sống trong thời đại tranh bá, tranh vương, mua danh, bán tước, Hàn Phi nhận ra và
thấu hiểu các mánh khoé của tất cả các hạng người trong xã hội. Nhưng, ông
không vì thế mà bi quan trước thế cục để ảo tưởng mơ về một thời đại huy hoàng
như thời đại trước. Đối với Hàn Phi, các đời Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ đều làm
trái cái nghĩa thông thường, làm cho việc giáo hoá đời sau bị rối loạn. Cho rằng,
đức dày không đủ để ngăn cấm điều loạn nhưng uy thế thì có thể, ông phản đối
cách đề cao các bậc đế vương theo lối học thuật để dạy người. Theo Hàn Phi, hình
phạt là gốc của lòng thương, xét cái đạo hiếu đễ, trung thuận cho kỹ mà thi hành.
Chính vì thế, quan niệm của Hàn Phi không quá khó hiểu nhưng cũng không hẳn
là dễ áp dụng. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể nhận thấy, đằng sau những nội
dung xử thế tưởng như khá cực đoan là một Hàn Phi với cách nhìn khách quan,
thẳng thắn, biện chứng về mối quan hệ giữa người với người mà không phải nhà tư
tưởng nào cũng có được và dám nhắc đến. Tuy nhiên, dưới chế độ quân chủ, trong
xã hội chỉ có một cá thể có quyền cao nhất, đó là nhà vua. Vì thế, về nguyên tắc,
đạo là nguyên lý chung để con người tồn tại, nhưng trên thực tế, thi hành đạo chỉ
có nhà vua và chỉ có đạo của vua chúa. Nhà vua phải thông qua hệ thống pháp
luật, dựa vào thế và thuật của mình để vận hành bộ máy quan lại và cai trị nhân
dân. Nói cách khác, nội dung phương pháp giáo hoá đạo làm người cho mọi
thành viên trong xã hội theo tư tưởng của Hàn Phi tập trung vào ba phạm trù
căn bản: pháp, thế, thuật.
Thứ nhất, bàn về “pháp”, Hàn Phi quan niệm: “Pháp luật là mệnh lệnh ban bố rõ
ràng ở nơi cửa công, hình phạt chắc chắn đối với lòng dân, thưởng cho những kẻ
cẩn thận giữ pháp luật, nhưng phạt những kẻ làm trái lệnh”(5). Theo ông, nội
dung chủ yếu của pháp luật là những quy định thưởng và phạt. Pháp luật đã đặt
ra thì không phân biệt kẻ sang, người hèn, đại thần hay kẻ thất phu. Đó chính là
tính công bằng của pháp luật. Từ xưa đến nay, bậc vua sáng suốt có thể chế ngự
được bầy tôi, làm cho nước trị an là nhờ sử dụng pháp luật một cách công bằng
thông qua hai cái cán hình và đức. Giết chóc gọi là hình phạt, khen thưởng gọi
là ân đức. Hàn Phi khuyến khích việc thưởng hậu cho những người có công và
phạt nặng với những người vi phạm. Ông cho rằng, thưởng hậu thì cái mình
muốn sẽ có được nhanh, còn phạt nặng thì cái mình muốn ngăn cấm sẽ ngăn
cấm được nhanh chóng. Cái lý của Hàn Phi về vấn đề này khá rõ ràng: “áp
dụng hình phạt nhẹ nhàng người dân tất sẽ coi thường phạm thêm lỗi lầm, nếu
người dân phạm tội mà không bị lên án thì pháp lệnh sẽ mất hiệu lực. Cho nên
hình phạt nhẹ nếu không làm nhiễu loạn đất nước thì cũng giăng bẫy người dân,
đó mới thực sự là tổn hại đến trăm họ vậy”(6). Quan điểm này nhất quán với
nguyên tắc hình phạt là gốc của lòng thương của ông. Trong thiên Tâm độ, sách
Hàn Phi Tử (Phan Ngọc dịch), Hàn Phi giải thích: bậc thánh nhân trị dân là xét
ở cái gốc chứ không phải theo lòng mong muốn của dân, chỉ cốt làm lợi cho
dân mà thôi. Cho nên, thi hành hình phạt không phải là ghét dân mà là vì yêu
cái gốc. Hình phạt mà thắng thì dân yên tĩnh… Bậc vua sáng trị nước, soi sáng
việc thưởng thì dân hăng hái làm công việc; dùng hình phạt nghiêm thì dân yêu
quý pháp luật.
Như vậy, có thể thấy, tư duy của Hàn Phi về việc dùng pháp luật để trị người
và ổn định xã hội mang nội dung khá biện chứng. Ông đòi hỏi khi được soạn
thảo, ban hành, pháp luật phải dễ thi hành và có tính thống nhất, công bằng và
không được lấy tình cảm riêng tư để sửa đổi tuỳ tiện. Song, pháp luật cũng
không có nghĩa là nhất thành bất biến, mà “pháp luật phải có sự chuyển hoá
theo diễn biến của thời đại”(7). Tư tưởng của Hàn Phi về vấn đề này đã thực sự
vượt lên trên lập trường giai cấp của giai cấp quý tộc và gần với những lý luận
dân chủ hiện đại về pháp luật. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ
quan, trong tư tưởng của Hàn Phi, thân phận con người trước pháp luật ở thế nhỏ
bé, bị động, phụ thuộc với thân phận “nô lệ” chứ không phải là “công dân”.
Thứ hai, bàn về “thế”, Hàn Phi cho rằng, nhân dân sợ uy quyền chứ rất ít người
quy phục đạo nghĩa. Ông viện dẫn đến như Khổng Tử là bậc thánh nhân về mặt
tu dưỡng đạo đức, lấy nhân nghĩa làm trọng, đến sau cùng cũng chỉ có bẩy
mươi người nối nghiệp; đem con số bẩy mươi đó ra mà so sánh với số người
trong thiên hạ thì thấy rằng, số người mến trọng nhân nghĩa là rất bé nhỏ. Trong
khi đó, “bậc thánh nhân trị nước không cậy ở chỗ người ta yêu mình mà dùng
cái thế khiến người ta không thể làm điều sai. Trông cậy người ta làm điều hay
cho mình thì trong một nước không đến mười người, nhưng dùng cái thế khiến
người ta không thể làm bậy thì có thể trị được cả một nước”(8).
Theo Hàn Phi, pháp luật là công cụ để trị dân, ổn định xã hội, nhưng để mọi
người tuân thủ theo pháp luật thì người cầm đầu chính thể phải có “thế”. Nếu
cái danh của nhà vua bị hạ thấp và địa vị bị nguy thì người dưới nhất định
không theo pháp lệnh. Hàn Phi cho rằng, “Uy thế là cái thống trị thiên hạ, là
chỗ dựa để sai khiến quần thần. Có quyền thế thì sẽ có được sự tôn quý, còn
nếu bị mất quyền thế thì sẽ bị mất luôn quốc gia, sẽ có nguy cơ bị giết hại. Cho
nên nhà vua nhất định phải tự mình giữ lấy quyền thế, không để lơ là lọt vào
tay kẻ khác”(9). Tư tưởng này của Hàn Phi hoàn toàn phù hợp với thời kỳ của
xã hội quân chủ, thời kỳ tôn quân quyền. Hơn thế, Hàn Phi còn nhận ra hai mặt
của một vấn đề: một mặt, nhà vua cần phải giữ lấy cái quyền thưởng phạt của
người cầm đầu chính thể thông qua “thế” của mình với tư cách là cái độc tôn;
mặt khác, nhà vua không thể tự mình làm tất cả các công việc, mà phải cắt đặt
các chức quan và trao quyền cho họ theo nguyên tắc minh chủ trị lại bất trị dân,
điều này cũng có nghĩa là để cai trị xã hội có hiệu quả thì nhà vua phải xác lập vị
thế nhất định cho quan lại. Cho nên, nếu bề tôi có thể mượn được và lợi dụng
quyền thế của vua thì họ có nhiều sức mạnh để làm lợi, nhà vua sẽ dần bị che lấp.
Chính vì vậy, nhà vua vẫn phải quản lý công việc thông qua hệ thống quan lại,
nhưng khoanh vùng lại để cái thế của quan chỉ đủ để thi hành pháp luật. Các
quan đại thần vẫn được phân cấp bậc, vẫn có bổng lộc và trách nhiệm cụ thể,
song họ chỉ có quyền hạn trong phạm vi nhất định, việc họ làm là để đề cao nhà
vua, mỗi người làm một chức quan, không thể chuyên quyền và lấn át người khác.
Tuy nhiên, làm thế nào để sử dụng và phát huy được “thế” thì Hàn Phi không chỉ
rõ. Theo ông, cùng thi hành cái đạo bất biến, nhưng ở mỗi ông vua lại có cái
“thuật” cai trị riêng.
Thứ ba, bàn về “thuật”, trong thiên Định Pháp, sách Hàn Phi Tử (Phan Ngọc
dịch), Hàn Phi khẳng định: Thuật là cái nhà vua nắm lấy, là nhân trách nhiệm
mà giao chức quan, theo tên gọi mà đặt ra yêu cầu thực sự, nắm lấy cái quyền
cho sống và giết chết, hiểu rõ năng lực của bầy tôi. Ông vua nào khi lên ngôi
cũng chuẩn bị cho mình các phương sách cai trị dựa trên nội hàm căn bản đó
của “thuật”. Nhưng, việc triển khai nội dung của “thuật” thì không có triều đại
nào giống hệt các triều đại trước đó. Tại sao như vậy? Bởi vì, với mỗi triều đại,
cả điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan đều đã thay đổi. Mặt khác, nếu
“pháp” là cái được lưu truyền, công bố rộng rãi, thì “thuật” mang tính bí hiểm
và được triển khai theo cơ chế ngầm, “ngay cả thê thiếp yêu quý nhất, hay các
cận thần được sủng ái hầu cận bên vua cũng không ai được biết”(10). Cho nên,
theo Hàn Phi, “vận dụng phương thuật phải bí mật bất ngờ như quỷ thần vậy…
dùng thuật mà bí mật bất ngờ như quỷ thần thì bầy tôi không có cách gì theo đó
mà đầu cơ trục lợi nữa”(11).
Theo Hàn Phi, [i]“thuật” trước hết thể hiện thông qua khả năng nhận dạng và
phân loại con người. Bằng cách nhìn nhận thẳng thắn, ông chỉ ra rằng, xung
quanh nhà vua, ai cũng có thể trở thành kẻ gian bởi con người không ai không
ra sức liều chết để đạt được cái mình mong muốn. Cho nên, cái quan trọng nhất
đối với vua là thuật trừ gian. Muốn trừ gian, bậc thánh nhân phải bỏ cái khôn
ngoan, khéo léo, cái yêu ghét của mình. Ở đây, không phải Hàn Phi chủ trương
dựng lên một ông vua ngu dốt, giả dối, mà theo Hàn Phi, đó là cái đạo nhìn xa
trông rộng của bậc thánh nhân. Ông giải thích, nếu nhà vua có thể từ bỏ (nhưng
thực chất là che giấu) cái khéo léo, khôn ngoan và sự yêu ghét của mình thì giữ
được cái nguyên lý bất biến, khiến cho người dưới không thể lừa dối vua,
không thể che giấu cái xấu của họ, mà phải tỏ lòng ngay thực.
Có năm loại người được Hàn Phi liệt vào Ngũ đố, tức năm lũ sâu mọt cần xử lý,
đó là bọn học giả trong nước khen cái đạo của các tiên vương, tỏ ra mình nhân
nghĩa, làm người ta ngờ vực pháp lệnh đương thời, làm lòng vua phân vân; bọn
bày ra những chuyện dối trá, mượn sức nước ngoài để thực hiện điều riêng tư
của mình, quên mất cái lợi của xã tắc; bọn thân tín của nhà vua tụ tập ở các nhà
riêng, hối lộ kẻ có quyền thế để khỏi phải vất vả nơi chiến trận; bọn thương
nhân, bọn thợ chế tạo những vật vô dụng, chứa chất của cải để giành cái lợi gấp
đôi người cày.
Tất nhiên, đối với các hạng người khác nhau thì cần có cách trừng trị và nuôi
dưỡng khác nhau. Song, trong thuật cai trị, Hàn Phi nhấn mạnh nguyên tắc dùng
công việc để sử dụng người, đó là cái then chốt của sự còn hay mất, trị hay loạn.
Cụ thể hơn, ông chỉ ra bảy thuật vua chúa cần dùng, đó là: xem xét và so sánh các
đầu mối; phạt chắc chắn nêu cao uy quyền; thưởng chắc chắn để dùng hết năng
lực; nghe mọi người và bắt người dưới chịu trách nhiệm về điều đã nói; ra những
mệnh lệnh đáng ngờ và dùng mánh khoé để sai khiến; tập hợp những người hiểu
biết sự thực; đảo ngược lời nói và đảo ngược công việc. Ông còn yêu cầu phải có
sự khảo sát, điều tra và khi có kết quả lại phải tiếp tục kiểm tra kỹ lưỡng. Có thể
thấy, quan niệm này của Hàn Phi rất chặt chẽ, toàn diện và gần với những quan
điểm hiện đại về cách quản lý và sử dụng nhân lực.
Theo Hàn Phi, trong dùng “thuật”, nhà vua cần thực hiện theo cơ chế: bên trong thì
có biện pháp đề phòng, thay đổi luôn luôn, bên ngoài thì cứ chiếu theo phép tắc mà
xử. Vua biết tập hợp cái khôn của nhiều người thì không giỏi cũng thành giỏi.
Song, “người tài trí chưa chắc có đạo đức, họ thường xuyên mưu mô để hại nhà
vua. Còn người tu thân, liêm khiết thì không đa mưu, túc trí, phán quyết công việc
thường tự cho là mình đúng, làm cho sự việc rối tung lên”(12). Điều đó cũng có
nghĩa là việc sử dụng con người cái chính là căn cứ vào thế mạnh của họ,
nhưng bổ nhiệm những chức quan trọng thì nhất định phải xem xét nhiều mặt.
Cách tốt nhất là để cho bề tôi tự trình bày, theo đó giao việc, xét kết quả công
việc và lời nói ban đầu mà thưởng phạt theo quy định của pháp lệnh.
Có thể nói, nhờ có “thuật” trị nước mà nhà vua tuy ở trong cung nhưng vẫn
nắm được mọi tình hình, không làm gì mà thực chất lại đang chi phối tất cả, lấy
cái tĩnh của mình để khống chế cái động của lòng người. Cho nên, theo Hàn
Phi, cái đạo bất biến của việc cai trị là lấy cái danh (tức tên gọi) làm đầu. Danh
đã chính thì sự vật được xác định. Cái danh mà thiên lệch thì sự vật thay đổi.
Cái danh được dùng để định rõ vị trí của mỗi người, lấy cái chức tước, cái danh
phận để giao việc, lấy bổng lộc để khuyến khích họ, nhưng nhà vua xét cái hình,
tức tình hình thực tế công việc của họ để thưởng và phạt. Đó chính là nguyên lý
vua nắm cái danh, bề tôi chạy cái thực. Cho nên, xét ra thì thuyết Chính danh của
Nho gia và Hình danh của Pháp gia (Hàn Phi) đều đặt mục tiêu ổn định xã hội,
nhưng nếu Chính danh định phận nhằm duy trì trật tự đẳng cấp khắc nghiệt, thì
Hình danh của Pháp gia lại mang mầm mống của tư tưởng bình đẳng.
Nhìn chung, học thuyết Pháp trị của Hàn Phi được xây dựng và hoàn thiện dựa
trên những tiền đề lý luận và thực tiễn chắc chắn. Bằng con mắt tinh đời, ông
nhìn nhận sự vật, sự việc một cách thẳng thắn và khách quan. Với lối tư duy
biện chứng và cách diễn đạt đầy thuyết phục, Hàn Phi đã xây dựng một lý luận
vừa có tính thực tiễn cao, vừa có lôgíc chặt chẽ. Ông nhìn thế cục và con người
tuy lạnh lùng, tàn nhẫn và có phần cực đoan, nhưng không bi quan. Ông đề cao
vai trò của pháp luật và coi trọng việc giáo dục. Ông quan niệm rằng, nếu cứ
đợi mũi tên tự thẳng thì một trăm đời cũng không có mũi tên, nếu đợi cây gỗ tự
tròn thì một ngàn đời cũng không có bánh xe. Cho nên, với Hàn Phi, hình phạt
là gốc của lòng thương, sự giáo dục cần phải được tiến hành sớm và liên tục để
ngăn chặn mọi cơ hội biểu hiện bản chất vụ lợi của con người. Song, nếu cho
rằng học thuyết của Hàn Phi nặng về hình, nhẹ về đức khi ông chủ trương dùng
pháp luật để giải quyết tất cả mọi việc thì chưa thật thoả đáng. Bởi lẽ, theo quan
điểm của Hàn Phi, pháp luật thấu suốt tình cảm con người, nên trong cái “hình”
đã có cái “đức”, không hề có sự tách biệt. Có thể nói, Hàn Phi đã ghi dấu ấn của
mình vào lịch sử tư tưởng Trung Quốc nói riêng và lịch sử tư tưởng nhân loại
nói chung với một học thuyết dám nhìn thẳng vào sự thật và khẳng định những
giá trị lợi ích căn bản là động cơ cho mọi hành động của con người, bóc trần
mọi quan hệ giả tạo giữa người với người, phê phán chế độ quân chủ từ bên
trong.
Bên cạnh đó, cũng có thể thấy rằng, quan điểm của Hàn Phi về con người còn
nhiều hạn chế, nhất là việc ông chỉ thấy khía cạnh vụ lợi của con người mà
không thấy con người còn có rất nhiều lý tưởng cao đẹp để phấn đấu và hy
sinh. Đồng thời, ở một khía cạnh nhất định, mục tiêu xây dựng lý luận của ông
là nhằm tạo ra một công cụ phục vụ cho nhà vua củng cố địa vị và quyền lực
độc tôn của mình. Cho nên, con người trong học thuyết của ông luôn ở địa vị
thấp hèn và bị phụ thuộc. Sự bình đẳng của con người trước pháp luật là sự
bình đẳng về thân phận người nô lệ dưới ngai vàng của nhà vua.
Cuối cùng, có thể nói, để bao quát hết được nội dung và đánh giá được một
cách khách quan cũng như đến được tầng sâu của vấn đề con người trong triết
thuyết của Hàn Phi là một việc không hề đơn giản. Song, việc trở lại một vài
khía cạnh cơ bản của vấn đề này sẽ thêm một lần nữa khẳng định vị trí và giá trị
tư tưởng của Hàn Phi - một trong những nhà tư tưởng lỗi lạc của Trung Quốc
và của nhân loại.r
(*) Thạc sĩ, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I.
(**) Thạc sĩ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội.
(1) Nguyễn Hiến Lê - Giản Chi. Tuân Tử. Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1994, tr.50.
(2) Phan Ngọc (dịch). Hàn Phi Tử. Nxb Văn học, Hà Nội, 2005, tr.167.
(3) Phan Ngọc (dịch). Hàn Phi Tử. Sđd., tr.540.
(4) Phan Ngọc (dịch). Hàn Phi Tử. Sđd., tr17.
(5) Phan Ngọc (dịch). Hàn Phi Tử. Sđd., tr.478 - 479.
(6) Hàn Thế Chân (dịch). Hàn Phi Tử - sự phát triển của tư tưởng Pháp gia.
Nxb. Đồng Nai,1995, tr.102
(7) Hàn Thế Chân (dịch). Hàn Phi Tử - sự phát triển của tư tưởng Pháp gia.
Sđd., tr.84.
(8) Phan Ngọc (dịch). Hàn Phi Tử. Sđd., tr.568.
(9) Hàn Thế Chân (dịch). Hàn Phi Tử - sự phát triển của tư tưởng Pháp gia.
Sđd., tr.197-198.
(10) Hàn Thế Chân (dịch): Hàn Phi Tử - sự phát triển của tư tưởng Pháp gia.
Sđd., tr.81
(11) Hàn Thế Chân (dịch): Hàn Phi Tử - sự phát triển của tư tưởng Pháp gia.
Sđd., tr.122
(12) Hàn Thế Chân (dịch): Hàn Phi Tử - sự phát triển của tư tưởng Pháp gia.
Sđd, tr.178
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- triet_hoc_101__84.pdf