Trong những bài thơ viết về Côn Sơn của Nguyễn Trãi, “Côn Sơn ca” được xem là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất, thể hiện sự giao cảm giữa thi sĩ với thiên nhiên, cũng là bài ca tâm trạng thời thế, triết lý về cuộc đời của Ức Trai.
“Côn sơn hữu tuyền, kỳ thanh linh linh nhiên, ngô dĩ vi cầm huyền.
Côn sơn hữu thạch, vũ tẩy đài phô bích, ngô dĩ vi đạm tịch.”
(Côn Sơn suối chảy rì rầm, ta nghe tiếng đàn huyền cầm.
Côn Sơn có đá sạch trong, ta ngồi nghe cõi lòng thanh đạm, yên tịnh).
Cảnh đẹp thứ nhất là suối Côn Sơn, tiếng nước chảy róc rách như tiếng đàn cầm. Cảnh đẹp thứ hai là đá, mưa sạch rêu biếc như chiếu êm. Cảnh đẹp thứ ba là rừng thông, tán lá như những chiếc lọng rủ bóng đáng yêu gắn bó với tâm hồn nhà thơ. Suối, đá, trúc, thông là nơi nương tựa, nâng đỡ tâm hồn, là đối tượng để thi nhân cùng với thiên nhiên giao hòa giao cảm, để “ta cho là đàn cầm”, để “ta cho là đệm chiếu”, để “ta nghỉ ngơi” trong rừng thông, để “ta ngân nga” bên rừng trúc. Hình ảnh thơ là âm thanh, là màu sắc gắn liền với cảm giác, với tâm hồn thi sĩ bằng những liên tưởng vô cùng thiết tha, đằm thắm:
16 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 13641 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Vẻ đẹp thiện nhiên trong thơ Nguyễn Trãi, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. Mở bài.
Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Tìm hiểu kho tàng thơ ca của Nguyễn Trãi để lại cho hậu thế, chúng ta có thể thấy nét đặc sắc trong những bài thơ của ông, đặc biệt là những bài thơ về thiên nhiên. Với truyền thống thi ca trung đại “cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Hồ Chí Minh), những bài thơ của Nguyễn Trãi dành một số lượng khá lớn viết về thiên nhiên. Thiên nhiên gắn với cuộc đời thăng trầm đầy bi kịch của Nguyễn Trãi, thể hiện tâm tư của chính nhà thơ trong những hoàn cảnh khác nhau, là bản trường ca ngàn đời của người anh hùng, của một nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn.
“Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày
Có thuốc trường sinh càng khoẻ thay
Hổ phách phục linh nhìn mấy biết
Dành, còn để trợ dân này.”
Những câu thơ Nguyễn Trãi viết trong bài thơ “Tùng” như sự khẳng định nhân cách của chính ông, một con người cả đời canh cánh nỗi lòng “ưu quốc ái dân”. Nguyễn Trãi tìm về thiên nhiên, để lại hàng trăm bài thơ chữ Hán và chữ Nôm, hầu như bài thơ nào cũng toát lên vẻ đẹp lồng lộng thanh cao và cứng cỏi như dáng tùng vững chãi giữa tuyết sương, soi chiếu tâm tư của chính nhà thơ. Trong buổi đầu của nền thi ca trung đại Việt Nam, Nguyễn Trãi đã tạo dựng nên một kiểu nhà nho – nghệ sĩ đích thực, khi tâm hồn ông hoà quyện với từng vẻ đẹp đất nước, rung động trước non nước mây trời, cỏ cây hoa lá để người đời sau hình dung đầy đủ diện mạo của con người có tấm lòng sáng tựa “sao Khuê buổi sớm” ấy. Lúc làm quan giữa triều, khi về ở ẩn sống đời thanh bần giữa núi rừng, dù ở đâu thiên nhiên vẫn chiếm một địa vị quan trọng, một người bạn tâm giao để Nguyễn Trãi kí thác nỗi lòng luôn quặn thắt những ưu tư thời thế:
Non cao non thấp mây thuộc
Cây cứng cây mềm gió hay
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết
Bui một lòng người cực hiểm thay
(Mạn Thuật IV)
“Trâu chết để da, người chết để tiếng”, cái tiếng tăm lẫy lừng mà Ức Trai để lại cho hậu thế thật là đời đời khó phai. Tìm hiểu vẻ đẹp thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi giúp ta yêu hơn quê hương đất Việt, hiểu hơn tấm lòng trung quân ái quốc cũng như sự nhạy cảm, tinh tế của thi sĩ, qua đó tự hào về nền văn hóa dân tộc.
II. Thân bài.
Thơ Nguyễn Trãi đã dành cho thiên nhiên một địa vị cao sang. Màu xanh của cỏ, tiếng rì rầm của suối, bóng thông ven núi, tiếng cuốc gọi hè, vầng trăng soi vào chén rượu, cây chuối, cành mai, hoa sen trong đầm, hoa lựu thắp đỏ ngoài hiên… đã đi vào thơ Ức Trai như một phần của tâm hồn thi sĩ. “Trại đầu xuân độ” là một bài thơ xuân đẹp như đóa hoa rực rỡ ngát hương trong “Ức Trai thi tập”.
Độ đầu xuân thảo lục như yên,
Xuân vũ thiêm lai thuỷ phách thiên.
Dã kính hoang lương hành khách thiểu,
Cô châu trấn nhật các sa miên.
Bài thơ tả cảnh một ngày mưa xuân trên bến đò đầu trại. Cảnh vật như mờ đi, chìm đi trong một không gian bao la tĩnh lặng. Ức Trai đã viết bài thơ này trong những tháng năm sống ở Côn Sơn. Bao trùm lên không gian, lên bến đò là một màu xanh thẫm như khói của cỏ xuân. Vì đã cuối xuân nên sắc cỏ xanh rì, đứng xa thấy thảm cỏ xanh như khói. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh tạo nên một hình ảnh cụ thể ca ngợi vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thôn dã nơi bến đò đầu trại: “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi”. Câu thứ hai tả dòng sông với những con sóng “nước vỗ trời” (thuỷ phách thiên). Vì đã cuối xuân, trời mưa nhiều nặng hạt chuẩn bị cho những trận mưa rào đầu hè. Nước dòng sông dâng lên. Trời mưa, gió thổi, đứng xa ngắm cảnh thấy trên mặt sông nước bắn lên, vỗ lên ngang trời. Đó là một nét vẽ thậm xưng đặc tả con sóng trên dòng sông xuân một ngày mưa. Con sóng ấy, hình ảnh “nước vỗ trời” ấy biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của mùa xuân: “Lại có mưa xuân nước vỗ trời”. Mưa xuân là nét đặc trưng của mùa xuân Việt Nam bao trùm vạn vật, điều đó ai cũng có thể thấy được, nhưng cảm nhận “nước vỗ trời” trên dòng sông xuân, sự vận động của mùa xuân, bước đi của mùa xuân thì chỉ riêng Ức Trai mới biết đến và có một lối nói rất thơ. Hình ảnh trung tâm của “Bến đò xuân đầu trại” nằm ở câu thơ cuối: “Cô châu trấn nhật các sa miên” (Thuyền mồ côi suốt ngày gác đầu lên bãi mà ngủ). Trời mưa, không có khách qua đò. Con đò nay trở thành mồ côi, đơn độc. Con đò được nhân hóa đang nằm ngủ an nhan, ngon lành, gối đầu lên bãi cát mà ngủ. Mỗi câu thơ đầy thi vị, thơ mộng. Con thuyền, con đò là hình ảnh được nói nhiều trong thơ Nguyễn Trãi. Và hầu như lúc nào cũng làm cho người đọc liên tưởng đến tâm tình nhà thơ trong những tháng ngày dài đi ở ẩn: nhàn tản, thư thái, ung dung:
- “Nước biếc non xanh, thuyền gối bãi,
Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu”.
- “Hương cách gác vân thu lạnh lạnh
Thuyền kề bãi tuyết nguỵệt chênh chênh…”
- “ Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,
Thuyền chở yên hà nặng vạy then”.
(Quốc âm thi tập)
Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt “Trại đầu xuân độ”, Nguyễn Trãi đã khắc họa cảnh vật để tạo nên bức tranh xuân hữu tình: màu xanh của cỏ, mặt sông vỗ sóng, con đường nội, con đò mồ côi nằm ngủ. Các biện pháp tu từ như so sánh, thậm xưng, nhân hóa được vận dụng tinh tế, nhằm tạo hình và gợi cảm. Khung cảnh tĩnh lặng, bình yên, thoáng một nỗi buồn cô đơn. Tâm sự của nhà thơ được giãi bày kín đáo qua những vần thơ trong sáng nhẹ nhàng, thơ mộng. Một bức tranh xuân xinh xắn, điển hình cho mùa xuân làng quê trong thế kỷ XV. Bài thơ xuân đẹp đến kì lạ, là một mùa xuân rất riêng của Ức Trai, nhưng cũng là mùa xuân chung của đất nước, làm ta yêu thêm mùa xuân quê nhà.
Vẻ đẹp thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi hiện lên với nhiều cung bậc. Nếu như “Trại đầu xuân độ” thể hiện sự tinh tế, nhàn nhã của thiên nhiên trong thơ Ức Trai thì “Bạch Ðằng hải khẩu” thể hiện chí khí của người anh hùng trong Ức Trai, bao trùm toàn bài thơ là cảm hứng lịch sử, là niềm tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi đến thăm cửa biển Bạch Đằng với cánh buồm thơ lộng gió tâm hồn thi sĩ. Gió bấc thổi mạnh trên mặt biển. Hình ảnh “cánh buồm thơ nhẹ” là một nét vẽ thần tình và tài hoa:
“Sóc phong xung hải khí lăng lăng, Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Ðằng.”.
Ngắm biển trời bát ngát mênh mông, nhà thơ xúc động miêu tả cảnh núi non, bờ bãi nơi cửa biển Bạch Đằng bằng hai nét vẽ ẩn dụ hoành tráng, cái cao cái thấp, cái gần cái xa, đăng đối gợi cảm:
“Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc, Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.”
Núi nhấp nhô từng khúc như cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ. Kình ngạc tượng trưng cho lũ giặc dữ, Nguyễn Trải chỉ ra lũ giặc phương Bắc bị quân ta tiêu diệt trên Bạch Đằng Giang. Bờ bãi lớp lớp như giáo gươm bị chìm gãy chồng chất lên, là hình ảnh ẩn dụ gợi tả sự thất trận của lũ giặc Nam Hán, giặc Tống, giặc Nguyên Mông thuở nào. Hai câu thơ có hình tượng kỳ vĩ, hàm súc giàu chất liên tưởng, mang cảm hứng lịch sử oai hùng. Sông Bạch Đằng, cửa biển Bạch Đằng là tử địa quân xâm lược phương Bắc:
“Bạch Đằng một cõi chiến tràng
Xương phơi trắng đất, máu màng đỏ sông”
(Đại Nam Quốc sử diễn ca)
Nguyễn Trãi nhận ra những mối tương quan trời đất và con người khi suy ngẫm trước cảnh trời đất vô cùng, ngậm ngùi cho mối hận anh hùng, suy ngẫm về gốc rễ vững bền của đất nước, trong bài thơ “Quan hải” ông đã khẳng định :
“Phúc chu thủy tín dân do thuỷ
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỉ thiên niên.”
Có lẽ chưa ai nhìn thiên nhiên đất trời mà luận anh hùng sâu sắc như Nguyễn Trãi, anh hùng là phẩm chất cá nhân, nhưng muốn thành nghiệp lớn phải gắn với nhân dân như thuyền với nước, đều này cho thấy tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Trãi trước khuôn khổ gò bó của lễ giáo phong kiến đương thời.
Những câu thơ tiếp của “Bạch Ðằng hải khẩu” trở nên sâu lắng trong suy tưởng. Nguyễn Trãi khẳng định quan hà hiểm yếu. Sông Bạch Đằng hiểm yếu do thiên nhiên sắp đặt ra. Cũng là nơi để bậc anh hùng dụng binh chống giặc, lập nên bao chiến công lừng lẫy: “Tiếng thơm đồn mãi – Bia miệng chẳng mòn” (Trương Hán Siêu). Phép đối tạo nên vần thơ đẹp, ca ngợi núi sông hiểm trở, dân tộc Đại Việt có nhiều anh hùng hào kiệt:
“Quan hà bách nhị do thiên thiết, Hào kiệt công danh thử địa tằng”.
Tên tuổi những anh hùng như Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Quốc Tuấn… bất tử với sông Bạch Đằng lịch sử. Giọng thơ càng về cuối càng thiết tha sâu lắng. Đối cảnh mà sinh tình, nhìn cảnh mà nhớ bóng người xưa, lòng dạ cảm hoài bâng khuâng khôn xiết. Hoài niệm tạo nên chất thơ. Tự hào, nhớ thương, nghĩ về cái còn và cái mất, cái hiện tại và cái đã qua:
“Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ, Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.”
Cũng nói về hồn thiêng sông núi, cũng nói về đất nước và con người Việt Nam, ca ngợi sức mạnh Việt Nam mà thi nhân chỉ qua một cửa biển, một dòng sông Bạch Đằng đã lột tả được cái thần của đều cần nói. Mỗi chữ, mỗi câu thơ, mỗi hình ảnh về cửa biển Bạch Đằng mà nhà thơ nói đến như nâng cao tầm vóc lớn lao của dân tộc để chúng ta yêu thêm sông núi Tổ quốc, yêu thêm truyền thống anh hùng của dân tộc và tin tưởng vào tiền đồ xán lạn của đất nước muôn đời. Có thể kết luận “Cửa biển Bạch Đằng” là bài thơ kiệt tác tiêu biểu cho hồn thơ trang trọng, hào hùng và tráng lệ của Nguyễn Trãi.
Một địa danh nữa mà ta không thể không nhắc đến khi tìm hiểu về vẻ đẹp thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi, đó chính là Côn Sơn. Thời thơ ấu, Nguyễn Trãi từng sống với mẹ và ông ngoại tại đấy. Nhà thơ đã xem Côn Sơn là “quê cũ” của mình. Trong “Ức Trai thi tập” và “Quốc âm thi tập”, ông có nhiều bài thơ về Côn Sơn với tình cảm thắm thiết. Bao nhiêu lần nhờ hồn mộng mà tìm làng cũ: “Kỷ thác mộng hồn tầm cố lý”, làng quê mới qua, như thấy chiêm bao đến: “Hương lý tài qua như mộng đáo”.
“Quê cũ nhà ta thiếu của nào?
Rau trong nội, cá trong ao.
(…)
Cảnh thanh dường ấy về chăng nghỉ.
Lẩn thẩn làm chi áng mận đào?”
(“Mạn thuật” – 13)
Trong những bài thơ viết về Côn Sơn của Nguyễn Trãi, “Côn Sơn ca” được xem là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất, thể hiện sự giao cảm giữa thi sĩ với thiên nhiên, cũng là bài ca tâm trạng thời thế, triết lý về cuộc đời của Ức Trai.
“Côn sơn hữu tuyền, kỳ thanh linh linh nhiên, ngô dĩ vi cầm huyền.
Côn sơn hữu thạch, vũ tẩy đài phô bích, ngô dĩ vi đạm tịch.”
(Côn Sơn suối chảy rì rầm, ta nghe tiếng đàn huyền cầm.
Côn Sơn có đá sạch trong, ta ngồi nghe cõi lòng thanh đạm, yên tịnh).
Cảnh đẹp thứ nhất là suối Côn Sơn, tiếng nước chảy róc rách như tiếng đàn cầm. Cảnh đẹp thứ hai là đá, mưa sạch rêu biếc như chiếu êm. Cảnh đẹp thứ ba là rừng thông, tán lá như những chiếc lọng rủ bóng đáng yêu gắn bó với tâm hồn nhà thơ. Suối, đá, trúc, thông là nơi nương tựa, nâng đỡ tâm hồn, là đối tượng để thi nhân cùng với thiên nhiên giao hòa giao cảm, để “ta cho là đàn cầm”, để “ta cho là đệm chiếu”, để “ta nghỉ ngơi” trong rừng thông, để “ta ngân nga” bên rừng trúc. Hình ảnh thơ là âm thanh, là màu sắc gắn liền với cảm giác, với tâm hồn thi sĩ bằng những liên tưởng vô cùng thiết tha, đằm thắm:
“Nham trung hữu tùng, vạn lí thúy đồng đồng, ngô ư thị hồ yên tức kì trung Lâm trung hữu trúc, thiên mẫu ấn hàn lục, ngô ư ngâm tiếu kì trắc.” Gắn bó, chan hoà với suối, đá, thông, trúc Côn Sơn, chính là biểu lộ tấm lòng của Nguyễn Trãi đối với quê cũ yêu thương. Mấy chục năm trời loạn lạc, ly hương, không đêm nào ông không nằm mộng nhớ quê nhớ luống cúc vười cũ: “Tưởng nhớ vườn nhà ba rặng cúc, Hồn về đêm vẫn gửi chiêm bao”
(“Ngày thu ngẫu nhiên làm”- Thơ dịch)
“Côn Sơn ca” được ra đời sau khi Nguyễn Trãi đã làm xong nhiệm vụ kẻ sĩ thời đất nước loạn ly là giúp minh quân giành giang sơn, đem lại thái bình cho trăm họ. Sĩ khí đã thành, công danh đã toại, ông muốn quay về để sống cuộc sống an nhàn, giản dị nơi chốn có ngàn thông, nhiều trúc, có suối chảy, đá khe, sông núi hữu tình. Ông đã viết trong Côn Sơn Ca:
“Vấn quân hồ bất qui khứ lai, bán sinh trần thổ trường giao cốc,
Vạn chung cửu đỉnh hà tất nhiên, ẩm thủy phạn sơ tùy phận túc”.
Dịch thơ :
“Hỏi anh sao chẳng về thôi?
Bám đeo đất bụi nửa đời buộc giăng?
Muôn chung, chín đỉnh nào cần!
Phận tùy nước uống, rau ăn đủ liều…”
Và như một thiền sư đạt đạo, ông đã thấu rõ những hệ lụy nhân sinh trong cõi đời, cõi vô thường:
“…Quân bất kiến Đổng trác hoàng kim doanh nhất ổ Nguyên tải hồ tiêu bát bách hộc Hựu thúc kiến Bá Di dữ Thúc Tề, Thú Dương ngạ tự bất thực túc? Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu, diệc các tự cầu kì sở dục Nhân sinh bách tuế nội, tất cánh đồng thảo mộc Hoan bi ưu lạc điệt vãng lai, nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục. Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên, tử hậu thùy vinh cánh thùy nhục.…”.
Dịch thơ :
“… Thấy chăng: Đổng Trác vàng nhiều
Tám trăm Nguyên tải hồ tiêu hộc tràn.
Bá Di, họ Thúc thấy chăng?
Thủ Dương chết đói chẳng ăn gạo rồi!
Hiền, ngu: hai kẻ đôi nơi,
Đều tìm ham muốn riêng người mình thôi
Trong vòng trăm tuổi con người
Rốt cùng cũng giống như đời cỏ cây.
Vui, buồn, lo, sướng đổi thay?
Vẻ vang, tàn tạ quay về nối nhau.
Thế rồi gò núi, nhà cao,
Ai vinh, ai nhục mai sau qua đời?...”
(Côn Sơn Ca)
Giàu sang, danh vọng, hiền, ngu… đều còn lại nắm cỏ trên đồi. Thấy được điều đó, ít nhiều Nguyễn Trãi từng thấm đượm tư tưởng của đạo Phật và của Lão giáo. Hai tư tưởng ấy quyện lẫn vào thơ của ông để cho chúng ta thấy được nét thanh cao của những người chọn niềm vui trong cảnh sông núi, vui thú điền viên, xa lánh cái ồn ào của chốn lợi danh:
“Trường thiên mạc mạc thủy du du,
Hoàng lạc sơn hà thuộc mộ thu.
Tiễn sát hoa biên song bạch điểu,
Nhân gian lụy bất đáo thương châu”
(Văn lập)
Dịch thơ :
“Bao la trời nước mênh mông,
Lá thu vàng rụng, núi sông cuối mùa.
Thèm đôi chim trắng bên hoa,
Cõi người phiền lụy chẳng qua bãi này”
(Đứng ngắm cảnh chiều)
Thiên nhiên như được thổi hồn theo dòng cảm xúc của thi sĩ, với Ức Trai thiên nhiên không chỉ mang vẻ đẹp đơn thuần mà đó còn là người bạn tâm giao, là tiếng nói tâm tình, là nơi gửi gắm ưu tư thế sự… Làm quan, con đường lắm chông gai trắc trở và nhất là nó chẳng đem lại niềm vui đích thực, cho nên Nguyễn Trãi vẫn trông ngóng về một cố hương xa xôi:
“… Kính trung bạch phát giai nhân lão,
Thân ngoại phù danh mạn nhĩ lao.
Miến tưởng cố viên tam kính cúc,
Mộng hồn dạ dạ thượng quy đao”
(Thu nhật ngẫu thành)
Tâm hồn Ức Trai là sự hòa quyện tuyệt diệu giữa cái thanh cao, tao nhã với sự bình dị, chân chất. Côn Sơn là chốn xưa gắn bó với Ức Trai tiên sinh từ thuở ấu thời. Côn Sơn cũng là hình ảnh của núi xưa, quê cũ trong tâm khảm của những người luôn mơ ước được nhàn dật, tiêu sái. Cảnh quê thanh bình hiện lên trong những vần thơ của thi nhân, thiên nhiên bao phủ là thiên nhiên của ngàn đời đất Việt, là nơi có thể gạn lắng những phiền toái của cuộc đời, Nguyễn Trãi đã từng mơ mộng:
“Thanh Hư động lý trúc thiên can,
Phi bộc phi phi lạc kính hàn.
Tạc dạ nguyệt minh thiên tụ thủy,
Mộng kỵ hoàng hạc thượng tiên đàn”
(Mộng sơn trung)
Dịch thơ :
“Thanh Hư động trúc hàng ngàn,
Ào ào thác đổ lạnh màn gương soi.
Sáng trăng trời nước đêm rồi,
Hạc vàng mơ cưỡi lên nơi cõi Bồng”
(Giấc mộng trong núi)
Ức Trai tiên sinh luôn ý thức về những nỗi bất ổn, những trói buộc, hiểm họa thừ chốn quan trường, ông biết rõ con đường về ở ẩn, tránh hệ lụy nhân sinh là con đường nên làm. Một lần nữa, Ức Trai lại dùng thiên nhiên để bộc bạch tâm sự:
“… Tùng cúc do tồn quy vị vãn,
Lợi danh bất tiễn ẩn phương chân.
Ta dư cửu bị nho quan ngộ
Bổn thị canh nhàn điếu tịch nhân”
(Đề Từ Trọng Phủ canh ẩn đường)
Dịch thơ :
“… Khi về, tùng cúc còn nơi,
Chẳng ham danh lợi, lánh đời phải thôi.
Mũ nho lầm lụy lâu rồi,
Cày nhàn, câu cá vốn người chuộng yêu.”
(Đề nhà ở ẩn để cày cấy của Từ Trọng Phủ)
Bản thân nhà thơ dẫu chán ngán cảnh quan trường, nhưng không hề run sợ khuất phục trước cường quyền, không phải lánh đời theo triết lý “độc thiện kỳ thân” mà chính thiên nhiên tiếp cho ông sức mạnh, tìm ra cách ứng xử với bọn quyền thần một cách đầy dũng khí. Thiên nhiên ấy hun đúc nên một Nguyễn Trãi đầy khí phách:
Mai chăng bẻ thương cành ngọc,
Trúc nhặt vun tiếc cháu rồng
Bui một tấc lòng ưu ái cũ,
Ðêm ngày cuồn cuộn nước chầu đông.
(Ngôn chí, 50)
Càng đọc thơ của ông, chúng ta càng thấm thía và xót xa cho nỗi oan khuất của vụ án Lệ Chi viên đưa đến thảm họa phải bị “tru di tam tộc”. Hệ lụy đau thương ấy ông đã thấy từ trước, nó xảy ra cho nhiều kẻ sĩ như ông không thích ra luồn vào cuối, xu nịnh, a dua với những kẻ cơ hội. Khi cuộc đời còn danh lợi, còn tranh giành, còn đố kỵ là còn những nỗi nhọc nhằn, những tai họa rình rập cho những người có liêm sĩ. Ông muốn xa rời khỏi chốn lợi danh vẩn đục ấy:
“Lãm huy nghĩ học minh dương thượng.
Viễn hại chung vi tỵ dặc hồng.”
(Hòa Hương tiên sinh vận giản chư đồng chí)
Dịch thơ :
“Hót theo phượng dõi ánh trời,
Làm chim hồng vút xa nơi hại người…”
(Hòa cùng Hương tiên sinh chọn vần với các người cùng chí hướng)
Bên cạnh những bài thơ truyền thống với những biểu tượng thiên nhiên gắn với người quân tử như “tùng trúc cúc mai” còn là những loài hoa cỏ bình thường nhưng lại toả ra phẩm chất thi nhân của Nguyễn Trãi tinh tế nhất. Thưởng thức lại những vần thơ cô đọng mà thấm đượm vẻ tình tứ trong bài Cây chuối, ta mới thấy Nguyễn Trãi đã vượt trước thời đại mình biết bao nhiêu:
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem
Chúng ta có thể hình dung một Nguyễn Trãi “Cơm ăn chẳng quản dưa muối – Áo mặc nài chi gấm thêu” giữa một thiên nhiên rất giàu cảm xúc và đậm nét đời thường:
Quê cũ nhà ta thiếu của nào,
Rau trong nội, cá trong ao.
Cách song mai tỉnh hồn Cô Dịch ,
Kề nước cầm đưa tiếng Cửu Cao
Khách đến vườn còn hoa lạc,
Thơ nên cửa thấy nguyệt vào.
Cảnh thanh dường ấy chăng về nghỉ,
Lẩn thẩn làm chi áng mận đào
(Mạn thuật, 35)
Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi không chỉ là cảnh đẹp, nó như người tài nữ, vừa kiêu sa, vừa có học thức uyên bác, nó ngụ ý, ngụ tình. Thơ thiên nhiên gắn với tâm hồn trí tuệ của một con người lừng danh “viết thư, thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời” cũng mang theo cái mạnh mẽ phóng khoáng của một tấm lòng nặng niềm “ưu ái”, bao giờ cũng phảng phất bóng dáng con người hăm hở gánh vác giang sơn, trổ tài kinh bang tế thế để thực hiện hoài bão trí quân trạch dân. Bên cạnh đó là một thiên nhiên chất chứa ưu tư, lung linh trong cảm xúc của một hồn thơ nhạy cảm. Lấy “phong, nguyệt” làm bầu bạn, lấy “yên, hà” làm nguồn vui mấy ai trong thiên hạ có đời sống tinh thần phong phú và thanh cao như Nguyễn Trãi. Tâm hồn và sự nghiệp của ông mãi mãi là vì sao sáng như Lê Thánh Tông truy tặng “Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo”.
III. Kết luận.
Qua những bài thơ viết về thiên nhiên của Nguyễn Trãi, ta có thể nhận ra đầy đủ chân dung một con người hội tụ “khí phách của dân tộc, tinh hoa của thời đại”. Thiên nhiên mà ông tìm đến cũng là một thiên nhiên đầy sức sống, thanh cao như tâm hồn ông luôn cuồn cuộn hoài bão lo cho dân cho nước. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những vần thơ của ông vẫn toát lên vẻ đẹp của con người chân chính, là “tài năng làm hay làm đẹp cho nước xưa nay chưa từng thấy” đúng như những lời ca ngợi hậu thế dành cho ông. Thiên nhiên đến với nhà thơ trong tư cách “Núi láng giềng, chim bầu bạn, mây khách khức, nguyệt anh tam”, nên ông cũng thả lòng mình thật tự nhiên không rào đón:
“Cò nằm hạc lặc nên bầy bạn, Ủ ấp cùng ta làm cái con. Láng giềng một áng mây bạc, Khách khứa hai ngàn núi xanh.”
Thơ Nguyễn Trãi luôn chan hòa tình cảm đối với thiên nhiên, con người. Ông có cách nhìn, cách cảm tuyệt riêng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, chân thành tha thiết trong tình bạn, hóm hỉnh nhưng tế nhị, sâu sắc trong tình người. Nguyễn Trãi cũng là một nhà Nho ẩn dật không thành, môt nhà nho mang tư tưởng Nho giáo nhưng là kiểu Nho giáo bình dị, thiết thực. Ông yêu thiên nhiên, nhưng trên hết vẫn là tấm lòng của ông tha thiết với con người, với dân, với nước, những trang thơ của của Nguyễn Trãi cũng đầy ắp nền nếp sinh sống hằng ngày, cỏ cây hoa lá, ao vườn, và nhắn nhủ vạn kiếp sau về một cuộc sống yên bình, vẻ đẹp thiên nhiên hiện lên giữa cuộc sống thường nhật : “…Tựa gốc cây ngồi hóng mát/ Lều hiu ta hãy một lều hiu….” Tư tưởng nhân nghĩa là đỉnh cao chói sáng trong thơ Ức Trai vì vậy mà những câu thơ về thiên nhiên cũng rất gần gũi với cuộc sống, với con người, thể hiện trí tuệ sáng suốt của một thiên tài và bản lĩnh của người anh hùng dân tộc. Cuộc đời Nguyễn Trãi cho chúng ta bài học quý báu về tinh thần nhân đạo, nhiệt tình chiến đấu, quan điểm mạnh dạn đổi mới, sáng tạo cũng như một tâm hồn thanh khiết, gần gũi với thiên nhiên. Từ tình yêu đó Nguyễn Trãi đã viết được những câu thơ tuyệt đẹp:
“Nước biếc non xanh thuyền gối bãi, Ðêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu. Hương cách gác vân thu lạnh lạnh, Thuyền kề bãi tuyết nguyệt chênh hênh.”
Cảnh sắc thiên nhiên trong thơ của Nguyễn Trãi đẹp đẽ, thuỷ chung, sáng ngời trung hiếu như cuộc đời ông vậy. Hậu sinh nhớ đến ông không chỉ là một bậc khai quốc công thần của thời Lê sơ mà còn là một thi sĩ, một nghệ sĩ chân chính của mọi thời đại. Đọc lại những vần thơ của thi nhân, ta có thể kết luận rằng Ức Trai đã để lại cho dân tộc “một nền thơ ruột rà và quen thuộc, một cái gì như là một Tổ quốc thơ” (Jacques Gaucheron), in dấu vân tay tài hoa và kiệt xuất của mình lên văn học đời đời, trở thành sứ giả tiêu biểu của văn hoá Việt Nam đưa thông điệp của dân tộc đến với nhân loại.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Vẻ đẹp thiện nhiên trong thơ Nguyễn Trãi.doc