MỤC LỤC
Trang
I Một số vấn đề lý luận về các nguyên tắc cơ bản trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam.
1
1 Khái niệm 1
2 Một số đặc điểm cơ bản 1
3 Cách phân loại 2
II Nguyên tắc xét xử công khai 3
1 Cơ sở pháp lý 3
2 Nội dung nguyên tắc 4
3 Ý nghĩa của nguyên tắc 5
4 Điều kiện đảm bảo thực hiện nguyên tắc 6
Danh mục tài liệu tham khảo
8
5 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 5960 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Ý nghĩa, nội dung nguyên tắc xét xử công khai và điều kiện đảm bảo thực hiện nguyên tắc này, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÀI TẬP NHÓM THÁNG 1
MÔN: LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Đề bài số 11
Ý nghĩa, nội dung nguyên tắc xét xử công khai và điều kiện đảm bảo thực hiện nguyên tắc này.
BÀI LÀM
I. Một số vấn đề lý luận về các nguyên tắc cơ bản trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam.
1. Khái niệm.
Các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự là những phương châm, những định hướng chi phối tất cả hoặc một số hoạt động tố tụng hình sự, được các văn bản pháp luật ghi nhận ((1). Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr.45
).
Những nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự là kim chỉ nam cho mọi hoạt động trong tố tụng hình sự. Các nguyên tắc này không chỉ định hướng cho hoạt động tố tụng hình sự mà nó còn định hướng cho việc xây dựng pháp luật trong thực tiễn ((2). Trường ĐH Luật Hà Nội, Những nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2000, tr.6
). Ngoài việc được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự (trong Chương 2 – Bộ luật Tố tụng hình sự 2003), nội dung của một số nguyên tắc còn được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác liên quan như Luật tổ chức Toà án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân…
2. Một số đặc điểm cơ bản.
- Trước hết, nguyên tắc của luật tố tụng hình sự là tư tường chủ đạo và là định hướng cơ bản, hay nói một cách khác, mỗi nguyên tắc bao giờ cũng phải là tiền đề quan trọng nhất phản ánh quan điểm của các nhà làm luật trong việc dùng pháp luật tố tụng hình sự điều chỉnh một lĩnh vực nhất định tương ứng với một quan hệ xã hội nhất định nào đó liên quan đến lĩnh vực ấy.
- Các nguyên tắc của luật tố tụng hình sự bao giờ cũng được thể hiện qua 3 hình thức: trong pháp luật tố tụng hình sự (luật thực định), trong việc giải thích và trong thực tiễn áp dụng các quy phạm pháp luật Tố tụng hình sự.((1). TSKH Lê Cảm, Những vấn đề lý luận cơ bản về chế định các nguyên tắc của luật tố tụng hình sự, Tạp chí kiểm sát số 05, 2004.
)
- Một khi đã được đưa vào luật thực định, thì nguyên tắc của tố tụng hình sự bao giờ cũng được các nhà làm luật ghi nhận trong một hoặc nhiều quy phạm và chế định tương ứng.
3. Cách phân loại.
Là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, luật Tố tụng hình sự không những chịu sự chi phối của các nguyên tắc chung trong hệ thống pháp luật như: Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa; Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật… mà nó còn mang trong mình tới 30 nguyên tắc cơ bản (quy định từ Điều 3 đến Điều 32 – Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003). Trong thực tiễn cũng như lý luận hiện nay có nhiều cách phân loại nhưng trong khuôn khổ bài tập này, chúng em xin phép được phân chia các nguyên tắc cơ bản này ra thành 2 nhóm: ((2). Dựa theo cách phân chia trong Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 2006, Trường ĐH Luật Hà Nội, Nxb. Tư pháp.
)
- Nhóm các nguyên tắc đặc thù như: Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật (Điều 9); Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (Điều 11); Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự (Điều 13); Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự (Điều 23); Bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan (Điều 29)…
- Nhóm các nguyên tắc khác như: Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự (Điều 3); Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân (Điều 4); Bảo đảm quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật (Điều 5); Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân (Điều 6); Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân (Điều 7); Toà án xét xử tập thể (Điều 17); Xét xử công khai (Điều 18); Bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án (Điều 19)…
Tố tụng hình sự là một ngành luật có khá nhiều nguyên tắc cơ bản nhưng trong phạm vi bài tập này, nhóm chúng em chỉ đề cập và phân tích về nội dung, ý nghĩa và điều kiện đảm bảo thực hiện của nguyên tắc “Xét xử công khai”.
II. Nguyên tắc xét xử công khai.
1. Cơ sở pháp lý
Nguyên tắc xét xử công khai được quy định trong Hiến pháp các năm của nước ta.
Điều 67 – Hiến pháp 1946 quy định: “Các phiên tòa phải công khai, trừ trường hợp đặc biệt”.
Điều 101 – Hiến pháp 1959 quy định: “Việc xét xử tại các tòa án nhân dân đều công khai, trừ trường hợp Luật định”.
Điều 133 – Hiến pháp 1980 quy định: “Tòa án nhân dân xét xử công khai, trừ trường hợp Luật định”.
Điều 131 – Hiến pháp 1992 quy định: “Tòa án nhân dân xét xử công khai, trừ trường hợp Luật định”.
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2003 đã cụ thể hóa tư tưởng này tại Điều 18:
“Xét xử công khai.
Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”.
Ngoài ra nguyên tắc này còn được quy định trong Điều 7 – Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2003 như sau:
“Tòa án xét xử công khai, trừ trường hợp cần xét xử kín để giữ gìn bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của các đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ”.
2. Nội dung nguyên tắc.
Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đạt độ tuổi nhất định (từ 16 tuổi trở lên) đều có quyền tham dự phiên toà. Trong thực tế có nhiều vụ án thu hút được sự chú ý hoặc gây bất bình lớn trong dư luận nên số người muốn tham gia phiên toà quá đông, trong trường hợp này Toà án có thể chỉ mời một số đại biểu cơ quan đoàn thể đến dự phù hợp với chỗ ngồi của phòng xử án để đảm bảo trật tự cho phiên toà.
Ví dụ: Phiên toà phúc thẩm xử tám giáo dân của Giáo xứ Thái Hà (để xem xét lại bản án sơ thẩm kết tội họ huỷ hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng) bắt đầu sáng ngày 27/03/2009 tại cơ sở 2 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đường Nguyễn Trãi, Hà Đông. Có tới hơn một nghìn giáo dân đã tụ họp bên ngoài phòng xử án vào sáng ngày hôm đó, chia cắt họ là các barie ngăn đường và lực lượng cảnh sát cơ động. Chỉ có một vài nhà báo và ít nhất một nhà ngoại giao nước ngoài được vào bên trong khu xử án nhưng những người này cũng chỉ được theo dõi phiên xử qua màn ảnh Tivi.
Chỉ trong những trường hợp đặc biệt, cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín. Đối với những trường hợp trên, những người không có nhiệm vụ không được tham dự phiên toà xét xử đối với toàn bộ hay một phần vụ án. Tuy nhiên trong mọi trường hợp Toà án đều phải tuyên án công khai.
Ví dụ:
- Việc xét xử kín nhằm bảo vệ thuần phong mỹ tục: ngày 09/06/2008, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã xử kín vụ phát tán video clip sex của diễn viên, ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh. Toà án đã tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Hữu Tài, Vũ Thị Thuỳ Linh, Võ Thanh Hiệp và Nguyễn Thu Linh từ 20 đến 30 tháng tù cho hưởng án treo về tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy. Đây là lần đầu tiên Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử một vụ án liên quan đến việc phát tán phim sex lên mạng internet. Vì thế, toàn bộ vụ án được xử kín cho tới phút cuối với lực lượng cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt do vụ án có nội dung trái với thuần phong mỹ tục...
- Việc xử kín theo yêu cầu chính đáng của nạn nhân: ngày 29/10/2000, vụ nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban thể dục thể thao Lương Quốc Dũng hiếp dâm trẻ em được Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xử kín nhằm bảo vệ danh dự cho nạn nhân (trong vụ án này, Dũng bị lĩnh án 8 năm tù). Danh sách người tham dự phiên xử cũng bị hạn chế, phóng viên các báo đài cũng không được có mặt…
3. Ý nghĩa của nguyên tắc.
Công khai là một trong những thuộc tính quan trọng của xã hội dân chủ. Trong tư pháp nói chung và tư pháp hình sự nói riêng, xét xử công khai được hiểu như một tư tưởng xuyên suốt quá trình tổ chức và hoạt động của nó. Do vậy, Hiến pháp nước ta ghi nhận nguyên tắc đó, Bộ luật tố tụng hình sự cụ thể hóa và coi đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Chính vì thế mà nguyên tắc xét xử công khai có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo thiết chế dân chủ:
- Đảm bảo cho việc xét xử có hiệu quả giáo dục cao, thu hút đông đảo lực lượng xã hội tham gia đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
- Góp phần vào việc giáo dục và nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện cho tòa án có thể thông qua hoạt động xét xử thực hiện chức năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Bảo đảm cho nhân dân giám sát được hoạt động xét xử của Toà án. Sự giám sát một cách trực tiếp của người dân và các cơ quan báo chí đối với công tác xét xử sẽ góp phần làm cho việc xét xử được dân chủ và nâng cao tính xã hội hóa.
- Nguyên tắc này còn có tác dụng bảo đảm cho hoạt động xét xử được đúng đắn, nâng cao tinh thần trách nhiệm của Toà án cũng như Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Luật sư bào chữa…phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
à Hoạt động xét xử nói riêng cũng như mọi hoạt động khác của Nhà nước nói chung nếu không được công khai và triệt tiêu sự giám sát của nhân dân đều có khả năng dẫn đến chuyên quyền, quan liêu và tạo điều kiện cho nạn tham nhũng được hoành hành.
4. Điều kiện đảm bảo thực hiện nguyên tắc.
Có một thực tế đang diễn ra trong thời gian gần đây là có nhiều phiên toà thu hút được sự chú ý đông đảo của quần chúng nhân dân, dẫn đến tình trạng số lượng người muốn tham gia vào phiên xử quá đông, gây nên việc mất an ninh trật tự, làm cho lực lượng cảnh sát bảo vệ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Thay vì khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tham gia thì lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa và Tòa án cố tình ngăn cản không cho người dân tham gia với lý do:
- Phòng xử án hẹp, không đủ chỗ.
- Tham gia đông không đảm bảo trật tự phiên tòa.
- Cá biệt, có Tòa còn yêu cầu người tham gia phải có đơn xin tham dự.
Chỉ ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, vụ án phải xét xử kín để giữ bí mật Nhà nước, bảo vệ thuần phong mỹ tục hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ (quy định tại Điều 18 – Bộ luật tố tụng hình sự 2003) còn lại các vụ án khác khi đưa ra xét xử công khai đều không thể hạn chế số lượng người tham gia vì điều đó là vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự và cao hơn nữa là những hành động vi phạm hiến pháp. Để khắc phục tình trạng nêu trên và tránh tình trạng vi phạm “Nguyên tắc xét xử công khai” thì cần có một số điều kiện sau đây
- Về phía người dân: cần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự khi tham dự phiên toà.
- Về phía Tòa án có thể tiến hành một số giải pháp:
+ Tạo điều kiện thuận lợi cho giới truyền thông tham gia, để những người dân không tham dự trực tiếp có thể xem qua các kênh này.
+ Phòng xử án hẹp, thiếu chổ, Tòa có thể bố trí loa phát thanh ngoài phòng xử án để người dân không vào phòng xử án có thể nghe những diễn biến của phiên tòa.
+ Nếu có điều kiện tòa có thể dùng camera và các màn hình đặt ngoài phòng xử án để người dân trực tiếp theo dõi diễn biến phiên toàn.
+ Trong trường hợp cần thiết Tòa có thể xử ở nơi khác (ngoài trụ sở Tòa án). Như vậy, Tòa có thể thuê, mượn những nơi có điều kiện hơn như sân vận động, nhà hát hay hội trường lớn...
+ Tòa án và lực lượng bảo vệ phiên Tòa phải có nghĩa vụ tạo mọi điếu kiện thuận lợi cho mọi người tham dự phiên Tòa. Hành vi cản trở hoặc hạn chế người dân tham dự các phiên Tòa cần phải nghiêm trị.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006;
Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam các năm 1946, 1959, 1980, 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001);
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003
Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2003;
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002;
Trường ĐH Luật Hà Nội, Những nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2000;
TSKH Lê Cảm, Những vấn đề lý luận cơ bản về chế định các nguyên tắc của luật tố tụng hình sự, Tạp chí kiểm sát số 05, 2004.
PGS.TS. Võ Khánh Vinh (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Nxb. CAND, Hà Nội, 2004.
MỤC LỤC
Trang
I
Một số vấn đề lý luận về các nguyên tắc cơ bản trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam.
1
1
Khái niệm
1
2
Một số đặc điểm cơ bản
1
3
Cách phân loại
2
II
Nguyên tắc xét xử công khai
3
1
Cơ sở pháp lý
3
2
Nội dung nguyên tắc
4
3
Ý nghĩa của nguyên tắc
5
4
Điều kiện đảm bảo thực hiện nguyên tắc
6
Danh mục tài liệu tham khảo
8
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- TTHS nhóm- Ý nghĩa, nội dung nguyên tắc xét xử công khai và điều kiện đảm bảo thực hiện nguyên tắc này.doc