Miếu Thành Hoàng có quy mô khiêm tốn, tọa lạc trên một vùng “lùm lòi” rậm rạp ở rẻo đất sát truông rú, thường thì ở cuối làng, đầu làng, có khi miếu Thành Hoàng tọa lạc ở một bên đình làng. Như miếu Thành Hoàng làng Nguyệt Biều (9) nằm ở cuối làng bên mé sông Hương, nơi có rất nhiều cây cổ thụ, tạo nên một nét linh thiêng, cổ kính, người dân thường gọi đây là Miếu Ông. Miếu Ông có diện tích chừng 20m2, bên trong có các cột gỗ, trên lợp ngói liệt, được xây tường gạch bao quanh. Còn miếu Thành Hoàng làng Đức Bưu (10) thì nằm đối diện phía bên trái của đình làng, cách chừng 100m. Trước kia đây là vùng thấp trũng, với những đồng lúa rộng mênh mông, nhưng bây giờ nơi đây đã là những khu định cư với nhiều nhà cao tầng khiến cho miếu Thành Hoàng không còn linh thiêng như trước. Kiến trúc của miếu được xây bằng gạch và trát vữa, bên trong không có cột, với diện tích chừng 15m2. Miếu Thành Hoàng làng Dương Xuân (11) nằm bên trái của đình, miếu rộng chừng 18m2 thờ Bổn Thổ Thành Hoàng Ngô Đại Tướng Quân Tôn Thần, đặc biệt ở phía sau đình có lăng của ngài Bổn thổ Thành Hoàng Ngô Đại Tướng Quân.
8 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 3453 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tín ngưỡng Thành hoàng trong làng xã vùng Huế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TÍN NGƯỠNG THÀNH HOÀNG TRONG LÀNG XÃ VÙNG HUẾ
Lê Văn Thi* Tp Huế
Thần Thành Hoàng được người Việt xem như một vị thần hộ mệnh, có công che chở bảo vệ cho con dân trong làng. Vì vậy, tất cả các làng xã người Việt xưa đều có một vị Thành Hoàng đặc trưng riêng cho làng mình, có thể cùng một vị Thành Hoàng nhưng qua mỗi vùng, miền lại có những câu chuyện, những sự tích khác nhau làm tô thêm sự trang nghiêm, linh ứng cho thần. Chính vì vậy, khi cư dân Việt di cư vào Nam đã mang theo những nét đặc trưng đó và thay đổi sao cho thích hợp với một vùng đất và một nền văn hóa mới…
- Huế trong tiến trình lịch sử
Tuy có sự khác nhau giữa các nguồn sử liệu, song đã có nhiều ý kiến đồng tình với khẳng định vùng đất này trong những thế kỷ đầu Công Nguyên thuộc huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam thời thuộc Hán.
Từ năm 192 sau Công Nguyên vùng đất này thuộc địa bàn nước Lâm Ấp và sau đó là vương quốc Champa kéo dài gần 12 thế kỷ. Sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, biên giới Đại Việt mở rộng dần về phía Nam. Năm 1306, vua Trần Anh Tông gả Huyền Trân Công chúa cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô – Rí (Lý). Năm sau vua Trần cho đổi thành châu Thuận, châu Hóa và đặt chức quan cai trị. Thành Hóa Châu (1) là trị sở và trung tâm chính trị kinh tế hành chính và quân sự của châu Hóa. Sau hơn hai thế kỷ mở mang khai khẩn, đến giữa thế kỷ thứ XVI, lộ Thuận Hóa đã thành nơi "đô hội lớn của một phương". Năm 1636 chúa Nguyễn Phúc Lan dời phủ đến Kim Long là bước khởi đầu cho quá trình đô thị hóa trong lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Huế sau này. Hơn nửa thế kỷ sau, năm 1687 chúa Nguyễn Phúc Thái lại dời phủ chính đến làng Thụy Lôi, đổi là Phú Xuân, ở vị trí tây nam trong kinh thành Huế hiện nay, tiếp tục xây dựng và phát triển Phú Xuân thành một trung tâm đô thị phát đạt của xứ Đàng Trong. Chỉ trừ một thời gian ngắn (1712-1738) phủ chúa dời ra Bác Vọng, song khi Võ Vương (2) lên ngôi lại cho dời phủ chính vào Phú Xuân nhưng dựng ở "bên tả phủ cũ", tức góc đông nam Kinh thành Huế hiện nay. Sự nguy nga bề thế của Đô thành Phú Xuân dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đã được Lê Quý Đôn mô tả trong sách Phủ Biên Tạp Lục năm 1776. Đó là một đô thị phát triển thịnh vượng trải dài hai bờ châu thổ sông Hương, từ Kim Long - Dương Xuân đến Bao Vinh - Thanh Hà. Tiếp đó, Phú Xuân là kinh đô của nước Đại Việt thống nhất dưới triều Tây Sơn (1788-1801) và là kinh đô của nước Việt Nam gần 1,5 thế kỷ dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802-1945).
- Sự hình thành các làng xã và văn hóa dân tộc vùng Huế
Về lịch sử các làng Việt ở vùng Thuận Hóa được thành lập muộn hơn so với các làng Việt ở miền Bắc. Mãi đến thời nhà Trần, do có sự kiện công chúa Huyền Trân nên hai châu Ô và châu Rí (Lí) (3) mới được sát nhập vào nước Đại Việt. Nhưng mãi đến năm 1470, vua Lê Thánh Tông cử đại binh đánh chiếm đến Bình Định, vùng đất Thuận Hóa mới được yên. Nhân dân dồn sức lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, đến giữa thế kỷ XVI làng xóm đã no đủ, yên vui.
Đến lúc chúa Nguyễn lập phủ chính ở bên bờ sông Hương, địa bàn nước ta mới bắt đầu mở rộng về phía nam. Các làng xã vùng Thuận Hóa đã dần ổn định và bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Có thể nói văn hóa ở vùng Huế hình thành muộn hơn so với các tỉnh ở miền Bắc. Nhưng nét văn hóa ấy không mang đậm dấu ấn của miền Bắc. Lý do là vì khi di cư vào vùng Thuận Hóa, cư dân Việt đã có sự tiếp xúc với văn hóa Chăm. Sự giao lưu giữa hai nền văn hóa ấy đã tạo nên một nét văn hóa riêng. Lại thêm những điều kiện mà thiên nhiên ban phát cho vùng đất này đã tạo nên tiếng nói, điệu hò, cách ăn mặc, đi đứng… rất Huế mà ở miền Bắc không thể có được. Những nét ấy được thể hiện rõ khi cư dân người Việt đầu tiên vào lập nghiệp ở vùng Thuận Hóa.
- Tín ngưỡng Thành hoàng và việc thờ thần Thành hoàng ở vùng Huế.
Khái niệm về thần Thành hoàng: Theo tác giả Nguyễn Văn Huyên thì chân dung của Thành Hoàng làng xã Bắc bộ rất phong phú và đa dạng. Trong diễn trình lịch sử phát triển làng xã hàng nghìn năm, dấu ấn mở đất lập làng gắn liền với các bậc khai canh khai khẩn đã trở nên quá xa và dần ổn định mang tính biểu tượng, tích hợp thành tín ngưỡng Thành Hoàng. Đó có thể là những Thiên thần (Tản Viên, Phù Đổng), những nhân vật lịch sử có công lớn với đất nước (Lý Ông Trọng, Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo…) và có khi, lại là một người đang sống, một ông quan to, hay một nhân vật có thế lực, đã có công với làng và được dân làng “thẳng tay” thay thế cho vị thần Thành Hoàng cũ đã không che chở được cho họ. Một vài làng có những thay đổi vị thần Thành Hoàng là vì những nguyên do giống như vậy. Có những trường hợp sau khi có những vị thần khải huyền bí báo cho họ biết các trường hợp vắng mặt, bỏ đi, bội phản của thần đang ngự trị, họ trịnh trọng xua đuổi các vị thần đó và thêm vào đấy một thần khác [11; tr.847].
Trong tác phẩm Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, tác giả Nguyễn Từ Chi đã giải thích nghĩa chữ Thành hoàng như sau: “Khái niệm gốc Trung Hoa hai chữ Thành Hoàng là chỉ vị thần trấn ở thành (thành:城) và hào (hoàng: 隍), những kiến trúc phòng ngự bao quanh một trung tâm chính trị, quân sự thời cổ. Cũng như bao khái niệm khác, Thành Hoàng khi từ đất người chuyển qua đất Việt, đã dần dần trút bỏ nội dung cũ để mang một nội dung mới hoàn toàn. Tín ngưỡng Thành Hoàng trong một xã hội Việt cận đại có nhiều nguồn gốc phức tạp, trong đó phải kể đến các nguồn gốc bản địa: một vị thần đất, một nhân vật còn sót lại từ những thần thoại xưa, cũng có thể là linh hồn của những người đầu tiên đến khai thác một vùng đất đai, hay tổ tiên của một dòng họ lớn ở địa phương…Từ những tiền đề kể trên, Thành Hoàng hẳn còn tiếp thu thêm nhiều yếu tố mới, kể cả một số nhân vật lịch sử của các triều đại, để chung đúc nên diện mạo thống nhất của vị thần bảo vệ từng làng xã. Bởi vì nhà nước quân chủ tập quyền Việt Nam, trong cố gắng trường kỳ nhằm ngày càng vươn tay ra dài hơn để nắm cho chặt thêm vô vàn những điểm tụ cư của nhân dân, không thể bỏ qua mà không lợi dụng một hình thái thờ phụng trong đó đã kết tinh lại tất cả thần thái của làng Việt cổ truyền: Buông rơi nó là mặc cho làng tha hồ sử dụng một đòn bẩy tinh thần để cường điệu biệt tính địa phương; nắm lấy nó là có trong tay một lợi khí để đưa vào đầu óc của từng nông dân ở sâu trong làng xóm những lề lối suy nghĩ phù hợp với quyền lợi của chế độ quân chủ tập quyền [5; tr.250].
Như vậy, theo chúng tôi Thành Hoàng làng là vị thần ngự trị trong lòng dân từ nhiều thế kỷ và hầu hết các làng đều có nơi để thờ thần Thành Hoàng (có thể là miếu hoặc đình). Từ cõi tục cuộc sống của con người đầy gian lao vất vả bởi muôn vàn khó khăn, nhiều khi không thể giải quyết được. Điều đó khiến người dân trông cậy vào sự âm phù của siêu nhiên và nhất là vị thần mệnh danh là Thành Hoàng làng (bảo vệ cho làng). Vì vậy việc thờ Thành Hoàng làng trở thành tục lệ của mọi cư dân trong Nam, ngoài Bắc, của những vùng quê cũ hay miền quê mới khai hoang lấn biển, cải tạo rừng hoang. Việc tế lễ “Xuân Thu nhị kỳ” các vị thần đã được cộng đồng dân cư tâm niệm thờ cúng, việc mở các hội làng đã thể hiện sự thành tâm của cộng đồng cư dân đối với thần, thánh, đồng thời là cơ hội gặp mặt của bà con họ hàng. Do vậy giữa mái đình và người dân đã có sự gắn bó mật thiết và gần gũi. Tóm lại thần Thành hoàng là một vị thần làm chủ trong một vùng đất nhất định và có nhiệm vụ bảo vệ, che chở cho con dân trong vùng đó.
Cho nên thông qua một sức mạnh vô hình là Thành Hoàng, chế độ quân chủ tập quyền đã “lợi dụng” nó để biến thành một sợi dây vô hình ràng buộc người dân phải tuân theo lề thói của chính quyền, nhằm phục vụ lợi ích cho chế độ. (4)
Tính chất của các vị thần Thành Hoàng: Thần Thành Hoàng thường có những nguồn gốc khác nhau, với những lai lịch hay truyền thuyết cũng khác, điều này phụ thuộc vào diễn biến lịch sử của mỗi địa phương. Nhưng tựu chung lại thần Thành Hoàng được phân làm ba loại bao gồm: Thành Hoàng là Thiên thần, Thành Hoàng là Nhiên thần và Thành Hoàng là Nhân thần.
- Tập hợp thần Thành Hoàng có nguồn gốc từ Thiên thần: Như các vị thần Thiên Y A Na (5), Thần Tản Viên hay Phù Đổng (chủ yếu được thờ ở miền Bắc).
- Tập hợp thần Thành Hoàng có nguồn gốc từ Nhiên thần: Đây là loại nhiều nhất như thần Sông, thần Núi, thần Cây, thần Sấm Sét, thần Đá…Trong các vị thần mà người dân thờ tự thì thờ cúng Thành Hoàng được coi là quan trọng nhất, dù các vị Thành Hoàng là nhân vật siêu nhiên, huyền thoại nhưng khi đã được người dân tôn sùng thì đó là sự phản ánh những quan niệm về tư tưởng, nguyện vọng, ước muốn và tình cảm của con người trong cuộc đấu tranh chống thiên tai địch họa bảo vệ cuộc sống yên bình [19; tr.89].
- Tập hợp Thành Hoàng có nguồn gốc từ Nhân thần: Thành Hoàng là Nhân thần đều có gốc tích, lai lịch rõ ràng, việc làm của thần là những hành động nghĩa cử của một con người bằng xương bằng thịt và các cống hiến của thần đều có liên quan ít nhiều đến lịch sử dân tộc. Các vị như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (của triều Trần), có thể là các vị khai canh, khai khẩn được dân làng tôn lên làm thần Thành Hoàng. Ở làng Dương Xuân (phường Hương Sơ) có một vị họ Ngô được tôn lên làm Thành hoàng làng, nay vẫn còn mộ; hay làng Thế Lại thượng có ngài họ Hồ mà theo tập truyền thì đây là vị khai canh của làng, về sau cũng được tôn làm thần Thành Hoàng.
Theo tác giả Thích Viên Thành và Nguyễn Tá Nhí trong tác phẩm Văn Khấn Nôm truyền thống lại cho rằng: Ngoài Thành Hoàng là Thiên thần và Thành Hoàng là Nhân thần còn có Thành Hoàng là “Sơn thần và Thủy thần” [13, tr.96]. Nhưng theo chúng tôi: Thành Hoàng là “Sơn thần và Thủy thần” như tác giả đã đưa ra là đúng nhưng chưa đủ. Vì trong quá trình điền dã thực tế, chúng tôi bắt gặp rất nhiều sắc phong Thành Hoàng phong cho Thổ thần (6). Như vậy, không chỉ Thành Hoàng là Thủy thần hay Sơn thần mà còn có nhiều vị thần khác được phong, tùy theo tính chất của từng làng.
Trong triều Nguyễn, các tỉnh đều có miếu thờ Thành Hoàng ở gần tỉnh thành. Ở kinh đô Huế, có miếu Đô Thành Hoàng ở phường Vệ Quốc, phía tây trong kinh thành Huế (7). “Việc tế thần Thành hoàng này do nhà nước chủ trương, cứ đến tháng hai, có lệ cử quan võ ra tế. Ngoài dân gian cũng thế, người dân ở các làng thờ vị Bổn cảnh/ thổ/ xã/ xứ Thành Hoàng. Lại không nên lẫn vị thần Thành Hoàng này với vị Thổ thần. Ngoài vị Thành Hoàng, dân ta cũng như dân Trung Hoa còn thờ vị Thổ thần, thần đất này cai quản đất một làng, một thôn, một phường hay một nhà ở bình thường…Thổ thần còn gọi là Thổ công: Đất có Thổ công, sông có Hà bá”, dân gian vẫn bảo thế. Không cứ làng xã mà mọi tư gia đều thờ Thổ công, còn Thành hoàng thì chỉ làng xã trở lên mới thờ” [16].
Việc thờ thần Thành hoàng ở vùng Huế: Trong một bài viết của tác giả Trần Đình Hằng ở Tạp chí Huế xưa và nay có viết: “Nét riêng trong tìm hiểu vấn đề Thành Hoàng làng Việt miền Trung trong tương quan với vấn đề ở miền Bắc, suy cho cùng cũng phát xuất từ chính đặc trưng lịch sử - văn hóa của một vùng đất non trẻ trên con đường đi về phương Nam của người Việt. Trong các đối tượng được làng xã thờ tự, thường phổ biến hiện tượng vinh danh một cách trọng thể bằng việc liệt kê chi tiết từng tước hiệu được phong tặng qua các triều đại phong kiến đối với các vị thần linh có hành trạng rõ ràng, gần gũi với đời sống nhân dân. Nhưng với các vị Thành Hoàng lại là một điều đáng lưu ý: ngoài một số rất ít có danh xưng, tước hiệu rõ ràng, còn lại hầu hết được ghi nhận qua nhiều công trình nghiên cứu, qua kết quả điền dã thực tế từ các nguồn tư liệu, văn tế, bài vị, sắc phong…,là Bổn thổ Thành Hoàng, Bổn cảnh/ xã Thành Hoàng”… [9, tr.50].
Phần lớn làng xã Việt ở đất Bắc do định cư quá lâu dài, thời gian đã làm phai mờ hình ảnh các vị khai canh nên chỉ còn tồn tại khá bền vững vị thần Thành Hoàng. Thành Hoàng ở đàng ngoài không ít chân dung đại diện cho thế lực triều đình ở làng xã, thường là nhân vật lịch sử có thực hoặc được huyền thoại hóa; cũng có thể là những người có công với dân làng; hoặc thậm chí là những đối tượng có quyền lực ảnh hưởng đến sự an nguy cộng đồng. “Vai trò của các bậc tiền nhân Khai canh Khai khẩn được đặc biệt ghi nhận trong mối quan hệ giao lưu tiếp biến văn hóa trên một vùng đất mới, có lẽ đó là nguyên nhân sâu xa cho sự ra đời của tín ngưỡng Thành Hoàng “rất miền Trung”. Như vậy, với một “Bổn Cảnh/ Thổ/ Xứ/ Xã Thành Hoàng” đầy tính phiếm xưng, tồn tại phổ biến trong đời sống làng xã. Đi kèm với nó, là sự hiện diện của miếu Thành Hoàng, đương nhiên là quy mô, tính chất vừa phải để nhường chỗ cho miếu/ tín ngưỡng Khai Canh/ Khai Khẩn, như một nét đặc trưng” [9, tr.51].
Qua khảo sát chúng tôi thấy một số điểm trong việc thờ thần Thành Hoàng và thần Khai canh ở các làng như sau: Nếu làng gốc có miếu Khai canh thì ở làng ngọn không có. Ngược lại với miếu thờ Khai canh, miếu Thành Hoàng thì có thể có ở cả hai nơi. Ví như ở làng Dương Xuân (8) khi tách ra làm hai thì ở làng Dương Xuân Thượng có miếu Khai Canh, còn làng Dương Xuân Hạ lại không; còn miếu Thành Hoàng thì ở làng Dương Xuân Thượng có miếu thờ chính, làng Dương Xuân hạ cũng lập miếu Thành Hoàng nhưng chỉ thờ vọng. Việc này cũng diễn ra tương tự như ở các làng Thế Lại thượng, Thế Lại hạ, An Vân thượng, An Vân hạ…
Miếu Thành Hoàng có quy mô khiêm tốn, tọa lạc trên một vùng “lùm lòi” rậm rạp ở rẻo đất sát truông rú, thường thì ở cuối làng, đầu làng, có khi miếu Thành Hoàng tọa lạc ở một bên đình làng. Như miếu Thành Hoàng làng Nguyệt Biều (9) nằm ở cuối làng bên mé sông Hương, nơi có rất nhiều cây cổ thụ, tạo nên một nét linh thiêng, cổ kính, người dân thường gọi đây là Miếu Ông. Miếu Ông có diện tích chừng 20m2, bên trong có các cột gỗ, trên lợp ngói liệt, được xây tường gạch bao quanh. Còn miếu Thành Hoàng làng Đức Bưu (10) thì nằm đối diện phía bên trái của đình làng, cách chừng 100m. Trước kia đây là vùng thấp trũng, với những đồng lúa rộng mênh mông, nhưng bây giờ nơi đây đã là những khu định cư với nhiều nhà cao tầng khiến cho miếu Thành Hoàng không còn linh thiêng như trước. Kiến trúc của miếu được xây bằng gạch và trát vữa, bên trong không có cột, với diện tích chừng 15m2. Miếu Thành Hoàng làng Dương Xuân (11) nằm bên trái của đình, miếu rộng chừng 18m2 thờ Bổn Thổ Thành Hoàng Ngô Đại Tướng Quân Tôn Thần, đặc biệt ở phía sau đình có lăng của ngài Bổn thổ Thành Hoàng Ngô Đại Tướng Quân.
Từ đó cho ta thấy tín ngưỡng Thành hoàng ở miền Bắc khi di chuyển vào vùng duyên hải miền Trung đã có sự biến đổi do sự pha trộn giữa hai nền văn hóa Việt – Chăm, đã tạo nên một tín ngưỡng rất miền Trung, mang một nét riêng làm hài hòa giữa hai nền văn hóa vốn có tính chất khác nhau.
- Mối quan hệ giữa Tín ngưỡng Thành hoàng và Tín ngưỡng Khai canh: nét đặc trưng trong văn hóa làng xã vùng Huế.
Trong quá trình tìm hiểu về tín ngưỡng Thành Hoàng ở vùng Huế, chúng tôi đã nhận thấy rất nhiều vị Khai canh, Khai khẩn được tôn lên làm Thành Hoàng, vì đây là những nhân vật có công với làng với nước, trong khi đó ở phương bắc thì điều này rất ít xảy ra. Như làng Dương Xuân với ngài họ Ngô (12), làng Thế Lại Thượng ngài họ Hồ….Thường những vị Thành Hoàng phải là những thần Tản Viên, Phù Đổng…như đã nói ở trên, nhưng khi cư dân Việt di cư vào Nam với một vùng đất mới, một nền văn hóa mới và khác hoàn toàn so với nền văn hóa Việt ở phương bắc thì những vị thần đó cũng dần phai mờ đi. Và các vị thần Thành Hoàng ở đất bắc đã không còn phù hợp, không còn tính phiếm xưng nữa mà bắt buộc người Việt khi vào Nam phải tìm ra một vị Thành Hoàng mới, cùng với những sự tích rõ ràng, những nhân vật có thật. Dĩ nhiên, những nhân vật đó không ai khác chính là những vị khai canh, khai khẩn ngay chính trên mảnh đất của mình, nên khi du nhập vào Nam các vị được tôn làm thần Thành Hoàng đã có một số điểm khác so với miền Bắc. Chính những vị này đã bù đắp cho những khoảng trống tâm linh trong nét văn hóa tinh thần của người Việt khi di cư vào Nam. Bên cạnh đó cũng còn tôn những vị Thành Hoàng là thần Chăm, hay những vị Thổ Thần làm Thành Hoàng hoặc mượn một vị thần của làng bên làm Thành Hoàng cho làng mình…
Tóm lại, khi nghiên cứu về tín ngưỡng Thành Hoàng ở vùng Huế sẽ gặp rất nhiều vấn đề, nó không nhất nhất chỉ thờ những vị Thành Hoàng đặc trưng như ở phương bắc, mà nó đã có sự thay đổi tùy thuộc vào những nét văn hóa riêng của mỗi làng mà theo chúng tôi đó là một sự “kế thừa có phát huy, nhằm thích nghi với một nền văn hóa mới lạ”. Từ đó cũng tạo nên nét văn hóa rất riêng ở vùng Huế và đó cũng là một đặc trưng riêng vốn có của vùng.
L.V.T
Chú thích:
(1): nằm cách Huế 9 km về phía hạ lưu sông Hương
(2): Nguyễn Phúc Khoát : 1738 – 1765
(3): Sau đổi tên thành châu Thuận và châu Hóa
(4): Có thể xem việc ban sắc phong cho các vị thần, trong đó có thần Thành Hoàng là một ví dụ
(5): Thành hoàng làng Hải Cát, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Xem thêm [9, tr.54])
(6): Một số làng có Thành Hoàng là các vị Thổ thần như làng An Vân (tp Huế): vị được phong là: Bảo An Chính Trực Hựu thiện Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Thành Hoàng Tôn Thần (保安正直佑善敦凝翊保中興城隍尊神) được gia tặng là: Tĩnh Hậu Trung Đẳng Thần (靜厚中等神). Tức là từ Hạ đẳng thần được phong tặng lên Trung đẳng thần (Khải Định năm thứ 9)…
(7): Ngày nay ở đường Trần Nguyên Đán, trong khuôn viên trường tiểu học Thuận Hòa, thuộc phường Thuận Hòa và nay miếu này đã trở thành phế tích.
(8): xã Thủy Xuân – tp HUế
(9): xã Thủy Biều – tp Huế
(10), (11): phường Hương Sơ, Tp HUế
(12): Sự tích của ngài hiện nay rất mơ hồ, vì không còn con cháu trong làng. Nhưng mộ ngài được táng ở phía sau đình làng. Cứ vào ngày 20/1 Âm lịch hằng năm, con dân trong làng đều tổ chức ngày kỵ cho ngài.
Tài liệu tham khảo
1. Đào Duy Anh (2005), Hán Việt từ điển, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
2. Vân Anh (2005), “Miếu thờ Đô Thành hoàng”, Tạp chí Huế xưa và nay, số 72, Huế.
3. Toan Ánh (1992), Nếp cũ Làng xóm Việt Nam, Nxb Tp Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh.
4. Phan Kế Bính (2004), Việt Nam phong tục, Nxb Tp Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Từ Chi (1996), Góp phần nghiên cứu Văn hóa và Tộc người, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
6. Thiều Chửu (2005), Hán Việt tự điển, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
7. Phan Đại Doãn (2004), Mấy vấn đề về văn hóa làng xã Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
8. Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
9. Trần Đình Hằng (2008), “Thành hoàng hay Thổ thần – Nhìn từ làng Việt miền trung”, Tạp chí Huế xưa và nay, số 86, Huế.
10. Trần Hoàng (2008), “Lễ và Hội trong hội làng thuở xưa”, Tạp chí Văn hóa Huế - xuân Mậu Tý 2008, Huế.
11. Nguyễn Văn Huyên (2003), Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
12. Lê Nguyễn Lưu (2006), Văn hóa Huế xưa – 3 tập: Tập I. Đời sống gia tộc, tập II. Đời sống làng xã, tập III. Đời sống cung đình, Nxb Thuận Hóa, Huế.
13. Thích Viên Thành và… (2001), “Văn khấn Nôm truyền thống”, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
14. Nguyễn Hữu Thông và… (2006), Hải Cát: Đất và người, NXB Thuận Hóa, Huế.
15. Nguyễn Hữu Thông (2003), “Mấy nét đặc trưng của làng xã miền Trung”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 2
16. Nguyễn Toại (1973), “Nhớ lại hội hè đình đám” – In trong Niên san Nghiên cứu Việt Nam (1973), tập 1, NXB Sùng Chính, Huế.
17. Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần và người đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
18. Cái Thị Vượng (2005), “Thành hoàng Việt ở Quảng Trị”, Tạp chí Cửa Việt, số 129, Quảng Trị.
19. Lê Văn Thi (2009), “Khảo sát sắc phong Thành Hoàng thành phố Huế”, Khóa luận tốt nghiệp, ĐHKH Huế.
Đình làng Lễ Khê - Ảnh: LVT
Bản Hợp Phong của làng Dương Xuân Thượng - Ảnh: LVT
Sắc phong Thành Hoàng làng An Vân - Ảnh: LVT
Làng Nguyệt Biều - Ảnh: LVT
Miếu Thành Hoàng làng Dương Xuân Thượng - Ảnh: LVT
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Tín ngưỡng Thành hoàng trong làng xã vùng Huế.doc