Tình huống luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Mục lục

 

1, Hợp đồng tín dụng giữa A và ngân hàng T có thuộc đối tượng điều chỉnh của luật bảo vệ người tiêu dùng không ? Tại sao ? 2

2, Hãy nhận xét về các điều khoản của hợp đồng dưới góc độ của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ? 3

3, Nêu thực trạng về hợp đồng mẫu tại Việt Nam ? Theo anh (chị) để những quy định về hợp đồng mẫu trong bảo vệ người tiêu dùng thực sự có hiệu quả cần có những biện pháp thực thi cần thiết nào ? 8

 

 

doc10 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 5171 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tình huống luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mục lục Bài làm. 1, Hợp đồng tín dụng giữa A và ngân hàng T có thuộc đối tượng điều chỉnh của luật bảo vệ người tiêu dùng không ? Tại sao ? Tại Điều 2 – Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về đối tượng áp dụng của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã nêu rõ : “Luật này áp dụng đối với người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam.” Ở đây có ba nhóm chủ thể thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gồm có : Người tiêu dùng Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó Người tiêu dùng được hiểu là người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức. ( quy định tại Khoản 1 – Điều 3 – Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 ) Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được hiểu là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: a) Thương nhân theo quy định của Luật thương mại; b) Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, pháp luật thương mại cũng đã có định nghĩa khá cụ thể về khái niệm thương nhân tại Điều 6 – Luật Thương mại 2005, theo đó Thương nhân được hiểu là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Thương nhân có các dấu hiệu pháp lý sau : Tiến hành hoạt động thương mại như mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thương mại với mục đích lợi nhuận. Tiến hành hoạt động thương mại nghề nghiệp độc lập và thường xuyên. Quay trở lại với tình huống đề bài đưa ra, anh A đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng T có trụ sở tại Hà Nội vay khoản tiền 200.000 triệu đồng. Tài sản thế chấp là căn nhà A đang ở. Với lãi suất vay 21%/năm. Thời hạn vay là một năm. Như vậy anh A ở đây được xem là người sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của mình. Có thể khẳng định anh A là người tiêu dùng theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Còn ngân hàng T là tổ chức cho anh A vay khoản tiền 200.000 triệu đồng với lãi suất 21%/năm, như vậy ngân hàng T đã thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Từ đó có thể khẳng định ngân hàng T là Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Vậy theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hợp đồng tín dụng giữa A và ngân hàng T thuộc đối tượng điều chỉnh của luật bảo vệ người tiêu dùng. 2, Hãy nhận xét về các điều khoản của hợp đồng dưới góc độ của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ? a, Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của NTD: Pháp luật BVQLNTD ghị nhận người tiêu dùng có quyền : “Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”. Theo đó, khi có tranh chấp phát sinh với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì người tiêu dùng có thể khiếu nại, khởi kiện tới các cơ quan, tổ chức sau đây : + Ủy ban nhân dân các cấp : Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm “Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền.” Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự được quy định tại Mục 4 – Chương IV – LBVQLNTD 2010. NTD có thể tự mình hoặc yêu cầu tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi cho mình, khởi kiện vụ án dân sự ra Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Khởi kiện tài Tòa án cũng là một trong các phương thức hiệu quả để giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên chủ thể. Theo tình huống, điều Khoản d của hợp đồng tín dụng quy định như sau: “d, Trường hợp xảy ra tranh chấp giữa bên vay và bên cho vay, các bên chỉ được phép khởi kiện ra tòa kinh tế tòa án nhân dân Hà Nội.” Từ những phân tích trên có thể thấy, việc quy định phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh giữa ngân hàng T và anh A là khởi kiện ra Tòa án kinh tế tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của A, tức là người tiêu dùng theo quy định tại Điềm b – Khoản 1 – Điều 16 – LBVQLNTD 2010 : “Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng” b, Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Xét hợp đồng tín dụng giữa anh A và ngân hàng T, bên cho vay có quyền điều chỉnh lãi suất vay 3 tháng/ lần sao cho không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm điều chỉnh. Theo điều khoản này, cứ ba tháng một lần, ngân hàng có thể tự ý điều chỉnh lãi suất cho vay đối với hợp đồng tín dụng với anh A sao cho không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tức là ngân hàng T có quyền điều chỉnh mức lãi suất cho vay tối đa 4 lần trong thời hạn cho vay 1 năm theo như hợp đồng. Còn mức điều chỉnh lãi suất là bao nhiêu % lại không có sự thỏa thuận trước và A hoàn toàn không thể biết được tại thời điểm ký kết hợp đồng. Có thể thấy, tuy mức lãi suất điều chỉnh mà ngân hàng T đưa ra là phù hợp với quy định của pháp luật ngân hàng Việt Nam, tuy nhiên tại thời điểm giao hết hợp đồng tín dụng giữa A và ngân hàng T chỉ thỏa thuận về mức lãi suất cho vay là 21%/năm. Đây là mức lãi suất đã được thống nhất và phù hợp với ý chí của các bên. Việc ngân hàng T tự ý điều chỉnh lãi suất vay 3 tháng một lần đã thừa nhận quyền của ngân hàng được thay đổi giá tại thời điểm cung ứng dịch vụ. Như vậy, điều khoản này đã vi phạm điều kiện có hiệu lực của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng theo quy định tại điểm đ- Khoản 1- Điều 16- Luật BVQLNTD 2010. Cụ thể là : “Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ;” c, Quy tắc, quy định bán hàng, cung ứng dịch vụ áp dụng đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không được thể hiện cụ thể trong hợp đồng; Theo tình huống, điều khoản của hợp đồng tín dụng có quy định : “Trường hợp điều chỉnh lãi suất vay, bên cho vay sẽ thông báo cho bên vay dưới bất cứ hình thức phù hợp với “Nội quy thông báo cho khách hàng của ngân hàng T”. Việc điều chỉnh lãi suất vay sẽ được coi là phụ lục hợp đồng và có giá trị pháp lý như hợp đồng tín dụng này.” Như vậy, cùng với việc cho phép ngân hàng T có quyền điều chỉnh lãi suất cho vay, ngân hàng T còn thừa nhận quyền thông báo thông tin cho bên vay, tức là Người tiêu dùng A, dưới bất cứ hình thức phù hợp với “Nội quy thông báo cho khách hàng của ngân hàng T”. Tuy nhiên trong hợp đồng không xác định cụ thể nội quy thông báo cho khách hàng của ngân hàng T. Do vậy A hoàn toàn không thể biết được mình sẽ được thông báo thông tin về việc điều chỉnh mức lãi suất vay dưới hình thức và cách thức nào. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền được thông tin của anh A và các quyền, lợi ích khác mà A có thể được hưởng trong trường hợp không nhận được thông báo của ngân hàng. Chính vì lẽ đó, tại Điểm c – Khoản 1 – Điều 16 – Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 đã quy định một trong các trường hợp vô hiệu của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng là : “…quy tắc, quy định bán hàng, cung ứng dịch vụ áp dụng đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không được thể hiện cụ thể trong hợp đồng;” d, Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ giải thích hợp đồng trong trường hợp điều khoản của hợp đồng được hiểu khác nhau. Một hợp đồng thông thường có rất nhiều nội dung nên việc tồn tại một điều khoản có nội dung không rõ ràng và được hiểu theo các cách khác nhau là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, cách hiểu một hợp đồng có ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện hợp đồng và quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Để đảm bảo thực hiện nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ghi nhận tại Điều 4- LBVQLNTD, pháp luật BVQLNTD có quy định : “Trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.”. Đồng thời theo quy định tại Khoản 1- Điều 409 Bộ luật dân sự 2005 thì : “Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó.” Quy định trên cũng khắc phục được các tình trạng cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cố tình quy định các điều khoản không rõ rang, cụ thể dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau để lừa dối người tiêu dùng. Do vậy, điều khoản : “Nếu có bất kỳ điều khoản nào không rõ rang trong hợp đồng dẫn tới các cách hiểu khác nhau thì hợp đồng sẽ được giải thích theo ý chí đơn phương của bên cho vay.” đã vi phạm điều kiện có hiệu lực của điều khoản hợp đồng giao kết với người tiêu dùng quy định tại điểm e- Khoản 1- Điều 16- LBVQLNTD 2010. Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2- Điều 16- Luật BVQLNTD 2010 : “Việc tuyên bố và xử lý điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.”. Cụ thể là, Điều 410 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “1. Các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Ðiều 127 đến Ðiều 138 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu. 2. Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. 3. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.” Như vậy, đối với các điều khoản của hợp đồng tín dụng giữa A và ngân hàng T bị vô hiệu do vi phạm các điều kiện có hiệu lực của điều khoản hợp đồng giao kết với người tiêu dùng Điều 16 - Luật BVQLNTD 2010. như phân tích ở trên sẽ làm chấm dứt việc thực hiện các điều khoản này. 3, Nêu thực trạng về hợp đồng mẫu tại Việt Nam ? Theo anh (chị) để những quy định về hợp đồng mẫu trong bảo vệ người tiêu dùng thực sự có hiệu quả cần có những biện pháp thực thi cần thiết nào ? Hợp đồng mẫu có thể hiểu là hợp đồng mà đại bộ phận các điều khoản đều được quy định sẵn và, mỗi khi đàm phàn để ký hợp đồng, hai bên chỉ cần ghi bổ sung những chi tiết về chủ thể hợp đồng ( như tên và địa chỉ hai bên, những người đại diện cho hai bên, chức vụ của họ …) và những điều khoản thoả thuận riêng của thương vụ đó ( như mức giá, thời hạn giao hàng, địa điểm giao hàng, ký mã hiệu hàng hoá …). Việc sử dụng hợp đồng mẫu trong các giao dịch hiện nay không còn là điều gì đó quá xa lạ với người tiêu dùng. Sử dụng hợp đồng mẫu khá thuận tiện cho cho người tiêu dùng khi tham gia vào các giao dịch đơn giản, có giá trị nhỏ và không phức tạp. Ngoài những thuận tiện với người tiêu dùng, hợp đồng mẫu cũng mang lại thuận tiện ít nhiều cho cơ quan nhà nước khi xem xét hoặc thẩm tra hợp đồng; với tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ việc soạn thảo hợp đồng mẫu giúp doanh nghiệp chủ động trong việc đàm phán ký kết hợp đồng cùng với đó cũng có thể tiết kiệm chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi để giao dịch được diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian và công sức cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng sử dụng hợp đồng mẫu. Hiện nay, việc sử dụng hợp đồng mẫu trở nên khá phổ biến trong các giao dịch, tuy nhiên việc các doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định của pháp luật đã khiến cho quyền lợi của người tiêu dùng không được bảo đảm. Do người tiêu dùng không được trực tiếp đàm phán, thỏa thuận các điều khoản trong các hợp đồng mẫu cũng như phải chấp nhận các điều kiện thương mại khác một cách bị động nên trong nhiều trường hợp người tiêu dùng gặp phải rất nhiều rủi ro. Chẳng hạn như việc pháp luật quy định phải dành một khoảng thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng, tuy nhiên trên thực tế việc áp dụng một khoản thời gian bao nhiêu là hợp lý lại là chuyện không hề đơn giản. Cũng có nhiều trường hợp thương nhân cố tình cản trở việc tiếp cận các quy định của hợp đồng mẫu bằng việc đưa ra các điều kiện này dưới những hình thức không thuận tiện cho người tiêu dùng. Có rất nhiều người phàn nàn khi họ phải ký kết các hợp đồng theo mẫu mà trong đó cỡ chữ cũng như cách trình bày rất khó đọc đặc biệt là đối với những người cao tuổi, người có thị lực kém. Các hợp đồng loại này thường là rất dài, có khi lên đến cả chục trang, do vậy trong nhiều trường hợp không thể đọc hết hợp đồng hoặc không đủ thời gian để đọc hết hợp đồng vì hợp đồng cần phải được ký ngay. Trong trường hợp này rõ ràng người tiêu dùng có nguy cơ chịu rủi ro rất lớn nếu có tranh chấp phát sinh. Hay như những điều khoản trong hợp đồng mẫu quy định nhằm hạn chế, loại bỏ quyền của người tiêu dùng. Dựa trên cơ sở tự do thỏa thuận, tự do giao kết của pháp luật dân sự mà trong nhiều hợp đồng theo mẫu, thương nhân đã đưa ra một số điều khoản như: hàng hóa đã mang ra khỏi cửa hàng thì không được trả lại với bất kỳ lý do gì… Trong trường hợp người tiêu dùng ký vào bản hợp đồng mẫu đó mặc nhiên họ đã chấp nhận các điều kiện bán hàng như vậy và đương nhiên các quy định đó sẽ có hiệu lực trên thực tế. Tuy nhiên, rõ ràng đây là những điều khoản hết sức bất lợi cho người tiêu dùng trong khi theo các quy định của pháp luật, họ hoàn toàn có quyền được đổi hàng khi hàng hóa khi có khuyết tật… Hay như một số trường hợp, doanh nghiệp đưa ra những bản hợp đồng mẫu có quy định nhằm buộc người tiêu dùng phải gánh chịu những rủi ro bất hợp lý. Các quy định này thường buộc người tiêu dùng phải chịu những rủi ro mà lẽ ra họ không phải chịu theo quy định của pháp luật, cùng với đó là việc loại trừ trách nhiệm của thương nhân. Đơn cử như trong hợp đồng cung cấp nước sạch có điều khoản thỏa thuận người tiêu dùng phải chịu phụ phí do thất thoát nước trên đường vận chuyển, trong khi rõ ràng trách nhiệm này thuộc về đơn vị cung cấp chứ không phải người tiêu dùng. Việc ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 phần nào đã khắc phục được những thực trạng còn tồn tại về việc đàm phán ký kết hợp đồng mẫu ở nước ta. Tuy nhiên trên thực tế người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang phải sống trong một môi trường không an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm nghiêm trọng, chính vì thế để những quy định của pháp luật thực sự bảo vệ được người tiêu dùng, thì thực tế cần có những biện pháp thực thi hiệu quả. Với những quy định về sự thỏa thuận của các bên chủ thể ký kết. Phia người tiêu dùng luôn là bên thiếu thông tin, đặc biệt là các thông tin và kiến thức liên quan đến đặc tính kỹ thuật của sản phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thông thường ít có cơ hội đàm phán, thương lượng trong quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh khi ký kết các hợp đồng mẫu. Do đó pháp luật cần quy định cụ thể hơn những quy định đặc thù nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có những chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp xây dựng những điều khoản trong hợp đồng mẫu vi phạm nghiêm trọng những quy định chung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài biện pháp hủy bỏ hợp đồng, phạt tiền, cấm kinh doanh,… với những doanh nghiệp cố tình vi phạm cần có thêm những chế tài đặc thù như công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, truy thu lợi nhuận bất hợp pháp, buộc phải bồi hoàn… Đây là những chế tài rất hiệu quả để áp dụng cho các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hiện nay, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hoạt động mà không có một nguồn thu ổn định nào. Chính vì vậy, hoạt động của các tổ chức này là rất khó khăn trong khi đó chưa có một cơ chế hỗ trợ tài chính hữu hiệu từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, rất khó để các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hoạt động có hiệu quả. Do đó, thực tế cần nâng cao hơn nữa vai trò của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua việc cấp một nguồn kinh phí ổn định để duy trì hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTình huống luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - LCT&BVNTDHK-4.doc
Tài liệu liên quan