Theo Điều 15 của dự án số 11 Luật THADS thì, “Cơ quan THADS gồm có: 1. THADS tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là THADS cấp tỉnh); 2. THADS huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là THADS cấp huyện) hoặc liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là THADS khu vực); 3. THA quân khu và Quân chủng Hải quân (sau đây gọi chung là THA cấp quân khu)”. Tuy nhiên, với quy định hiện có về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp huyện tại Điều 16, 18 của dự án số 11 Luật này thì ta thấy, cơ quan THADS thực sự vẫn chưa có tính độc lập, cả phương diện tổ chức và phương diện hoạt động. Phải chăng, chính sự không độc lập, sự lệ thuộc, sự trực thuộc và phụ thuộc về tổ chức của cơ quan THA, dù không có mục đích này, nhưng quy định của luật vô tình đã đẩy hoạt động của cơ quan THA vào việc không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình như trong hai tình huống nêu trên cũng như trong hoạt động THADS hiện nay.
7 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 1825 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tổ chức hệ thống cơ quan thi hành án trong điều kiện thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tổ chức hệ thống cơ quan thi hành án trong điều kiện thực hiện chiến lược cải cách tư pháp
1. Nhìn từ thực tiễn
Vụ việc 1: Phải chờ... Chủ tịch thành phố chỉ đạo?[1]
Ngày 01/01/2006, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã xử phúc thẩm vụ tranh chấp giữa các thành viên của Công ty cổ phần dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Hải Phòng). Sau khi có bản án, bên được thi hành án (THA) - ông Vũ Quang Lâm (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc mới) nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng sớm thi hành dứt điểm bản án để công ty kiện toàn tổ chức, tránh thất thoát về tài sản, kinh tế. Cơ quan pháp luật đã yêu cầu bên phải THA tự nguyện thi hành. Tuy nhiên, họ không chấp hành án. Vì thế, Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Hải Phòng có kế hoạch cưỡng chế THA vào sáng ngày 16/5/06. Từ nhiều ngày trước, bản kế hoạch chi tiết đã được gửi tới đương sự và Công an, Viện kiểm sát, Sở Tài chính, Sở Du lịch, các cơ quan báo chí... để phối hợp. Thế nhưng, ngày 15/5/08, ông Lâm và các cơ quan hữu quan bất ngờ được THA thông báo tạm hoãn cưỡng chế với lý do “để công tác chuẩn bị tổ chức cưỡng chế THA đảm bảo chặt chẽ”. Trả lời báo chí, chấp hành viên Nguyễn Văn Thơi (người giải quyết vụ việc) nói phải tạm hoãn cưỡng chế để chờ Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Trịnh Quang Sử - đang đi công tác nước ngoài - về chỉ đạo (?!).
Vụ việc 2: Đợi đến bao giờ
Căn nhà số 03 Lam Sơn, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh là của bà Nguyễn Thị Bé và chồng là Nguyễn Văn Trầm. Ông bà có một người con trai duy nhất là Nguyễn Văn Quế. Năm 1991, ông Trầm ủy quyền cho ông Đỗ Văn Mừng (cháu của ông Trầm) liên hệ với các cơ quan chức năng để làm thủ tục xin lại căn nhà (đã bị Nhà nước quản lý năm 1978). Sau khi lấy lại được căn nhà trên, ông Mừng đã bán căn nhà cho bà Trần Thị Hoàng Mai. Năm 1994, ông Trầm - có con trai là ông Quế làm đại diện - đã khởi kiện ông Mừng và bà Mai để đòi lại nhà. Vụ án đã bị xét xử nhiều lần, nhiều cấp. Quyết định giám đốc thẩm số 03/HĐTP -DS ngày 27/1/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC bác kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC và giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm số 319/PTDS ngày 13/12/2002 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh với các quyết định: Buộc bà Trần Thị Hoàng Mai giao trả căn nhà số 03 Lam Sơn cùng toàn bộ giấy tờ chủ quyền căn nhà này cho ông Nguyễn Văn Quế do bà Huỳnh Thị Muông làm đại diện nhận. Buộc ông Nguyễn Văn Quế do bà Huỳnh Thị Muông làm đại diện phải giao cho bà Mai 119, 11 lượng vàng SJC ngay sau khi nhận căn nhà nêu trên. Buộc ông Đỗ Văn Mừng (đã chết) có bà Thành và các con là đại diện các thừa kế của ông Mừng theo luật định giao cho bà Mai 1.833, 49 lượng SJC.
Ngay sau khi có Bản án phúc thẩm số 13/12/2002, cũng như sau khi có quyết định giám định thẩm, bà Muông liên tiếp có đơn yêu cầu THA. Phòng THA cũng ra nhiều quyết định THA, nhưng chưa tổ chức thi hành được vì có khiếu nại của bà Mai, đề nghị chỉ THA trả nhà theo yêu cầu của bà Muông với điều kiện là phải nhận được số vàng mà gia đình ông Mừng phải thanh toán cho bà. Xét thấy yêu cầu của bà Mai là không có căn cứ, ngày 23/3/2006, Phòng THA thành phố Hồ Chí Minh lại ra Quyết định cưỡng chế THA số 331/QĐCC -THA. Thời gian tổ chức cưỡng chế vào lúc 8h30 ngày 14/4/2006. Nhưng đến ngày 11/4/2006, bà Huỳnh Thị Muông, người được THA, nhận được Thông báo số 3158/THA-TB của Phòng THA thành phố Hồ Chí Minh về việc dời ngày cưỡng chế, lý do là “theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên việc cưỡng chế sẽ được dời lại sau Đại hội Đảng và sau khi THA thành phố báo cáo trước liên ngành”.
Ngày 12/5/2006, bà Muông nhận được Công văn số 340/THA-NVII của Cục THADS, Bộ Tư pháp về việc bà Muông có yêu cầu THA là hoàn toàn có căn cứ. Tiếp đó, Cục THADS có văn bản số 339 gửi Phòng THA thành phố Hồ chí Minh yêu cầu cơ quan này có biện pháp THA giao nhà cho bà Muông, yêu cầu bà Muông giao đủ 119, 11 lượng vàng cho bà Mai theo đúng nội dung bản án. Tuy vậy, đến thời điểm này (2008), việc cưỡng chế THA chưa có dấu hiệu khởi động. Có thông tin, một lãnh đạo không muốn cho thi hành vụ án này. Vị này tuyên bố, ai (chấp hành viên) THA vụ án này, sẽ bị kỷ luật.
Hai vụ việc trên phản ánh bức tranh THADS hiện nay ở những góc nhìn riêng lẻ, nhưng đã phần nào thể hiện tình trạng khó khăn trong THA, những rào cản quá trình THA, rất đáng tiếc không phải chỉ từ phía đương sự, mà còn từ cơ quan có thẩm quyền, từ hệ thống pháp luật, từ cơ chế THADS, từ sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong hoạt động THA. Xét hai vụ việc thực tế trên, câu hỏi được đặt ra là, cơ quan THA có vai trò gì trong quá trình THA; chức năng, nhiệm vụ của cơ quan THA là gì và cơ quan THADS có quyền độc lập thi hành chức năng, nhiệm vụ của mình không. Đây là vấn đề cần phải được giải quyết triệt để về mặt lý luận, nhất là tại thời điểm dự án Luật THADS đang được soạn thảo.
2. Đối chiếu với quy định của pháp luật
Để hiểu rõ hơn về cơ quan THADS, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này phải bắt đầu từ lý do thành lập cơ quan đó. Trước năm 1993, THADS là chức năng của Tòa án nhân dân. Sau khi Pháp lệnh THADS năm 1993 được ban hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về THADS được thành lập, đó là: cơ quan THADS cấp tỉnh, cơ quan THADS cấp huyện và cơ quan THA trong quân đội (Khoản 2, Điều 17 của Pháp lệnh THADS năm 1993). Các cơ quan THADS có nhiệm vụ thi hành những bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật THA.
Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS được quy định trong Nghị định số 30/CP ngày 2/6/1993 của Chính phủ. Nếu theo Pháp lệnh THADS năm 1993, cơ quan THADS, dù chưa được mô tả cụ thể, nhưng cũng được xác định tương đối rõ ràng chức năng, nhiệm vụ là để thi hành những bản án, quyết định về dân sự của tòa án. Nhưng thực tế, khi nghiên cứu Nghị định số 30/CP thì chức năng, nhiệm vụ của cơ quan THA lại rất khó xác định. Cụ thể, Điều 7 của Nghị định số 30/CP quy định: các cơ quan THADS bao gồm: “1. Phòng THA thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phòng THA quân khu và cấp tương đương; 2. Đội THA thuộc Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”. Phòng THA thuộc Sở Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn: “1. Giúp Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện việc quản lý công tác THADS trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 2. Quản lý nghiệp vụ công tác THA của Đội THA thuộc Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, bồi dưỡng nghiệp vụ THA cho chấp hành viên và cán bộ làm công tác THA; giải quyết khiếu nại, tố cáo về THA theo quy định tại Điều 44 của Pháp lệnh THADS; tổng kết thực tiễn THA, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác THA; 3. Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của toà án theo quy định của Pháp lệnh THADS” (Điều 8). Đội THA thuộc Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn: “1. Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của toà án theo quy định của Pháp lệnh THADS; 2. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác THADS” (Điều 10).
Nội dung Điều 7, 8, 10 của Nghị định số 30/CP đã đưa đến nhiều thông tin khó nhận biết về chức năng thực của cơ quan THA, nhất là của cơ quan THADS cấp tỉnh. Đối với cơ quan này, chức năng THA được quy định là chức năng thứ ba, sau chức năng “giúp giám đốc sở” và chức năng “quản lý”. Ngoài ra, việc các cơ quan này lại thuộc cơ quan khác như THA cấp tỉnh (Phòng THA) thuộc Sở Tư pháp và THA cấp huyện (Đội THA) thuộc Phòng Tư pháp cũng làm cho thông tin về cơ quan THADS rất mơ hồ: đó có phải là một cơ quan độc lập hay chỉ là là cơ quan phụ thuộc, trực thuộc giúp việc cho những cơ quan khác, còn chức năng THA thực sự phải thuộc về những cơ quan Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp?
Thêm nữa, Điều 10 của Pháp lệnh THADS năm 1993 quy định quản lý nhà nước về công tác THADS và tổ chức việc THADS, trong đó xác định trách nhiệm của Bộ Tư pháp, của ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan tư pháp ở địa phương càng làm gia tăng sự mơ hồ, khó nhận biết về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan THA, về chức năng THA thực sự thuộc về cơ quan nào.
Pháp lệnh THADS năm 2004 đã khắc phục một phần những rối rắm trong quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THA, ví dụ như không quy định cơ quan THA thuộc Sở Tư pháp (đối với Phòng THA) hoặc thuộc Phòng Tư pháp (đối với Đội THA) như pháp luật THA giai đoạn 1993 - 2004. Theo Điều 11 của Pháp lệnh THADS năm 2004, thì cơ quan THADS gồm cơ quan THADS cấp tỉnh, cơ quan THADS cấp huyện, cơ quan THA cấp quân khu. Điều luật không quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan THA, nhưng nếu chỉ căn cứ vào điều luật này, bất kỳ ai cũng có thể hiểu nhiệm vụ của cơ quan THA là THA. Nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh THADS năm 2004 đã làm tổ chức của cơ quan THA trở nên rối rắm, chức năng chính là THA của cơ quan THA khó xác định trong hàng loạt nhiệm vụ như: chỉ đạo, tổng kết, giải quyết khiếu nại, giúp việc… Chẳng hạn, theo Điều 12 của Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ về cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS và cán bộ, công chức làm công tác THADS thì cơ quan THADS cấp tỉnh có tới 9 nhiệm vụ, quyền hạn; còn theo Điều 16 của Nghị định này thì cơ quan THADS cấp huyện có tới 7 nhiệm vụ, quyền hạn. Có thể những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định cho các cơ quan THA là cần thiết, nhưng rõ ràng, bằng quy định như Điều 12 và Điều 16 nêu trên, khó có thể xác định nhiệm vụ chính của cơ quan THA là gì.
3. Kiến nghị cho việc xây dựng dự án Luật THADS
Trên đà tư duy này, khi xây dựng dự án Bộ luật THA và sau này là dự án Luật THADS, tổ chức hệ thống cơ quan THA tiếp tục trở thành một trong những vấn đề có nhiều ý kiến. Dự án số 10 Bộ luật THA (năm 2006), Điều 19 Khoản 2 quy định: “Cục THA tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Cục THA cấp tỉnh) là cơ quan trực thuộc Tổng cục THA giúp Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về THA, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục THA quản lý, theo dõi công tác THA ở địa phương và trực tiếp tổ chức THA theo thẩm quyền”. Tương tự, Điều 19 Khoản 3 quy định chức năng của “Chi cục THA huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chi cục THA cấp huyện) là cơ quan trực thuộc Cục THA cấp tỉnh giúp Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về THA; giúp Cục trưởng Cục THA cấp tỉnh quản lý, theo dõi công tác THA trên địa bàn và trực tiếp tổ chức THA dân sự theo thẩm quyền”.
Với quy định này, chức năng chính của cơ quan THA là “trực tiếp tổ chức THA theo thẩm quyền” đã trở thành chức năng thứ yếu, phải tìm kiếm trong một loạt chức năng “trực thuộc”, “giúp ủy ban”, “giúp Tổng cục trưởng”. Không chỉ mơ hồ về chức năng, sự phụ thuộc, lệ thuộc của cơ quan THA vào các cơ quan quản lý làm cho một câu hỏi được đặt ra: vậy thực sự cơ quan có thẩm quyền THA là cơ quan nào, là cơ quan THA hay ủy ban nhân dân, Tổng cục THA hay Bộ Tư pháp?.
Theo Điều 15 của dự án số 11 Luật THADS thì, “Cơ quan THADS gồm có: 1. THADS tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là THADS cấp tỉnh); 2. THADS huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là THADS cấp huyện) hoặc liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là THADS khu vực); 3. THA quân khu và Quân chủng Hải quân (sau đây gọi chung là THA cấp quân khu)”. Tuy nhiên, với quy định hiện có về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp huyện tại Điều 16, 18 của dự án số 11 Luật này thì ta thấy, cơ quan THADS thực sự vẫn chưa có tính độc lập, cả phương diện tổ chức và phương diện hoạt động. Phải chăng, chính sự không độc lập, sự lệ thuộc, sự trực thuộc và phụ thuộc về tổ chức của cơ quan THA, dù không có mục đích này, nhưng quy định của luật vô tình đã đẩy hoạt động của cơ quan THA vào việc không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình như trong hai tình huống nêu trên cũng như trong hoạt động THADS hiện nay.
Bởi thế, đã đến lúc cần phải có quan điểm, cách nhìn nhận mới về cơ quan THA, đặc biệt là trong bối cảnh dự thảo Luật THADS đang được xem xét, trong đó có việc tổ chức cơ quan THA. Trước hết, Luật phải khẳng định cơ quan THA là cơ quan có nhiệm vụ thi hành những bản án, quyết định có hiệu lực thi hành của Tòa án và của cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật THA. Việc đưa ra một cách trực tiếp chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan THA có ý nghĩa khẳng định rõ ràng cơ quan THA là cơ quan gì trong hệ thống các cơ quan của nhà nước, giống như khi nói đến Tòa án, điều luật khẳng định ngay đó là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc cơ quan kiểm sát là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cách quy định này cũng có ý nghĩa tác động vào nhận thức của cả xã hội, làm không ai có thể mơ hồ rằng chức năng THA là của cơ quan THA hay của ủy ban nhân dân hay của Chính phủ hay Bộ Tư pháp. Đó cũng là căn cứ để trước hết các cơ quan THADS nhận thức đúng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình, không lệ thuộc, không ỷ lại cơ quan khác trong hoạt động THA. Và hơn nữa, nó tạo đà cho người dân hiểu biết về vị thế cơ quan THA, tạo thói quen khi người dân có quyền lợi không được thi hành theo bản án của tòa án, họ nghĩ ngay đến cơ quan THA, giống như có tranh chấp cần giải quyết, họ đưa đơn ra tòa án. Đây cũng là cách tạo dần sự độc lập của cơ quan THA, xác định vị thế của cơ quan THA trong bộ máy cơ quan nhà nước cũng như trong xã hội. Cần hiểu sự độc lập của cơ quan THA không có nghĩa là sự tách rời khỏi các cơ quan khác. Cơ quan THA vẫn là một bộ phận của hệ thống cơ quan nhà nước, phải tuân thủ mọi quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, quan niệm và cách hiểu truyền thống về các cấp cơ quan THA cũng cần phải loại bỏ. Theo quy định của pháp luật hiện hành cũng như trong các dự án Luật THADS, không có một quy định cụ thể, rõ ràng rằng THA cấp huyện là cơ quan THA cấp dưới của THA cấp tỉnh. Nhưng tất cả những quy định về tổ chức cơ quan THA như các nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh THADS và dự án Luật THADS đều chỉ rõ sự không chỉ lệ thuộc về tổ chức mà các cơ quan THADS cấp huyện còn chịu sự chỉ đạo trực tiếp, sự hướng dẫn về nghiệp vụ THA của cơ quan THA cấp tỉnh.
Cách tổ chức theo cấp hành chính, cấp trên /cấp dưới, nhìn dưới góc độ lý luận chỉ phù hợp với cách tổ chức cơ quan hành chính mà không phù hợp với các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan THA. Còn tòa án được tổ chức theo cấp tòa là có thể chấp nhận, do hệ thống tố tụng tồn tại hai cấp xét xử, vì vậy, Tòa án phải tổ chức theo cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm, nhưng nếu cơ quan THA cũng tổ chức thành hai cấp hoặc quan niệm có hai cấp trong hệ thống cơ quan THA là không đúng. Trong THADS không có cấp trên, cấp dưới. Mỗi cơ quan THA đều có nhiệm vụ thi hành những bản án, quyết định của tòa án hoặc quyết định của cơ quan khác theo thẩm quyền pháp luật quy định. Sự thi hành chức năng của mỗi cơ quan THA mang tính độc lập, nhiệm vụ theo thẩm quyền của cơ quan nào do cơ quan đó đảm nhiệm. Không có việc nếu THA ở cấp huyện không thực hiện được thì chuyển lên cho THA cấp tỉnh vì đó là cơ quan cấp trên, có nghiệp vụ, có năng lực THA tốt hơn. Tất cả các cơ quan THA đều phải có năng lực như nhau, đáp ứng như nhau các yêu cầu về nghiệp vụ, chuyên môn. Hiện tại, nếu cơ quan THA chưa hội tụ đủ các yếu tố này thì công tác đào tạo, bồi dưỡng phải được chú trọng, không nên quan niệm hoặc tạo nhận thức rằng THA cấp huyện yếu hơn hoặc được phép yếu hơn THA cấp tỉnh. Việc THA được tổ chức theo địa giới không đồng nghĩa với việc THA cấp huyện là cấp dưới của THA cấp tỉnh hoặc THA cấp tỉnh phải mạnh hơn, giỏi hơn THA cấp huyện.
Nhận thức quan trọng này, trước hết phải được chính những người soạn thảo dự án Luật THADS coi như tư tưởng xuyên suốt quá trình xây dựng dự án Luật THADS. Khi đó, Luật THADS, phần quy định về cơ quan THA chỉ cần quy định ngắn gọn:
“Hệ thống cơ quan THADS được tổ chức ở các địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, được bắt đầu bằng “THA”.
Trong trường hợp cần thiết, THA được tổ chức ở địa bàn liên huyện[2].
THA gồm có Trưởng THA, Phó trưởng THA, Chấp hành viên và các cán bộ, công chức làm công tác THA.
Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan THA do Chính phủ quy định”.
Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết phải quán triệt những phân tích trên, bảo đảm sự độc lập của cơ quan THA. Phải khẳng định rõ nhiệm vụ của cơ quan THA là “tổ chức thi hành những bản án, quyết định của tòa án và của cơ quan khác theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Những nhiệm vụ còn lại chỉ mang tính hỗ trợ để cơ quan THA thực hiện tốt nhiệm vụ chính THA. Tránh cách quy định làm cho THA tổ chức ở địa bàn cấp huyện chịu quá nhiều sự chỉ đạo về chuyên môn của THA tổ chức ở địa bàn cấp tỉnh, hoặc THA ở cấp tỉnh phải làm quá nhiều những việc ngoài chuyên môn[3].
[1] Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/5/2006, tr. 7.
[2] Trong xu hướng cải cách tư pháp, hệ thống Tòa án có thể được tổ chức theo cấp xét xử và theo khu vực. Đối với những địa bàn ít án, nhiều huyện có thể chỉ tổ chức chung một Tòa án. Phù hợp với cách tổ chức của Tòa án, THADS trong xu hướng này cũng được tổ chức theo khu vực, một số huyện sẽ tổ chức một cơ quan THA, thay vì mỗi huyện một cơ quan THA. Điều này chắc chắn chỉ xảy ra ở những tỉnh, địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, ít dân cư, những vụ việc tranh chấp hoặc yêu cầu về THA không nhiều. Trong khi đó các địa bàn quận, thành phố thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã đều rơi vào tình trạng quá tải về án xử và án thi hành. Thế nên, nếu có thành lập THA theo khu vực thì chỉ có thể là THA liên huyện, không có THA liên quận hoặc liên thành phố, thị xã. Quy định như một số dự án có cả liên quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là chưa thấy hết được vấn đề này.
[3] Cách tổ chức này sẽ dẫn đến THA được tổ chức ở địa bàn cấp tỉnh không phải là cấp trên của THA cấp huyện mà đó đơn thuần chỉ là cơ quan THA được tổ chức để thi hành những bản án, quyết định của của tòa án và cơ quan khác theo thẩm quyền. Những chức năng quản lý của THA cấp tỉnh hiện nay cần được chuyển về cho cơ quan quản lý THA là Cục THADS, Bộ Tư pháp. Trong bối cảnh đó, tổ chức và hoạt động của Cục THA cần được nghiên cứu cho phù với giai đoạn mới. Đây cũng là một nội dung cần thiết của lộ trình thống nhất đầu mối về THA trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nhìn dưới góc độ khoa học.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Tổ chức hệ thống cơ quan thi hành án trong điều kiện thực hiện chiến lược cải cách tư pháp.doc