Vấn đề tiếp nhận các yếu tố nghệ thuật của thơ tượng trưng phương tây trong thơ mới Việt Nam 1932 – 1945

Người phương Đông nói chung có thế mạnh về lối tư duy bằng tượng trưng. Đó là lối tư duy đặc trưng của người trung đại. Khi con người chưa tách mình ra khỏi tự nhiên và chưa nhận thức nổi nó, người trung đại thường sử dụng tự nhiên để thực hiện nhu cầu biểu hiện mình và tư duy tượng trưng được hình thành từ đó. “Thiên nhiên với người trung đại như thể là cùng một loại với con người Thiên nhiên là một bình chứa vĩ đại các tượng trưng”. Đối với người trung đại nói chung là thế, và với một nước phương Đông như Việt Nam, do còn gắn chặt với điều kiện một xã hội nông nghiệp cổ truyền nên lối tư duy ấy còn chưa xa lắm, nhất là trong cấu trúc ý thức xã hội.

Đặc điểm tư duy của người trung đại phương Đông được phản ánh một cách rõ rệt trong thơ Đường. Trước khi có thơ tượng trưng phương Tây, người Việt Nam đã trải qua nhiều thế kỷ làm quen với thơ luật Đường của Trung Quốc. Đó là một thứ thơ gắn chặt với tâm thức của người trung đại và trong nhiều thế kỷ thơ Đường đã trở thành như quốc thi của người Việt.

 

doc8 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2337 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vấn đề tiếp nhận các yếu tố nghệ thuật của thơ tượng trưng phương tây trong thơ mới Việt Nam 1932 – 1945, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN CÁC YẾU TỐ NGHỆ THUẬT CỦA THƠ TƯỢNG TRƯNG PHƯƠNG TÂY TRONG THƠ MỚI VIỆT NAM 1932 – 1945 NGUYỄN HỮU HIẾU (*) Trong giao lưu với văn học nước ngoài, Thơ Mới Việt Nam chịu ảnh hưởng của thơ ca phương Tây, trong đó có thơ tượng trưng là một thực tế không phủ nhận. Các tác giả thơ tượng trưng như Baudelaire, Arthur Rimbaud, Paul Verlaine…, thậm chí cả nhà thơ lãng mạn và tượng trưng Mỹ Edgar Allan Poe đã để lại dấu ấn âm nhạc khác nhau trong sáng tác của một bộ phận của các nhà thơ mới. Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh, Hoài Chân đã khẳng định: “Các nhà thơ mới không nhiều thì ít, ở mức độ đậm nhạt khác nhau, đều bị ám ảnh bởi Baudelaire, người đã khơi nguồn thơ ấy”. Ở chuyên luận “Thơ Mới”, Giáo sư Phan Cự Đệ viết: “Từ năm 1936 trở về sau, trường phái thơ tượng trưng được người ta chú ý hơn cả”. Trong lời tựa tập thơ “Những bông hoa Ác”, Giáo sư Đỗ Đức Hiểu đã phân biệt hai “làn sóng” thơ, trong đó làn sóng thứ nhất chịu ảnh hưởng nhiều ở thơ lãng mạn, còn làn sóng thứ hai với các nhà thơ Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng… chịu ảnh hưởng của thơ tượng trưng. Bản thân Xuân Diệu, một trong những trụ cột của thi đàn Việt Nam cũng đã thừa nhận một cách không dấu giếm: “Với Baudelaire, tôi đi toàn vẹn vào tính chất hiện đại của thơ”.1 Thẩm mỹ phương Đông và thẩm mỹ phương Tây có một sự khác biệt lớn. Về lịch sử phát triển, giữa thơ Việt Nam và thơ phương Tây lại tồn tại một khoảng cách thẩm mỹ khá xa, vậy điều gì đã khiến cho thơ mới Việt Nam tiếp cận dễ dàng và rất tự nhiên những yếu tố nghệ thuật của thơ tượng trưng (đặc biệt thơ Pháp) để tạo thành một khuynh hướng thơ có màu sắc tượng trưng rất rõ rệt, góp phần làm đa dạng phong cách nghệ thuật của phong trào Thơ Mới ? Bài viết này dẫn ra một số lý do trực tiếp và sâu xa để cắt nghĩa sự đồng cảm và tiếp thu một cách tự nhiên ảnh hưởng của thơ tượng trưng trong thơ của một bộ phận các nhà thơ mớI Việt Nam. 1. Đầu thế kỷ XX, nhu cầu đổi mới văn học được đặt ra một cách cấp bách. Do những ngẫu nhiên lịch sử, Việt Nam nằm trong vòng đô hộ của đế quốc tư bản phương Tây, sự giao lưu văn hoá, văn học được mở rộng, sự tự ý thức của mỗi nền văn học không cho phép giữ mãi tính chất vùng của khu vực văn hoá Nho giáo và văn tự tượng hình được mà phải nhanh chóng hoà vào dòng chung của văn học thế giới. Nhu cầu đổi mới ấy khi xuất hiện lại gặp được sự chín muồi về những điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội… nên nhanh chóng được hiện thực hoá. Đầu thế kỷ XX kinh tế đô thị đã phát triển mạnh, tầng lớp thị dân hình thành và ngày càng đông đảo đi liền với những thị hiếu và nhu cầu mới, chữ quốc ngữ đã thuần thục, lớp trí thức Tây học ngày càng nhiều… Những điều kiện ấy giúp con người Việt Nam khi đứng trước “đối chứng” là văn học phương Tây càng nhận ra một cách rõ hơn sự trì trệ, xơ cứng của nền nếp thơ cũ đã tồn tại qua bao thế kỷ, càng thấy rõ hơn cần phải có cái gì đó mới để tăng thêm sinh khí cho thi đàn. Với những điều kiện hết sức khách quan ấy, thơ Việt Nam gặp gỡ thơ Pháp trở thành vấn đề tất yếu và nguồn thơ tượng trưng vào Việt Nam cũng nằm chung trong quá trình du nhập các yếu tố ngoại lai. Có thể xem đây là nhân tố nội tại, hàng đầu của sự tiếp xúc giữa thơ mới Việt Nam và thơ tượng trưng Pháp. Cũng từ nhu cầu nội tại đó ta hiểu được vì sao thơ tượng trưng mặc dù là một thi phái thơ hiện đại chủ nghĩa ra đời sau lại có thể được các nhà thơ Việt Nam tiếp nhận gần như đồng thời với thơ lãng mạn. Vấn đề ở đây là: nhu cầu hiện đại hoá đặt ra và các nhà thơ Việt Nam có thể tiếp thu bất kỳ nguồn thơ nào, miễn sao đối tượng tiếp nhận là mới mẻ và thoả mãn được yêu cầu đổi mới nền thơ dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà trong thơ mới trước 1945 có hiện tượng cộng sinh nhiều hình thức khác nhau, có lãng mạn, có tả chân, có tượng trưng và có cả màu sắc siêu thực trong một số trường hợp ở giai đoạn cuối, như vậy, sự gặp gỡ giữa thơ Việt Nam và thơ Pháp trở thành vừa như một tất yếu vừa như một sự lựa chọn tích cực để góp phần nhanh chóng đưa thơ Việt Nam đi vào quỹ đạo của thơ hiện đại. 2. Sự tương đồng trong ý thức về thân phận giữa các nhà thơ mới Việt Nam và các nhà thơ tượng trưng trung Phương Tây. Trong Phong trào thơ mới, Giáo sư Phan Cự Đệ viết: “Nhìn chung từ 1936 trở về sau, trường phái tượng trưng được người ta chú ý hơn cả. Tại sao đây? … Cái chính vẫn là sự gặp nhau của những tâm hồn trí thức bất mãn với xã hội, đau buồn, chán nản, u uất khi phong trào cách mạng của quần chúng bị thất bại hoặc bì đàn áp dữ dội…”.2 Văn học các nước phương Tây, trong nội dung của nó, ý thức về cá nhân và thân phận con người xuất hiện sớm. Đó chính là cơ sở ý thức tư tưởng quan trọng làm xuất hiện những phong trào, những khuynh hướng nghệ thuật chuyên chú vào những khám phá bản chất đích thực của con người, vị trí của con người trong trời đất với tất cả những khả năng, những khát vọng và cả những đổ vỡ đau đớn của họ. Ở phương Đông, với những khuôn khổ đạo lý chặt chẽ, con ngườI cá nhân dường như rất ít có điều kiện thể hiện, nếu có thì nhìn chung vẫn là yếu ớt. Đầu thế kỷ XX, vớI những điều kiện mới (kinh tế hàng hoá, nếp sống đô thị, sự rạn nứt những nguyên lý đạo đức cổ truyền…), ý thức cá nhân có điều kiện xuất hiện và khẳng định. Nó giúp các nghệ sỹ, những người nhạy cảm, ý thức được rõ hơn tính chất thù địch của hoàn cảnh đối với nghệ thuật và họ khám phá ra bi kịch tâm hồn của chính họ. Trong Thơ Mới ta bắt gặp rất nhiều những câu thơ đau đớn nói lên khát vọng không thoả, thậm chí là tuyệt vọng không thoả, thậm chí là tuyệt vọng của các nhà thơ, kiểu như: -Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ -Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa -Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị. -Trời hỡi hôm nay ta chán hết Những sắc màu hình ảnh của trần gian… Có thể xem những câu thơ đó như những minh chứng để thấy rằng: là những người dân mất nước, các nhà thơ biết nỗi đau của họ, và vì thế thơ tượng trưng - lối thơ xoay sâu vào chủ thể, lối thơ biểu hiện sự phản ứng đối với cuộc sống tầm thương nhỏ nhen, vị kỷ, vị lợi trở thành có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với các nhà thơ Việt Nam. Baudelaire đã từng nói: “Ý tưởng về sự ích lợi là sự thù nghịch nhất của thế giới với ý tưởng của cái đẹp”. Những nhà thơ tượng trưng, từ Baudelaire đến Arthur Rimbaud, Paul Verlaine, Mallarmé… càng ngày càng nhận ra cái kỷ nguyên hiện đại mỗi ngày một đi xa hơn giới hạn của cái thiêng liêng, cái “vầng hào quang”, cái “quầng sáng tâm linh” đã bị biến mất dưới sức nặng của vật chất hoá và phi nhân tính hoá các quan hệ giữa con người, với sự tính toán đáng sợ theo tinh thần của thực chứng luận cuối thế kỷ. Trong các nhà thơ Pháp, Arthur Rimbaud đã từng ước mơ chạy trốn trước sự buồn chán: rời bỏ thành phố Charleville ra Paris, rời bỏ Paris sang phương Đông, rồi bỏ phương Đông đến với hư vô… Tuy hoàn cảnh nước Pháp cuối thế kỷ XIX và Việt Nam đầu thế kỷ XX không phải tất cả đều tương đồng (về lịch sử, xã hội, quan hệ giai cấp), nhưng trước những biến động xã hội, giữa các nhà thơ mớI Việt Nam và các nhà thơ tượng trưng phương Tây đều nảy sinh những động năng tâm lý như nhau, họ phát hiện ra sự vô vọng trong khả năng dung hoà với xã hội và tìm kiếm lối thoát cho mình trong những khám phá thẩm mỹ mới. Nhân tố xã hội như đã chỉ ra là rất quan trọng. Tuy nhiên cần phải thấy rằng: từ những tiếp thu yếu tố nghệ thuật của thơ tượng trưng đến việc hình thành một khuynh hướng thơ, lý do thời đại là chưa đủ để cắt nghĩa. Các nhà thơ mới say thơ Baudelaire và các tác giả tượng trưng không chỉ dừng lại ở thái độ phản ứng đối với thực tại, ở một tâm hồn đồng điệu, mà còn ở một nghệ thuật mới tinh vi và quyền rũ: sự phát hiện ra mối tương hợp các giác quan, những tương quan huyền bí giữa con người và vũ trụ, ở những miền bí ẩn của tâm linh chưa ai khám phá, ở âm điệu du dương của nhạc để diễn tả những giai điệu chủ quan của tâm hồn nghệ sĩ, ở cả sự xả thân cho những tìm tòi mới mẻ của các thi sĩ tượng trưng… Như vậy, để có thể biến các yếu tố được tiếp nhận từ bên ngoài để tạo thành một bộ phận thơ ca có khuynh hướng nghệ thuật rõ rệt còn có những yếu tố khác không kém phần quan trọng, làm cho thơ vừa đảm bảo tính mới lạ, hấp dẫn, vừa gần gũi với tâm thức thẩm mỹ của người phương Đông và Việt Nam. 3. Đặc trưng ngôn ngữ Việt Nam. Tiếng Việt thuộc vào loại ngôn ngữ đơn âm tiết, có khả năng gợi cảm lớn. Trong những văn cảnh nhất định, vỏ âm thanh tự nó có sức mạnh diễn tả sự vật hoặc trạng thái tâm hồn con người. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du từng có những câu thơ rất hay biểu thị sức mạnh này của Tiếng Việt: - Tiếng khoan như gió thoảng ngoài Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa - Đùng đùng gió giục mây vần Một xe trong cõi hồng trầm như bay… Có rất nhiều những âm thanh có ý nghĩa tượng trưng, có sức mạnh diễn đạt những ý nghĩa vượt ra ngoài rất xa sự vật mà nó chỉ định kiểu như những câu thơ trên. Đó là thế mạnh không thể phủ nhận được của Tiếng Việt. Ngoài ý nghĩa tượng trưng, sức ám gợi của âm thanh từ ngữ, tiếng Việt là thứ ngôn ngữ giàu nhạc tính. Sự phong phú về mặt thanh điệu trong tiếng Việt thực sự có thế mạnh trong việc diễn tả một cách dễ dàng các sắc thái, các cung bậc khác nhau, tinh vi của tâm hồn con người. Nó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nhạc tính cho thơ. “Âm nhạc trước mọi sự” (de la musique avant toute chose). Trong sự tìm kiếm thẩm mỹ, để vừa khai thác tối đa khả năng của ngôn từ, vừa để tìm lối thoát cho thơ trong việc khắc phục kiểu trình bày trực tiếp sự vật, các nhà thơ tượng trưng, đi đầu là Varlaine đã đưa âm nhạc lên thành vấn đề đầu tiên trong thơ. Ở khía cạnh này có sự tương đồng giữa thơ Việt Nam và thơ tượng trưng Pháp là điều dễ hiểu. Tuy vấn đề nhạc tính trong thơ không phải là mới vì âm nhạc là một phần không thể thiếu được của thơ, hơn nữa cha ông xưa đã từng nói “thi trung hữu nhạc”, nhưng vấn đề là ở chỗ: với sự gợi ý của tinh thần âm nhạc từ thơ tượng trưng, Thơ Mới đã phát huy ở mức độ tối đa vấn đề nhạc tính, và trong thực tiễn đời sống thơ ca, Thơ Mới đã tạo được những bài thơ có sức gây ấn tượng mạnh mẽ không phải chỉ là hình ảnh, màu sắc mà ở chính sự du dương trong âm điệu của nó. 4. Về sự khác biệt giữa người phương Đông và phương Tây, nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng: nếu người phương Tây sớm nhận thức vũ trụ là khách thể, con người sớm có chiều hướng tách mình ra khỏi nó để khám phá, chinh phục thì người phương Đông ngược lại, có xu hướng hoà hợp với vũ trụ, khám phá và biểu hiện mình trong những tương quan huyền nhiệm với tạo vật. Với người phương Đông, vũ trụ không thể là khách thể và ngày nay, tuy trong thời đại khoa học, nhưng những dấu tích của quan niệm người xưa vẫn chưa mất đi trong ý thức con người hiện đại, trong thơ ca ngoại cảnh vẫn thường được biểu hiện trong mối liên hệ khăng khít với tâm cảnh. Người xưa vẫn thường nói: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ Câu thơ tuy có vẻ giản dị nhưng đó chính là sự cảm nhận có màu sắc triết học của người xưa về quan hệ huyền nhiệm giữa con người và thế giới. Ở đây có vấn đề sự liên quan giữa quan niệm nhất thể cảm giác (unité de sens) của thơ tượng trưng và quan niệm triết học căn bản của Trung Hoa xưa về tính nhât thể của vũ trụ. Từ lâu, người phương Đông xem vũ trụ là một thể thống nhất và con người là tiểu vũ trụ trong cái vũ trụ ấy. Bởi vậy, vạn vật và con người có mối tương giao thầm kín và người xưa tin rằng nhờ sự liên hệ mật thiết đó mà Trời và Người có khả năng tương cảm, tương ứng. Trình Minh Hạo có nói trong Ngữ lục: “Trời và Người gốc không phải là hai, bất tất phải nói thiên nhân hợp nhất. Tâm của ta chính là Trời đây, phát huy đến cùng cực cái tâm của ta thì biết được tính, biết được tính tức là biết Trời” (Thiên nhân bản vô nhị, bất tất ngôn hợp. Tâm tiện thị thiên, tận chi tiện tri tính, tri tính tiện tri thiên). Tư tưởng thiên nhân hợp nhất đó là cốt lõi và đặc điểm lớn của triết học Trung Hoa xưa và nó ảnh hưởng tới các quốc gia nông nghiệp lúa nước phương Đông như Việt Nam một cách mạnh mẽ. Việc thơ tượng trưng phát hiện ra mối tương hợp, hô ứng với nhau giữa các giác quan, giữa mùi hương, màu sắc và âm thanh, mối liên hệ huyền bí giữa con người và vũ trụ là sự trùng hợp thú vị giữa cái tìm tòi được của thơ Pháp và chiều sâu tâm thức người phương Đông và Việt Nam. 5. Người phương Đông nói chung có thế mạnh về lối tư duy bằng tượng trưng. Đó là lối tư duy đặc trưng của người trung đại. Khi con người chưa tách mình ra khỏi tự nhiên và chưa nhận thức nổi nó, người trung đại thường sử dụng tự nhiên để thực hiện nhu cầu biểu hiện mình và tư duy tượng trưng được hình thành từ đó. “Thiên nhiên với người trung đại như thể là cùng một loại với con người… Thiên nhiên là một bình chứa vĩ đại các tượng trưng”. Đối với người trung đại nói chung là thế, và với một nước phương Đông như Việt Nam, do còn gắn chặt với điều kiện một xã hội nông nghiệp cổ truyền nên lối tư duy ấy còn chưa xa lắm, nhất là trong cấu trúc ý thức xã hội. Đặc điểm tư duy của người trung đại phương Đông được phản ánh một cách rõ rệt trong thơ Đường. Trước khi có thơ tượng trưng phương Tây, người Việt Nam đã trải qua nhiều thế kỷ làm quen với thơ luật Đường của Trung Quốc. Đó là một thứ thơ gắn chặt với tâm thức của người trung đại và trong nhiều thế kỷ thơ Đường đã trở thành như quốc thi của người Việt. Một trong những nội dung chính của thơ Đường là khám phá mối giao hoà giữa con người với thiên nhiên, và đó là một trong những nét đặc trưng nổi bật. Nếu phương Tây có thế mạnh về tư duy khái niệm vì sớm có truyền thống tư biện và khoa học, thì thơ Đường thiên về lối tư duy cụ tượng, dùng hình ảnh có tính tượng trưng để diễn đạt chân lý. Vì vậy, ý nghĩa của thơ Đường thường không nằm ở sự vật được nói đến, sự vật như cái cớ đề nhà thơ nói cái khác vượt xa bản thân nó. Và cũng vì thế thơ Đường thường gợi chứ không tả, thơ phải nói ít hiểu nhiều, bài thơ luôn dành “dư địa” cho người thưởng ngoạn. Will Durrant, một nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã phát hiện ra điểm khác biệt rất căn bản giữa thơ phương Đông và thơ phương Tây trong “Lịch sử văn minh Trung Hoa” như sau: thơ phương Tây thiên về cái mạnh mẽ, hùng vĩ, chân xác và tráng lệ, còn thơ phương Đông thiên về cái linh diệu, và thế mạnh cảm nhận cái mênh mông huyền diệu của vũ trụ chỉ có thơ phương Đông mới có. Trên đây là một số cơ sở được dẫn ra để thấy rằng nền thơ Việt Nam vốn đã có một bề dày kinh nghiệm thẩm mỹ, có liên quan đến vấn đề “cái tượng trưng” trong thơ, đó là những điều kiện cần và đủ để thơ tượng trưng Pháp nửa sau thế kỷ XIX dễ dàng được tiếp nhận với tư cách như một định hướng nghệ thuật chiếm ưu thế và các nhà thơ Việt Nam đã đồng hoá nó, tạo ra những thành tựu nghệ thuật đáng kể trong phong trào Thơ Mới. 6. Ngoài một số điều kiện kể trên, để góp phần lý giải sự gặp gỡ giữa thơ Mới và thơ tượng trưng, còn có những điều kiện khác không những chỉ liên quan đến một bộ phận thơ mà còn liên quan đến một bộ phận thơ mà còn liên quan đến toàn bộ phong trào thơ, đó là nhân tố thời đại trên phạm vi quốc tế. Nhìn lịch sử phát triển văn học, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở các khu vực khác, sự vận động trong đời sống văn học thế kỷ XX được dựa trên nền tảng của những giao lưu và trao đổi quốc tế. Vấn đề này thực ra cũng không phải ở thế kỷ XX mới đặt ra, vấn đề là giao lưu và trao đổi ở thế kỷ XX khác các thế kỷ trước về quy mô và mức độ, tất cả đều có tính toàn cầu. Chủ nghĩa tượng trưng, mặc dầu nó là một thi phái ra đời trên cơ sở những điều kiện lịch sử cụ thể của nước Pháp những thập niên cuối thế kỷ XIX, nhưng sau đó nó trở thành một phong trào thơ rộng lớn cả châu Âu và không chỉ ở lĩnh vực thơ ca, các bộ môn nghệ thuật khác cũng có xu hướng theo phong cách tượng trưng. Điều đáng lưu ý ở thời điểm cuốI thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là xu hướng trở lại với đời sống hồn nhiên bộc phát, tư tưởng duy lý đã bộc lộ một cách mạnh mẽ tính chất bất tín nhiệm của nó. Người ta đã nhận thấy được những cố gắng của bao thế kỷ con người kiên trì đan cái lướI lý trí và tham vọng dùng nó để thâu tóm tất cả những sự thật lung linh của tạo vật đã không thể nào thực hiện nổi. Brunetiere đã nghĩ tới “sự phá sản của khoa học” và tán dương những gì bất luận lý, những phương pháp duy lý bị chính con người phương Tây lên án, bài bác và họ cho rằng “không thể dùng tam đoạn luận để rút tỉa lấy linh hồn sự vật cũng như không thể dùng câu liêm để kéo con quỷ Léviathan trong thánh kinh” (4). Những văn nghệ sỹ châu Âu cuốI thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX từ chỗ khước từ dần quyền năng của lý trí phổ quát đã nhắm ngòi bút của mình vào cuộc sống linh động để tìm tòi, họ tin tưởng rằng vũ trụ sẽ không chịu tiết lộ bí mật cho bất kỳ người nào chỉ biết tra vấn cuộc sống bằng những sự tính toán rạch ròi và những gì là tinh tuý của đời sống luôn nằm ngoài nhận thức duy lý. Họ đua nhau đi tìm ngọn nguồn của đời sống chưa bị trí khôn bế toả, vì “đời sống chúng ta nhiệm màu, nó tránh xa phản ảnh của lý trí… nó bị lôi cuốn bởi cái huyền bí và nó chống lại sự an bài của phép tắc ngoại hiện”. (5) Nhìn chung, đó là bối cảnh của sự khủng hoảng tinh thần của con người châu Âu trước sự bất lực của tư duy luận lý vốn là thế mạnh của họ, đặc biệt thế kỷ XVI, XVII, với tư tưởng duy lý của Montaigne, Descartes. Bối cảnh đó là miếng đất màu mỡ để thơ ca tượng trưng được xây dựng rộng rãi. Những huyền bí của tạo vật, những sự thật cuộc sống ở bề sâu được thả sức khám phá. Đi từ thế giới bên ngoài vào thế giới bên trong là một phần rất quan trọng ở tính cách mạng trong nghệ thuật thơ ca của thơ tượng trưng (và sau này là siêu thực). Việt Nam ta nằm trong khu vực văn hoá Nho giáo. Tuy thơ ca trung đại thiên về tính chất giáo hoá theo chức năng chung của văn học phong kiến phương Đông, song người Việt Nam cũng như người phương Đông nói chung chú trọng nhiều đời sống tâm linh, chú trọng những lẽ huyền vi của người và tạo vật mà tư duy lý khó bề nhận thức. Thơ Mới gần hay xa, gián tiếp hay trực tiếp, trong nhu cầu cách tân của mình trong quá trình vận động của nó, sự hướng tới gặp gỡ những quan điểm mới của nghệ thuật tượng trưng là một điều tự nhiên. Ở đây các tác giả Thơ Mới Việt Nam không phải đón nhận xu hướng phản lý trí của phương Tây như một cái gì hoàn toàn mới mẻ mà là một sự thức dậy của những khả năng tiềm ẩn trong tâm thức của mình. Sự đón nhận cái mới nhưng lại rất chủ động và nhuần nhị, một trong những đặc điểm nổi bậc trong tính toán toàn cầu của Thơ Mới – thơ hiện đại Việt Nam. Tất cả những vấn đề được dẫn ra trên là những điều kiện để Thơ Mới Việt Nam tiếp nhận những ảnh hưởng của thơ tượng trưng phương Tây, trong đó có những yếu tố thuộc về dân tộc và những yếu tố thuộc về thời đại. Cũng cần thấy: sự ảnh hưởng của thơ tượng trưng với Thơ Mới không phải là một chiều giản đơn hay là sự chồng thêm lên Thơ Mới những tìm tòi thẩm mỹ mới một cách vật lý mà nó được thực hiện thông qua “bộ lọc” của chủ thể nhà thơ. Thơ tượng trưng Pháp sẽ có ảnh hưởng rất tích cực đối với nhu cầu làm mới thơ Việt Nam khi nó được các nhà thơ mới nội sinh hoá nó. Khả năng nội sinh hoá thơ tượng trưng trong Thơ Mới như vậy sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất, tài năng của nghệ sỹ, phụ thuộc vào mức độ nhuần nhuyễn trong khả năng đồng hoá và sáng tạo trên cơ sở kết hợp cái mới - hiện đại và cái truyền thống vốn có của phương Đông. Có thể sẽ còn nhiều nguyên nhân khác nữa để lý giải lý do đi vào, và có sức sống được của thơ ca tượng trưng trong Thơ Mới Việt Nam 1932 – 1945, nhưng những lý do trên chắc chắn là những lý do nền tảng không thể không nghĩ đến. Và chỉ có như thế ta mới thấy được sự hướng về thơ tượng trưng của Thơ Mới, ngoài một số biểu hiện cực đoan, quá đà, về cơ bản là một định hướng tích cực, bởi vì nó không những góp phần đáp ứng nhu cầu của sự giao lưu chân chính, dựa trên những căn bản sâu xa của dân tộc, để chuyển hoá cái mới vào Việt Nam, có thể “trước lạ sau quen” nhưng sống sượng, chỉ nặng về kỹ xảo ngôn từ, mà gắn liền với thơ Việt Nam và tâm hồn người Việt. HOW WESTERN SYMBOLISM WAS PERCEIVED IN NEW VIETNAMESE POETRY (1932 – 1945) NGUYEN HUU HIEU Many new Vietnamese poets perceived, studied and assimilated artistic elements of Western symbolism. It was the literary relations between Vietnamese literature (New poetry in particular) and international literature before 1945. There are aesthetic differences between the Western and Oriental worlds. In terms of time, Western poetry exceeds Vietnamese poetry by centuries. However, it is true that many Vietnamese poets of the new poetry movement, by perceiving and assimilating some artistic elements of Western symbolism, created symbolic poems very modern and yet not separate from the Vietnamese aesthetic concept. CHÚ THÍCH Hoàng Nhân. Phác thảo quan hệ văn học Pháp với văn học Việt Nam hiện đại, Nxb Mũi Cà Mau, 1998, trang 191. Phan Cự Đệ, Phong trào thơ mới. Nxb Khoa học xã hội, 1982, trang 226. Gurevich, Những phạm trù văn hoá trung đại, Moskva, 1972, trang 12. Chsterton, The Defendant (Dẫn theo Cuộc phiêu lưu tư tưởng VH châu Âu thế kỷ XX, R. M Albérès, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hoá, 1971, Vũ Đình Lưu dịch, trang 20). Sđd, trang 55.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docVấn đề tiếp nhận các yếu tố nghệ thuật của thơ tượng trưng phương tây trong thơ mới việt nam 1932 – 1945.doc
Tài liệu liên quan