Pháp luật của một số nước khác thì bắt buộc hợp đồng tặng cho phải được ký kết bằng văn bản. Điều 931 BLDS Pháp quy định, mọi chứng thư tặng cho lúc còn sống phải được lập trước mặt công chứng viên, theo hình thức thông thường của các hợp đồng và phải lưu bản chính, nếu không sẽ vô hiệu. Việc tặng cho lúc còn sống chỉ ràng buộc người tặng cho và chỉ phát sinh hệ quả kể từ ngày người được tặng cho đã chấp thuận một cách rõ ràng (Điiều 932 BLDS Pháp). Việc tặng cho được coi là hoàn tất ngay khi hai bên thoả thuận cho và nhận; quyền sở hữu đối với vật tặng cho được chuyển cho người được tặng cho, không cần một thủ tục chuyển giao nào khác (Điều 938 BLDS Pháp). Như vậy có thể nhận thấy rằng, theo pháp luật của Pháp, hợp đồng tặng cho là hợp đồng ưng thuận, tức là hợp đồng đã có hiệu lực ngay tại thời điểm các bên thoả thuận, điều này được quyết định bởi hình thức văn bản bắt buộc của loại hợp đồng này.
5 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 4634 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bản chất của hợp đồng tặng cho - Nhìn từ góc độ luật học so sánh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BẢN CHẤT CỦA HỢP ĐỒNG TẶNG CHO - NHÌN TỪ GÓC ĐỘ LUẬT HỌC SO SÁNH
TS. Dương Anh Sơn, Khoa Kinh tế, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh
1. Dẫn nhập: Hợp đồng tặng cho là một trong những công cụ pháp lý được hình thành lâu đời nhất trong pháp luật dân sự. Ngay từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ I trước Công nguyên trong Luật La Mã hợp đồng tặng cho được coi là một trong những cơ sở làm phát sinh quyền sở hữu và được quy định một cách cụ thể, chi tiết. Trong Bộ Luật Dân sự Bắc kỳ và Bộ luật Dân sự Trung kỳ hợp đồng tặng cho cũng dành được sự quan tâm đáng kể Hoàng Việt Trung-Kỳ Hộ luật (Bộ luật Dân sự Trung kỳ) dành 43 Điều (từ Điều 951 đến Điều 994) cho Sinh thời tặng giữ.
. Trong Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005, hợp đồng tặng cho được coi là một trong những hợp đồng dân sự thông dụng và được quy định trong phạm vi 6 Điều luật (từ các Điều 465-470). Như vậy có thể nhận thấy Bộ luật Dân sự 2005 chỉ dành một số lượng khiêm tốn các điều luật cho loại hợp đồng này, có lẽ chính vì vậy nên trong thực tiễn xảy ra nhiều trường hợp mà pháp luật không thể giải quyết được, ví dụ, bản chất của hợp đồng tặng cho, những giới hạn của hợp đồng và vấn đề huỷ bỏ hợp đồng sau khi hợp đồng đã có hiệu lực. Trong phạm vi bài viết tác giả cố gắng phân tích, so sánh để làm sáng rõ những vấn đề được đặt ra.
2. Việc xác định hợp đồng tặng cho là loại hợp đồng thực tế hay hợp đồng ưng thuận có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng, bởi lẽ điều này liên quan đến lợi ích của các bên trong hợp đồng. Theo quy định tại Điều 465 BLDS 2005, hợp đồng tặng cho là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù còn bên tặng cho đồng ý nhận . Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản. Đối với tặng cho động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký (Điều 466 BLDS 2005). Đối với tặng cho bất động sản thì Điều 467 BLDS 2005 quy định: i) Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu; ii) Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Theo các quy định trên của pháp luật Việt Nam thì về bản chất, mặc dù pháp luật không quy định rõ, nhưng trong khoa học pháp lý Việt Nam nhiều tác giả cho rằng, tặng cho tài sản làm phát sinh quan hệ hợp đồng khi bên được tặng cho nhận tài sản, cũng chính vì vậy nên hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng thực tế, sau khi các bên đã thoả thuận về việc tặng cho mà chưa chuyển giao tài sản, không làm phát sinh quyền của các bên Xem: Luật Dân sự Việt Nam, Tập 2, NXB Công an Nhân dân, 2006, tr.156.
, do vậy mọi thoả thuận chưa có hiệu lực khi chưa giao tài sản Xem: Luật Dân sự Việt Nam, Tập 2, NXB Công an Nhân dân, 2006, tr. 157
. Sự đồng ý của bên được tặng cho quyết định cho hợp đồng được xác lập, song hợp đồng chỉ có hiệu lực khi tài sản được tặng cho được trao cho bên được tặng cho (hợp đồng thực tế). Như vậy, đây là hợp đồng thực tế, đơn vụ và không có đền bù Xem: Luật Dân sự Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh 2007, tr. 397.
.
Có thể khẳng định rằng, hợp đồng tặng cho là hợp đồng không có sự đền bù, tuy nhiên nói rằng, hợp đồng tặng cho là hợp đồng thực tế thì còn cần phải xem xét. Lý thuyết về hợp đồng chỉ ra rằng, hợp đồng thực tế là hợp đồng chỉ phát sinh hiệu lực tại thời điểm các bên thực hiện nghĩa vụ của mình trên thực tế, loại hợp đồng này khác với hợp đồng ưng thuận, theo đó hợp đồng có hiệu lực ngay sau khi các bên đạt được sự thoả thuận nếu không có thoả thuận về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Như vậy hợp đồng tặng cho, theo ý kiến của các tác giả nói trên chỉ phát sinh hiệu lực khi bên được tặng cho thực tế nhận tài sản. Tuy nhiên Điều 466 Bộ luật Dân sự 2005 không nói rõ “nhận tài sản” là nhận tài sản về mặt pháp lý hay thực tế nhận tài sản, mặt khác, Điều 465 BLDS quy định, Hợp đồng tặng cho là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù còn bên tặng cho đồng ý nhận. Theo cách hiểu của tôi thì “đồng ý nhận” được nói đến trong Điều 465 BLDS có thể là đồng ý nhận tài sản ngay tức thì và cũng có thể là đồng ý nhận tài sản vào thời điểm nào đó trong tương lai.
Như vậy, một vấn đề cần phải được lý giải, căn cứ vào đâu mà một số tác giả lại có thể hiểu rằng, “nhận tài sản” được nói đến trong Điều 466 là nhận tài sản thực tế.
Chúng tôi cho rằng, nếu cho rằng hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng thực tế thì sẽ có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra và pháp luật khó có thể giải quyết được. Ví dụ, hợp đồng tặng cho tài sản được lập thành văn bản và đã được ký kết, theo đó bên tặng cho sẽ giao tài sản cho bên được tặng cho vào một thời điểm xác định trong tương lai. Vậy thì một vấn đề được đặt ra: khi tài sản chưa được chuyển giao thì người được tặng cho có quyền từ chối nhận tài sản hoặc người tặng cho có thể từ chối việc giao tài sản hay không? Nếu cho rằng hợp đồng tặng cho là hợp đồng thực tế thì trước khi nhận tài sản người được tặng cho có quyền từ chối nhận tài sản và người tặng cho có quyền từ chối thực hiện hợp đồng. Vậy thì sẽ giải quyết như thế nào trong trường hợp việc từ chối thực hiện hợp đồng của một trong các bên gây thiệt hại cho bên kia? Ví dụ, ngày 1/4 ông A tặng cho ông B xe du lịch 4 chỗ, hợp đồng được lập thành văn bản, có chứng thực. Ngay lúc đó ông B chưa nhận xe vì chưa có gara và nói với ông A rằng, sau hai tuần, tức là ngày 15/4 sau khi gara được làm xong ông B sẽ đến nhận xe và sẽ làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu. Sau khi ký hợp đồng, ông B cải tạo nhà của mình và xây gara để xe, chi phí xây gara mất 50 triệu. Gara được làm xong và chưa kịp nhận xe thì ông B được ông A thông báo là ông A không cho ông B chiếc xe đó nữa. Như vậy nếu nói rằng hợp đồng tặng cho là hợp đồng thực tế thì ông A không có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho ông B bởi vì hợp đồng tặng cho chưa có hiệu lực pháp luật. Điều này thật vô lý, bởi lẽ nếu không có hợp đồng tặng cho được ký kết trước đó thì ông B đã không bỏ ra 50 triệu để làm gara.
Chúng tôi cho rằng, vì pháp luật không quy định rõ tài sản trong hợp đồng tặng cho được bên được tặng cho thực tế nhận hay chỉ nhận về mặt pháp lý nên cần phải có sự giải thích rõ ràng. Để giải thích điều này, chúng tôi cho rằng cần phải xem xét “nhận tài sản” trong các loại hợp đồng khác, cụ thể là hợp đồng mua bán tài sản được giải thích như thế nào.
Khoản 1 Điều 439 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, nếu không có thoả thuận khác thì quyền sở hữu đối với tài sản trong hợp đồng mua bán tài sản được chuyển từ người bán sang người mua tại thời điểm tài sản được chuyển giao. Khoản 1 Điều 440 quy định, nếu không có thoả thuận khác thì người bản không còn chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm giao tài sản, người mua chịu rủi ro kể từ thời điểm nhận tài sản. Trong các quy định nói trên, thời điểm giao và nhận tài sản được xác định về mặt pháp lý, tức là thời điểm giao tài sản do các bên thoả thuận trong hợp đồng, không phụ thuộc vào thời điểm thực tế giao nhận tài sản. Ví dụ, các bên thoả thuận thời điểm giao tài sản là ngày 1/4 nhưng tài sản được người mua thực tế nhận vào ngày 5/4 thì thời điểm mà quyền sở hữu và rủi ro đối với tài sản được chuyển từ người bán sang người mua là ngày1/4, bởi vì sau thời điểm này tài sản đã được đặt dưới sự định đoạt của người mua.
Như vậy nếu trong hợp đồng tặng cho được hiểu là nhận thực tế thì rõ ràng không có cách hiểu thống nhất về “nhận tài sản” trong các hợp đồng khác nhau. Chúng tôi cho rằng, sở dĩ có cách hiểu khác nhau nói trên là vì trong pháp luật Việt Nam không có quy định, như thế nào là tài sản được chuyển giao.
Khác với pháp luật Việt Nam, pháp luật của các nước có quy định rõ thế nào là tài sản được chuyển giao. Ví dụ, Khoản 2 Điều 458 BLDS Liên bang Nga quy định, nếu không có thoả thuận khác, nghĩa vụ giao hàng của người bán được coi là hoàn thành vào thời điểm tài sản được đặt dưới sự định đoạt của người mua, nếu tài sản cần phải được giao cho người mua hay người do người mua chỉ định tại địa điểm có tài sản. Tài sản được coi đã được đặt dưới sự định đoạt của người mua nếu tài sản được giao đúng thời điểm và địa điểm do các bên thoả thuận trong hợp đồng và người mua đã được thông báo về việc hàng hoá săn sàng được chuyển giao…”. Vì được quy đinh rõ ràng như vậy nên “nhận tài sản” hay “chuyển giao tài sản” trong hợp đồng mua bán tài sản và hợp đồng tặng cho tài sản được giải thích giống nhau. Đây là một trong những lý do để nhiều tác giả cho rằng, hợp đồng tặng cho tài sản có thể là hợp đồng thực tế và cũng có thể là hợp đồng ưng thuận.
Nghiên cứu cho thấy rằng, theo quy định của pháp luật nhiều nước, hợp đồng tặng cho trong một số trường hợp là hợp đồng thực tế, và trong nhiều trường hợp khác là hợp đồng ưng thuận. Việc xem xét hợp đồng tặng cho là hợp đồng thực tế hay hợp đồng ưng thuận phụ thuộc vào:
Thứ nhất, tài sản là đối tượng của hợp đồng tặng cho được giao ngay tại thời điểm ký hợp đồng hay được giao trong tương lai. Trong trường hợp tặng cho tài sản là hợp đồng ưng thuận thì thời điểm giao tài sản và thời điểm ký hợp đồng không trùng nhau, thông thường trong trường hợp này tài sản sẽ được chuyển giao tại thời điểm xác định trong tương lai sau khi hợp đồng tặng cho được ký kết. Còn nếu hợp đồng tặng cho là hợp đồng thực tế thì thời điểm ký kết hợp đồng và thời điểm giao tài sản trùng nhau. Tặng cho là hợp đồng thực tế không làm phát sinh bất kỳ một quan hệ nghĩa vụ nào giữa các bên, chỉ có một ngoại lệ duy nhất cho hợp đồng này là tặng cho quyền tài sản Xem: Giáo trình Luật dân sự, (Bản tiếng Nga), NXB Prospect, Matxcơva 2001, tr. 123
.
Thứ hai, Hình thức của hợp đồng. Thông thường nếu được ký kết bằng lời nói thì hợp đồng tặng cho là hợp đồng thực tế. Trong trường hợp này hợp đồng chỉ phát sinh hiệu lực khi người được tặng cho thực tế nhận được tài sản. Nếu tặng cho được lập thành văn bản thì hợp đồng thường là hợp đồng ưng thuận. Theo quy định của pháp luật Viêt Nam và pháp luật của một số nước Pháp luật của Liên Bang Nga
, hợp đồng tặng cho có thể được ký kết bằng lời và cũng có thể được ký kết bằng văn bản. BLDS Việt Nam, ngoài quy định tại Điều 467, không quy định những trường hợp hợp đồng tặng cho phải được ký kết bằng văn bản. Khác với pháp luật Việt Nam, theo quy định tại Điểm 2 Khoản 2 Điều 574 BLDS Liên bang Nga, hợp đồng tặng cho có quy định giao tài sản tại một thời điểm trong tương lai, phải được ký kết bằng văn bản, nếu không tuân thủ hình thức văn bản thì hợp đồng vô hiệu. Các quy định của BLDS Liên bang Nga thể sau đó thể hiện rõ, trong những trường hợp này hợp đồng tặng cho là hợp đồng ưng thuận. Điều 573 quy định, bên được tặng cho có quyền từ chối nhận tài sản trong mọi thời điểm trước thời điểm nhận tài sản, trong trường hợp này hợp đồng được coi bị huỷ. Nếu hợp đồng tặng cho được ký kết bằng văn bản, bên tặng cho có quyền yêu cầu bên được tặng cho bồi thường thiệt hại thực tế do từ chối nhận tài sản. Như vậy hợp đồng tặng cho được ký kết bằng văn bản có hiệu lực trước thời điểm tài sản được chuyển giao (trước thời điểm người được tặng cho nhận tài sản). Tính chất ưng thuận của hợp đồng tặng cho bằng văn bản còn được thể hiện thông qua việc pháp luật quy định những trường hợp bên tặng cho có thể từ chối thực hiện tặng cho theo hợp đồng. Theo quy định tại Điều 577, bên tặng cho có quyền từ chối thực hiện hợp đồng, theo đó bên tặng cho sẽ giao tài sản cho bên được tặng cho trong tương lai, nếu sau thời điểm hợp đồng được ký kết tình trạng tài sản, tình trạng gia đình hay tình trạng sức khoẻ của bên tặng cho thay đổi đến mức nếu thực hiện hợp đổng sẽ làm cho cuộc sống của bên tặng cho trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trong trường hợp nói trên bên được tặng cho không có quyền yêu cầu bên tặng cho bồi thường thiệt hại. Ngoài những trường hợp nói trên bên tặng cho không có quyền từ chối thực hiện hợp đồng tặng cho.
Pháp luật của một số nước khác thì bắt buộc hợp đồng tặng cho phải được ký kết bằng văn bản. Điều 931 BLDS Pháp quy định, mọi chứng thư tặng cho lúc còn sống phải được lập trước mặt công chứng viên, theo hình thức thông thường của các hợp đồng và phải lưu bản chính, nếu không sẽ vô hiệu. Việc tặng cho lúc còn sống chỉ ràng buộc người tặng cho và chỉ phát sinh hệ quả kể từ ngày người được tặng cho đã chấp thuận một cách rõ ràng (Điiều 932 BLDS Pháp). Việc tặng cho được coi là hoàn tất ngay khi hai bên thoả thuận cho và nhận; quyền sở hữu đối với vật tặng cho được chuyển cho người được tặng cho, không cần một thủ tục chuyển giao nào khác (Điều 938 BLDS Pháp). Như vậy có thể nhận thấy rằng, theo pháp luật của Pháp, hợp đồng tặng cho là hợp đồng ưng thuận, tức là hợp đồng đã có hiệu lực ngay tại thời điểm các bên thoả thuận, điều này được quyết định bởi hình thức văn bản bắt buộc của loại hợp đồng này.
Việc coi hợp đồng tặng cho là loại hợp đồng thực tế hay ưng thuận có ý nghĩa quan trọng trong những trường hợp khi có sự thay đổi liên quan đến chủ thể của hợp đồng. Việc hợp đồng tặng cho không được quy định rõ ràng trong BLDS 2005 cộng với quan niệm hợp đồng này là hợp đồng thực tế đã không thể giải quyết được nhiều trường hợp có thể xảy ra trong thực tế. Ví dụ sau khi hợp đồng tặng cho được ký kết và bên tặng cho chết khi tài sản chưa được giao cho bên được tặng cho. Nếu quan niệm rằng, hợp đồng tặng cho là hợp đồng thực tế thì người thừa kế của bên tặng cho không có nghĩa vụ phải giao tài sản cho bên được tặng cho. Tuy nhiên điều này có vẻ như sẽ mâu thuẫn với các quy định của pháp luật về thừa kế. Trong trường hợp nguời tặng cho chết trước người được tặng cho thì hợp đồng tặng cho có thể trở thành di tặng, tài sản tặng cho có thể trở thành vật di tặng Điều 671 BLDS 2005 quy định di tặng phải được ghi rõ trong di chúc, theo tôi có lẽ quy định như vậy là quá cứng nhắc. Di tặng có thể được lập thành văn bản riêng biệt với di chúc hoàn toàn có thể được. Về vấn đề này tác giả sẽ có dịp bàn đến trong dịp khác.
. Về những trường hợp nói trên, khác với pháp luật Việt Nam, pháp luật của các nước có sự điều chỉnh rõ ràng hơn. Ví dụ, Khoản 1 Điều 581 BLDS Liên bang Nga quy định, quyền của bên được tặng cho theo hợp đồng tặng cho mà tài sản sẽ được chuyển giao trong tương lai không được chuyển cho người thừa kế nếu không có sự thoả thuận khác trong hợp đồng.
Vấn đề đơn giản hơn khi người được tặng cho chết sau khi hợp đồng tặng cho đã được ký kết nhưng chưa nhận tài sản.Theo pháp luật của Việt Nam thì bên tặng cho không có nghĩa vụ giao tài sản cho người thừa kế của người được tặng cho vì theo Điều 466 BLDS hợp đồng tặng cho chưa chó hiệu lực. Theo pháp luật của các nước, ví dụ, Khoản 2 Điều 581 BLDS Liên bang Nga, trong trường hợp này quyền của người được tặng cho không được chuyển cho người thừa kế của họ nếu hợp đồng không có sự thoả thuận khác.
3. Trong các hợp đồng có bồi hoàn việc ký kết hợp đồng là nhằm đạt mục đích nhất định mà các bên hướng đến. Nếu sự vi phạm của một bên làm cho bên kia không đạt được mục đích mà họ đặt ra trước khi ký kết hợp đồng (vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng) thì họ có quyền yêu cầu huỷ hợp đồng. Hợp đồng tặng cho có đặc điểm là các bên không có mục đích, chỉ có động cơ của người tặng cho. Vậy thì một vấn đề cần phải được làm sáng rõ, hợp đồng tặng cho có thể bị huỷ hay không. Như đã phân tích ở trên, vì là hợp đồng không có sự đền bù, chỉ có bên tặng cho có nghĩa vụ nên vấn đề huỷ hợp đồng, nếu có thể, chỉ được đặt ra đối với bên tặng cho, bởi lẽ bên được tặng cho có quyền từ chối tài sản trong mọi thời điểm trước khi nhận tài sản.
Thông thường một người nào đó khi tặng cho người khác tài sản không phải không vì động cơ nào đó. Động cơ tặng cho có thể không giống nhau: mong muốn thể hiện vị trí của mình đối với người được tặng cho; giúp đỡ người được tặng cho; làm vui lòng người được tặng cho; tỏ lòng biết ơn vì sự giúp đỡ trước đó; để được người được tặng cho tặng cho lại tài sản giá trị hơn hay sẽ có được sự giúp đỡ của người đó sau này…Điều 952 BLDS Trung kỳ quy định, tặng-dữ là để làm phúc, hoặc để đền công, hoặc để thưởng tứ, hoặc để bắt gánh một trách nhiệm gì. Như vậy tính chất không bồi hoàn của hợp đồng tặng cho không có nghĩa là tặng cho không có nguyên nhân. Trong một số trường hợp động cơ nằm trong hợp đồng (ý muốn nói tặng cho có điều kiện), tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác động cơ nằm ngoài phạm vi của hợp đồng. Dù được biểu hiện dưới hình thức này hay hình thức khác, bằng cách này hay cách khác, động cơ luôn thể hiện lòng tốt của người tặng cho. Theo quan điểm của chúng tôi, mặc dù pháp luật không quy định, mặc dù có thể không nằm trong hợp đồng, tuy nhiên động cơ tặng cho được coi là một trong những vấn đề quan trọng và liên quan đến hợp đồng.
Thực tiễn có những trường hợp, sau khi hợp đồng tặng cho có hiệu lực, bên được tặng cho đã nhận tài sản nhưng họ đã có những hành vi trái với mong muốn, tức là ngược với động cơ của người tặng cho. Ví dụ, người được tặng cho có những hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người được tặng cho và những người thân thích của người này, hoặc người được tặng cho sử dụng tài sản tặng cho trái với mong muốn của người tặng cho, hoặc trong một số trường hợp sau khi hợp đồng tặng cho được thực hiện thì hoàn cảnh, tình trạng gia đình, vật chất của người tặng cho có sự thay đổi cơ bản và người tặng cho lại có nhu cầu lớn về tài sản để có thể đảm bảo cuộc sống tối thiểu của mình hoặc việc tặng cho có thể xâm hại đến quyền lợi của người khác, của xã hội…Trong những trường hợp nói trên pháp luật của Việt Nam khó có thể giải quyết được bởi không có sự điều chỉnh rõ ràng. Chỉ trong một số trường hợp pháp luật có quy định về vấn đề này, ví dụ Điểm A, Khoản 1, Điều 43Luật Phá sản 2004 quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản ặng cho động sản và bất động sản cho người khác trong khoảng thời gian ba tháng trước ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu.
Khác với pháp luật Việt Nam, pháp luật của các nước Xem: Bộ Luật Dân sự của Liên Bang Nga, Bộ Luật Dân sự Cộng hoà Pháp.
có sự điều chỉnh có thể nói khá cụ thể những trường hợp nói trên. Điều 578 BLDS Liên Bang Nga quy định, i) bên tặng cho có quyền huỷ hợp đồng nếu bên được tặng cho thực hiện hành vi đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ của bản thân người tặng cho, thành viên gia đình và người thân của người tặng cho; ii) bên tặng cho có quyền yêu cầu Toà án huỷ hợp đồng tặng cho tài sản nếu bên được tặng cho tạo ra nguy cơ làm hỏng tài sản nếu tài sản tặng cho có giá trị lớn đối với bên tặng cho. Cũng tương tự Điều 955 BLDS Pháp quy định việc tặng cho lúc còn sống chỉ có thể bị huỷ bỏ vì vô ơn trong những trường hợp sau đây: i) Người được tặng cho đã xâm phạm đến tính mạng của người tặng cho; ii) người được tặng cho ngược đãi, phạm tội hoặc chửi rũa nghiêm trọng người tặng cho; iii) người được tặng cho không cấp dưỡng người tặng cho Điều 978 Bộ Luật Dân sự Trung kỳ cũng có cách quy định tương tự.
. Chúng tôi cho rằng, cách quy định như trong pháp luật của các nước là hợp lý. Người tặng cho khi thực hiện việc tặng cho đã mong muốn và tin rằng (động cơ của người tặng cho), bên được tặng cho là người tốt, việc có thêm tài sản được tặng cho sẽ làm cho người này tốt hơn lên. Nếu bên được tặng cho thực hiện hành vi đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ của bản thân người tặng cho, thành viên gia đình và người thân của người tặng cho không những thể hiện sự vô ơn mà còn bị xã hội lên án. Vì vậy dưới góc độ đạo đức người được tặng cho trong trường hợp này không xứng đáng được hưởng tài sản tặng cho, tức là sự ưu ái và lòng tốt của người khác.
Bộ luật Dân sự của Pháp còn quy định thêm một số trường hợp hợp đồng tặng cho có thể bị huỷ. Điều 961 BLDS của Pháp, quy định hợp đồng tặng cho có thể bị huỷ bỏ trong trường hợp con của người tặng cho thành thai vào lúc tặng cho. Điều 960 quy định mọi việc tặng cho của người không có con hoặc không có ti thuộc còn sống khi tặng cho, dù giá trị vật tặng cho là bao nhiêu, dù làm bằng chứng thư gì, dù để tương trợ lẫn nhau hay để trả công, kể cả những việc tặng cho trong dịp kết hôn mà người tặng cho không phải là các tôn thuộc tặng cho vợ chồng hoặc vợ chồng tặng cho nhau, đều đương nhiên bị huỷ bỏ bởi việc người tặng cho sinh con chính thức, dù đứa trẻ chết sau khi sinh ra hoặc đứa trẻ từ khi tặng cho là con ngoài giá thú được công nhận là con chính thức do hôn nhân sau đó. Trong thực tiễn không ít trường hợp, người tặng cho, ngoài động cơ tặng cho, còn có những lý do khác khi tặng cho người khác tài sản thuộc sở hữu của mình. Một trong những lý do đó là vì không còn người thừa kế nên người tặng cho muốn tặng cho người khác phần lớn tài sản của mình, tuy nhiên sau khi việc tặng cho đã hoàn thành thì hoàn cảnh thay đổi và trong trường hợp được xem xét là người tặng cho lại có nhu cầu về tài sản và cần tài sản để nuôi dưỡng con của họ. Nếu pháp luật không có cơ chế điều chỉnh cho phép yêu cầu huỷ hợp đồng thì người tặng cho có thể gặp khó khăn trong cuộc sống sau này. Chính vì lẽ đó nên theo tôi các quy định tại các Điều 960, 961 BLDS Pháp là rất hợp lý.
4. Kết luận: Tặng cho tài sản là một trong những hợp đồng được sử dụng phổ biến trong lưu thông dân sự. Để cho việc ký kết và thực hiện loại hợp đồng này trong thực tiễn trở nên thuận lợi hơn, đảm bảo quyền lợi cho các bên trong hợp đồng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà trong quá trình xét xử Toà án thường có thói quen quy chiếu vào điều luật và ít khi có sự giải thích dựa trên tinh thần của pháp luật thì thiết nghĩ các nhà làm luật của Việt Nam cũng nên xem xét, tham khảo pháp luật của các nước, đối chiếu với thực tiễn khi xây dựng các quy định pháp luật cho loại hợp đồng này.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bản chất của hợp đồng tặng cho - nhìn từ góc độ luật học so sánh.doc