Mục lục
1. Tổng quan nợ công 2
2. Thực trạng nợ công 2
2.1. Thực trạng nợ công trên thế giới 2
2.2. Thực trạng nợ công ở Việt Nam 6
2.2.1Vay nợ của Chính phủ 8
2.2.2 Vay nợ của chính quyền địa phương 8
2.2.3 Vay nợ của các định chế tài chính phát triển nhà nước 9
2.2.4 Vay nợ của doanh nghiệp nhà nước 10
2.3. Những kết quả đạt được 11
2.4 Những tồn tại 12
3. Đề xuất một số giải pháp 14
4. Tài liệu tham khảo 18
17 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 8778 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Nợ công ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề tài :
NỢ CÔNG Ở VIỆT NAM THỰC TRẠNG & GIẢI PHÁP
Mục lục
NỢ CÔNG Ở VIỆT NAM THỰC TRẠNG & GIẢI PHÁP
Tổng quan nợ công
Nợ công là gì? Một cách khái quát, có thể hiểu nợ chính phủ, nợ công hoặc nợ quốc gia là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách. Vì thế, nợ công là thâm hụt ngân sách luỹ kế tính đến một thời điểm nào đó. Thông thường khoản nợ này được đo bằng bao nhiêu phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Nợ chính phủ thường được phân thành:
Nợ trong nước : là các khoản vay từ người cho vay trong nước
Nợ nước ngoài: là các khoản vay từ người cho vay ngoài nước
Thực trạng nợ công
Thực trạng nợ công trên thế giới
Thứ nhất, nợ công không chỉ là vấn đề của những nước chậm hoặc đang phát triển. So khoản nợ công với GDP, hiện nay, gánh trên vai gánh nặng nợ công lớn nhất là các nền kinh tế phát triển, trong đó, khu vực đồng Euro đang đứng trước những thử thách to lớn khi Hy Lạp phải viện đến gói cứu trợ của EU và IMF để tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Ở những nền kinh tế đầu tàu khác của thế giới, nợ công cũng đang trong tình trạng báo động. Ngày 19-5-2010, IMF và sau đó, ngày 26-5, OECD đã lần lượt cảnh báo, với mức nợ công hiện nay lên tới 190% GDP và chưa có dấu hiệu dừng lại, Nhật Bản có mức nợ công lớn nhất trong số các nước phát triển. Cảnh báo này làm mọi người lo ngại rằng, Nhật Bản có thể sẽ “trở thành một Hy Lạp thứ hai”. Ngày 2-6-2010 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ thông báo nợ công của Hoa Kỳ tính đến đầu tháng sáu năm nay đã vượt quá kỷ lục 13 ngàn tỉ USD. Khoản công nợ này đã tăng khoảng 1.600 tỉ USD so với năm ngoái, tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm qua và chiếm tới 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Mỹ.
Thứ hai, khi nợ công quá lớn, việc thắt chặt chi tiêu, thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" để giảm thâm hụt ngân sách là điều kiện phải đáp ứng để được nhận sự hỗ trợ cần thiết từ các tổ chức tín dụng quốc tế, thế nhưng, "thắt lưng buộc bụng" lại dẫn tới những cuộc biểu tình phản đối của quần chúng, gây căng thẳng, bất ổn chính trị, xã hội, bởi những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội là những người bị tác động mạnh nhất từ chính sách cắt giảm phúc lợi, cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Chẳng hạn, để được nhận gói cứu trợ nhằm giải quyết khủng hoảng nợ, Chính phủ Hy Lạp đã phải quyết định tăng nhiều loại thuế, từ thuế giá trị gia tăng đến thuế thu nhập, thuế bất động sản; và đánh thuế vào nhiều sản phẩm như rượu, thuốc lá..., đồng thời chấp nhận áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh tay. Để phản đối chính sách này của chính phủ, các cuộc tổng đình công đã diễn ra, hàng chục ngàn người đã tham gia biểu tình trên khắp đất nước Hy Lạp, nhất là tại thủ đô A-ten. Trong một phát biểu tại một cuộc họp ở thủ đô Bu-ê-nốt Ai-rét hồi đầu tháng 5-2010, Tổng thống Argentina đã nói, ngày nay, chúng ta đang phải chứng kiến những hình ảnh đau buồn tại Hy Lạp. Tình trạng rối loạn đang xảy ra ở nước này gợi chúng ta nhớ về những gì mà Argentina đã phải trải qua hồi năm 2001. Những công thức tương tự từ các tổ chức tín dụng đa phương yêu cầu cải cách, trong đó có việc cắt giảm mạnh tay chi tiêu ngân sách, là nguyên nhân then chốt gây ra rối loạn. Các tổ chức tín dụng đa phương này không hiểu được những gì đang diễn ra trên thế giới nói chung và trong xã hội Argentina hay Hy Lạp nói riêng.
Cách đây 9 năm, năm 2001, Argentina đã phải đối mặt với tình trạng rối loạn nghiêm trọng do các làn sóng biểu tình khắp nơi phản ứng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", để rồi Tổng thống Argentina khi đó là ông Féc-nan-đô đơ la Rua đã phải từ chức, và 4 ngày sau đó, người kế nhiệm là A-đôn-phơ Rô-ri-get Saa phải tuyên bố tình trạng vỡ nợ quốc gia, với khoản nợ 90 tỉ USD - mức nợ lớn nhất trong lịch sử đất nước này.
Thứ ba, trong thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế toàn cầu mới thoát khỏi khủng hoảng, bắt đầu có dấu hiệu phục hồi do kết quả của các gói kích thích kinh tế mà chính phủ các nước đã chi ra trong những năm trước đây, thì việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế sẽ làm giảm đầu tư, kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế, làm chậm tốc độ tăng trưởng, thậm chí có thể đẩy nền kinh tế vào "khủng hoảng kép". Nghiêm trọng hơn, việc tung ra các gói kích thích kinh tế chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nợ công của các chính phủ, vậy nếu như khủng hoảng “tái xuất” thì liệu các chính phủ có còn đủ khả năng xoay xở, cứu vãn nền kinh tế của mình? Vấn đề đặt ra cho các chính phủ là phải chèo lái để giải quyết được thâm hụt ngân sách nhưng không đẩy nền kinh tế trở lại tình trạng suy thoái, trong khi các biện pháp để giải quyết hai vấn đề này lại có tác động không thuận chiều.
Thứ tư, khi nợ công liên tục tăng cao, nền kinh tế bị hạ bậc tín nhiệm theo báo cáo của các tổ chức chuyên đi đánh giá tín nhiệm các công ty và quốc gia khác, niềm tin của người dân và giới đầu tư bị lung lay, khi đó nền kinh tế dễ trở thành mục tiêu tấn công của các thế lực đầu cơ quốc tế. Thí dụ, đối với Hy Lạp, khi tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor's hạ bậc tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ của A-ten, các quỹ đầu tư lớn lập tức bán ra loại trái phiếu này, đồng thời từ chối mua vào trong các đợt phát hành tiếp theo. Nếu chính phủ muốn huy động tiền từ thị trường tài chính sẽ phải chấp nhận chi phí vốn cao hơn và sau đó, rơi vào vòng xoáy: tiếp tục bị tụt bậc tín nhiệm. Việc đưa ra xếp hạng tín nhiệm trong thời điểm nhạy cảm, dễ tổn thương của nền kinh tế có nguy cơ làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng, có tác dụng như một "cú huých", đẩy nền kinh tế lún sâu thêm vào khó khăn, bế tắc.
Thứ năm, việc căn cứ vào mức nợ công trên GDP để xác định tình trạng nợ công là hết sức quan trọng, tuy nhiên, điều quan trọng không kém là phân tích "thực chất" nợ công. Đó là: nợ chính phủ là vay nợ trong nước hay vay nợ nước ngoài; tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, hay tình trạng "sức khỏe" nói chung của nền kinh tế; lượng dự trữ quốc gia... Chẳng hạn, hiện nay, dư luận đang lo ngại liệu Nhật Bản có thể trở thành “một Hy Lạp thứ hai”, thế nhưng, một số nhà phân tích, khi phân tích nợ công của Nhật Bản đã cho thấy có sự khác biệt khá lớn giữa nợ công của nước này với nợ công của Hy Lạp, thể hiện ở chỗ, 95% trái phiếu chính phủ của Nhật Bản do người dân nước này nắm giữ, trong khi 70% nợ chính phủ Hy Lạp do người nước ngoài nắm giữ. Bên cạnh đó, Nhật còn tự chủ về tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại tệ của Nhật cũng ở mức rất cao (theo con số mà Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 12-5, tính đến cuối tháng 4-2010, dự trữ quốc gia của Nhật là 1.046,873 tỉ USD). Do vậy, nền kinh tế Nhật Bản, mặc dù ngoài nợ công cao còn đứng trước nhiều khó khăn khác nữa, nhưng vẫn được dự báo là khó có thể trở thành mục tiêu tấn công của giới đầu cơ quốc tế.
Như vậy, việc đánh giá đúng nợ công và “thực chất” nợ công của một nền kinh tế, một quốc gia là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong những thời điểm nhạy cảm. Bởi lẽ, nếu chỉ chú trọng vào con số tỷ lệ nợ công cao một cách thuần túy sẽ gây nên hiệu ứng tâm lý hoang mang, kích động, thiếu tin tưởng, làm gia tăng căng thẳng xã hội, bị giới đầu cơ lợi dụng tấn công, dễ gây rối loạn nền kinh tế, thậm chí dẫn nền kinh tế đến bên bờ vực phá sản. Ngược lại, nếu yên tâm với tỷ lệ nợ công còn trong giới hạn an toàn, mà không phân tích cẩn trọng, chú ý đúng mức đến khoản nợ đó được hình thành như thế nào, bằng cách nào, thực trạng nền kinh tế ra sao và khả năng trả nợ thế nào..., cũng sẽ dễ đẩy nền kinh tế rơi vào vòng xoáy thâm hụt ngân sách - "thắt lưng buộc bụng" - tác động tiêu cực đến tăng trưởng
Thực trạng nợ công ở Việt Nam
Thực hiện chiến lược huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN) và cho đầu tư phát triển, trong nhiều năm qua Chính phủ, một số Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, một số định chế tài chính nhà nước như Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã tổ chức huy động các nguồn vốn trong nước, nước ngoài thông qua hình thức vay nợ. Nợ công, một lần nữa, lại làm nóng nghị trường Quốc hội, trong đó ba vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là quy mô, tính an toàn, và tài trợ nợ công.
Về quy mô, Bộ Tài chính ước tính đến cuối năm 2010, nợ công của Việt Nam vào khoảng 56,7% GDP, tăng nhanh từ mức 52,6% GDP của năm 2009. Tuy nhiên, định nghĩa nợ công của Bộ Tài chính chỉ bao gồm nợ của Chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh chứ không bao gồm nghĩa vụ nợ của ngân hàng trung ương, các đơn vị trực thuộc Chính phủ, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước như định nghĩa của UNCTAD. Theo định nghĩa này, nợ công của Việt Nam hiện nay không dưới 70% GDP vì theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính đến 31-12-2008, riêng tổng dư nợ nội địa của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên tới 287.000 tỉ đồng (hay 20% GDP năm 2008), mà tổng dư nợ này lại tăng lên đáng kể trong năm 2009 do chính sách kích cầu của Chính phủ. Không những thế, thống kê nợ của doanh nghiệp nhà nước thường rất không đầy đủ, được minh chứng qua trường hợp của Vinashin với tổng dư nợ thực tế, theo một đại biểu Quốc hội, có thể lên tới 120.000 tỉ chứ không phải 86.000 tỉ như báo cáo của Chính phủ. ( theo thời báo Kinh tế Saigon).
Trong báo cáo tựa đề “Vietnam – Dự báo tháng 2/2010”, do Bộ phận Đánh giá Nguy cơ Quốc gia (CRS) của Đơn vị Thông tin Kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà Kinh tế (Anh) công bố tháng 2/2010, có một phần đánh giá Việt Nam trên các lĩnh vực nợ công, tiền tệ, ngân hàng... EIU cho rằng Việt Nam đã vượt qua được những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng những áp lực về thâm hụt ngân sách và lạm phát vẫn còn đe dọa tới sự ổn định của nền kinh tế.
Về nợ công, EIU cho rằng hiện có những quan ngại về những tác động thứ cấp tiêu cực tiềm tàng của các nỗ lực kích thích kinh tế đang thực hiện. Nổi lên nhiều lo ngại về việc các chương trình kích thích kinh tế như thế nào trong khi đồng thời phải trang trải thâm hụt ngân sách lớn (tương đương 8,1% GDP, thâm hụt ngân sách, không kể các khoản đang cho vay) dự kiến sẽ tiếp tục cao trong năm 2010 sau khi đạt con số 9% GDP năm 2009. Trong hai năm tới, nợ công của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, từ con số ước tính 52,1% GDP (2009) lên 54,3% GDP (2011).
Tình hình vay nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, các định chế tài chính nhà nước và doanh nghiệp nhà nước cụ thể như sau:
2.2.1Vay nợ của Chính phủ
Vay trong nước: Từ năm 1992, Chính phủ phát hành tín phiếu kho bạc để bù đắp thiếu hụt tạm thời về nguồn ngân quỹ; phát hành trái phiếu kho bạc để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và phát hành công trái, trái phiếu đầu tư, trái phiếu công trình để thực hiện những dự án đầu tư trọng điểm của Nhà nước. Cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ là Kho bạc Nhà nước. Bên cạnh đó còn có các khoản vay tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính, Quỹ Bảo hiểm xã hội hoặc các nguồn tài chính hợp pháp khác để bù đắp thiếu hụt ngân quỹ tạm thời hoặc để bù đắp bội chi NSNN.
Vay nước ngoài: ngoài các khoản vay cũ trước 1990 đã được xử lý qua Câu lạc bộ Paris và Câu lạc bộ Luân Đôn, trong thời gian qua, vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu thông qua vay ODA cho phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội. Trong vài năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong nước và trước xu thế vốn ODA giảm dần, Chính phủ đã bắt đầu vay một số khoản vay kém ưu đãi hơn hoặc vay theo điều kiện thương mại, kể cả phát hành trái phiếu quốc tế.
2.2.2 Vay nợ của chính quyền địa phương
Vay trong nước: chính quyền địa phương cấp tỉnh được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo các quy định của Luật NSNN (khoản 3, Điều 8) và Nghị định số 141/2003/NĐ-CP ngày 20/11/2003 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Đến nay có 3 địa phương (bao gồm thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai) thực hiện vay thông qua phát hành trái phiếu. UBND cấp tỉnh uỷ quyền cho Kho bạc Nhà nước hoặc tổ chức tài chính tín dụng trên địa bàn phát hành các trái phiếu này và chịu trách nhiệm bố trí ngân sách tỉnh, thành phố để trả nợ.
Vay nước ngoài: theo cơ chế hiện hành, chính quyền địa phương không trực tiếp vay nước ngoài, nhưng UBND cấp tỉnh có thể được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Trong một số dự án ODA đã thí điểm áp dụng cơ chế chính quyền địa phương vay lại nguồn vốn ODA cho các dự án cơ sở hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương; địa phương chịu trách nhiệm bố trí từ nguồn ngân sách của địa phương để trả nợ khi đến hạn. Trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tự tìm nguồn vốn, đàm phán vay (nguồn vốn không ưu đãi) nhưng phải thực hiện cơ chế Chính phủ ký vay và cho vay lại.
2.2.3 Vay nợ của các định chế tài chính phát triển nhà nước
Vay trong nước: theo Nghị định số 141/2003/NĐ-CP, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn nhằm cung cấp tín dụng đầu tư nhà nước cho các chương trình, dự án trọng điểm của khu vực công. Hiện nay Chính phủ đã có chủ trương cho Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu cho vay học sinh, sinh viên nghèo.
- Vay nước ngoài: ngoài vay trong nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được phép vay trực tiếp nước ngoài. Ngân hàng này mới ký khoản vay nước ngoài đầu tiên từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có bảo lãnh của Chính phủ (với số vốn vay là 100 triệu USD, tuy nhiên chưa rút vốn).
2.2.4 Vay nợ của doanh nghiệp nhà nước
Theo Luật doanh nghiệp nhà nước các văn bản hướng dẫn, các doanh nghiệp nhà nước được vay trong nước, nước ngoài (kể cả phát hành trái phiếu) để tài trợ cho các chương trình đầu tư của doanh nghiệp, có hoặc không có bảo lãnh Chính phủ. Các khoản vay của DNNN để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của Nhà nước đáp ứng được các tiêu chí bảo lãnh và khi bên cho vay có yêu cầu, có thể được Chính phủ bảo lãnh. Việc bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ cho DNNN thực hiện theo Nghị định 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài. Các khoản vay của DNNN theo cơ chế tự vay tự trả không thuộc nghĩa vụ trả nợ của NSNN. Tuy nhiên đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh thuộc phạm vi nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN. Việc Chính phủ bảo lãnh các khoản vay đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn với lãi suất thấp hơn để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như hàng không, năng lượng, dầu khí, xi măng… Chính phủ quản lý các khoản bảo lãnh Chính phủ theo các nguyên tắc như quản lý nợ Chính phủ.
Những kết quả đạt được
Trong thời gian qua công tác quản lý nợ đã dần đi vào nề nếp, góp phần ổn định và phát triển kinh tế đất nước, cụ thể là:
Thông qua hoạt động vay nợ đã huy động được nguồn vốn khá lớn cho NSNN và cho đầu tư phát triển, đồng thời vẫn đảm bảo quản lý nợ trong các giới hạn an toàn.
Kết quả công tác xử lý nợ cũ trong các năm 1993-2000 đã đưa Việt Nam từ nước mắc nợ nước ngoài trầm trọng (trên 90% so với GDP) trở thành nước có mức nợ an toàn và đủ tiêu chuẩn để được nhận các nguồn tài trợ mới. Tính đến ngày 31/12/2007, tỉ lệ nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) khoảng 40,7% GDP, trong giới hạn an toàn theo Định hướng phát triển tài chính Việt Nam đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt (nợ Chính phủ, nợ ngoài nước của quốc gia đều ở mức không quá 50% GDP).
Về nợ nước ngoài của quốc gia, tính đến ngày 31/12/2007, tỉ lệ nợ tương đương 32,75% GDP và 42,69% kim ngạch xuất khẩu. Theo Quyết định số 231/2006/QĐ-TTg ngày 16/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng và quản lý hệ thống chỉ tiêu đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài của quốc gia thì các tỉ lệ này cũng đều trong giới hạn an toàn. Tỉ lệ nợ nước ngoài của quốc gia nói chung và của khu vực công nói riêng so với GDP có xu hướng ổn định và giảm dần trong trung hạn.
Hoạt động huy động vốn trong nước của Chính phủ thông qua phát hành tín phiếu, trái phiếu Chính phủ cũng đã giúp hình thành thị trường trái phiếu chính phủ trong nước. Trái phiếu chính phủ được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán đã góp phần làm tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu Chính phủ nói riêng và phát triển thị trường vốn trong nước nói chung.
Trong công tác quản lý nợ, các văn bản pháp lý ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ hơn và tiến gần đến các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhất là trong lĩnh vực quản lý nợ nước ngoài. Chính phủ đã thực hiện nguyên tắc thống nhất quản lý nợ Chính phủ, nợ quốc gia trên cơ sở phân công, xác định trách nhiệm rõ ràng hơn giữa các cơ quan quản lý.
Trả nợ Chính phủ trong và ngoài nước luôn được thực hiện đầy đủ, đúng hạn, không để xảy ra nợ quá hạn. Việc tích cực đàm phán xử lý các khoản nợ cũ với các chủ nợ nước ngoài (thuộc Câu lạc bộ Paris, Câu lạc bộ Luân đôn) đã giúp giảm đáng kể nghĩa vụ nợ của Việt Nam.
2.4 Những tồn tại
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, song công tác quản lý nợ thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại sau:
Về khung pháp lý:
Do chưa có Luật về quản lý nợ công nên chưa có sự hiểu và giải thích nhất quán các khái niệm về nợ cũng như phạm vi quản lý nợ trong các văn bản pháp quy hiện hành như nợ Chính phủ, nợ khu vực công, nợ quốc gia. Việc phân loại, tổng hợp nợ vì vậy cũng chưa theo các chuẩn mực quốc tế.
Nguyên tắc Chính phủ thống nhất quản lý nợ đã được nêu trong Luật ngân sách nhà nước, tuy nhiên chưa được cụ thể hoá và chưa được quán triệt trên thực tế, vì vậy chưa có sự kết hợp giữa quản lý nợ trong nước và nợ ngoài nước. Mức độ hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý của hai lĩnh vực quản lý này cũng có những khoảng cách khá xa.
Mục tiêu quản lý nợ mới chỉ chú trọng đến việc vay được nguồn vốn cần thiết với chi phí thấp và sử dụng hiệu quả vốn vay mà chưa chú trọng đến việc quản lý rủi ro, cơ cấu lại nợ nhằm đảm bảo ổn định các cân đối kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường nợ chính phủ hoạt động hiệu quả, có tính thanh khoản cao về trung - dài hạn.
Về tổ chức quản lý nợ:
Việc phân công, phân nhiệm và uỷ quyền trong quản lý nợ Chính phủ vẫn còn chồng chéo, không tập trung. Hiện vẫn có 2 cơ quan thay mặt Chính phủ ký kết và thực hiện các hiệp định vay nợ nước ngoài của Chính phủ là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và có nhiều chủ thể được phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước. Nghị định số 134/2005/NĐ-CP quy định Chiến lược dài hạn về nợ do Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, trong khi đó theo Luật ngân sách nhà nước năm 2002, việc xây dựng chiến lược nợ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Chưa hình thành được bộ máy quản lý nợ chuyên nghiệp, có chức năng quản lý thống nhất cả nợ trong nước và ngoài nước. Do phân tán các đầu mối nên việc tổng hợp các thông tin về nợ thiếu chính xác và không kịp thời.
Về cơ chế quản lý:
Trách nhiệm của các cấp, các cơ quan tham gia quản lý nợ chưa được quy định đầy đủ và rõ ràng; thiếu sự phối hợp ở cấp vĩ mô giữa các chính sách tài khoá, tiền tệ và quản lý nợ.
Chưa chủ động trong điều hành vay nợ để giảm thiểu chi phí, việc vay nợ tuỳ thuộc vào thủ tục giải ngân vốn vay ODA cũng như vay vốn trong nước theo kế hoạch mà không có sự tính toán mức độ vay theo nhu cầu sử dụng vốn. Đây cũng là hệ quả của việc quản lý nợ phân tán.
Đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ để đi vay hiện nay khá rộng. Điều đó dẫn đến dư nợ bảo lãnh tăng, tiềm ẩn rủi ro nhất định đối với NSNN.
Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu nợ công, bao gồm cả nợ trong và ngoài nước ở cấp quốc gia, chưa có cơ chế công bố định kỳ các thông tin cơ bản về nợ công.
. Đề xuất một số giải pháp
Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ hơn tốc độ tăng và hiệu quả sử dụng nợ công, trên cơ sở kiểm soát thâm hụt ngân sách hợp lý và có chiến lược cụ thể về huy động và sử dụng hiệu quả nợ công trong trung hạn vì theo ông Nghĩa, mặc dù tỷ lệ nợ công và nợ nước ngoài trên GDP của VN chưa quá cao (thấp hơn 50%) nhưng trong điều kiện mức tín nhiệm tín dụng quốc tế thấp, chỉ cần một cú sốc tài chính nhỏ, các nhà đầu tư rút vốn, có thể biến các khoản nợ dài hạn ngay lập tức thành nợ ngắn hạn như khuyến cáo trước đó.
Điều này đặc biệt nguy hiểm khi các nhà đầu tư vào trái phiếu Chính phủ là các ngân hàng thương mại lớn có thể tạo ra cú sốc thanh khoản, sẽ gây bất ổn cho toàn bộ thị trường tài chính. Muốn kiểm soát nợ công hiệu quả trong mức an toàn cần có một loạt giải pháp đồng bộ. Đầu tiên phải đảm bảo sự công khai và minh bạch về nợ công cho toàn dân.
Nghị định 79 về quản lý nợ công đã có tiến bộ khi đề cập tới yêu cầu công khai minh bạch nợ công và dự trù ngân sách nhà nước để trả nợ dần. Những nhà kinh tế học đang trông chờ Nghị định 79 được triển khai sẽ công bố rõ hơn những số liệu kinh tế hiện nay.
Thứ hai, chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá lại hiệu quả đầu tư các dự án để tăng cường hiệu quả sử dụng đồng vốn. Chúng ta phải theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với kiểm soát tiền vay và vạch ra kế hoạch trả nợ.
Thứ ba cần giảm thiểu thâm hụt ngân sách quốc gia. Do thâm hụt ngân sách cần khoản bù đắp, hệ quả là khả năng trả nợ lại càng kém đi. Hãy học tập từ bài học thắt lưng buộc bụng ở châu Âu khi đối phó với khủng hoảng hồi đầu năm nay. Họ tăng cường tiết kiệm, giảm trợ cấp, tăng thuế đối với người thu nhập cao, thoái vốn tại những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả... Kết quả là trong quý II năm 2010, thay vì tăng trưởng âm, kinh tế châu Âu đã phát triển 1%.
Thứ tư, ta nên đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tìm cứu cánh lúc cần thiết. Cũng phải nói tới một bất lợi đối với Việt Nam là hệ số rủi ro của ta còn ở mức cao, 6,75%, lại thêm thanh khoản thấp, tần suất vay của ta ít nên khi đi vay bao giờ ta cũng phải vay với lãi suất cao. Trong khi đó, Indonesia và Phillippines tuy có hệ số rủi ro tương đương Việt Nam nhưng họ vẫn được ưu đãi hơn khi đi vay nhờ tính thanh khoản cao hơn và tích cực hơn trong hợp tác quốc tế. Cuối cùng, tôi cho rằng không nên đầu tư vào các siêu dự án chỉ vì vay vốn quá dễ dàng mà không tính tới hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ.
Thứ năm, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý nợ công, kiểm soát nợ quốc gia ở ngưỡng an toàn bằng việc tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý về vốn ODA, vay ưu đãi, phát hành trái phiếu, quản lý phòng ngừa rủi ro…; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; thu thập, báo cáo, công khai các chỉ tiêu giám sát an toàn nợ; xây dựng quy chế quản lý rủi ro.
Thứ sáu, công khai minh bạch hoá thông tin danh mục nợ Chính phủ và nợ nước ngoài quốc gia, các chỉ tiêu giám sát nợ, các chiến lược nợ, và các báo cáo đánh giá an toàn, bền vững nợ trên website của Bộ Tài chính về thông tin nợ quốc gia.
Tài liệu tham khảo
1, Giáo trình Nhập môn tài chính tiền tệ của Trường ĐH Kinh tế HCM
2, Các trang web
Báo tuổi trẻ
Báo kinh tế Việt Nam
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Nợ công ở việt nam - thực trạng & giải pháp.doc