Đề tài Phát triển thương mại trong nước 2006 - 2010, định hướng đến 2020

Xây dựng một nền thương mại trong nước phát triển vững mạnh, theo hướng văn minh, hiện đại dựa trên một cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối với sự tham gia của các loại hình tổ chức và các thành phần kinh tế, vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Phát triển thương mại hàng hoá trong mối quan hệ với phát triển thương mại đầu tư và thương mại dịch vụ (nhất là dịch vụ du lịch). Coi trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ cùng với khuyến khích và thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp lớn thông qua quá trình tích tụ, tập trung với các hình thức sát nhập, hợp nhất và mua lại, hình thành sự liên kết giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trong việc tổ chức thị trường, đủ sức cạnh tranh có hiệu quả với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò và vị trí của thương mại trong nước trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất phát triển, định hướng và phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân, tạo mối liên kết vững chắc với thị trường thế giới thông qua kênh xuất khẩu và nhập khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng GDP, tạo tiền đề để chủ động hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế một cách sâu rộng và thành công.

doc45 trang | Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1672 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Phát triển thương mại trong nước 2006 - 2010, định hướng đến 2020, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hội nhập quốc tế. - Thông tin thị trường mang tính hệ thống chậm được xác lập, chưa đủ tin cậy, làm giảm giá trị dự báo, tiên lượng… - Sức ép hội nhập về mở cửa thị trường dịch vụ phân phối và mở cửa thị trường hàng hoá ngày càng rõ rệt, nhất là khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO. Sự hiện diện của các nhà phân phối lớn, chuyên nghiệp nước ngoài cùng với luồng hàng hoá nhập khẩu tăng sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các nhà phân phối, sản xuất trong nước, nhất là với hơn 1 triệu hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp có qui mô kinh doanh nhỏ, nguồn lực yếu, tính cạnh tranh thấp. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới là rất cao, rất quyết liệt ngay từ đầu của giai đoạn 2006-2010. Bối cảnh quốc tế và trong nước, cơ hội và thách thức tồn tại, tác động và chuyển hoá lẫn nhau. Nếu các doanh nghiệp biết cách khai thác có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để tạo ra bước đột phá cho sự phát triển; ngược lại, cơ hội sẽ qua đi và thách thức sẽ trở thành lực cản lớn trên con đường đi tới tương lai của doanh nghiệp. II- MỘT SỐ DỰ BÁO CHỦ YẾU 1. Dân số: Một quốc gia có dân số đông, kết hợp với mức tăng trưởng kinh tế cao là một yếu tố hết sức thuận lợi cho mở rộng dung lượng thị trường nội địa- cơ sở kinh tế để phát triển thương mại trong nước. Dự báo giai đoạn 2006-2010: - Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm: 1,25%/năm, - Dân số năm 2010: đạt 88.446.000 người, trong đó có 25.870.000 người sống ở khu vực đô thị, chiếm tỉ lệ 29,25%. Giai đoạn 2011-2020: - Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm: 1,18%/năm, - Dân số năm 2020: đạt 99.455.000 người, với 34.958.000 người sống ở khu vực đô thị, chiếm 35,15% (xem Biểu 6 phần Phụ lục). Sự phân bố dân số trong những năm tới cho thấy nông thôn vẫn là khu vực tập trung số dân sinh sống đông. Hoạt động thương mại trong nước không chỉ chú trọng khu vực thành thị mà cần phải phát triển mạnh cả ở khu vực nông thôn. Cơ cấu dân số trẻ, năng động, có học vấn cao với thói quen ưa thích mua sắm hàng hoá ở siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi là một ưu thế để phát triển hệ thống phân phối hiện đại. Hiện nước ta có 57% dân số có độ tuổi dưới 30 và sau 15 năm tỉ lệ này vẫn là 50%. 2. Tăng trưởng kinh tế: Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 là 7,5% - 8%. Theo đó, đến năm 2010, tổng GDP đạt trên 1.400 nghìn tỉ đồng, đến năm 2020 đạt khoảng 2.600 nghìn tỉ đồng Theo tính toán, đến năm 2010, GDP cao gấp hơn 2,1 lần so với năm 2000 (theo giá so sánh), đến năm 2020 cao gấp 4 lần so với năm 2000 và 8 lần so với năm 1990. GDP bình quân đầu người năm 2010 dự kiến đạt khoảng 1.050 - 1.100 USD (theo giá hiện hành), đến năm 2020 sẽ tăng khoảng 3,3 - 3,6 lần so với năm 2000 (phụ thuộc vào tỉ lệ tăng dân số hàng năm của cả thời kỳ này). Tổng GDP và GDP bình quân đầu người là những là căn cứ quan trọng để dự báo Quỹ tiêu dùng cuối cùng và TMBLHH. 3. Đầu tư xã hội: Dự báo trong giai đoạn 2006 - 2010 tỉ lệ huy động vẫn giữa ở mức cao, khoảng 40% so với tổng GDP. Đến năm 2010, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng gần 500.000 tỉ đồng. Trạng thái đầu tư của xã hội ảnh hưởng đến hoạt động thương mại trong nước. Nếu tổng mức và tỉ lệ đầu tư của xã hội tăng cao, về ngắn hạn, làm giảm tương đối mức tiêu dùng của dân cư đối với hàng tiêu dùng nhưng lại làm tăng khả năng tiêu thụ các mặt hàng là tư liệu sản xuất, nguyên vật liệu xây dựng, về dài hạn, đầu tư làm cho sản xuất phát triển sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm mới, tạo ra khối lượng hàng hoá lớn, là cơ sở kinh tế để mở rộng lưu thông hàng hoá. Trong trường hợp tổng mức và tỉ lệ đầu tư giảm thì hiệu ứng sẽ có tác động ngược chiều với xu hướng trên. Như vậy, trong giai đoạn 2006 - 2010, về tổ chức thị trường, cần phải chú ý tập trung xây dựng các kênh phân phối đối với loại hàng hoá là vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và xây dựng (là những kênh hiện còn rất yếu kém). 4. Tiêu dùng của dân cư: Quỹ tiêu dùng cuối cùng là "cận" trên của TMBLHH. Tỉ lệ Quỹ tiêu dùng cuối cùng so với GDP của Việt Nam thuộc loại cao so với các nước trong khu vực (trên 70%) trong khi của Singapore là 55,9%, Malaysia là 58,2% và Thái Lan là 67,7%...Trong giai đoạn 2001 - 2005, tốc độ tiêu dùng tăng cao hơn nhiều lần so với tốc độ tăng dân số (7,7% so với 1,4%) chứng tỏ tiêu dùng bình quân đầu người và mức sống của dân cư đã được nâng cao đáng kể (xem Biểu 7 phần Phụ lục). Dự báo tỉ lệ này tiếp tục giữ khoảng 70% cho thời kỳ chiến lược 2006 -2020 (do ưu tiên cho đầu tư phát triển và cho xuất khẩu). Đến năm 2010, Quỹ tiêu dùng cuối cùng có qui mô khoảng 840.000 - 860.000 tỉ đồng. Dự báo chi tiêu cho đời sống bình quân đầu người/tháng giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân khoảng 10,57%/năm, trong đó khu vực thành thị tăng khoảng 10%/năm, còn khu vực nông thôn tăng khoảng 11,25%/năm. Đến năm 2010 chi tiêu bình quân đầu người/tháng của cả nước đạt 657.800 ngàn đồng/người/tháng, trong đó khu vực thành thị đạt 1.054.700 đồng/người/tháng và khu vực nông thôn đạt 537.400 đồng/người/tháng. Sự gia tăng khả năng chi tiêu của người dân, chênh lệch chi tiêu giữa các vùng, miền là những căn cứ quan trọng để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh theo chiến thuật phân đoạn thị trường, bố trí và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại phù hợp với sức mua. 5. Xu hướng tiêu dùng và phương thức thoả mãn tiêu dùng: Hoạt động bán lẻ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Dự báo giai đoạn 2006-2010, TMBLHH chiếm khoảng 80% Quỹ tiêu dùng cuối cùng. Nhìn chung, xu hướng tiêu dùng chuyển dịch từ yêu cầu "ăn no, mặc ấm" sang yêu cầu "ăn ngon, mặc đẹp", làm cho chất lượng "cầu" được nâng lên. Quan niệm về hàng hoá lâu bền và giá trị cao cũng thay đổi. Nếu như những năm trước đây, các mặt hàng xe máy, điều hoà, tủ lạnh, máy giặt, các thiết bị nghe nhìn...được xem là đồ dùng cao cấp, đắt tiền thậm chí có ý nghĩa “dự trữ tài sản”, thì nay đã được phổ cập ở thành thị và lan truyền sang cả khu vực nông thôn. Xu hướng mua sắm hàng giá trị cao, hàng hiệu, chạy theo các mode mới đang xuất hiện ở giới trẻ thành phố đã bắt đầu theo kịp xu hướng tiêu dùng của khu vực và thế giới. Do thu nhập được nâng cao, đời sống được cải thiện nên các nhu cầu về tinh thần ngày càng được người dân chú ý. Xét về cơ cấu, xu hướng chi tiêu cho nhà ở, dịch vụ khám chữa bệnh và thuốc men, đi lại, thông tin và giáo dục sẽ có tốc độ phát triển cao hơn các chi tiêu khác. Xu hướng tiêu dùng và phương thức thoả mãn nhu cầu tuỳ từng nhóm hàng có sự thay đổi khác nhau: - Nhóm hàng thực phẩm: phần lớn người tiêu dùng có thói quen mua các mặt hàng thực phẩm (nhất là thực phẩm tươi sống) tại các chợ, các hộ kinh doanh độc lập. Trong những năm tới, cùng với quá trình đô thị hoá, thu nhập của dân cư tăng, ý thức về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn nên xu hướng mua hàng tại các loại hình siêu thị, cửa hàng chuyên doanh tăng cao, với tốc độ trên 150%/năm, tiếp đến là các loại hình truyền thống như cửa hàng của các HTX, các hộ kinh doanh độc lập tăng khoảng trên 30%/năm, nhưng vẫn là loại hình kinh doanh chiếm trên 80% doanh thu nhóm hàng thực phẩm. - Nhóm hàng mỹ phẩm và dược phẩm: xu hướng mua hàng tại các cửa hàng chuyên doanh vẫn tiếp tục chiếm tỉ trọng cao, do vậy loại hình này có tốc độ bán hàng tăng bình quân hàng năm khoảng 12%, trong đó các cửa hàng chuyên doanh theo hệ thống, bán nhiều mặt hàng cao cấp chiếm tỉ trọng lớn ở thành phố và cửa hàng chuyên doanh độc lập, bán chủ yếu các mặt hàng bình dân chiếm tỉ trọng lớn ở khu vực nông thôn. - Nhóm hàng quần áo và thời trang: việc mua sắm được thực hiện theo nhiều kênh phân phối khác nhau: chợ truyền thống, cửa hàng chuyên doanh, cửa hiệu thời trang, siêu thị, TTTM hay cửa hàng hạ giá. Nếu như người tiêu dùng ở đô thị mua sắm phần lớn các sản phẩm được sản xuất bởi các nhà máy có tên tuổi hoặc các sản phẩm nhập khẩu tại các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị, TTTM thì ở vùng nông thôn lại mua sắm phần lớn các sản phẩm nội địa nhưng không rõ nguồn gốc sản xuất tại các chợ truyền thống. Tốc độ bán lẻ nhóm hàng này thời gian tới tăng khoảng 5%/năm. Xu hướng các nhà máy và các công ty thời trang mở rộng hệ thống cửa hàng chuyên doanh, cửa hiệu thời trang để bán các sản phẩm do họ tự thiết kế và sản xuất đang ngày càng phát triển. - Nhóm hàng đồ gỗ và đồ gia dụng: nhờ công nghệ hiện đại và trình độ thiết kế được nâng cao, đồ gỗ và gia dụng nội địa đã chiếm một thị phần quan trọng. Hơn nữa, nhờ nâng cao thu nhập nên nhu cầu cải thiện điều kiện sinh hoạt trong nhà lớn hơn, tạo tiền đề thuận lợi để mở rộng qui mô kinh doanh nhóm hàng này. Các cửa hàng chuyên doanh tiếp tục là loại hình thương mại mà người tiêu dùng lựa chọn, trong đó, loại cửa hàng chuyên doanh theo hệ thống có tốc độ tăng trưởng trên 29%/năm, cao hơn loại cửa hàng chuyên doanh độc lập (trên 11%/năm). - Nhóm đồ dùng lâu bền: nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ thông tin (máy tính) và truyền thông (các thiết bị, điện thoại di động) là rất cao. Các sản phẩm điện tử, như máy thu hình màu, các loại đầu ghi VCD và DVD cũng ngày càng trở nên phổ dụng. Các sản phẩm điều hoà, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, máy xay sinh tố, bàn là, nồi cơm điện…có thị phần chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 45%) và ngày càng mở rộng thị trường sang các đô thị khác cũng như khu vực nông thôn. Người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm lâu bền phần lớn thông qua hai loại hình thương mại là siêu thị điện máy và cửa hàng chuyên doanh do các công ty thiết lập, một phần nhỏ thông qua siêu thị, TTTM, qua mạng internet, trong đó xu hướng mua sắm tại loại hình siêu thị điện máy sẽ phát triển với tốc độ cao nhất. - Nhóm đồ tư trang và giải trí (trang sức, đồng hồ, đồ đi du lịch, sách, báo, tạp chí, văn phòng phẩm, thiết bị và đồ dùng giải trí khác ): do đời sống người dân nâng cao nên xu hướng tiêu dùng nhóm hàng này trong thời gian tới tăng rất nhanh. Tuy nhiên, loại trừ đồ trang sức, còn lại các hàng hoá khác phải đối mặt với hàng lậu, hàng giả và hàng giá rẻ của Trung Quốc. Xu hướng người tiêu dùng thoả mãn nhu cầu vẫn chủ yếu tại các cửa hàng chuyên doanh độc lập, tuy tốc độ bán hàng tại các cửa hàng chuyên doanh tổ chức theo hệ thống tăng cao hơn loại hình này (trên 12%/năm). III- MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN 1- Mục tiêu tổng quát: Xây dựng một nền thương mại trong nước phát triển vững mạnh, theo hướng văn minh, hiện đại dựa trên một cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối với sự tham gia của các loại hình tổ chức và các thành phần kinh tế, vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Phát triển thương mại hàng hoá trong mối quan hệ với phát triển thương mại đầu tư và thương mại dịch vụ (nhất là dịch vụ du lịch). Coi trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ cùng với khuyến khích và thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp lớn thông qua quá trình tích tụ, tập trung với các hình thức sát nhập, hợp nhất và mua lại, hình thành sự liên kết giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trong việc tổ chức thị trường, đủ sức cạnh tranh có hiệu quả với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò và vị trí của thương mại trong nước trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất phát triển, định hướng và phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân, tạo mối liên kết vững chắc với thị trường thế giới thông qua kênh xuất khẩu và nhập khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng GDP, tạo tiền đề để chủ động hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế một cách sâu rộng và thành công. 2- Mục tiêu cụ thể: Để đạt được mục tiêu tổng quát, trong giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020, thương mại trong nước cần phấn đấu đạt một số mục tiêu cụ thể, chủ yếu sau: 2.1. Các chỉ tiêu tăng trưởng: - Đóng góp của thương mại trong nước trong GDP của cả nền kinh tế đến 2010 đạt trên 200 nghìn tỉ đồng (chiếm tỉ trọng 14,5%), đến năm 2020 là 390 nghìn tỉ đồng (chiếm tỉ trọng khoảng 15%). - Tốc độ tăng trung bình hàng năm (đã loại trừ yếu tố giá) của TMBLHH giai đoạn 2006 - 2010 là khoảng 11%/năm, trong các giai đoạn tiếp theo trên 8 %/năm. Với nhịp độ tăng trưởng này, đến năm 2010 TMBLHH đạt khoảng 800 nghìn tỉ đồng và năm 2020 đạt khoảng 1.800 nghìn tỉ đồng. - Tỉ trọng bán lẻ theo thành phần kinh tế đến năm 2010: khu vực kinh tế trong nước (bao gồm khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế ngoài nhà nước) chiếm khoảng 93% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 7%. Tỉ trọng này đến năm 2020 tương ứng là: 80% và 20%. - Tỉ trọng mức bán lẻ hàng hoá qua loại hình thương mại hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới cửa hàng tiện lợi...) đạt 20% (khoảng 160 nghìn tỉ đồng) vào năm 2010, phấn đấu đến năm 2020 đạt 40% (khoảng 640 nghìn tỉ đồng). 2.2. Hiện đại hoá một bước cơ bản về kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là ở các khu vực thành thị, khu công nghiệp tập trung, khu kinh tế lớn, khu kinh tế cửa khẩu thông qua việc xây dựng và phát triển các loại hình TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện lợi (trong bán lẻ); các trung tâm logistics, kho hàng (trong bán buôn), các trung tâm hội chợ - triển lãm. Hoàn thành về cơ bản chương trình phát triển các loại hình chợ (chợ dân sinh, chợ trung tâm, chợ đầu mối ...) với nhiều qui mô, tính chất và trình độ khác nhau phù hợp với từng địa bàn thị trường, nhất là chợ đầu mối ở các vùng sản xuất tập trung, chợ dân sinh ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. 2.3. Phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại như sàn giao dịch hàng hoá, trung tâm đấu giá, mua bán qua mạng, nhượng quyền kinh doanh... 2.4. Hình thành và phát triển một số tập đoàn thương mại mạnh, kinh doanh hàng hoá chuyên ngành hoặc tổng hợp gắn với quá trình lưu thông hoặc gắn với địa bàn thị trường, liên kết với nhau trong hệ thống và liên kết với sản xuất, bám sát nhu cầu tiêu dùng, hoạt động mang tính chuyên nghiệp, có thực lực về mọi mặt để cạnh tranh và hợp tác hiệu quả với các tập đoàn phân phối nước ngoài. 2.5. Hình thành và phát triển đội ngũ thương nhân có kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh hiện đại và chuyên nghiệp, theo kịp yêu cầu phát triển của thương mại trong nước trên con đường hội nhập với khu vực và thế giới. 2.6. Bảo đảm hoạt động thương mại phát triển lành mạnh và bền vững; nâng cao khả năng tự điều tiết của thị trường trước sự tác động của thị trường thế giới. Kiểm soát chỉ số giá hàng tiêu dùng luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. IV- QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN 1. Phát triển thương mại trong nước trên cơ sở tôn trọng các qui luật khách quan của nền kinh tế thị trường, quyền tự chủ kinh doanh của các chủ thể tham gia. Nhà nước bảo đảm sự tự do trong kinh doanh, công bằng trong cạnh tranh, bình đẳng trước pháp luật trên cơ sở xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và thể chế quản lý, điều tiết vĩ mô về lưu thông hàng hoá và thị trường xã hội nói chung, về lưu thông và thị trường một số ngành hàng thuộc diện quan trọng hoặc đặc thù nói riêng; bảo đảm sự can thiệp kịp thời, hợp lý và hiệu quả của Nhà nước khi thị trường có những biến động bất thường. 2. Phát triển thương mại trong nước trong sự phát triển đa dạng về loại hình tổ chức và phương thức hoạt động, về hình thức sở hữu và thành phần kinh tế của các doanh nghiệp thương mại. Chú trọng phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thành và phát triển một số doanh nghiệp thương mại lớn (mà nòng cốt là doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước) được tổ chức lại theo hướng các tập đoàn, hoạt động chủ yếu ở một số ngành hàng thuộc diện quan trọng hoặc đặc thù, tại một số địa bàn thị trường quan trọng hoặc đặc thù trên cơ sở xây dựng và phát triển tốt hệ thống phân phối hiện đại để giữ vai trò nòng cốt trong việc tổ chức lưu thông hàng hoá, dẫn dắt thị trường, định hướng tiêu dùng và gắn kết với sản xuất. 3. Phát triển thương mại trong nước trong mối quan hệ tác động qua lại giữa thương mại hàng hoá, thương mại đầu tư và thương mại dịch vụ (nhất là dịch vụ du lịch); giữa thương mại trong nước với các ngành sản xuất; với thị trường thế giới, với tăng trưởng xuất khẩu và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ phân phối; với quá trình giảm thiểu chi phí giao dịch xã hội và bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng. 4. Phát triển thương mại trong nước trên cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội và doanh nghiệp, trước hết và chủ yếu là nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại. V- ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN 1. Phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp, nhiều về số lượng, phong phú về qui mô, mới về phương thức hoạt động theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, phù hợp với quy luật của lưu thông hàng hoá Tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên cơ sở xoá bỏ hoặc đơn giản hoá các điều kiện gia nhập và rút lui khỏi thị trường đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần để huy động tối đa các nguồn lực của xã hội tham gia vào hoạt động thương mại, sớm tạo ra một lực lượng thương nhân đông đảo, phủ rộng khắp thị trường cả nước, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Sớm hình thành nên một số doanh nghiệp lớn phát triển theo hướng tập đoàn để định hướng, dẫn dắt và liên kết các doanh nghiệp nhỏ, trở thành những đối tác hợp tác và cạnh tranh có hiệu quả với các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài. Khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở rộng sản xuất, hợp tác với các doanh nghiệp thương mại 100% vốn trong nước để thiết lập hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước trên thị trường nội địa cũng như tận dụng mạng lưới phân phối quốc tế để đưa hàng hoá của Việt Nam ra nước ngoài nhằm mở rộng sản xuất, phát triển xuất khẩu. Đổi mới mô hình tổ chức, công nghệ quản lý và phương thức kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá, để từng bước xây dựng các loại hình doanh nghiệp thương mại chủ yếu sau đây: 1.1. Các loại hình tập đoàn, công ty mẹ - con kinh doanh hàng hoá chuyên ngành. Lựa chọn các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng quan trọng như: sắt - thép, xi măng, xăng dầu, dệt- may, phân bón, lương thực…để xây dựng mô hình này. Tạo lập và phát triển các mối liên kết dọc bằng cách hình thành nên 1 công ty thương mại (công ty thành viên) hoặc công ty mẹ trực tiếp đảm nhận chức năng điều hành toàn bộ hệ thống phân phối trực thuộc được lập ra (gồm trung tâm logistics, kho hàng, cửa hàng bán buôn, cửa hàng bán lẻ...). Mở rộng các kênh phân phối ngoài hệ thống trực thuộc theo các phương thức đại lý, nhượng quyền thương mại (trong bán lẻ), theo hợp đồng cung ứng hoặc theo đơn hàng (trong bán buôn) với các chủ thể kinh doanh khác trên cơ sở phân chia thị trường theo các khu vực địa lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của cả chuỗi phân phối. Các mối liên kết trong và ngoài hệ thống, đặc biệt là giữa tập đoàn với các chủ thể ngoài hệ thống phải được xác lập ổn định, lâu dài và bền vững. Trong bán lẻ, các cửa hàng trực thuộc, các bạn hàng, đại lý phải trở thành các “cứ điểm” kinh doanh, bám sát sản xuất và tiêu dùng, trở thành phương cách cơ bản để mở rộng lưu thông, làm công cụ kinh tế để thực hiện quá trình điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, giá cả. 1.2. Các tập đoàn, công ty mẹ - con kinh doanh hàng hoá tổng hợp. Theo mô hình này, tạo lập và phát triển các mối liên kết ngang bằng cách xây dựng và quản lý các loại hình tổ chức và hoạt động phân phối khác nhau trên cùng một địa bàn thị trường (các công ty bán buôn với các kho hàng, trung tâm logistics, chợ đầu mối...; các công ty bán lẻ với các TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện lợi ...; các cơ sở sản xuất chế biến phụ trợ...) kinh doanh hàng hoá tổng hợp nhằm thoả mãn mọi nhu cầu của sản xuất và đời sống. 1.3. Các công ty thương mại bán lẻ hiện đại với hệ thống TTTM, siêu thị, chuỗi cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi... liên kết với các đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng, các công ty kinh doanh nhập khẩu (thực phẩm chế biến, hàng công nghiệp tiêu dùng), các gia trại, các HTX, các chợ đầu mối (hàng thực phẩm tươi sống, rau - củ - quả) thông qua hợp đồng mua bán và đơn đặt hàng để tạo nguồn hàng ổn định lâu dài, với khối lượng lớn, trung chuyển về các trung tâm logistics, các kho hàng bán buôn của mình và từ đó, cung ứng thường xuyên cho các đơn vị bán lẻ trong hệ thống. 1.4. Các công ty thương mại bán buôn hiện đại trên cơ sở tập hợp nhu cầu của mạng lưới bán lẻ để đặt hàng với nhà sản xuất và nhà nhập khẩu, tổ chức các trung tâm logistics, các kho hàng bán buôn để phân loại, đóng gói, chỉnh lý hàng hoá, từ đó cung ứng theo đơn hàng cho các công ty, cửa hàng bán lẻ theo khu vực thị trường; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý toàn bộ hệ thống. 1.5. Các công ty kinh doanh dịch vụ logistics hiện đại được tổ chức hoạt động một cách chuyên nghiệp, thực hiện các dịch vụ liên hoàn, từ thu mua, quản lý kho, đóng gói, chia lẻ, điều tiết hàng hoá theo kế hoạch bán hàng, đến dự báo xu hướng bán hàng, thậm chí thay mặt cho chủ hàng trong việc thanh toán với khách hàng trên cơ sở ứng dụng tiến bộ của công nghệ thông tin. Dạng mô hình này có thể là công ty thành viên thuộc các tập đoàn, công ty mẹ-con để đảm nhận dịch vụ logistics cho toàn hệ thống phân phối; có thể là công ty độc lập đảm nhận công tác hậu cần cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, nông trại… 1.6. Các loại hình công ty (hoặc HTX) quản lý và kinh doanh chợ. Trước hết, tập trung chuyển đổi nhanh mô hình quản lý chợ tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, vùng sản xuất hàng hoá tập trung sang mô hình công ty (hoặc HTX) quản lý và khai thác một hoặc nhiều chợ; mở rộng các hình thức giao, bán, khoán, cho thuê chợ để khai thác tối đa các nguồn lực trong xã hội nhằm cải tạo, nâng cấp để đưa hệ thống chợ truyền thống thành một kênh phân phối có hiệu quả, theo hướng văn minh, hiện đại. 1.7. Các công ty cổ phần sản xuất - chế biến - tiêu thụ (nhất là hàng nông sản - thực phẩm) bằng cách tạo ra chế độ “đồng sở hữu” giữa “ 4 nhà” (nhà nông, nhà chế biến, nhà khoa học và nhà phân phối) để ổn định và mở rộng vùng nguyên liệu trên cơ sở ổn định và mở rộng tiêu thụ, liên kết chặt chẽ giữa các khâu nghiên cứu - nuôi trồng - chế biến - tiêu thụ, tạo tiền đề hướng tới mô hình tập đoàn nông - công - thương trong nông nghiệp và nông thôn. 1.8. Các HTX thương mại ở nông thôn trên cơ sở góp vốn của xã viên (là các hộ nông dân, các thể nhân và pháp nhân khác) để làm dịch vụ cung cấp “đầu vào” cho sản xuất nông nghiệp ( giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp...) và tiêu thụ “đầu ra” cho bà con xã viên (chủ yếu là hàng nông sản - thực phẩm). Liên kết chặt chẽ hợp tác xã với các loại hình doanh nghiệp thương mại khác thông qua việc làm đại diện cho xã viên thực hiện các phương thức đại lý và hợp đồng mua bán lâu dài và ổn định. 2. Phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn (khu vực, vùng, miền và cả nước) Để phát triển thương mại trong nước, các doanh nghiệp cần phát triển kết cấu hạ tầng thương mại với qui mô, cơ cấu, loại hình phù hợp với xu hướng phát triển của các yếu tố kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (với nền tảng là kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng thông tin liên lạc, điện, nước…), của sản xuất hàng hoá, của mật độ phân bố và mức thu nhập dân cư ở từng khu vực, vùng, miền cũng như trên phạm vi cả nước. Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ tới, cần chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại với tốc độ nhanh hơn, qui mô lớn hơn tại các hạt nhân của các vùng, tuyến, hành lang kinh tế trọng điểm để tạo ra mối liên kết vững chắc cho toàn bộ mạng lưới thương mại của vùng, miền và cả nước. Các vùng, tuyến, hành lang kinh tế trọng điểm là: 3 vùng kinh tế trọng điểm (Phía Bắc với hạt nhân là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, miền Trung với hạt nhân là Đà Nẵng - Qui Nhơn - Nha Trang; phía Nam với hạt nhân là Tp. Hồ Chí Minh - Đồng Nai- Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu); 3 vùng sản xuất hàng hoá nông - thuỷ sản tập trung (Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Hồng và Tây Nguyên); 3 tuyến vành đai kinh tế biển Đông (vành đai Vịnh Bắc Bộ với hạt nhân là Hải Phòng, Hạ Long, Móng Cái; tuyến vành đai Trung Bộ và Đông Nam Bộ với hạt nhân là Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Vũng Tàu; tuyến vành đai Tây Nam Bộ với các hạt nhân là Gò Công, Hà Tiên…); 2 hành lang biên giới (phía Tây với hạt nhân là các khu đô thị, khu kinh tế cửa khẩu như Điện Biên, Mộc Châu, Cầu Treo, Lao Bảo, Bở Y, Ngọc Hồi, Lệ Thanh, Mộc Bài, Tịnh Biện, Vĩnh Xương, Hà Tiên; phía Đông - Bắc với hạt nhân là Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Móng Cái…). Các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại được phân bố, phát triển với các qui mô, trình độ, tính chất khác nhau theo các hướng chủ yếu sau: 2.1. Các loại hình chợ - Chợ nông thôn: Tập trung vào việc cải tạo, di dời và xây mới để bảo đảm có đủ chợ dân sinh cơ sở có qui mô thuộc c

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docPhát triển thương mại trong nước 2006 - 2010, định hướng đến 2020.doc