Sự truyền bá chủnghĩa Mác vào Việt Nam và cùng với nó là phong trào giải
phóng dân tộc đã đưa dân tộc Việt Nam tới một bước ngoặt lịch sử mới, mở ra
một chân trời mới từ góc độ văn hoá tư tưởng, giương cao ngọn cờ khoa học
và dân chủ, phản đế và phản phong. Một dân tộc bị nô dịch, bị kìm hãm, bị bóc
lột, bị cướp đoạt trong gần 100 năm, cuối cùng, thông qua cách mạng, vượt
qua muôn trùng khó khăn, đã đứng dậy, xây dựng một Việt Nam mới.
9 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 1720 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đôi điều về Việt Nam hoá triết học mác trong thời đại mới, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐÔI ĐIỀU VỀ VIỆT NAM HOÁ TRIẾT HỌC MÁC TRONG THỜI ĐẠI
MỚI
NGUYỄN TÀI ĐÔNG (*)
Bài viết này không mang tính chất khảo cứu, vì người viết không chuyên
nghiên cứu triết học Mác, càng không phải là triết học Mác hiện đại. Người
viết không đưa ra các tiền đề cho những luận điểm trong bài và cũng không có
đầy đủ các luận cứ, luận chứng cho những luận điểm đó. Lý do là, tuy nội
dung bài viết chủ yếu là về triết học Mác, song được tiếp cận từ góc độ, kinh
nghiệm của lịch sử triết học phương Đông và văn hoá phương Đông, với một
giả định là bất cứ học thuyết nào, hệ tư tưởng nào muốn tồn tại và phát triển
trong một không gian và thời gian khác (trên/trong một xã hội khác, ở một thời
đại khác) thì bắt buộc phải được bản địa hoá. Tương tự như trước đây, Nho
giáo hay Phật giáo, để bám rễ, ăn sâu vào đời sống tinh thần và văn hoá người
Việt, thì chúng phải được Việt Nam hoá thành Nho giáo Việt Nam, Phật giáo
Việt Nam,v.v.. Việt Nam hoá triết học Mác hay phát triển triết học Mác ở Việt
Nam cũng mang ý nghĩa như vậy; nghĩa là triết học Mác hiện nay phải thể
hiện được nội dung tinh thần thời đại, phải giải quyết được các vấn đề của
Việt Nam đang đặt ra. Với cách hiểu đó, Việt Nam hoá triết học Mác cũng
chính là hiện đại hoá triết học Mác cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Bài
viết đề cập tới các vấn đề: 1. Bối cảnh lịch sử hiện đại hoá ở Việt Nam; 2.
Hiện đại hoá Việt Nam trong thời đại mới - những khó khăn; 3. Việt Nam hoá
triết học Mác từ góc độ văn hoá.
1. Bối cảnh lịch sử hiện đại hoá ở Việt Nam
Sự ra đời triết học Mác đánh dấu một thời đại chuyển từ “thiên quốc” về lại thế
giới hiện thực; chuyển từ bản vị thần trở về bản vị người; khẳng định lại một
lần nữa tính hiện thực của con người, giá trị con người, lợi ích con người, sự
sáng tạo của con người. Cũng có thể nói, C.Mác đã phát hiện ra ý nghĩa của
“con người” trong thời đại mới. Đây cũng chính là sự tiếp nối truyền thống
triết học phương Tây từ Phục hưng - phát triển tính chủ thể của con người với
tinh thần nhân bản mang đặc trưng tự do và sáng tạo.
Nếu như nói thời kỳ Phục hưng mở đầu cho phương Tây bước vào Cận đại và
Hiện đại, thì sự kiện thực dân Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng năm 1858 đánh
dấu cho bước chuyển sang thời Cận đại của lịch sử Việt Nam. Hai sự mở đầu
này không những sai lệch nhau về thời gian vài thế kỷ, mà còn khác hẳn nhau
về phương thức và mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Ở phương Tây, đó là sự
mở đầu đầy hy vọng, đầy sức sống, mang tính sáng tạo và tư tưởng giải phóng;
còn ở Việt Nam, đó lại là sự mở đầu đau thương, là sự thất bại, bị động - sự
mở đầu mang tính “bi kịch”. Gạt đi tất cả những “giá như”, “nếu như” trong
lịch sử, thì xã hội Việt Nam nói riêng và một số nước phương Đông nói chung
cũng không thể phát triển theo con đường tự nhiên như nó “sẽ là”. Súng đại
bác của Pháp đã phá vỡ cánh cửa khép chặt của Việt Nam. Lịch sử dân tộc đã
đi đến chỗ không thể bước nguyên si như con đường của 4000 năm trước. Điều
đó có nghĩa là truyền thống văn hoá rực rỡ 4000 năm bị thách thức toàn diện,
xuất hiện sự đòi hỏi và đấu tranh nhằm thay đổi những tiêu chí giá trị truyền
thống cứng nhắc và không còn phù hợp. Đây chính là điểm kết thúc của một
kết cấu văn hoá cũ, nhưng cũng đồng thời là điểm mở đầu của một kết cấu văn
hoá mới, dù là một điểm khởi đầu đầy đau khổ.
Việt Nam không còn lối thoát nào khác, không thể tiếp tục như một số vua
quan và Nho sĩ triều Nguyễn tự thủ bàng quan, tự dối trá mình và lừa gạt
những người khác bằng cái huy hoàng trong quá khứ, bịt mắt chờ người khác
định đoạt số phận mình. Vì vậy, người Việt Nam tất phải nghiêm túc đối diện
với một thế giới mới, tìm hiểu xem thế giới ấy đã và đang thực sự xảy ra
chuyện gì và buộc phải thừa nhận loài người đang tiến hành một cuộc cách
mạng công nghiệp - cuộc cách mạng đã thay đổi một cách triệt để phương thức
sản xuất và phương thức sống của con người. Chính vì vậy, người Việt phải đi tìm
con đường tồn tại cho dân tộc mình. Độc lập dân tộc và theo kịp thế giới hiện đại
là con đường duy nhất, không có sự lựa chọn nào khác, càng không có con đường
rút lui cho người Việt Nam.
Câu hỏi của thời Cận hiện đại đặt ra cho Việt Nam rất rõ ràng: làm thế nào để
đất nước giàu mạnh? Bởi đất nước phải giàu mạnh mới đảm bảo cho sự tồn tại
vững chắc của dân tộc và con đường làm cho đất nước giàu mạnh chính là con
đường công nghiệp hoá. Chỉ có công nghiệp hoá, hiện đại hoá mới tránh cho
dân tộc khỏi bước suy vong. Như đã biết, sau khi các nước tư bản phương Tây
gom cả thế giới vào hệ thống sản xuất tư bản chủ nghĩa, để tồn tại và phát
triển, bất cứ một dân tộc nào cũng khó có thể độc lập bên ngoài “thế giới” đó.
Các dân tộc trên thế giới cạnh tranh nhau, trong thời Cận đại, đặc biệt là trong
thời Hiện đại và Toàn cầu hoá này, là cạnh tranh về trình độ công nghiệp hoá.
Như vậy, người Việt Nam đã phải chấp nhận điểm khởi đầu bất bình đẳng, nền
tảng bất bình đẳng và quy tắc bất bình đẳng trong tiến trình lịch sử cận hiện đại
này.
2. Hiện đại hoá Việt Nam trong thời đại mới - những khó khăn
Sự truyền bá chủ nghĩa Mác vào Việt Nam và cùng với nó là phong trào giải
phóng dân tộc đã đưa dân tộc Việt Nam tới một bước ngoặt lịch sử mới, mở ra
một chân trời mới từ góc độ văn hoá tư tưởng, giương cao ngọn cờ khoa học
và dân chủ, phản đế và phản phong. Một dân tộc bị nô dịch, bị kìm hãm, bị bóc
lột, bị cướp đoạt trong gần 100 năm, cuối cùng, thông qua cách mạng, vượt
qua muôn trùng khó khăn, đã đứng dậy, xây dựng một Việt Nam mới.
Nếu như nói lịch sử đã lựa chọn chủ nghĩa Mác làm ngọn cờ tinh thần cho lý
tưởng xã hội, thì đối tượng chủ yếu mà chủ nghĩa Mác ở Việt Nam đã tác
động, khơi dậy, thức tỉnh, bên cạnh giai cấp công nhân thì chính là đại đa số
nông dân. Điều này có lẽ C.Mác cũng không ngờ đến, học thuyết và tư tưởng
của ông lại có thể ăn sâu, bắt rễ vào làng quê ở một nước phương Đông xa xôi
như Việt Nam. Song, đối với nông dân, hiện đại hoá chính là một thách thức
vô cùng to lớn. Khoa học - kỹ thuật và tinh thần hiện đại không thể “thức tỉnh”
hay “nhóm lên” những nhân tố tư tưởng tiềm năng của người nông dân. Nông
dân, về căn bản, là thiếu nền tảng khoa học - kỹ thuật hiện đại. Do vậy, họ cần
phải học tập, phải thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, thay đổi quan
niệm sống để tiếp thu văn minh hiện đại. Chính điều này sẽ dẫn đến xung đột
nội tại giữa giá trị văn hoá nông nghiệp và hệ giá trị hiện đại hoá mới. Trong
quá trình hiện đại hoá, nhất là từ Đổi mới trở đi, chúng ta có thể thấy rõ sự phát
triển kinh tế và chính trị không thuần tuý chỉ là vấn đề kinh tế và chính trị, mà
ở tầng sâu, chúng còn chịu sự quy định của văn hoá, trong đó vấn đề căn bản
nhất là con người tự hiện đại hoá. Tự hiện đại hoá ở đây có thể hiểu là con
người chuyển hình văn hoá từ tư cách chủ thể bị động tự cung, tự cấp trong
điều kiện kinh tế tự nhiên và văn minh nông nghiệp truyền thống sang chủ thể
mang tính sáng tạo, chủ động, tự do trong điều kiện văn minh công nghiệp
hiện đại và kinh tế thị trường. Từ góc độ này, có thể nói, người Việt Nam đi
vào hiện đại hoá nhưng vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ về mặt tinh thần, dễ dàng tạo
ra các câu chuyện thần thoại về hiện đại hoá, sùng bái một cách mù quáng hiện
đại hoá mà không tính đến cái giá phải trả cho các câu chuyện đó. Chính vì
vậy, yêu cầu về ý thức hiện đại không chỉ là nhận thức được tính tất yếu của
hiện đại hoá, mà còn bao gồm việc nhận thức một cách toàn diện hiện đại hoá;
trong đó bao gồm cả việc xây dựng lý tưởng, giá trị con người trong quá trình
hiện đại hoá. Đây cũng chính là yêu cầu của sự phát triển khoa học - kỹ thuật
đặt ra cho lý tính con người, là sự kêu gọi của hiện đại hoá đối với lý tính công
cụ và tinh thần nhân bản.
Khó có thể phủ nhận văn minh hiện đại, về bản chất, là một loại văn minh vật
chất và văn minh kỹ thuật. Loài người đang bước trên chiếc cầu kỹ thuật và vật
chất để đi vào xã hội hiện đại. Một mặt, hiện đại hoá đưa con người đến với
một đời sống vật chất mới, song cũng mang đến cho họ nguy cơ mới. Nguy cơ
đó là con người có thể tồn tại chủ yếu với tư cách người sản xuất hàng hoá và
người tiêu thụ hàng hoá, có thể trở thành “hàng hoá sống” trong hệ thống giá
trị vật chất; có nghĩa là, về mặt giá trị, con người dần mất đi tính chủ thể đối
với vật, ngày càng xác lập tính quy định của vật đối với người trong quá trình
sản xuất và tiêu thụ, đồng nhất hoá con người và vật thành một thể - nhất thể
hoá giá trị, tức là “vật hoá”. Con người sống trong hệ thống giá trị của vật, của
hàng hoá. Mặt khác, khi bản chất của tính vật chất và tính kỹ thuật của văn
minh hiện đại được biểu hiện thành các sản phẩm văn hoá nghệ thuật được
thương mại hoá thì lúc đó, chức năng chăm lo giá trị tinh thần và xây dựng tâm
linh con người mà bản thân văn hoá nghệ thuật mang trong mình dần bị thay
thế bởi chức năng giải trí, đơn thuần thoả mãn các giác quan. Giá trị tinh thần
vốn có của văn hoá bị thay thế bởi giá trị hàng hoá.
Khắc phục những nguy cơ mà chúng ta có thể gặp phải trong quá trình hiện đại
hoá, một mặt không thể tách rời sự phát triển khoa học - kỹ thuật, mặt khác
cũng không thể tách rời bản tính và giá trị của tâm linh con người. Điều này
cũng thể hiện giá trị hiện đại của triết học Mác, khi nó cho chúng ta một chỗ
dựa về mặt lý luận để khắc phục những khó khăn và nguy cơ đương đại. Triết
học Mác, lý luận chủ nghĩa Mác không chỉ dẫn đường cho giai cấp vô sản Việt
Nam giành thắng lợi, xây dựng nước Việt Nam mới, mà còn phát huy tác dụng
chủ đạo trong việc định hướng tiến trình hiện đại hoá xã hội Việt Nam ngày
nay. Đây là quá trình kết hợp giữa triết học Mác, lý luận chủ nghĩa Mác với
thực tiễn hiện đại hoá ở Việt Nam, và đây cũng chính là quá trình Việt Nam
hoá triết học Mác.
3. Việt Nam hoá triết học Mác từ góc độ văn hoá
Cái gọi là Việt Nam hoá triết học Mác chính là triết học Mác phải phản ánh
được thực tiễn Việt Nam và trong quá trình chỉ đạo hoạt động thực tiễn, phải
gắn chặt những nguyên lý cơ bản của triết học Mác với tư tưởng truyền thống
cơ bản của Việt Nam và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của Đảng Cộng sản
Việt Nam. Đây cũng chính là sự chuyển hoá từ hình thái ý thức sang hình thái
thực tiễn của triết học Mác ở Việt Nam. Triết học Mác là một thành quả của
văn minh nhân loại. Với tư cách này, sự giao lưu và dung hợp giữa triết học
Mác và văn hoá Việt Nam đã mở ra một tầm nhìn rộng lớn, một con đường
hữu ích cho quá trình hiện đại hoá Việt Nam. Nhìn từ tầng sâu văn hoá và góc
độ tinh thần, Việt Nam hoá triết học Mác là một quá trình từng bước giao lưu,
hợp nhất (integration) triết học Mác, văn hoá Việt Nam và tinh thần dân tộc
Việt Nam. Vì vậy, lấy văn hoá Việt Nam truyền thống, tinh thần dân tộc Việt
Nam truyền thống làm gốc, dựa vào thế giới quan khoa học và phương pháp
luận biện chứng của triết học Mác, kết hợp với thực tiễn hiện đại hoá phong
phú của Việt Nam, không ngừng đưa ra những tư tưởng và lý luận mới phù
hợp với công cuộc hiện đại hoá Việt Nam là bước đi tất yếu của quá trình Việt
Nam hoá triết học Mác.
Có thể thấy, triết học Mác là vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn. Nó
được sinh ra từ thực tiễn, phát triển trong thực tiễn, lấy việc cải tạo thế giới
hiện thực làm mục đích. Từ góc độ triết học văn hoá, chúng ta có thể thấy triết
học thực tiễn của C.Mác là lý luận thể hiện một cách tự giác sự tự do và bản
tính siêu việt của con người. Nó cũng là lý luận thể hiện một cách tự giác tinh
thần văn hoá mang tính bản chất của tồn tại người. Vì vậy, triết học Mác luôn
xuất phát từ bản tính siêu việt và bản tính phê phán trong hoạt động thực tiễn
của con người và khi áp dụng vào việc đối thoại với một nền văn hoá khác ở
một thời điểm khác, nó sẽ tạo ra một tinh thần mở, một hoạt động phê phán
văn hoá mang tính xây dựng. Trong điều kiện lịch sử mới, vạch ra những nguy
cơ của văn hoá tinh thần; căn cứ vào sự biến động của thực tế, đưa ra các lý
luận mới; thúc đẩy hiện đại hoá bằng các biện pháp thực tiễn không chỉ là một
phương diện quan trọng của quá trình Việt Nam hoá triết học Mác, mà còn là
điểm then chốt trong quá trình hiện đại hoá.
Vậy, trong tiến trình hiện đại hoá ở Việt Nam, giá trị đương đại của triết học
Mác được thể hiện như thế nào? Nói cách khác, làm thế nào để phát triển một
cách hợp lý ý nghĩa hiện đại của việc Việt Nam hoá triết học Mác? Là dừng lại
ở các kết luận cụ thể hay phải đi sâu vào bản chất, vào tinh thần của triết học
Mác? Theo chúng tôi, giá trị đương đại và sức sống của Việt Nam hoá triết học
Mác chính là nằm ở sự phát triển một cách sâu sắc nhất bản chất thực tiễn và
bản tính siêu việt của con người; là sự thể hiện đầy đủ nhất của việc triết học
quay về với thế giới hiện thực; là tinh thần văn hoá phản tỉnh bản thân mình,
phản tỉnh nội tại xã hội. Nói cách khác, giá trị và sức sống của Việt Nam hoá
triết học Mác chính là tư tưởng chỉ đạo cho sự phát triển kinh tế, chính trị theo
định hướng xã hội chủ nghĩa; còn trong tầng sâu, nó chính là một loại tinh thần
văn hoá, ý thức văn hoá.
Dưới góc độ văn hoá, trong tiến trình hiện đại hoá, có thể nhìn nhận Việt Nam
hoá triết học Mác từ hai phương diện:
Thứ nhất, Việt Nam hoá triết học Mác thể hiện một cách sâu sắc tinh thần văn
hoá của tiến trình hiện đại hoá, tức là lấy lý tính công cụ và tinh thần nhân bản
làm nội hàm của kết cấu văn hoá hiện đại.
Từ bản chất của con người, bản thể của tồn tại người, nghiên cứu bản tính triết
học thực tiễn chính là phát hiện ra phương thức hoạt động đặc biệt của con
người, tìm ra những nhân tố khiến cho con người, vận động lịch sử của con
người khác với hành vi của động vật và sự vận động của tự nhiên bên ngoài.
Nhân tố này chính là văn hoá. Trong phần trước, bài viết đã trình bày về tiến
trình hiện đại hoá Việt Nam được bắt nguồn từ bị động, bi kịch và bất bình
đẳng. Và, Việt Nam muốn hiện đại hoá, thì trước hết và căn bản nhất, phải dựa
vào hiện đại hoá bản thân mỗi người Việt Nam. Hiện đại hoá chính mình tức là
quá trình khai sinh và phát triển tinh thần văn hoá mang tính chủ đạo từ văn
minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp hiện đại. Tinh thần văn hoá
mang tính chủ đạo là ý thức chủ thể tự giác của con người, được thể hiện một
cách cụ thể thành lý tính công cụ và tinh thần nhân bản. Có thể nói rằng, triết
học thực tiễn của C.Mác có khả năng thể hiện một cách sâu sắc tinh thần văn
hoá mang tính chủ đạo của tiến trình hiện đại hoá, bởi lý tính công cụ và tinh
thần nhân bản là nội hàm lý luận cơ bản trong triết học thực tiễn của C.Mác.
Một mặt, triết học thực tiễn nhấn mạnh đến sự thống nhất giữa tự nhiên và con
người, nhưng không phải là quan niệm “thiên nhân hợp nhất” nguyên thuỷ, mà
là sự thống nhất tự giác giữa con người và tự nhiên được xây dựng trên cơ sở
hoạt động mang tính sáng tạo của con người, trong đó lý tính của con người
hiểu biết và cải tạo tự nhiên. Mặt khác, toàn bộ lý giải của triết học thực tiễn về
con người, thế giới con người, tự nhiên của con người, lịch sử của con
người,v.v. đều căn cứ trên đặc trưng bản chất của tính phê phán, tính siêu việt,
tính sáng tạo vốn có trong hoạt động thực tiễn. Đây chính là lấy ý thức của chủ
thể hoạt động, ý thức phê phán và tinh thần sáng tạo làm cốt lõi cho tinh thần
nhân bản.
Thứ hai, Việt Nam hoá triết học Mác đại diện cho tinh thần phê phán sâu sắc
những nguy cơ văn hoá hiện đại, cũng như những vấn nạn văn hoá của con
người hiện đại.
Bản chất phạm trù “thực tiễn” của triết học Mác được bắt nguồn trong sự
thống nhất hữu cơ giữa phát triển nội tại con người với hoạt động thế giới bên
ngoài. Dưới góc độ này, thực tiễn không chỉ là khái niệm đối lập với lý luận,
mà còn gắn chặt với cách thức đặt vấn đề về tồn tại người, là khái niệm giải
thích rõ về sự tồn tại của con người, tức là một phạm trù mang ý nghĩa triết
học. Nói cách khác, ở triết học Mác, trong thế giới người, mọi giá trị và ý
nghĩa của tồn tại người không phải được mặc định trước hay có thể đoán định,
mà được gắn với hoạt động của mỗi con người, tức là chỉ có thể lý giải con
người từ góc độ hoạt động thực tiễn của họ chứ không phải từ bên ngoài hay từ
góc độ siêu nhân nào đó. Vì vậy, từ hai phương diện lao động vật hoá và lao
động tha hoá, C.Mác đã nêu lên phương thức sống cũng như xung đột mâu
thuẫn của con người hiện đại, từ đó xây dựng nên triết học thực tiễn. Cũng
chính vì vậy, C.Mác đã đặc biệt nhấn mạnh đến tính sáng tạo vốn có của thực
tiễn con người, triệt để xuất phát từ việc điều chỉnh phương thức hoạt động của
con người để có thể không ngừng loại bỏ những hậu quả, những mặt trái do
các hoạt động đó mang đến. Lý luận về lao động tha hoá của triết học Mác đã
ảnh hưởng mạnh mẽ đến triết học thực tiễn thế kỷ XX. Khi mà lý tính công cụ
và lý tính giá trị có một số xung đột thì quan hệ giữa người với người sẽ bị phá
vỡ, dẫn đến sự thống trị của vật đối với con người, sự tha hoá về bản chất của
con người, v.v.. Do đó, luận giải về văn hoá tinh thần của văn minh công
nghiệp hiện đại của triết học Mác không chỉ dựa trên việc nêu bật lên lý tính
công cụ và tinh thần nhân bản, mà còn biểu hiện ở việc phê phán các nguy cơ
văn hoá hiện đại và các vấn nạn của con người.
Có thể thấy, trong những năm đầu thiên niên kỷ thứ ba, tiến trình lịch sử hiện
đại hoá và phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam là một quá trình chuyển
biến hết sức sâu rộng. Nếu như khoa học - kỹ thuật là động lực then chốt, là
lực lượng sản xuất quan trọng nhất thì tinh thần nhân bản lại là định hướng
nhân tính không thể thiếu trong tiến trình lịch sử này. Không có gì phải nghi
ngờ, tiến trình lịch sử hiện đại hoá không thể chỉ là quá trình theo đuổi kỹ thuật
và của cải vật chất, không chỉ là quá trình kinh tế và tìm kiếm các phương thức
kinh tế, mà còn phải là một quá trình truy cầu tinh thần nhân văn, là quá trình
hoàn thiện và tiến bộ tự thân của con người. Đây cũng chính là gợi ý cho quá
trình Việt Nam hoá triết học Mác trong thời đại mới./.
(*) Thạc sĩ triết học, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- triet_hoc_13__8998.pdf