Buổi chiều cùng ngày, Ban cán sự Đảng họp
quyết định thành lập Uỷ ban quân sự cách
mạng. Đồng chí Bình Phương được cử làm
Chỉ huy trưởng, đồng chí Ngô Minh Loan làm
Chính uỷ, đồng chí Trần Đức Sắc làm uỷ
viên. Uỷ ban quân sự cách mạng có nhiệm vụ
chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức
các hoạt động quân sự làm nòng cốt cho
phong trào quần chúng, tiến tới khởi nghĩa
giành chính quyền.
Hai chiến thắng liên tiếp của Đội du kích Âu
Cơ đã làm nức lòng nhân dân địa phương, có
tác dụng cổ vũ mạnh mẽ phong trào kháng
Nhật cứu nước ở vùng căn cứ cũng như nhiều
nơi khác. Quần chúng hăng hái quyên góp,
ủng hộ cách mạng. Hàng trăm thanh niên các
xã tình nguyện vào du kích. Chỉ trong thời
gian ngắn, Đội du kích Âu Cơ đã lên tới 230
người, đóng quân tại làng Vần, tiếp tục củng
cố và phát triển lực lượng. Các làng trong khu
căn cứ Vần - Hiền Lương đều lập hệ thống
báo động dây chuyền, đảm bảo an toàn cho
khu căn cứ.
6 trang |
Chia sẻ: trungkhoi17 | Lượt xem: 530 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đội du kích âu cơ của chiến khu Vần - Hiền Lương trong cách mạng tháng tám 1945, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nguyễn Thị Thương Huyền Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 94(06): 79 - 84
79
ĐỘI DU KÍCH ÂU CƠ CỦA CHIẾN KHU VẦN - HIỀN LƯƠNG
TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945
Nguyễn Thị Thương Huyền*
Trường Đại học Sư phạm - ĐH Thái Nguyên
TÓM TẮT
Bài báo trình bày hoàn cảnh ra đời và hoạt động của Đội du kích Âu Cơ trong Chiến khu Vần –
Hiền Lương thời kì vận động Cách mạng tháng Tám. Thông qua các tư liệu lịch sử được khai thác
từ nhiều nguồn khác nhau, bài báo nêu bật sự hoạt động tích cực của Đội du kích. Cũng chính từ
đó, Đội du kích Âu Cơ nhanh chóng trưởng thành và đóng vai trò quan trọng trong những ngày
khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.
Từ kết quả nghiên cứu, có thể rút ra một số nhận xét về Đội du kích Âu Cơ:
1 - Đội du kích Âu Cơ cùng lực lượng chính trị của quần chúng nhân dân đã tạo thành sức mạnh to
lớn, có tác dụng thúc đẩy phong trào cách mạng ở địa phương phát triển nhanh chóng.
2 - Đội du kích Âu Cơ là lực lượng chủ yếu, quyết định trong việc bảo vệ chiến khu Vần -
Hiền Lương.
3 - Đội du kích Âu Cơ đã tạo thế, hỗ trợ cho quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền
thắng lợi ở hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái. Đội quân này còn tiếp tục giữ vai trò đặc biệt quan trọng
trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954).
Từ khóa: Đội du kích Âu Cơ; Chiến khu Vần – Hiền Lương; Lương Ca, Giới Phiên, Động Lâm
Thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945
đã đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở
thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã
hội. Nước ta từ xã hội thuộc địa nửa phong
kiến, trở thành một nước độc lập, có chủ
quyền. Một kỉ nguyên mới được mở ra
trong lịch sử dân tộc Việt Nam - Kỉ nguyên
độc lập, tự do. *
Một trong những yếu tố quyết định thắng lợi
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là do Đảng
ta biết dựa vào nông thôn, miền núi để thành
lập căn cứ địa. Ngoài Khu giải phóng gồm 6
tỉnh ở vùng Việt Bắc và các Chiến khu Đông
Triều, Hoà - Ninh - Thanh, Ba Tơ..., còn có
Chiến khu Vần - Hiền Lương ở vùng rừng núi
Tây Bắc.
Về vấn đề này, đã có một số công trình được
công bố: “Chiến khu Âu Cơ” của Nguyễn
Hiếu, “Những ngày Cách mạng tháng Tám”
của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Phú, “Vần
- Hiền Lương, Một căn cứ cách mạng ở miền
Tây Bắc” của Nguyễn Văn Khánh - Trần
Danh Tiên, đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lịch
sử, số 2, quí III - IV, 1993. Tuy nhiên, các bài
viết này mới chỉ đề cập khái quát về Đội du
kích Âu Cơ, còn chủ yếu tập trung nghiên cứu
về Chiến khu Vần - Hiền Lương.
*
E-mail: ntthuyen.txtp@gmail.com
Với tư cách là người đầu tiên tìm hiểu có tính
hệ thống, cụ thể, toàn diện về sự ra đời, hoạt
động của Đội du kích Âu Cơ thời kì vận động
cách mạng tiến tới khởi nghĩa giành chính
quyền ở Chiến khu Vần - Hiền Lương, tác giả
hy vọng dựng lại bức tranh toàn cảnh về lực
lượng vũ trang của Chiến khu Vần - Hiền
Lương trong Cách mạng tháng Tám 1945.
Vần - Hiền Lương là nơi có vị trí chiến lược
đặc biệt quan trọng, có địa hình hiểm trở, núi
cao bao bọc, có nhiều thuận lợi cho việc thực
hiện chiến tranh du kích, lấy ít địch nhiều.
Nhân dân các dân tộc khu Vần - Hiền Lương
giàu lòng yêu nước, có truyền thống đấu tranh
kiên cường, bất khuất, đã từng tích cực hưởng
ứng phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế
kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, nên đều hết lòng ủng
hộ và tham gia cách mạng.
Khu vực Vần - Hiền Lương nằm bên hữu
ngạn sông Hồng, giáp ranh giữa hai tỉnh Yên
Bái và Phú Thọ, là vùng chuyển tiếp giữa
miền Tây Bắc với trung du Bắc Bộ. Đây là
vùng đất thuộc khu vực Bắc tỉnh Phú Thọ,
Nam tỉnh Yên Bái, tiếp giáp với 3 huyện: Văn
Chấn, Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) và Hạ Hoà
(tỉnh Phú Thọ), bao gồm các xã: Linh Thông,
Hạ Bằng La, Đồng Yếng, Bình Trà, Vân Hội,
Vần (Trấn Yên - Yên Bái) và xã Hiền Lương
(Hạ Hoà - Phú Thọ) [8, tr.24-44].
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
Nguyễn Thị Thương Huyền Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 94(06): 79 - 84
80
Trước đây, theo địa danh cũ, khu Vần - Hiền
Lương nằm trên địa bàn của 3 tổng: Lương
Ca, Giới Phiên (thuộc Trấn Yên - Yên Bái),
Động Lâm (thuộc Hạ Hoà - Phú Thọ). Dân số
trước Cách mạng tháng Tám khoảng 1 vạn
người, gồm 3 dân tộc: Kinh, Tày, Dao. Khu
Vần - Hiền Lương là vùng rừng núi trùng
điệp, xung quanh có các dãy núi cao bao bọc,
tạo nên một phòng tuyến thiên nhiên hùng vĩ.
Từ khu Vần - Hiền Lương có thể đi các huyện
của tỉnh Phú Thọ, về các tỉnh miền đồng bằng
Bắc Bộ, đi Thanh Bồng, vào Ba Khe, Cửa
Nhì, Nghĩa Lộ, vào Ngọc Chiến, Phù Yên
(Sơn La). Dọc theo Ngòi Lao (hoặc Ngòi
Vần) có thể ra sông Hồng, xuôi về Hạ Hoà,
Yên Lập, Đồn Vàng (Phú Thọ), rồi rẽ sang ga
Đoan Thượng; một đường khác đi Phú
Nhuận, Bảo Long ra Ngòi Tranh sang Yên
Bái. Từ những con đường này có thể thông
sang sông Hồng - một đường thuỷ quan trọng
của Bắc Bộ, hay nối với đường xe lửa Hà Nội
- Lào Cai và Quốc lộ 13A. Hai làng Hiền
Lương và Nang Sa ở ven sông Hồng trở thành
một vành đai rộng và bằng phẳng của vùng
Vần - Hiền Lương... Địa thế này rất thuận lợi
cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Từ năm 1943, Vần - Hiền Lương đã trở thành
một cơ sở cách mạng. Đầu năm 1945, phong
trào Việt Minh phát triển mạnh ở Vần và có
ảnh hưởng rộng lớn ra các khu vực xung
quanh. Sau khi thành lập Ban cán sự Đảng
liên tỉnh Phú - Yên thì Vần - Hiền Lương trở
thành chiến khu cách mạng. Cũng từ đó, vấn
đề xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trở
thành một yêu cầu bức thiết.
Quán triệt Nghị quyết Hội nghị quân sự cách
mạng Bắc Kì (4/1945), đáp ứng yêu cầu cách
mạng ở địa phương, ngày 14/5/1945, tại chùa
Hiền Lương (Hạ Hoà - Phú Thọ), đội du kích
tập trung của khu căn cứ Vần - Hiền Lương
được thành lập, lấy tên là Đội du kích Âu Cơ,
gồm 23 cán bộ và chiến sĩ, do đồng chí Bình
Phương làm Đội trưởng, đồng chí Ngô Minh
Loan phụ trách chính trị. Vũ khí trang bị của
Đội có 1 trung liên, 1 súng lục, 11 súng
trường và các loại vũ khí thô sơ khác, như
gậy, dao găm, mã tấu... [4,tr.37].
Ra đời từ trong cao trào cách mạng sục sôi
của cả nước, lại được nhân dân địa phương
hết lòng đùm bọc, nuôi dưỡng, Đội du kích
Âu Cơ phát triển rất nhanh chóng. Từ hơn 20
cán bộ, chiến sĩ trong ngày đầu thành lập, chỉ
nửa tháng sau, quân số của Đội đã tăng lên
127 người, phần lớn là thanh niên các dân tộc
Kinh, Tày, được phiên chế thành 4 trung đội
[4, tr.38-39].
Ngay sau khi ra đời, Đội du kích Âu Cơ đã
bước vào luyện tập quân sự, đồng thời tổ
chức chiến đấu bảo vệ chiến khu.
Ngày 19/6/1945, Tri phủ Trấn Yên An Văn
Tùng và tên chỉ huy lính bảo an - Quản Khoát
chỉ huy 50 lính bảo an theo đường Ngòi
Chanh vào làng Vần - trung tâm khu căn cứ,
lùng sục hòng "Tiễu trừ Việt Minh". Vào đến
Vần, chúng đóng quân tại nhà Chánh tổng
Trần Đình Khánh (cơ sở của ta) [1, tr.55].
Nhận được mật báo của Chánh tổng Trần
Đình Khánh, ban lãnh đạo Đội du kích đã bàn
bạc, thống nhất kế hoạch đánh địch với quyết
tâm giành thắng lợi ngay từ trận đầu.
Đội du kích nhanh chóng di chuyển lực lượng
từ Đồng Yếng vào Vần tổ chức mai phục.
Rạng sáng ngày 20/6/1945, Đội du kích bất
ngờ nổ súng tiến đánh bằng nhiều mũi bao
vây giáp công. Bị tấn công bất ngờ, địch
hoảng loạn bỏ vũ khí tháo chạy lên khu rừng
sau nhà. Ta bao vây gọi hàng và buộc viên Tri
phủ An Văn Tùng phải chấp nhận 3 điều kiện:
- Một là, không được khủng bố và đàn áp
phong trào cách mạng.
- Hai là, trả lại tiền thuế đã thu của dân.
- Ba là, trả tự do cho các chiến sĩ cách mạng
hiện còn đang bị giam giữ [1, tr.55-56].
Biết không thể trốn thoát, Tri phủ An Văn
Tùng và Quản Khoát đã đầu hàng và cam kết
thực hiện các điều kiện của ta đề ra. Tiếp đó,
ta cho chúng về phủ, không tước vũ khí của
chúng để bọn Nhật khỏi nghi ngờ. Phần lớn
lính bảo an được thả đều hiểu chính sách
khoan hồng của Việt Minh nên đã tích cực
tuyên truyền gây thanh thế và làm tăng thêm
uy tín của Việt Minh. Một tuần lễ sau, chi bộ
thị xã Yên Bái vận động quần chúng đấu
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
Nguyễn Thị Thương Huyền Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 94(06): 79 - 84
81
tranh buộc viên Tri phủ Trấn Yên phải trả tự
do cho 3 cán bộ của ta (trong đó có đồng chí
Nguyễn Phúc, sau này là Phó Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái).
Trận đầu ra quân đánh thắng của Đội du kích
Âu Cơ đã gây được niềm phấn khởi và tin
tưởng trong nhân dân đối với lực lượng cách
mạng. Nhân dân trong khu căn cứ và các làng
lân cận, như Đại Lịch, Lương Tâm, Lương
An... tích cực ủng hộ gạo, tiền và các vật
phẩm khác cho bộ đội, du kích.
Uy tín của Đội du kích ngày càng tăng. Lính
dõng ở các tổng Lương Ca, Giới Phiên, Động
Lâm đã tự động mang súng về hàng, một số
xin gia nhập Đội du kích. Một số thanh niên
thị xã cũng sang khu du kích xin tham gia lực
lượng vũ trang cách mạng.
Lo sợ trước sự lớn mạnh của Đội du kích Âu
Cơ, ngày 25/6/1945, một trung đội phát xít
Nhật do viên quan hai chỉ huy, cùng với một
tên thông ngôn người Việt, theo đường số 13
Yên Bái - Nghĩa Lộ tiến vào Mỵ, Thanh Bồng
để càn quét. Sau hai ngày lùng sục không phát
hiện được gì, ngày 27/6/1945, chúng hành
quân ra Vần để đi Hiền Lương.
Đoán được ý đồ của địch, Ban chỉ huy Đội du
kích chiến khu quyết định bố trí lực lượng
phục kích tại gò Vải, chân Đèo Giang - một vị
trí hiểm trở nằm án ngữ đoạn ngòi Vần từ
Vân Hội ra Hiền Lương. Đoạn ngòi này có
mực nước sâu, một bên bờ dốc đứng, nước
xoáy. Gò Vải được chọn làm nơi đặt trung
liên, từ trên gò cao này nhìn xuống có thể
quan sát suốt 1 km mặt ngòi, rất thuận tiện
cho việc theo dõi nhất cử nhất động của địch
khi chúng lọt vào trận địa mai phục.
16 giờ ngày 27/6/1945, khi 3 thuyền địch xuất
hiện, đợi chúng lọt sâu vào trận địa phục kích,
quân ta nổ súng theo hiệu lệnh. Bị bất ngờ,
bọn địch trên sông rối loạn, không kịp ứng
phó. Trận đánh chỉ diễn ra chớp nhoáng trong
vòng 10 phút, kết quả ta tiêu diệt được 4 tên
Nhật, trong đó có viên quan hai chỉ huy. Du
kích không ai bị thương. Quân ta rút lui an
toàn về Đồng Yếng. Ngày 28/6/1945, quân
Nhật rút ra ga Đoan Thượng để đi tàu về Yên
Bái [1, tr.56-57].
Sáng 30/6/1945, lễ mừng chiến thắng được tổ
chức tại đình làng Hiền Lương, có đông đảo
đại diện các tầng lớp nhân dân trong vùng
tham dự, đồng chí Ngô Minh Loan thông báo
quyết định của Xứ uỷ Bắc Kì về việc thành
lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú Thọ - Yên
Bái (Phú - Yên).
Buổi chiều cùng ngày, Ban cán sự Đảng họp
quyết định thành lập Uỷ ban quân sự cách
mạng. Đồng chí Bình Phương được cử làm
Chỉ huy trưởng, đồng chí Ngô Minh Loan làm
Chính uỷ, đồng chí Trần Đức Sắc làm uỷ
viên. Uỷ ban quân sự cách mạng có nhiệm vụ
chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức
các hoạt động quân sự làm nòng cốt cho
phong trào quần chúng, tiến tới khởi nghĩa
giành chính quyền.
Hai chiến thắng liên tiếp của Đội du kích Âu
Cơ đã làm nức lòng nhân dân địa phương, có
tác dụng cổ vũ mạnh mẽ phong trào kháng
Nhật cứu nước ở vùng căn cứ cũng như nhiều
nơi khác. Quần chúng hăng hái quyên góp,
ủng hộ cách mạng. Hàng trăm thanh niên các
xã tình nguyện vào du kích. Chỉ trong thời
gian ngắn, Đội du kích Âu Cơ đã lên tới 230
người, đóng quân tại làng Vần, tiếp tục củng
cố và phát triển lực lượng. Các làng trong khu
căn cứ Vần - Hiền Lương đều lập hệ thống
báo động dây chuyền, đảm bảo an toàn cho
khu căn cứ.
Đầu tháng 7 năm 1945, Ban cán sự Đảng liên
tỉnh Phú - Yên chủ trương:
"1. Gấp rút xây dựng lực lượng chính trị, tổ
chức các đoàn thể Cứu quốc, củng cố vững
chắc khu căn cứ cách mạng, từ đó mở rộng ra
các vùng khác.
2. Các đội du kích tập trung tổ chức thành
các trung đội, chỉ để lại một bộ phận nhỏ bảo
vệ căn cứ, còn phần lớn tiến vào Văn Chấn
hoạt động, tạo địa bàn tiến lên Than Uyên,
Văn Bàn, Phù Yên. Trong hoạt động, các
trung đội vũ trang lấy tuyên truyền xung
phong làm chủ yếu, vận động hỗ trợ dân phá
kho thóc của giặc, thuyết phục chính quyền
tay sai Nhật các cấp tự giải tán.
3. Nhanh chóng thành lập Uỷ ban nhân dân
cách mạng lâm thời các xã trong khu căn cứ
và vùng mới giải phóng, tổ chức đội du kích,
tự vệ ở những nơi đó." [5, tr.206-207].
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
Nguyễn Thị Thương Huyền Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 94(06): 79 - 84
82
Thực hiện chủ trương trên, Uỷ ban quân sự
cách mạng Phú - Yên đã tập trung vào việc
huấn luyện chiến thuật tác chiến cho tự vệ,
củng cố và phát triển các đội tự vệ thôn xã,
gấp rút xây dựng các đội du kích.
Phong trào tập luyện quân sự diễn ra rầm rộ,
đặc biệt là trong vùng chiến khu cách mạng.
Công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa ngày càng
khẩn trương. Vấn đề giành chính quyền về tay
nhân dân được đặt ra trực tiếp.
Ngay từ cuối tháng 6/1945, ta đã giải phóng
vùng phía nam hữu ngạn phủ Trấn Yên, trong
đó có tổng Lương Ca, hầu hết các bản người
Tày đã có cơ sở từ trước.
Đầu tháng 7/1945, từ làng Vần, Đội du kích
Âu Cơ nhận nhiệm vụ tiến vào giải phóng
châu Văn Chấn. Ngoài lực lượng ở lại làm
nhiệm vụ bảo vệ chiến khu, các lực lượng vũ
trang được tổ chức thành 9 trung đội, chia
thành 3 cánh quân tiến vào Nghĩa Lộ:
- Cánh quân thứ nhất qua làng Đồng Phú ra
Đá Trắng, do đồng chí Đoàn Năng Cự, Lê
Đức Hoa chỉ huy.
- Cánh quân thứ hai qua Vần, Dọc, Thiến,
Kháo, sang Ca Vịnh, do đồng chí Trương Văn
Tiến chỉ huy.
- Cánh quân thứ ba theo đường Vần, Dọc, qua
Mỵ, do đồng chí Trần Đức Sắc chỉ huy.
Trước sức mạnh tiến công của lực lượng vũ
trang cách mạng, lính bảo an ở các đồn
Lương Tàm, Ca Vịnh rút chạy. Ta thu được
27 khẩu súng trường địch bỏ lại. Kết hợp với
nhiệm vụ vào giải phóng Văn Chấn - Nghĩa
Lộ, du kích đã phá kho thóc của giặc Nhật ở
Mỵ, thu được 500 tấn, Ca Vịnh 500 tấn, Sơn
Lục 100 tấn, Bản Hóc và Gốc Báng 1.000 tấn
đem chia cho dân nghèo [4, tr.42]. Ngày
6/7/1945, Đội du kích tiến vào giải phóng
châu Văn Chấn, thu hồi toàn bộ sổ sách, giấy
tờ của chính quyền địch cùng 60 súng trường,
14 hòm đạn và kho thóc 1.000 tấn. Bộ máy
chính quyền tay sai của Nhật bị xoá bỏ. Ngày
8/7/1945, Uỷ ban nhân dân lâm thời châu Văn
Chấn được thành lập [1, tr.59].
Sau ngày giải phóng Văn Chấn - Nghĩa Lộ,
Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú - Yên quyết
định thành lập một đoàn cán bộ xuống xây
dựng chính quyền các xã, tổ chức huấn luyện
quân sự, chính trị cho đội du kích tập trung.
Tại Cửa Nhì (Ba Khe) một lớp huấn luyện
đào tạo Tiểu đội trưởng được mở cấp tốc
trong 15 ngày. Lực lượng vũ trang cách mạng
có sự phát triển mới về chất và lượng. Đội du
kích Âu Cơ phát triển lên đến 500 người, với
300 súng các loại [4,tr.43]. Đây là lực lượng
vũ trang cách mạng mạnh nhất ở vùng Tây
Bắc lúc bấy giờ.
Trước thời cơ thuận lợi của cách mạng, ngày
20/7/1945, Đội du kích đánh chiếm Đồn Vàng
- nơi đóng quân của lính bảo an. Tiếp đó, một
cánh quân vượt đèo Lũng Lô sang địa phận
tỉnh Sơn La, lần lượt giải phóng các châu Phù
Yên (23/7/1945), Văn Bàn (5/8/1945), Than
Uyên (7/8/1945). Như vậy, đến trung tuần
tháng 8/1945, toàn bộ miền tả ngạn sông
Hồng thuộc phủ Trấn Yên đã xoá bỏ sự thống
trị của phát xít Nhật và chính quyền tay sai,
lập chính quyền cách mạng lâm thời.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, châu Lục Yên
cũng được giải phóng ngày 8/7/1945, Yên
Bình (9/8/1945). Quân Nhật và tay sai co cụm
về thị xã.
Ở phía Bắc Phú Thọ, một loạt các huyện, xã
giành được chính quyền: Hạ Hoà (2/8), Cẩm
Khê (17/8), Yên Lập (18/8)... [7, tr.76]. Khí
thế cách mạng dâng cao, quần chúng nhân
dân ở khắp nơi trong tỉnh Yên Bái, Phú Thọ
nhất loạt nổi dậy giành chính quyền.
Đầu tháng 8/1945, Đội du kích Âu Cơ đổi
tên thành Chi đội Trần Quốc Toản, có nhiệm
vụ bảo vệ chiến khu, đồng thời chuẩn bị cho
cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở
thị xã Yên Bái và Phú Thọ.
Ở Yên Bái, các châu, phủ quanh thị xã đã
khởi nghĩa giành thắng lợi, thành lập chính
quyền cách mạng. Thị xã Yên Bái là nơi cố
thủ cuối cùng của quân Nhật và chính quyền
tay sai do chúng lập ra. Bên trong thị xã, quân
Nhật và tay sai hoang mang, dao động. Tri
phủ An Văn Tùng cũng đã ngả hẳn về phía
cách mạng. Nhiều lính bảo an bỏ hàng ngũ về
đầu quân cho cách mạng. Lực lượng còn lại
của địch ngày càng mỏng và yếu, một số lính
còn trụ lại ở đồn Cao, một vài vị trí lẻ ở Toà
Sứ, Trại Bảo an.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
Nguyễn Thị Thương Huyền Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 94(06): 79 - 84
83
Trong khi đó, Đội du kích Âu Cơ (lúc này đã
được đổi tên thành Chi đội Trần Quốc Toản),
quân số đã phát triển lên gần 800 người, biên
chế thành 6 đại đội - do đồng chí Trần Đức
Sắc chỉ huy, đồng chí Bình Phương phụ trách
về chính trị, cùng với các lực lượng vũ trang
trong toàn tỉnh chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang
giành chính quyền ở thị xã Yên Bái. Nhận
thấy thời cơ đã chín muồi ở địa phương, ngày
13/8/1945, Uỷ ban Quân sự cách mạng Yên
Bái đề ra kế hoạch khởi nghĩa vũ trang giành
chính quyền ở tỉnh lỵ. Kế hoạch gồm 2 bước:
"Bước 1: Dùng lực lượng vũ trang, có lính
trong trại bảo an binh giúp đỡ, tước vũ khí
của địch để trang bị cho các đội vũ trang và
tự vệ thị xã.
Bước 2: Huy động quần chúng thị xã và
vùng xung quanh có lực lượng vũ trang
làm áp lực đấu tranh buộc quân Nhật phải
để ta giải tán chính quyền tay sai của
chúng, lập chính quyền cách mạng của
nhân dân, nếu quân Nhật ngoan cố chống
lại, ta sẽ dùng lực lượng vũ trang tiến công
tiêu diệt." [5, tr.215].
Suốt ngày 19/8/1945, chiến sự diễn ra dọc
đường phố tỉnh lỵ. Lệnh tổng khởi nghĩa của
Đảng được đưa tới, Ban cán sự Đảng đã họp
ở nhà Tằm (Âu Lâu - Trấn Yên) đưa ra quyết
định: Huy động toàn bộ lực lượng quần chúng
cách mạng ở các cơ sở làm áp lực chính trị
cùng với lực lượng vũ trang để giành chính
quyền nhanh hơn. Thời cơ đã đến không thể
trì hoãn. Hội nghị cũng dự kiến danh sách Uỷ
ban nhân dân cách mạng lâm thời của tỉnh.
Trước sức mạnh của quần chúng nhân dân có
sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cách mạng
mà nòng cốt là Đội du kích Âu Cơ, ngày
22/8/1945, thị xã Yên Bái hoàn toàn giải
phóng. Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời
tỉnh ra mắt trước đông đảo nhân dân.
Tại Phú Thọ, Đội du kích Âu Cơ cùng với lực
lượng tự vệ, du kích, các đơn vị bộ đội đóng
quân trong tỉnh đã tổ chức giành chính quyền
thắng lợi ngày 25/8/1945.
Từ sự ra đời và hoạt động của Đội du kích Âu
Cơ, có thể rút ra một số nhận xét sau:
1- Đội du kích Âu Cơ cùng lực lượng chính
trị của quần chúng nhân dân đã tạo thành
sức mạnh to lớn, có tác dụng thúc đẩy
phong trào cách mạng ở địa phương phát
triển nhanh chóng.
2- Đội du kích Âu Cơ là lực lượng chủ yếu,
quyết định trong việc bảo vệ chiến khu Vần -
Hiền Lương.
3- Đội du kích Âu Cơ đã tạo thế, hỗ trợ cho
quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính
quyền thắng lợi ở hai tỉnh Phú Thọ và Yên
Bái. Không những thế, đội quân này còn
tiếp tục giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
(1945 - 1954).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
5- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái (2007),
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái, tập 1 (1930 - 1975),
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
6- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương
(1977), Văn kiện Đảng 1930 - 1945, Nxb Sự thật,
Hà Nội.
7- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phú (1985),
Những ngày Cách mạng tháng Tám, Xí nghiệp in
Vĩnh Phú.
8- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn
(1989), Hoàng Liên Sơn: Lịch sử cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Xí
nghiệp in Hoàng Liên Sơn.
9- Tỉnh Uỷ - Hội đồng nhân dân – Uỷ ban nhân
dân tỉnh Yên Bái (2000), Tỉnh Yên Bái một thế kỉ
(1900-2000), Xưởng in Đại học Sư phạm – Đại
học Quốc gia, Hà Nội.
1- Hoàng Dũng (1995), Lực lượng vũ trang và đấu
tranh vũ trang trong Cách mạng tháng Tám, Tạp
chí Lịch sử Quân sự, số 4, Viện Lịch sử Quân sự,
Hà Nội.
2- Nguyễn Văn Khánh - Nguyễn Danh Tiên
(1993), Vần - Hiền Lương, Một căn cứ cách mạng
ở miền Tây Bắc, Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 2,
quí III- IV, tr.71-77.
3- Nguyễn Xuân Lân (1974), Địa chí tỉnh Vĩnh
Phú, Ty Văn hóa tỉnh Vĩnh Phú.
4- Hồi kí của đồng chí Ngô Minh Loan, Báo cáo
của đồng chí Ngô Minh Loan - nguyên đội trưởng
Đội du kích Âu Cơ, Bí thư Ban cán sự Đảng Phú
Thọ - Yên Bái (1994), về việc thành lập Đội du
kích Âu Cơ, (Bản đánh máy).
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
Nguyễn Thị Thương Huyền Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 94(06): 79 - 84
84
SUMMARY
AU CO GUERRILLA IN VAN - HIEN LUONG WAR ZONE
IN THE AUGUST 1945 REVOLUTION
Nguyen Thi Thuong Huyen*
College of Eduaction – TNU
The article presented the circumstances and activities of Au Co guerrilla in Van - Hien Luong war
zone in the stage of mobilization for the August revolution. Through historical documents taken
from many different sources, the article highlighted the positive work of the guerrilla. Thanks to
their activities in this period, Au Co guerrilla quickly became bigger and played an important role
in the insurrection to gain the local government.
From the research results, some comments on Au Co guerrilla were inferred as follows:
1- Au Co guerrilla and political forces of the masses made enormous strength which could
promote the local revolutionary movement to develop quickly.
2- Au Co guerrilla was the main decisive force in the protection of Van - Hien Luong war zone.
3- Au Co guerrilla had created conditions and supports for the masses to seize political power in
two provinces of Phu Tho and Yen Bai. This army also continued keeping a very important role in
the war against the French colonialism.
Key words: Au Co guerrilla group; Van - Hien Luong war zone; Luong Ca; Gioi Phien; Dong Lam.
Ngày nhận: 14/03/2012; Ngày phản biện:10/04/2012; Ngày duyệt đăng:12/06/2012
*
E-mail: ntthuyen.txtp@gmail.com
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- doi_du_kich_au_co_cua_chien_khu_van_hien_luong_trong_cach_ma.pdf