Luận án Hôn nhân hiện nay của người h’mông đen ở xã Tà xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La

MỞ ĐẦU.1

Chương 1. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ KHÁI QUÁT VỀ TỘC NGƯỜI NGHIÊN

CỨU.14

1.1. Cơ sở lý thuyết .14

1.2. Khái quát về địa bàn và tộc người nghiên cứu.17

1.3. Khát quát về người H’mông Đen.21

Chương 2. ĐẶC ĐIỂM HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI H’MÔNG ĐEN Ở XÃ TÀ

XÙA .32

2.1. Những vấn đề chung về hôn nhân.32

2.2. Chu trình của một đám cưới.40

Chương 3. BIẾN ĐỔI HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI H’MÔNG ĐEN TỪ NĂM

1998 ĐẾN NAY.56

3.1. Các khía cạnh biến đổi .56

3.2. Những yếu tố tác động đến sự biến đổi của hôn nhân .66

3.3. Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị hôn nhân .71

KẾT LUẬN .79

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.81

PHỤ LỤC

pdf103 trang | Chia sẻ: honganh20 | Ngày: 15/03/2022 | Lượt xem: 244 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Hôn nhân hiện nay của người h’mông đen ở xã Tà xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hai bên (chú, bác có uy tín trong dòng họ) phân xử. Nếu người chồng sai thì sẽ phải để lại hết tài sản cho người vợ và người vợ có toàn quyền quyết định đối với số tài sản đó. Ngược lại nếu vợ là người sai thì sẽ phải ra đi tay trắng. Đặc biệt, người H’mông Đen ở Tà Xùa quy định, khi li hôn tài sản có thể chia đôi hoặc thuộc về người đúng nhưng con trai nhất định phải do người bố hoặc họ hàng bên chồng nuôi dưỡng còn con gái có thể theo mẹ. Cho đến nay quy định này vẫn trở thành “luật bất thành văn” được người H’mông Đen chấp nhận như lẽ phải thế. Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự tiếp xúc và giao thao văn hóa giữa các dân tộc được mở rộng, tư duy về vấn đề trinh tiết, chửa hoang và li dị của người H’mông Đen cũng đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là với lớp trẻ có điều kiện học hành, công tác ở những khu đô thị phát triển. Họ nhìn nhận vấn đề trinh tiết thoáng hơn rất nhiều “bọn em có quan hệ trước hôn nhân khi mà xác định là sẽ đến với nhau lâu dài ấy... Theo em thì việc quan hệ trước hôn nhân cũng không quan trọng lắm, quan trọng là mình tìm được người mà mình tin tưởng ấy” (Lý Thị Ba, 1993, bản Tà Xùa C). Trường hợp người phụ nữ chửa hoang nhưng không biết bố đứa bé là ai, nếu có người để ý và ngỏ lời muốn lấy làm vợ thì họ vẫn có thể lấy nhau và đám cưới 38 cũng sẽ được tổ chức theo tập tục của đồng bào. 2.1.7. Tàn dư hôn nhân nguyên thủy Người H’mông Đen ở xã Tà Xùa không có tục ở rể bắt buộc như một số dân tộc khác (Thái, Khơ - mú, Nùng...). Tuy nhiên, tập tục này vẫn tồn tại dưới dạng mờ nhạt, là tàn dư của hôn nhân nguyên thủy. Thông thường sẽ có hai hình thức ở rể. Thứ nhất, sau khi cô gái đi lấy chồng, mỗi dịp mùa màng bận rộn hoặc gia đình bố mẹ vợ có việc gọi sang thì đôi vợ chồng trẻ vẫn thường qua lại giúp đỡ bố mẹ các công việc nặng nhọc trên nương rẫy, chăn thả gia súc, giúp việc đám cưới, đám ma, dựng nhà... trong thời gian này, cả hai vợ chồng sẽ được phép ở lại nhà bố mẹ vợ cho đến khi công việc hoàn tất thì sẽ quay trở về nhà bố mẹ chồng. Trường hợp này được gọi là hình thức ở rể tạm. Trường hợp thứ hai ở rể đời là khi gia đình bố mẹ vợ không có con trai, cần người giúp đỡ làm nương làm rẫy và chăm sóc khi về già thì bố mẹ vợ sẽ có ý kiến với một số chú, bác có uy tín trong dòng họ cũng như xin phép gia đình nhà trai cho chú rể được ở hẳn bên nhà vợ. Việc này cần phải được sự đồng ý của cả ba bên chú rể, gia đình chú rể và những người có uy tín trong họ hàng bên vợ. Sau này khi bố mẹ vợ khuất núi, vợ chồng con rể và con gái cũng có thể trở về quê cũ (bên nhà chồng) để sinh sống nhưng tài sản bố mẹ vợ để lại sẽ do anh em họ hàng bên vợ hưởng dụng. Nếu cặp vợ chồng này vẫn quyết định ở lại nhà bố mẹ vợ thì phần tài sản này sẽ thuộc về họ. Trong hôn nhân của người H’mông Đen ở xã Tà Xùa, vai trò của bà cô, ông cậu rất mờ nhạt. Trong các nghi lễ cưới hỏi, bà cô ông cậu vẫn có mặt và có quyền đóng góp ý kiến nhưng vai trò quyết định thuộc về bản thân chàng trai, cô gái và bố mẹ họ. Trong đám cưới, bà cô ông cậu đóng góp, giúp đỡ tiền, gạo, rượu và được mời ngồi ở lượt đầu tiên trong nghi lễ đám cưới. Tuy vai trò không quan trọng nhưng họ luôn được tôn trọng và bắt buộc phải có mặt trong khi thực hiện các nghi lễ của đám cưới. Người H’mông Đen không ủng hộ việc hai chị em gái lấy hai anh em trai trong cùng một nhà bởi họ quan niệm nếu lấy như vậy sẽ không may mắn, cuộc sống lứa đôi không hạnh phúc và thường sẽ bỏ nhau. Người H’mông Đen cũng 39 kiêng em gái không được lấy chồng trước chị vì như thế sẽ làm mất duyên của cô chị và người chị gái sẽ khó lấy chồng. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này hiện nay gia đình nhà trai sẽ phải nộp cho nhà gái một khoản tiền phạt, sau đó đám cưới sẽ được tổ chức bình thường. Trong hôn nhân tồn tại tục Anh em vợ (khi anh trai mất thì em chồng lấy chị dâu, nhưng nhất định phải được gia đình, dòng họ chấp nhận và phải xuất phát sự tự nguyện của cả hai bên). “Nếu như chồng chết thì con chị (chị dâu) đi lấy em trai của nhà mình vẫn được, nhưng mà phải thích nhau thì mới lấy được, lấy làm bà 2 nhưng phải là người làm việc tốt này, có con trai, con gái thì phải giữ lại để sau này về già là có con trai chăm sóc nó rồi. Coi như là mình giữ cho làm ma thì mới làm được” (Lù A Chua, 1974, bản Tà Xùa C). Mục đích của tục đa thê là nhằm bảo vệ tài sản và con cháu của dòng họ để không bị rơi vào tay người ngoài. 2.1.8. Những trường hợp hôn nhân đặc biệt Theo tập tục, người H’mông Đen vẫn cho phép đàn ông, đàn bà góa bụa được tái hôn. Khoảng một năm sau khi chồng/vợ mất thì người kia được phép đi bước nữa. Nếu là hai người góa lấy nhau thì thủ tục cưới xin rất đơn giản, người đàn ông góa vợ chỉ cần nhờ hai ông mối đến gặp bố mẹ chồng cô gái đặt vấn đề hỏi cưới, trao tiền thách cưới cho bố mẹ sau đó họ được phép đưa người vợ góa về nhà chồng mới ngay ngày hôm đó. Đám cưới cũng không có thủ tục rườm rà, họ chỉ mời một số họ hàng nhà trai đến ăn một bữa cơm, thông báo để mọi người biết từ hôm nay hai người đã nên vợ nên chồng, vậy là hoàn thành thủ tục. Trường hợp người đàn ông góa vợ lấy cô gái chưa chồng thì mọi thủ tục cưới hỏi đều diễn ra như bình thường. Nếu gia đình nhà gái khá giả còn có thể tổ chức đám cưới lớn. Đám cưới nhà trai bắt buộc phải tổ chức. Trường hợp gái góa lấy trai tân thì thủ tục đám cưới tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của nhà trai. Trường hợp này, người vợ góa phải để lại tất cả tài sản, nhà cửa và con cái, đặc biệt là con trai cho gia đình nhà chồng cũ. Nếu khi người mẹ tái giá mà con trai còn quá nhỏ thì có thể để cho người mẹ nuôi đứa trẻ vài ba năm, khi đứa trẻ đã lớn lên có nhận thức thì bố mẹ chồng cũ sẽ đón cháu trai về nuôi dưỡng. 40 2.2. Chu trình của một đám cưới 2.2.1. Các nghi lễ trước khi cưới + Kéo vợ “Kéo vợ” trong tiếng H’mông gọi là “hay pù” - là một tập tục đặc biệt của người H’mông. Kéo vợ được coi là cách thức thể hiện giá trị của người con gái khi gả về nhà chồng. Trong quan niệm của người H’mông Đen ở xã Tà Xùa, một cô gái không được “kéo” về nhà chồng thì cô gái đó sẽ không được cộng đồng và gia đình chàng trai coi trọng. Sau này khi gia đình hoặc vợ chồng khúc mắc với nhau thì cô gái cũng sẽ không có quyền được lên tiếng vì suy nghĩ chính cô gái là người chủ động chạy theo chàng trai về nhà chồng. Vì vậy, từ khoảng giữa thập niên 80 trở lại đây việc tổ chức “kéo vợ” đối với người H’mông Đen đã có nhiều thay đổi chỉ còn tồn tại mang tính chất hình thức. Nhưng đây lại là nghi lễ bắt buộc, không cặp vợ chồng nào có thể bỏ qua. Chàng trai, cô gái người H’mông Đen sau một khoảng thời gian yêu đương, tìm hiểu nhau để tiến tới hôn nhân thì bước đầu tiên để hợp lí hóa vấn đề này là phải tổ chức kéo vợ. Thủ tục hoàn toàn được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, sau khi cô gái đã chấp nhận làm vợ chàng trai. Việc “cướp vợ” không diễn ra hoặc có chăng cũng chỉ là một vài trường hợp trong xã hội cũ. Để chuẩn bị tổ chức kéo vợ, chàng trai phải thông báo với bố mẹ dự định của mình để bố mẹ nhờ người xem ngày. Người H’mông Đen quan niệm, ngày tốt sẽ là các ngày chẵn trong tháng, đặc biệt là các ngày lợn, ngày rồng, ngày chó. Ngược lại, ngày gà và ngày thỏ được xem là những ngày đại kị của họ. Sau khi nhận được thông báo của thầy Mo về ngày tốt, công việc kéo vợ bắt đầu được chuẩn bị. Đầu tiên, bố mẹ chàng trai phải nhờ từ 1 đến 2 người là anh em họ hàng hoặc láng giềng hiểu biết phong tục tập quán, giỏi ăn nói để cùng con trai đi kéo vợ. Cùng lúc đó, chàng trai cũng phải nhờ cậy thêm 1 số bạn bè thân thiết đi cùng hỗ trợ. Thông thường, đoàn kéo vợ của nhà trai sẽ có từ 4 đến 5 người. Số lượng này không cố định, tùy thuộc vào điều kiện sản xuất là những ngày nông nhàn hay ngày mùa bận rộn mà số người có thể nhiều hơn hoặc ít hơn. 41 Trước ngày kéo vợ, chàng trai và cô gái đã bàn bạc, thống nhất với nhau về thời gian và địa điểm kéo. Chàng trai cũng nhân dịp cô gái lên nương hay xuống chợ một mình... để giới thiệu một số bạn bè của mình cho cô gái quen biết trước để khi tổ chức kéo vợ cô gái sẽ không bị bất ngờ. Người H’mông Đen thường tổ chức kéo vợ vào khoảng thời gian ban đêm. Người ta kiêng kéo ban ngày bởi cho rằng ban ngày đang là thời gian đi làm, nếu kéo vợ vào ban ngày thì chứng tỏ đó là cô gái lười biếng không chịu làm việc. Và như vậy cũng sẽ bị phạt vạ. Buổi tối ngày kéo vợ, đoàn nhà trai đã sớm đến gần nhà cô gái tuy nhiên họ phải tuyệt đối giữ bí mật, nấp ở một chỗ an toàn không được để gia đình nhà gái phát hiện. Đến thời gian đã hẹn, đợi bố mẹ cô gái ngủ say, chàng trai sẽ di chuyển đến gần vách phòng ngủ của cô gái và gõ nhẹ vào vách báo hiệu rằng chàng trai đã đến để cô gái chuẩn bị. Ngay khi cô gái bước chân ra khỏi cửa, chàng trai phải nhanh chóng nắm lấy tay cô gái dắt ra xa nhà khoảng cách 20, 30m sau đó sẽ bật đèn pin làm ám hiệu, gọi các bạn đang nấp ở một chỗ gần đó ra giúp kéo cô gái chạy nhanh về phía trước. Quá trình này phải được thực hiện một cách nhanh chóng, cẩn thận, nhẹ nhàng để không làm kinh động đến bố mẹ cô gái đang ngủ trong nhà. Trường hợp nếu bị gia đình nhà gái phát hiện, chàng trai và bạn của mình vẫn tiếp tục kéo cô gái bỏ chạy. Trong khi đó, hai người lớn tuổi được bố mẹ chú rể nhờ cậy đi cùng sẽ đảm nhận trọng trách ở lại nói chuyện cùng bố mẹ cô gái. Để tránh xô sát, 2 người này phải ăn nói thật mềm mỏng, khéo léo, thuyết phục gia đình nhà gái để họ đồng ý không đuổi theo nữa. Đồng thời, đoàn nhà trai sẽ phải đưa cho bố mẹ và những người họ hàng nhà gái đuổi theo, mỗi người số tiền tầm 20 - 30 nghìn, cũng có thể nhiều hơn tùy điều kiện gọi là tiền lễ để làm dịu tình hình. Về phía nhà gái, sau khi nghe người nhà trai phân tích lý lẽ phải trái sẽ nhận tiền và không đuổi theo nữa mà ngầm đồng ý để đoàn nhà trai kéo con gái mình đi. Đoàn kéo dâu phải gấp rút kéo cô gái ra khỏi bản một cách nhanh nhất. Thông thường họ sẽ không chọn những con đường vẫn hay đi mà sẽ đi đường nương, đường tắt... chủ yếu để đánh lạc hướng nhà gái, khiến họ không biết đường nào để đuổi theo. Sau khi xác định đã không còn người đuổi theo thì họ thả tay để 42 cô gái tự mình đi. Đoàn người sẽ đi bộ suốt đêm trở về. Khi cách nhà trai khoảng 1km, chú rể cử 1 người trong số các bạn đi cùng chạy về trước gọi cửa, thông báo với bố mẹ chàng trai đã sắp kéo dâu về đến nhà để mọi người thức dậy mở cửa, đón dâu mới. Lúc cô dâu bước chân qua ngưỡng cửa nhà chàng trai cũng là lúc thủ tục kéo vợ hoàn thành. Những người tham gia kéo vợ trở về nhà nghỉ ngơi và sáng sớm ngày mai sẽ quay lại tham dự bữa cơm cảm ơn do gia đình nhà trai thết đãi. + Thông báo và lễ thách cưới Theo phong tục, nếu cô gái được kéo về đến nhà chàng trai lúc nửa đêm thì có thể được sắp xếp ngủ cùng chị gái hoặc em gái của chàng trai đấy. Trường hợp do ở xa, gần sáng đoàn kéo vợ mới về đến nơi thì lúc đó gia đình nhà trai cũng thức dậy chuẩn bị mổ lợn, gà mời anh em và chuẩn bị đồ để ông mối đưa sang nhà gái làm thủ tục thông báo. Khoảng bốn giờ sáng, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều phải thức dậy. Mọi người tự giác bắt tay vào công việc đã được chỉ định từ trước. Khi đó, bố của chàng trai sẽ mang theo một chai rượu đến nhà một người anh em thân thiết đã được nhắm sẵn từ trước để nhờ người này giúp gia đình đi làm thủ tục thông báo với phía bên nhà gái. Đến nơi, trước tiên bố chàng trai sẽ phải rót hai chén rượu đầy mời người anh em này uống, sau đó trình bày việc nhờ người này làm ông mối giúp gia đình đi hỏi vợ cho con trai. Nếu đồng ý giúp, người này sẽ nâng chén rượu lên uống cạn, thể hiện đã chấp nhận sự nhờ cậy của gia đình. Thông thường, để đi làm thủ tục thông báo, người H’mông sẽ phải nhờ đến hai ông mối (mềnh công) trong đó có một ông mối chính (chứ mềnh công) và một ông mối phụ (lử mềnh công). Sau khi mời được hai ông mối thì bố chàng trai sẽ trở về nhà trước để thực hiện những thủ tục khác, hai ông mối sau khi sửa soạn quần áo chỉnh tề sẽ sang sau. Lúc này ở nhà, anh em họ hàng trong bản cũng đã được gia đình nhà trai mời đến đông đủ. Mọi người tập trung mổ lợn, gà làm cơm giúp gia chủ. Sau khi chuẩn bị xong mọi người bắt đầu dọn bữa ăn. Mục đích của bữa cơm là thông báo tới anh em họ hàng rằng, chính thức từ hôm nay gia đình có thêm con dâu mới để mọi người đều được biết. Đồng thời, ở bữa cơm này gia đình nhà trai một lần nữa nhờ 43 vả hai ông mối cố gắng giúp đỡ khi sang nhà gái làm thủ tục để mọi việc của đôi trẻ được suôn sẻ thuận lợi. Sau khi ăn cơm xong, hai ông mối xin phép lên đường sang nhà gái làm thủ tục thông báo (thông xô). Trước khi đi, dưới sự chứng kiến của mọi người hai ông mối sẽ hỏi lại chàng trai và cô gái: “có thống nhất để cưới không, nếu yêu nhau đã cưới nhau thì phải đồng ý trước để hai ông đi hỏi thì nó dễ hỏi hơn nhiều, để mà biết xử lí” (Lù A Danh, 1996, bản Tà Xùa C). Sau khi xác nhận được sự đồng ý của cả chàng trai và cô gái, hai ông mối bắt đầu lên đường. Trên tay ông mối chính sẽ cầm theo một cái ô đen, trên đó buộc một cái khăn và tiền hỏi cưới do ông chủ nhà trao. Ông mối phụ đeo trên lưng một cái lù cở, trong lù cở đựng thuốc lào, 5 lít rượu đựng trong một cái can nhỏ, 2 cái chén nứa úp lên miệng 2 ống nứa đựng đầy rượu và 1 cái chăn nhỏ. Ngoài ra, gia đình nhà trai còn phải chuẩn bị 2 con gà luộc và một ít cơm để ông mối đưa đi ăn trên đường. Theo phong tục, không kể nhà gần hay xa khi đã đi được nửa quãng đường, hai ông mối dừng lại nghỉ ngơi, sau đó lấy đồ ăn gồm gà, cơm và rượu bày trên lá rừng chuẩn bị làm lễ cúng. Mục đích của việc này là mời thần linh trên trời dưới đất, thổ công thổ địa, thần núi, thần rừng... về nhận lễ của gia chủ, đi theo giúp hai ông mối nói chuyện được thuận lợi, chuyện khó hóa dễ, chuyện dễ thì càng đơn giản hơn nữa... Sau đó, hai ông mối bắt buộc phải ăn hết phần cơm gà này rồi tiếp tục lên đường sang nhà gái. Đến cửa nhà gái, hai ông mối bắt buộc phải đi vào bằng cửa chính. Cửa chính trong nhà người H’mông ngày thường luôn đóng kín, chỉ khi trong gia đình có chuyện trọng đại như có đám cưới, đám ma, sinh đẻ... thì mới được phép mở ra. Lúc này, cửa chính của nhà gái vẫn cửa đóng then cài. Hai ông mối trước tiên phải hát xin bố mẹ nhà gái mở cửa để được vào nhà thưa chuyện. Bằng kinh nghiệm và sự khôn khéo hai ông mối phải thuyết phục bằng được để gia đình nhà gái vừa lòng chấp nhận, khi đó bố cô gái mới đứng lên mở cửa cho vào nhà. Đôi khi gặp trường hợp gia đình nhà gái cố tình làm khó, hai ông mối trước khi vào nhà còn phải uống 2 bát rượu lớn coi như sự thử thách sau đó mới được thưa chuyện cùng bố mẹ cô gái. 44 Vào nhà, trước hết ông mối chính đi thẳng về phía bàn thờ ma, sau đó xác định chính xác phía đầu của ngôi nhà (đầu nhà đặt bếp chính) và treo ô lên vách tường phía đầu nhà đó. Ông mối phụ từ từ hạ lù cở xuống bắt đầu lấy thuốc lào ra chuẩn bị mời bố mẹ cô gái để xin được làm thủ tục. Tuy nhiên không phải đơn giản mà bố mẹ cô gái nhận thuốc luôn. Bởi việc nhận thuốc lào từ phía ông mối nhà trai cũng đồng nghĩa với việc bố mẹ cô gái chấp nhận cho nhà trai làm thủ tục hỏi cưới con gái mình. Vì thế, họ sẽ ðể ông mối nhà trai phải nãn nỉ, van nài vài lần sau ðó mới ðồng ý nhận lễ. Thuốc lào nhà trai dùng để dâng lên mời bố mẹ nhà gái cũng là loại đặc biệt, thuốc lào được phơi khô và phải để nguyên lá. Lá thuốc lào phải còn dính trên một đoạn thân cây. Nếu lá và thân cây không gắn với nhau thì không được dùng. Người H’mông Đen ở đây giải thích rằng, sở dĩ phải dùng loại thuốc lào như vậy là để thể hiện sự tôn trọng, có đầu có cuối của nhà trai đối với gia đình nhà gái. Sau khi bố mẹ cô gái nhận thuốc lào, lúc này ông mối chính bên nhà trai mới xin thưa chuyện nội dung rằng: “con gái của ông bà nó đi làm dâu nhà này rồi, đi lấy con rể tên như thế này, là người ở chỗ này... thì bố mẹ không vào rừng vào suối đi tìm nữa. Nó có chỗ ăn chỗ ở rồi không phải đi tìm nữa” (Lù A Sê, 1982, bản Tà Xùa C). Tiếp đó, hai ông mối sẽ hỏi han phía nhà gái xem trong quá trình kéo vợ trước đó nếu có xảy ra xô sát hay điều tiếng gì không hay thì các ông xin được chuộc lỗi và mong gia đình nhà gái rộng lượng bỏ qua. Nói xong tiếp tục lấy thuốc lào đã chuẩn bị ra mời tất cả mọi người bên nhà gái đang có mặt tại đấy, kể cả người lớn và trẻ con. Các ông mối phải kiên nhẫn mời sao cho tất cả mọi người đều nhận thuốc điều này có nghĩa là ai cũng đồng ý chấp nhận cuộc hôn nhân này. Sau thủ tục trao và nhận thuốc, gia đình nhà gái sẽ chỉ định một người anh em được gia đình tin tưởng để làm ông mối đại diện cho phía nhà gái và bắt buộc hai ông mối nhà trai phải đi mời người này về. Trong trường hợp người được nhà gái chọn ở quá xa hoặc gặp khó khăn trong việc đi mời thì ông mối chính bên nhà trai sẽ xin phép nhà gái được đổi người khác và để được chấp nhận thì khi đó nhà trai sẽ phải chịu mất thêm một khoản tiền đổi người. Chỉ khi đã mời được ông mối đại diện cho nhà gái thì thủ tục hỏi cưới mới bắt đầu được thực hiện. 45 Theo phong tục của người H’mông Đen ở xã Tà Xùa, trong suốt quá trình làm lễ hỏi cưới chỉ có ông mối đại diện hai bên gia đình ngồi nói chuyện, bàn bạc với nhau còn về phía bố mẹ và các thành viên gia đình nhà gái chỉ ngồi bên cạnh bếp lửa theo dõi cuộc trao đổi chứ không trực tiếp tham gia. Tuy nhiên khi cần sự quyết định thì ông mối đại diện nhà gái sẽ phải chạy đi hỏi ý kiến bố mẹ cô gái sau đó về truyền lời cho hai ông mối đại diện nhà trai biết. Khác với thủ tục cưới hỏi của các nhóm H’mông khác, đối với người H’mông Đen ở xã Tà Xùa phía gia đình nhà gái vì nhiều lí do khác nhau thường không tổ chức đám cưới, nếu có tổ chức thì các thực phẩm dùng trong đám cưới cũng sẽ do mỗi bên tự chuẩn bị thế nên khi đi làm thủ tục nhà trai không cần phải chuẩn bị các thực phẩm như rượu, thịt, gạo... mà chủ yếu họ sẽ bàn bạc về số tiền thách cưới. Trước đây, người H’mông Đen thách cưới bằng bạc trắng. Khoảng 30 năm trở lại đây, người ta thay từ bạc trắng thành tiền giấy do nhà nước phát hành. Hiện nay, nếu nhà trai và nhà gái đều ở cùng địa bàn xã Tà Xùa thì số tiền thách cưới dao động từ 25 đến 30 triệu đồng, nếu lấy khác xã thì số tiền này có thể nhiều hơn hoặc ít hơn tùy sự thỏa thuận của hai bên gia đình hoặc theo quy định của địa phương. Trường hợp nếu nhà gái có ý định tổ chức đám cưới thì số tiền thách cưới có thể cao hơn một chút coi như đó là tiền hỗ trợ nhà gái chuẩn bị thực phẩm cho đám cưới. Đối với người H’mông Đen ở xã Tà Xùa, việc trao - nhận tiền thách cưới sẽ được thực hiện qua thủ tục gọi là “lùa trâu vào chuồng”(lớ nhù). Tiền thách cưới sẽ được đựng trong một cái sàng nhỏ, việc giao nhận tiền sẽ do ông mối hai bên thực hiện. Tiếp đó, sẽ có hai người có thể là ông mối phụ nhà trai và một người đại diện nhà gái cùng nhau diễn cảnh “lùa trâu vào chuồng”. Một người đi trước bê theo sàng tiền tượng trưng cho con trâu - cơ nghiệp, sức lao động của gia đình, một người đi sau giả vờ cầm roi đuổi trâu, cả hai cùng đưa sàng tiền vào trong căn buồng của bố mẹ cô gái. Hai ông này sau khi đưa tiền vào buồng sẽ được mời uống 2 chén rượu hoặc 2 bát rượu đã được chuẩn bị sẵn. Sau khi người đại diện nhà gái ở trong buồng nhận tiền xong thì hai ông này có thể ra ngoài. Sau khi thực hiện xong thủ tục này thì việc thông báo và hỏi cưới cũng coi như kết thúc. Gia đình nhà gái sẽ 46 mổ lợn, gà thết đãi, cảm ơn hai ông mối nhà trai, đồng thời trong bữa cơm này chủ nhà cũng chính thức thông báo với anh em họ hàng và xóm giềng rằng con gái của gia đình đã đi lấy chồng, nay có hai ông mối nhà trai đến làm thủ tục để mọi người được biết. Sau bữa cơm này, hai ông mối nhà trai xin phép cáo từ để ra về. Trường hợp nhà gái thông báo sẽ tổ chức lễ cưới thì ô và lù cở sẽ được để lại nhà gái, khi nào cưới nhà gái sẽ có thủ tục trao nhận để nhà trai đưa về. Trường hợp nhà gái không tổ chức cưới thì thủ tục phía bên nhà gái coi như đã hoàn thành. Chiếc ô đen treo trên vách tường nơi đặt bàn thờ ma được ông mối chính dỡ xuống, cầm trên tay để đưa về lại nhà trai. Phía nhà gái cũng chuẩn bị sẵn 2 con gà luộc và một ít cơm đặt trong lù cở để hai ông mang theo. Khi về giữa đường hai ông cũng phải dừng lại nghỉ ngơi đúng chỗ đã làm thủ tục lúc đi, lấy gà, cơm, rượu ra để làm lễ cúng cảm tạ các vị thần linh, thổ công thổ địa, thần núi, thần rừng đã giúp đỡ để các ông có thể hoàn thành công việc một cách trôi chảy, không phụ sự ủy thác của gia đình nhà trai. Sau đó, hai ông ăn hết những thứ đồ trên rồi tiếp tục lên đường trở về báo tin mừng cho nhà trai. Về đến nơi ông mối chính đặt chiếc ô lên vị trí vách phía đầu nhà bên cạnh bàn thờ ma và treo ở đó cho đến khi nào nhà trai tổ chức đám cưới xong mới được phép mở ra. Đến đây nhiệm vụ thông báo của hai ông mối đã hoàn thành. + Lễ nhập ma Lễ nhập ma (chài ùa đăng) của người H’mông Đen ở xã Tà Xùa được thực hiện vào ngày thứ 3 sau khi kéo vợ về. Lễ cúng thường do một người trong gia đình có thể là ông, bà hoặc bố của chú rể am hiểu về phong tục tập quán thực hiện. Nếu gia đình không có người biết làm thủ tục này thì sẽ nhờ một thầy Mo trong bản, không kể là nam hay nữ đến làm giúp. Ðể nhập ma người ta cần phải chuẩn bị hai con gà, một con trống và một con mái. Ðầu tiên, người hành lễ sẽ mở rộng cửa ma, tiến hành thắp hương vào các vị trí quan trọng trong ngôi nhà gồm hai bên cửa chính, hai cột ma ở gian giữa nhà và hai bếp chính, phụ. Sau khi thắp hương xong, người làm cúng đứng trước cửa ma mặt hướng ra bên ngoài, tay giữ đôi gà và bắt 47 đầu lẩm nhẩm khấn trong miệng, nội dung trước để gọi hồn cô gái về sau đó thông báo để ma nhà trai nhập hồn cô gái về cùng ma tổ tiên. Người H’mông Đen ở đây quan niệm rằng: “Trong quá trình kéo dâu có thể hồn cô gái đã bị rơi mất ở ngoài đường, vì thế phải gọi hồn cô dâu về, đừng ở ngoài đường sẽ bị nắng bị mưa, trâu đi trâu húc, người đi người đè lên nên gọi về ở cùng ma nhà trai” (Lù A Sê, 1982, bản Tà Xùa C). Thủ tục nhập ma cho cô dâu mới tuy đơn giản song nó thể hiện giá trị tinh thần to lớn của tộc người H’mông. Người con gái sau lễ nhập ma sẽ chính thức nên vợ nên chồng với chàng trai, được công nhận làm con dâu mới trong gia đình, sống là người nhà trai, chết làm ma nhà trai. Nếu cô gái đó có trở về nhà bố mẹ đẻ thì cũng sẽ không được chấp nhận nữa vì với người H’mông khi đó cô gái đã là con nhà người khác, là ma dòng họ khác. Điều đặc biệt nữa là trong lễ cúng nhập ma của người H’mông Đen, nếu gia đình nhà trai không thích tên cũ của cô dâu do trùng tên với mẹ chồng hoặc khi ở nhà bố mẹ đẻ cô gái thường hay đau ốm hoặc có vấn đề về sức khỏe... thì người hành lễ sẽ tiến hành đặt tên gọi mới cho cô dâu. Ngụ ý rằng cô con dâu mới đã được sinh ra một lần nữa ở nhà chồng, từ nay cầu mong sẽ luôn được khỏe mạnh, không bệnh tật, sống tốt hơn ở nhà chồng. Mặt khác, nếu người H’mông Hoa cùng sống trên địa bàn sẽ tiến hành làm lễ nhập ma ngay khi kéo dâu về, thì với người H’mông Đen, chỉ sau khi đã làm xong thủ tục thông báo và trao tiền thách cưới cho nhà gái thì sáng ngày thứ 3 người ta mới làm lễ nhập ma cho cô dâu. Điều này có thể hiểu rằng, trong quan niệm về hôn nhân của người H’mông Đen, phía gia đình nhà trai vẫn luôn thể hiện sự tôn trọng đối với nhà gái, chỉ khi phía gia đình nhà cô gái biết và chấp nhận cuộc hôn nhân này thì gia đình nhà trai mới làm lễ nhập ma cô dâu về cùng ma nhà mình. + Thăm bố mẹ vợ lần đầu Ba ngày sau khi bắt dâu về, nhà trai sẽ chuẩn bị để đưa con dâu về thăm bố mẹ vợ lần đầu (mông say nạ tày). Đây là dịp để hai bên gia đình chính thức gặp gỡ, bố mẹ vợ và con rể cũng biết mặt nhau. Đoàn nhà trai sang thăm nhà gái hôm đó ngoài đôi vợ chồng trẻ còn có bố của chú rể (nếu bố không đi được thì có thể nhờ 48 anh trai, hoặc chú, bác của chú rể đi đại diện) và một cô em gái chưa chồng đi cùng. Ngày lên đường, sáng sớm tinh mơ nhà trai đã thức dậy giã bánh giày để đem biếu gia đình nhà gái. Đây là thứ lễ vật duy nhất và không thể thiếu để đưa sang gia đình bố mẹ vợ. Người H’mông không quan trọng số lượng bánh giày ít hay nhiều nhưng chắc chắn phải là số chẵn. Giải thích cho điều này, có người cho rằng số chẵn là thể hiện cho sự đủ đầy, có đôi có cặp và như vậy cuộc sống hôn nhân của lứa đôi mới hạnh phúc. Cũng có người lí giải, số chẵn tượng trưng cho con trai, số lẻ tượng trưng cho con gái. Vì thế trong cưới hỏi người ta thường sử dụng số chẵn với hi vọng sẽ sinh được con trai đầu lòng... Nhưng dù là cách giải thích nào đi chăng nữa cũng phải khẳng định rằng trong quan niệm của người H’mông Đen số chẵn chính là con số của sự may mắn. Khi đoàn nhà trai đến, gia đình nhà gái tùy vào hoàn cảnh kinh tế sẽ tổ chức lễ tiếp đón to hay nhỏ. Nếu gia đình có điều kiện sẽ mổ lợn mời anh em, hàng xóm đến chung vui, giới thiệu con rể để mọi người nhận thức

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfluan_an_hon_nhan_hien_nay_cua_nguoi_hmong_den_o_xa_ta_xua_hu.pdf
Tài liệu liên quan