Luận văn Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Dak Lak theo hướng bền vững

Trong những năm qua, nhà nước cũng đã đầu tưxây dựng nhiều dựán đểvườn quốc

gia ChưYang Sin đạt các mục tiêu nhưbảo vệnguyên vẹn hệsinh thái rừng hiện có, bảo

tồn nguồn gen động - thực vật quý hiếm, tạo cơsởcho nghiên cứu khoa học về động - thực

vật, thổnhưỡng, khí hậu, thủy văn của rừng. Các dựán tạo công ăn việc làm cho người lao

động, nhất là đưa đồng bào các dân tộc thiểu sốbản địa vào trồng rừng theo hình thức nông

lâm kết hợp đang phát huy hiệu quả. Mặt khác, trong vài năm trởlại đây, vườn quốc gia

ChưYang Sin cũng đã khai thác du lịch sinh thái, nghỉdưỡng, nghiên cứu khoa học, giáo

dục môi trường, thu hút ngày càng đông khách du lịch trong và ngoài nước.

pdf94 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2446 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Dak Lak theo hướng bền vững, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Với số lượng voi tham gia đua có khi lên đến vài chục con nên voi phải thi đấu qua nhiều vòng để chọn ra một chú voi chạy nhanh nhất. Và voi chiến thắng cũng được trao “vòng nguyệt quế” tết từ hoa lá trong rừng, phần thưởng cho tất cả các voi dự thi là những khúc mía hay nải chuối mà nài voi và cả khán giả cũng đã chuẩn bị sẵn, còn phần thưởng của ban tổ chức cho nài voi là các ché rượu cần ngon nhất. Giữa nắng gió của trời Tây Nguyên vào tháng 3, không gì sôi động và hào hứng bằng việc tận mắt chứng kiến và thoả thích reo hò cổ vũ cho voi chạy đua. Nghỉ giải lao trong chốc lát, voi lại vào thi ném xa, kéo co, đá bóng. Màn thi nào voi cũng cố gắng thể hiện sự nhanh nhẹn, khéo léo của mình, mặc dù thân hình không nhỏ nhắn chút nào. Ngoạn mục nhất có lẽ là màn thi vượt sông Sêrêpôk. Khúc sông mà đàn voi bơi qua là đoạn cuối của Sêrêpôk trên đất Việt. Sau hiệu lệnh cả đàn voi chạy lao xuống nước, nước bắn tung toé một góc sông. Cảnh tượng này nhìn từ trên cao rất đẹp và hùng vĩ. Ra đến giữa sông, du khách và khán giả chỉ còn thấy nhấp nhô dáng nài voi đang ngồi chồm hổm trên lưng voi. Lúc đó ta mới cảm nhận hết được tài thuần dưỡng voi cũng như mối quan hệ mật thiết giữa voi và người dân Dak Lak. Thời gian gần đây, được sự đầu tư của Tỉnh, hội đua voi được tổ chức qui mô hơn, đều đặn, vừa nhằm mục đích tôn vinh tinh thần thượng võ của các dân tộc Tây Nguyên, bảo tồn văn hoá bản địa và thu hút khách du lịch. Số lượng khách trong nước đến với hội voi đang tăng đáng kể, nhờ các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá về hội voi nhiều hơn trong thời gian gần đây. Cồng chiêng là nét thu hút du lịch khác của Dak Lak. Danh tiếng văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã vượt ra khỏi biên giới nước ta, được quốc tế biết đến và tôn vinh. Ngày 25/11/2005, UNESCO đã chính thức công nhận “không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại. Hiện nay Dak Lak còn khoảng 200 bộ cồng chiêng. Đối với du khách, những lần được nghe các dân tộc Dak Lak biểu diễn cồng chiêng sẽ là cơ hội quý báu để thấu hiểu những giá trị sáng tạo mang tầm kiệt tác của nhân loại. Mỗi chiếc chiêng giữ nhiệm vụ một nốt nhạc trong dàn nhạc để biểu diễn các bản nhạc chiêng khác nhau. Âm nhạc của cồng chiêng thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kĩ năng đánh chiêng và chế tác. Ở huyện Krông Ana, có một nhóm nghệ nhân nữ chơi chiêng, đã từng đi biểu diễn ở Ý, Pháp, nhưng thường thì người chơi chiêng là nam giới. Mỗi người cầm một chiêng, tuỳ theo dân tộc mà họ gõ hoặc đấm vào cồng, chiêng. Trong mọi dịp lễ đều phải có cồng chiêng, không có cồng chiêng thì nghi lễ trở nên vô nghĩa. Có khi những người đánh cồng chiêng ngồi ở giữa nhà sàn nhưng thường họ đi vòng quanh đống lửa hay nơi cúng tế. Âm của cồng chiêng rất vang nhưng lại ấm, có sự cuốn hút lạ kì. Du khách đến với Dak Lak sẽ có cơ hội được thưởng thức cồng chiêng vì hoạt động văn hoá dân tộc này đã được UBND tỉnh tổ chức quy mô, phổ biến nhằm gìn giữ và phát huy văn hoá cồng chiêng trong cộng đồng. Những năm qua riêng thành TP. BMT đã tổ chức 27 cuộc liên hoan văn hoá cồng chiêng, diễn tấu nhạc cụ dân tộc, ngày hội văn hoá các dân tộc, liên hoan văn nghệ quần chúng và các câu lạc bộ văn nghệ dân gian. Các dàn chiêng tiêu biểu như buôn Kôsier, buôn Ako Dhong, buôn Kô Lam, buôn Ki và đặc biệt, đội chiêng buôn Kôsier là một trong những đội có phong cách diễn tấu hay, đậm đà bản sắc dân tộc nên được cử đi biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Các dân tộc ở Dak Lak có rất nhiều lễ hội, mà không lễ hội nào thiếu tiếng cồng chiêng. Cồng chiêng còn thân thuộc với đồng bào trong cả đời sống hàng ngày như đón khách quí, nghe kể khan (sử thi), do vậy, không đâu có thể dễ tìm đến cồng chiêng như Dak Lak. Hơn 70 lớp dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào dân tộc đã được tổ chức. Đặt chân lên Dak Lak là quí khách được bước vào xứ sở của cồng chiêng, được sống trong không gian của di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Hiện nay, hầu hết các buôn làng đều có nhà văn hoá cộng đồng, nơi đây diễn ra các sinh hoạt văn hoá rất bổ ích, cũng là nơi tập luyện và biểu diễn chiêng cho du khách muốn thưởng thức. Đây là kết quả của sự đầu tư của UBND tỉnh cũng như ngành văn hoá - thông tin và du lịch trong việc bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Trong năm nay, UBND tỉnh Dak Lak đã quyết định tổ chức festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên 2007 vào tháng 10 tại trung tâm TP. BMT và huyện Buôn Đôn. Chương trình gồm các nội dung như biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên, chế tác các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc, lễ hội đua voi, rượu cần, điêu khắc nhà mồ, kể khan. Festival còn tổ chức các hội thảo về không gian văn hoá cồng chiêng, bảo tồn và phát triển đàn voi nhà Dak Lak. Dự kiến sẽ có nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế và nhiều đội cồng chiêng nước ngoài như Lào, Campuchia, Ma-lai-xi-a tham gia biểu diễn. Trong các dịp vui hay lễ tế, người Kinh thường mổ gà hoặc lợn, còn đối với dân tộc thiểu số Tây Nguyên, từ bao đời nay họ thường làm lễ đâm trâu. Lễ đâm trâu thường được tổ chức vào dịp mừng năm mới, mừng thu hoạch lúa hay mừng nhà rông và thu hút đông đảo bà con trong buôn tham gia. Vì lễ do một hoặc vài gia đình cùng đứng ra tổ chức nên đâm trâu là hoạt động quen thuộc đối với đồng bào và nó được gìn giữ đến tận ngày nay. Gia chủ chuẩn bị rượu, gạo nếp, lá chia thức ăn, các loại rau quả từ trước rồi báo cho họ hàng, buôn làng biết về ngày giờ đâm trâu. Những người đến dự cũng mang rượu, gạo, rau quả đến góp với gia đình làm lễ. Buổi sáng, chiêng cồng nổi lên rộn rã cả buôn. Người đến dự đông đủ. Trâu được buộc vào một cái trụ, thường là cây pơlang. Sau bài nhạc mở đầu lễ hội, già làng popin ra cầm một nắm gạo và nước đến gần con trâu, vãi vào mình trâu và đọc lời khấn Giàng phù hộ cho gia đình làm ăn phát đạt, mạnh khoẻ, gia đình xin tế Giàng một con trâu, mong được phù hộ cho nương rẫy được mùa. Trong khi già làng đọc lời tế, tất cả đều im phăng phắc. Già làng tế xong, cồng chiêng lại nổi lên sôi động, một thanh niên cầm dao khua như múa chạy quanh và chém vào sau khuỷu chân trái sau của trâu, trâu lồng lên, chàng trai lại chém vào khuỷu chân phải sau của trâu. Trâu ngã xuống, chàng trai cầm cây giáo dài múa theo nhịp chiêng rồi đâm đúng một mũi giáo trúng vào tim trâu. Mọi người hò reo ầm ĩ, lao ra lôi trâu đi mổ. Một người cầm bát đồng ra hứng máu trâu, hoà cùng với rượu. Trâu mổ xong, thịt được bày trên lá, chuẩn bị hành lễ. Nếu đó là lễ mừng vụ lúa hoặc nhà mới thì phần lễ sẽ dành cho chủ nhà. Còn nếu đó là lễ mừng năm mới thì mọi người cùng uống rượu hoà máu trâu, ăn thịt và ca hát. Đã trọn mùa rét Đã hết mùa thu Theo tục lệ xưa Ăn mừng năm mới Uống tháng, ăn năm Đâm trâu mổ lợn Bà con buôn, họ Ai nấy đều lo Mừng gùi sắp sẵn Anh em chim Tơ – Lang Thần linh buôn rẫy Nội ngoại gái trai Dân làng trong ngoài Rủ nhau kéo tới. Ai có cháu con Dạy dỗ cho tròn Giữ gìn tục lệ Kẻ nào chân đi không nhanh Gót bén chẳng nhậy Chạy lễ trễ tràng Buôn plây bắt vạ ( Dân ca Tây Nguyên. Nxb Văn Hoá, 1986) Lễ đâm trâu thường được dân tộc Ê Đê và Giarai tiến hành, nhưng ngày nay, do chung sống với nhiều dân tộc khác nên trong lễ đâm trâu, có thể có nhiều dân tộc tham dự. Đây là dịp để mọi người cùng sinh hoạt, nhảy múa, thắt chặt thêm tình đoàn kết và khuyến khích bà con làm ăn chăm chỉ, hẹn mùa sau lại làm lễ đâm trâu. Nét sinh hoạt đặc sắc này thu hút nhiều du khách là người Kinh tham dự. Các nhà nghiên cứu về dân tộc học, văn hoá cũng tìm đến lễ đâm trâu để hiểu thêm về văn hoá của người Thượng trên cao nguyên đất đỏ này. Một trong những đặc trưng của người dân tộc Tây Nguyên là lễ bỏ mả. Tuỳ theo dân tộc Ê Đê hay Giarai mà lễ có khác nhau đôi chút nhưng nhìn chung đều là lễ vĩnh biệt hồn người qua đời lần cuối, không có giỗ và không bao giờ nhắc tới nữa: Từ hôm hồn đi ở nơi khác Nhà không đem cơm, không đem nước Hồn không có gì phải buồn Hàng năm, nhà không nhắc tới hồn nữa … Đã tách riêng hai vùng khác nhau, đã chia đôi ( Dân ca Tây Nguyên. Nxb Văn Hoá, 1986) Lễ bỏ mả được tiến hành sớm nhất là một năm sau khi có người chết, muộn nhất là bảy năm. Thường thì lễ làm chung cho một số người. Điều kiện dư dả thì làm lễ 2 - 3 ngày, không thì lễ trong 1 - 2 ngày. Ngày thứ nhất, người ta làm lễ chuyển giao nhà mồ cho người đã chết. Trong nhà mồ cũng có những vật dụng mà người dân tộc sử dụng hàng ngày và cả những đồ mà người sống cho người chết hay làm cho người chết. Lễ bỏ mả là một dịp vui chơi của cả buôn làng. Quanh khu nhà mồ, người lớn, trẻ con đốt lửa, đánh chiêng, nhảy múa vui chơi suốt đêm. Tiếng cồng chiêng rộn rã và ánh lửa bập bùng không chỉ thu hút người dân trong buôn mà cả thanh niên buôn khác cũng đến góp vui. Sang ngày thứ hai, trâu và bò của gia đình làm lễ bỏ mả được giết thịt ngay tại khu nhà mồ, một phần được gùi về nhà có người chết để làm lễ cúng, một phần cúng tại nhà mồ và phần còn lại dân làng chia nhau ăn. Cả đám đông nhảy múa theo nhịp chiêng và đi vòng quanh nhà mồ. Do đó, lễ bỏ mà còn là cuộc trình diễn các món ăn dân tộc, các điệu nhảy, nhịp chiêng truyền thống và các trò chơi dân gian hết sức lôi cuốn của đồng bào. Đây là điểm thu hút khách du lịch đến tham dự và chung vui. Tuy nhiên, ngày nay, lễ bỏ mả không còn được làm qui mô và dài ngày như trước đây. Dưới ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá và cơ chế thị trường, lễ bỏ mả đang dần bị mai một. Được chứng kiến lễ bỏ mả của người dân tộc bản địa Dak Lak không hề dễ dàng nhưng một khi được sống trong không khí của lễ bỏ mả rồi thì bất cứ ai cũng nảy sinh nhiều điều đáng suy ngẫm về tín ngưỡng, phong tục và văn hoá hết sức độc đáo của người dân tộc nơi đây. Du khách đi qua khu nhà mồ không khỏi ngạc nhiên vì kiến trúc và lối bài trí hoa văn, tượng gỗ của nhà mồ. Nhiều kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá đã tìm đến nhà mồ của dân tộc ở Dak Lak để tìm hiểu. 2.1.2.3. Các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học Cùng với voi Bản Đôn, nhà sàn hay nhà dài ở Dak Lak là một trong những đặc trưng được du khách biết đến nhiều nhất về xứ sở cao nguyên này. Ngay trong lòng TP. BMT, du khách có thể dễ dàng ghé thăm các buôn làng với những dãy nhà sàn thẳng tắp. Đường xá thuận tiện, đi lại dễ dàng và sự hiếu khách của đồng bào khiến cho các buôn Ako Dhong, Ea Tam, Buôn Kosier, Buôn Ki ngày nào cũng có đoàn khách đến thăm. Xa xa về các huyện, buôn làng dân tộc càng nhiều hơn, chứa đựng những nét đẹp nguyên sơ của nhà sàn, lấp ló nơi chân núi hay lẳng lặng bên những con đường đất đỏ Tây Nguyên. Nhà sàn là nhà ở truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc bản địa ở Dak Lak như Ê Đê, M’nông. Nhà sàn còn được gọi là nhà dài, vì ngôi nhà được làm “dài như một tiếng chuông ngân”, mỗi nhà dài từ 30 - 200m. Nhà thường được làm bằng gỗ, tre, nứa, rất mộc mạc và quay theo hướng Bắc - Nam, trong khi các buôn làng được bố trí theo hướng Đông - Tây. Nhà có hai mái, nhô lên rất cao rồi thoải dần và mở rộng sang hai bên. Về tổng thể, nhà sàn được chia làm hai phần, phần dưới là các trụ chống nhà, chỉ để vậy cho thoáng chứ không nuôi gia súc như nhà sàn phía Bắc Việt Nam. Phần nhà sàn được đóng kín dùng để ở và sinh hoạt. Phần này lại có thể chia làm hai phần chính: Phần Gah được trang trí cầu kì, là nơi đón khách và là khu vực diễn ra các sinh hoạt gia đình và dòng họ như hội họp hay đánh cồng, dệt vải. Nơi đây lưu giữ các nhạc cụ cồng chiêng, chiếc trống lớn và ghế Kpan, ghế chỉ dành cho chủ nhà ngồi. Phần Ôk là phòng ngủ được bố trí giản đơn của vợ chồng chủ nhà và các thành viên trong gia đình. Phía Đông được ngăn thành nhiều buồng, làm chỗ ngủ cho các cặp vợ chồng. Cứ mỗi cô gái đi lấy chồng, nhà của cha mẹ cô lại được nới ra thêm để ngăn phòng cho vợ chồng cô, chính vì thế mà nhà nào có nhiều con gái đi lấy chồng thì sẽ rất dài. Phía Tây là nơi bố trí bếp lửa, mỗi cặp vợ chồng có bếp lửa đặt trước cửa phòng, và các vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Nhà dài tiêu biểu cho chế độ mẫu hệ của người dân tộc. Trên chiếc thang bước lên sàn có chạm đôi bầu sữa và vành trăng khuyết, những biểu tượng sống động của người phụ nữ. Nhà dài là nơi ở cho các con gái, cháu gái của chủ nhà ở. Còn đàn ông lấy vợ thì phải theo vợ và về nhà vợ ở. Nhà dài còn là biểu tượng cho sự gắn bó mật thiết giữa con người và thiên nhiên. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều được sắp xếp phù hợp, hài hoà với thiên nhiên: Buôn làng bao giờ cũng ở nơi cao ráo và gần nguồn nước sạch, vật dụng trong nhà đều được làm từ những nguyên liệu có sẵn ở vùng đất họ sinh sống, trên xà ngang của ngôi nhà có hình ảnh đàn voi đang bước đi hay những con rùa, con thằn lằn mà họ vẫn thấy trên rừng; người dân tộc yêu ngôi nhà, yêu cuộc sống, yêu mảnh đất Tây Nguyên. Du khách thích đến thăm nhà sàn vì nó gần gũi với thiên nhiên, lại có những nét khác biệt so với nhà ở nói chung thời hiện đại và vì những nét văn hoá chứa đựng trong mỗi nếp nhà. Một đặc trưng khác của Dak Lak là nhà mồ. Người Tây Nguyên quan niệm chết nghĩa là bắt đầu cuộc sống mới ở một thế giới khác. Do đó, khi người chết đi là ra đi vĩnh viễn, để sống một cuộc sống khác. Nhà mồ là nhà của người chết, được làm cho lễ bỏ mả, cuộc chia tay cuối cùng của người sống và người chết. Để người chết thanh thản ra đi, hôm bỏ mả, người sống chuyển giao cho người chết nhà mồ, các vật dụng của họ, của cải và cả những bức tượng. Dân tộc Ba Na và Ê Đê ở Dak Lak có tập quán làm nhà mồ, đặc biệt là người Ba Na. Trên đường đến tham quan khu du lịch Buôn Đôn, du khách có thể thấy một số nhà mồ hoặc vô tình bắt gặp nhà mồ trong một lần rong chơi trên cao nguyên lộng gió này. Nhà mồ được làm bằng gỗ, mái tựa như mái nhà dài và được dựng ngay phía trên nơi chôn cất người chết. Quanh nhà mồ có nhiều tượng. Khác với tượng của người Kinh được chạm tinh xảo và để ở nơi thờ cúng trang trọng, tượng nhà mồ của người Ba Na được chạm trổ thô sơ hơn và đặt trong khung cảnh thiên nhiên, hoà vào mưa nắng. Từ một thân gỗ tròn, không lắp ghép, không thêm thắt chi tiết nào, người Ba Na chỉ dùng đục và chà gạc để tạo nên tượng. Mặt phẳng hình bầu dục là mặt, hai hình cong nổi lên bên đầu là tai, mũi miệng được khoét chìm vào mặt tượng. Các phần nổi trên cơ thể người sống như bụng, má, ngực không được làm cho nổi lên mà bị vạt cho dẹt đi. Có người đã nhận định, những bức tượng mồ này rất gần gũi với mĩ thuật nguyên thuỷ, nghệ thuật cổ đại của các bộ lạc trên thế giới. Tượng được sơn màu đỏ ở cùi tay, đầu gối và màu đen ở tóc và mắt. Nội dung của tượng cũng rất sinh động, từ cô gái chia cơm, người đánh trống đến cặp trai gái tự tình, bên cạnh là người đàn bà mang thai, không chỉ đơn thuần là làm cho không khí nhà mồ bớt cô quạnh mà nó còn gắn liền với niềm tin về sự chấm dứt của cái chết và bắt đầu của cuộc sống mới. Những tượng người ở nhà mồ đó được xem như để phục vụ người chết mà người Ba Na gọi là “tich” tức là người hầu. Người chết ra đi không hề cô độc, không có gì phải buồn vì họ đã có đầy đủ hành trang cho cuộc sống mới. Trong nắng bàng bạc cuối chiều, trời Tây Nguyên như rộng hơn, rừng xanh thẳm hơn và gió rít từng hồi qua tán lá, đứng bên cạnh nhà mồ, hẳn du khách cảm nhận được nhiều điều về nghệ thuật, thẩm mĩ, tình cảm và lịch sử của loài người. Tìm hiểu nhà mồ, chúng ta có thể học thêm về nghệ thuật nguyên thuỷ của loài người, về trình độ thẩm mĩ cũng như tư duy của dân tộc. Tượng nhà mồ cũng nói lên thái độ của đồng bào về cuộc sống, quan niệm về sự sống và cái chết. Nó cũng thể hiện tình cảm sâu đậm của người còn sống với người đã chết. Về mặt lịch sử, tượng nhà mồ phản ánh cuộc sống đời thường của các dân tộc, là tư liệu vật thể chân thực, sinh động để nghiên cứu lịch sử tộc người. Có thể nói nhà mồ là di sản văn hoá, lịch sử không chỉ của dân tộc ở Dak Lak mà còn là di sản của cả nhân loại, hứa hẹn nhiều điều bổ ích mà cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn miệt mài tìm kiếm. Nhà mồ có thể phục vụ cho du lịch, tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều tour du lịch có tham quan nhà mồ, một phần vì hiểu biết của chúng ta về nhà mồ chưa nhiều, một phần do nhà mồ hiện đang bị mai một trước ảnh hưởng của lối sống hiện đại. Thay vì làm nhà mồ, một số nhà đã tiến hành xây mộ như mộ của người Kinh. Ở Dak Lak có nhiều làng nghề dệt thổ cẩm, chủ yếu của dân tộc Ê Đê và M’nông. Đây là nghề truyền thống, có từ rất lâu đời và thiếu nữ dân tộc nào cũng được bà mẹ dạy cho cách dệt vải để may váy áo cho mình, chăn gối cho gia đình và sau này là may cho chồng con. Vì thế du khách đến Dak Lak có thể dễ dàng tìm cho mình một trong số các làng nghề dệt thổ cẩm để dừng chân. Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển mạnh mẽ, công nghiệp dệt may đã làm thoả mãn phần lớn nhu cầu của con người về vải vóc, quần áo, nhưng được tận mắt chứng kiến quá trình dệt vải bằng những phương pháp thủ công và mặc trên mình chiếc áo do chính bàn tay thiếu nữ dân tộc dệt nên khiến du khách háo hức hơn nhiều. Đó chính là sức thu hút của các làng dệt thổ cẩm ở Dak Lak. Ngay tại thành phố Buôn Ma Thuột cũng có các làng nghề dệt thổ cẩm như Alê A, Tơng Bông, xa hơn chút nữa là huyện Krông Pak và rải rác rất nhiều trong các buôn làng. Nhiều công ty du lịch đã đưa làng nghề thổ cẩm vào trong tour của mình. Đây là điều kiện tốt để du khách tiếp cận với làng nghề, để đồng bào được tham gia làm du lịch và bảo tồn nghề truyền thống của mình. Dấu hiệu này bước đầu thể hiện sự bền vững trong hoạt động du lịch. Sợi bông là nguyên liệu chính để dệt vải. Bông được trồng ở nhiều nơi: nương rẫy, vườn nhà, ven rừng. Đến mùa bông chín, người ta thu hoạch về nhà và bắt đầu nhặt bông, cán bông, lăn con cúi, kéo sợi và nhuộm màu cho sợi từ những loại cây có sẵn ở vùng đất này. Vải của người Ê Đê có bốn màu chủ đạo: đỏ chàm, vàng nghệ, chàm và xanh. Dụng cụ dệt vải làm bằng gỗ, khi dệt, người thợ ngồi trên nền đất hai chân duỗi thẳng, đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để làm căng các sợi trên khung dệt. Những cánh rừng bạt ngàn, dòng thác bạc hùng vĩ, con cá, lá cây cho đến ngôi nhà đều là nguồn cảm hứng cho những hoa văn trên nền vải. Để tạo các hoa văn ấy, người dệt sắp xếp trật tự màu sắc các sợi vải hợp thành thảm dọc ứng với kiểu trang trí mình muốn thể hiện, những sợi chỉ ngang được bố trí nằm ở mặt ngoài, nổi lên trên trong quá trình dệt. Sau khi dệt xong, những tấm vải ấy lại được may thành khăn, váy, áo, khố. Khố thường dài từ 3 – 5 m, rộng khoảng 28 cm và chỉ dành cho đàn ông. Mặt khố có nhiều hoa văn và hai đầu khố thường có tua. Áo cổ truyền cho đàn ông là áo chui đầu, dài tay. Áo có thân sau dài che kín mông. Thân trước ngắn hơn, giữa ngực áo mở ra một đoạn khoảng 10 cm có hàng khuy đồng, hai mảng áo màu đỏ rực, rất đẹp và mạnh mẽ. Phụ nữ thường mặc váy dài đến mắt cá chân, trên váy có rất nhiều hoa văn mà nhà dân tộc học Từ Chi nhận định “Xu hướng tự nhiên của con người sống giữa núi rừng và bằng núi rừng là vừa cố điệp vào vừa cố vươn mình lên trên bối cảnh hoang dã bằng lao động cải tạo thiên nhiên, bằng các biểu hiện văn hoá trong đó có nghệ thuật tạo hình mà trước hết là nghệ thuật trang trí cho đồ mặc ôm bọc thân hình. Phải chăng chính vì vậy mà phong tục của nhiều cộng đồng trên các vùng cao nước ta, kể cả áo, khố, váy, khăn của người Thượng là một mặt phẳng tạo hình thường chứa chất nhiều kiểu trang trí nhất, phô ra nhiều màu sắc nhất” [3]. Áo của phụ nữ là áo chui đầu, mở ở hai vai và cũng đơm cúc bằng đồng. Áo, váy đều màu đen và có hoa văn ở dọc theo thân váy, vai, cổ tay và gấu áo. Để dệt và may được một cái áo, váy hay khố, người dệt phải cặm cụi cả tháng trời với bao công sức và sự nhẫn nại và đôi bàn tay khéo léo. Thành quả lao động ấy mang hơi thở của núi rừng Tây Nguyên và nét văn hoá độc đáo của người dân tộc bản địa. Chính vì thế, các tour tham quan làng nghề dệt thổ cẩm đang phát triển mạnh và áo, váy thổ cẩm là những hàng lưu niệm được nhiều du khách chọn mua. Đây là cơ sở để đồng bào dân tộc tham gia hoạt động du lịch, hưởng lợi từ du lịch và bảo tồn nghề truyền thống, công ty du lịch có thêm sản phẩm du lịch, thu hút nhiều khách hàng và là cầu nối giữa dân tộc địa phương với du khách, du lịch. Khách tham quan có cơ hội hiểu biết thêm về văn hoá, làng nghề của người dân tộc bản địa Dak Lak. Để chỉ “làng”, các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo như Ê Đê, Giarai, gọi là “buôn”, còn dân tộc thuộc dòng Môn - Khơme như M’nông, Xơ Đăng, Ba Na gọi là “bon”. Trải qua quá trình chung sống lâu đời, hầu hết các “làng” của người dân tộc ở Dak Lak đều được gọi là buôn. Trên cao nguyên này, phố trong buôn và buôn trong phố. Ngay cả tên thành phố cũng bắt đầu bằng “buôn”. Các buôn ở Dak Lak đều là những điểm đến của du lịch sinh thái - văn hoá, tự bản thân buôn làng, tập quán sinh hoạt, sản xuất, tín ngưỡng và tôn giáo của các dân tộc vốn đã là lạ lẫm, đặc sắc đối với du khách. Ở Dak Lak có rất nhiều buôn, trong số đó có các buôn “làm du lịch” như buôn M’Liêng, buôn Tur, buôn Bur, buôn Kosier. Đường đến các buôn thuận tiện, có thể đi xe máy, ôtô, xe buýt. Người dân tộc trong buôn cũng đã quen với hoạt động du lịch nên rất cởi mở và thân thiện. Họ hiểu rằng những truyền thống văn hoá mà họ đang gìn giữ không chỉ quý báu đối với chính họ mà còn đối với cả dân tộc Việt và cả nhân loại. Việc gìn giữ bản sắc văn hoá ấy vừa làm phong phú thêm văn hoá Việt, thoả ý thích khám phá của du khách từ những nơi xa và đồng thời mang lại cho họ nguồn thu nhập ổn định cùng với cơ hội tiếp cận nhiều nét văn hoá khác nhau. Có vị trí tại phường Tân Lợi, TP. BMT, buôn Ako Dhong - người địa phương quen gọi là buôn Cô Thôn - hàng ngày có nhiều khách du lịch đến tham quan. Đây là nơi sinh sống của 66 hộ dân Ê Đê và một số hộ M’nông. Nằm ngay trong trung tâm thành phố, nhưng khi vừa đặt chân đến buôn, ai cũng có cảm giác rất thanh bình, yên tĩnh với những con đường đất đỏ, cây cối xanh um và đặc biệt là mấy chục nếp nhà sàn như đang xếp hàng thẳng tắp. Buôn không ồn ào với tiếng xe máy, tiếng nhạc xập xình của đô thị. Buôn xào xạc tiếng gió và thỉnh thoảng nghe tiếng trẻ con cười đùa, tiếng gà tíu tít. Khi có khách đến thăm hoạc vào dịp lễ, buôn rộn rã tiếng cồng chiêng. Bước lên mỗi bậc thang để vào nhà sàn, du khách sẽ cảm nhận được những giá trị văn hoá mà người dân tộc bản địa trong thôn đang gìn giữ, phát huy. Du khách có thể trò chuyện thân mật, ở lại dùng cơm, uống rượu cần và cùng chung điệu múa, tiếng chiêng với đồng bào nơi đây. Được sự dìu dắt của già làng Ama Rin và sự khuyến khích của UBND Tỉnh, buôn Ako Dhong ngày càng phát triển và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của mình. Các điệu nhạc, lời ca, điệu múa truyền thống và các lễ hội được tổ chức định kì, có quy củ và đúng với phong tục tập quán. Đây là mô hình tiên tiến được các buôn khác trong tỉnh học tập và cũng là một trong những cơ sở để phát triển du lịch bền vững cho tỉnh nhà. Bên cạnh hồ Lak là buôn Jun. Buôn Jun của người M’nông mang vẻ đẹp nguyên sơ, hiền hoà của buôn làng Tây Nguyên. Buôn nhìn ra hồ rộng lớn, mát rượi. Những dãy nhà sàn theo kiến trúc cổ truyền nép mình dưới bóng cây xanh. Ban ngày, đàn ông cưỡi voi vào rừng và lên rẫy, phụ nữ ở nhà dệt thổ cẩm, lo bếp núc. Hình ảnh người dệt vải rất phổ biến ở trong buôn. Trẻ con nô đùa vô tư và thật sự hoà nhập với thiên nhiên. Chúng hồn nhiên nằm chơi trên đất, phía dưới nhà sàn, ôm mấy chú heo như thể những người bạn. Đôi mắt trong veo, hàng mi cong vút và cái miệng cười thật tươi trông đẹp đến lạ. Khung cảnh thật yên bình, thơ mộng. Nếp sống và sinh hoạt của đồng bào dân tộc buôn Jun mang nét đặc trưng đã được định hình từ hàng trăm năm trước. Cũng với bếp lửa ngay trên nhà sàn, các món ăn dân dã mà mới lạ được bày ra để đãi du khách, cây lá trong rừng, hạt lúa trên nương, cá dưới hồ Lak. Chiều xuống, đàn ông cưỡi voi về buôn. Buôn Jun nhộn nhịp hẳn. Du khách có thể ở lại qua đêm để buổi tối được cùng uống rượu cần, ăn cơm lam, thịt nướng, xem biểu diễn cồng chiêng và nghe kể sử thi Tây Nguyên. Một thú vị nữa khi thăm buôn Jun là khách có thể chèo thuyền độc mộc thăm hồ Lak, thăm nhà nghỉ của Bảo Đại hoặc những du khách quen với tiện nghi có thể nghỉ tại Lak Resort rất hiện đại mà gần gũi thiên nhiên, mới được khánh thành vào đầu năm 2007. Những ai thích mạo hiểm có thể tham gia tour đi bộ xuyên rừng 2 – 3 ngày với các hướng dẫn viên là người bản địa. Nét độc đáo của buôn Jun là cực kì nguyên sơ, còn giữ được các tập quán sinh hoạt văn hoá, thuần dưỡng voi và đồng bào rất thật thà, thân thiện với du khách. Đường đến buôn Jun đã được rải nhựa hoàn toàn, phương tiện thông tin liên lạc của huyện Lak khá hiện đại, đầy đủ. Cùng với khu du lịch hồ Lak, buôn Jun hứa hẹn thu hút ngày càng nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVDLDLH005.pdf
Tài liệu liên quan