THÔI
Tiểu từ thôithể hiện sự hạn chế giảm nhẹ về số lượng, phạm vi, mức độ của điều được nói
đến. Nó được sử dụng trong cả giao tiếp bình thường hoặc giao tiếp thân mật.
Ví dụ:
(72) Cụ cho phép con hỏi nhà con một câu thôi.[6; 108]
(73) Lạy ông tha cho con, con chỉ dám xin ông món tiền công ông chưa cho con mà thôi.[9;
118]
(74) Giữ hộ tôi cái đầu để tôi tắm cho nó thôimà.[13; 10]
Ví dụ (72) là lời xin phép nhũn nhặn của anh Pha trước thầy đội. Tuy rất sợ các thầy đội vì họ
đến là bắt đi hầu quan, bắt vào tù, nhất là lúc này thầy đội đang quát tháo ầm ĩ nhưng vì có
chuyện cần hỏi chị Pha nên để thầy đội chấp nhận anh chỉ dám xin hỏi một câu mà thôi. TTTT
thôi làm cho điều mà anh Pha xin thầy đội trở nên nhỏ bé, nhẹ nhàng hẳn đi.
Ở ví dụ (73), khi biết chính ông Dự đang đêm lẻn vào phòng mở túi khăn gói của mình và lấy
trộm tiền, thằng Quít quyết định phải đi đòi lại. Xấu hổ và giận dữ, ông Dự quát tháo ầm ĩ và
xông đến đánh thằng Quít. Biết không thể làm găng trong lúc này và cái quan trọng với thằng
Quít là phải lấy lại tiền để về quê minh oan với bố mẹ, nên nó nhẫn nhục chịu đựng. Thằng Quít
cố gắng làm nguôi cơn giận của ông Dự và làm giảm mức độ nghiêm trọng của sự việc bằng
TTTT thôitrong phát ngôn trên
146 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2408 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Tình thái giảm nhẹ trong diễn ngôn tiếng Việt, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
u thị TTGN trong diễn ngôn tiếng Việt thì phủ định từ tích cực thay vì
dùng từ tiêu cực cũng là một phương tiện đáng chú ý. Tiếng Anh cũng sử dụng phương tiện này
để thực hiện chiến lược giảm nhẹ.
Có thể so sánh các ví dụ sau để thấy được giá trị giảm nhẹ khi sử dụng phương tiện này:
Ví dụ:
(131) Điều đó bất tiện. - Điều đó không tiện lắm. (That’s not very convenient)
(132) Số liệu năm nay (thật) tệ. - Số liệu của năm nay không tốt lắm. (This year’s figures are not
very good.) [104; 28]
Có thể đưa ra công thức của phương tiện này trong diễn ngôn tiếng Việt như sau:
không + tính từ tích cực
(= not + tính từ tích cực trong tiếng Anh)
hoặc: không + tính từ tích cực + lắm
(= not very + tính từ tích cực trong tiếng Anh)
(133) Đấy, thế mà lúc nãy tôi bảo nhà tôi rằng tôi học quốc ngữ, nhà tôi cứ không bằng lòng. [6;
163]
(134) Có ra kia mở cánh cửa sổ mà cũng không chịu khó. [13; 45]
(135) À, ấy là vì những tư tưởng ấy không còn hợp nữa ấy chứ. [18; 252]
(136) Hình như anh đánh giá anh Hoài không đúng lắm. [23; 316]
Trong ví dụ (133), với cách phủ định từ tích cực không bằng lòng, anh Pha đã làm giảm nhẹ đã
thái độ của vợ mình lúc nãy. Thực tế, khi nghe anh Pha đòi học chữ chị Pha đã giẫy nẩy lên và
“bĩu môi”, “cau mặt”, “mắng” anh Pha.
Trong ví dụ (134), ngoài trời mưa và rất lạnh nên cả hai anh em của nhân vật “tôi” đều lười
biếng, không dậy đóng cửa, đùn đẩy nhau. Chính nhân vật “anh tôi” cũng lười biếng, “kéo chăn
trùm kín cổ” nên chỉ có thể trách em mình một cách nhẹ nhàng là không chịu khó.
Ở ví dụ (135), đúng ra Phúc phải nói “tư tưởng ấy cổ lỗ sĩ/ lạc hậu/ lỗi thời” vì Phúc đã thay đổi
tất cả từ khi trúng số độc đắc nhưng để bào chữa cho chính mình và để bạn có thể cảm thông
Phúc đã dùng cách nói phủ định không còn hợp nữa để làm giảm nhẹ đi suy nghĩ thật của mình.
Ở ví dụ (136), thực tế Vân - vợ Trọng - rất giận Trọng về những suy nghĩ không tốt mà Trọng đã
nghĩ cho Hoài - người bạn nối khố ở quê. Nhưng Vân đã kiềm chế vì muốn giải thích cho Trọng
hiểu. Cách nói “không đúng lắm” (thay vì nói “sai rồi/đã sai”) kèm quán ngữ “hình như” đã
làm giảm nhẹ không khí căng thẳng khi hai vợ chồng bắt đầu câu chuyện về Hoài cũng như cho
thấy Vân vẫn còn chút niềm tin ở Trọng – tin rằng Trọng sẽ thay đổi quan điểm khi nhìn nhận về
bạn bè.
Trong nghiên cứu về phương tiện tu từ nói giảm, Đinh Trọng Lạc [39] đưa ra một cách thức
ngược lại nghĩa là phủ định từ có ý nghĩa tiêu cực: Anh ta không xấu = Anh ta không phải là
không tốt. Và ông cho rằng những câu này về hình thức là phủ định nhưng về nội dung là khẳng
định. Khi đưa ra quan điểm nêu trên, Đinh Trọng Lạc đã cho thấy nói giảm trong tiếng Việt gắn
với thái độ của người nói với cái được nói ra hơn là thái độ của người nói với người nghe. Tuy
nhiên, khi đề cập đến thái độ của người nói với cái được nói ra, chúng tôi đồng tình với quan
điểm của Nguyễn Đức Dân [12] khi ông cho rằng trong tiếng Việt nói là “không xấu” chưa hẳn
đã có nghĩa là “tốt”. Như vậy, phủ định “xấu” chưa hẳn đã là khẳng định “tốt”.
Tuy số lượng ngữ liệu chúng tôi thống kê về phương tiện này không nhiều lắm (29 phát ngôn
– chiếm 2.05% trên tổng 1.413 phát ngôn của nhóm các phương tiện trực tiếp biểu thị ý nghĩa
TTGN). Tuy nhiên, trên thực tế, nó cũng là một phương tiện thường được sử dụng. Phương tiện
phủ định từ có ý nghĩa tích cực thay vì dùng từ có ý nghĩa tiêu cực biểu thị rõ nét ý nghĩa giảm
nhẹ cho thái độ của người nói với điều được nói ra. Nó giúp cho việc thể hiện mong muốn hợp
tác theo hướng tích cực giữa các đối ngôn.
2.1.5 Dùng quán ngữ tình thái
Có những tổ hợp từ, những lối nói đã tạo thành những đơn vị, khối hay khuôn cấu trúc tương
đối ổn định được người nói sử dụng như một công cụ có chức năng của những tác tử tình thái tác
động vào nội dung mệnh đề theo kiểu nào đó. Chúng được gọi là các Quán ngữ tình thái
(QNTT). [56; 35]
Xét về đặc điểm ngữ nghĩa chức năng của QNTT, với tư cách là một đơn vị biểu đạt ý nghĩa
tình thái, các QNTT tiếng Việt thường có ý nghĩa, chức năng riêng. Nghĩa của chúng không chỉ
phụ thuộc vào nghĩa từ vựng, nghĩa ngữ pháp mà còn gắn với ngữ nghĩa, ngữ dụng trong câu.
Như vậy, nghĩa của chúng không phải là phép cộng cơ giới, đơn thuần nghĩa của từng thành tố
tạo thành tổ hợp. Nói cách khác, mỗi QNTT có thể xem như là một thể hoàn chỉnh, hoạt động
như một khối có sẵn trong đó các thành tố đã mất ít nhiều tính độc lập. [56;; 50]
Các QNTT tiếng Việt có chức năng đánh giá khá rõ nét: đánh giá về lượng, mức độ (cùng
lắm thì, bất quá là cùng, biết bao, là đằng khác…); đánh giá về tính hiện thực/ phi hiện thực của
sự việc (đáng lẽ, lẽ ra, đúng lí ra, công bằng mà nói, nỡ lòng nào…); đánh giá về tính tất yếu/
phi tất yếu của điều được nói tới trong phát ngôn (ắt hẳn, chắc chắn, dĩ nhiên là, cố nhiên là…);
đánh giá về khả năng/ phi khả năng của điều được nhắc đến (nghe đồn, nghe nói, dường như,
phỏng chừng…); đánh giá về tính tích cực/ tiêu cực của điều được nói tới trong phát ngôn (ngộ
nhỡ, được cái, hiềm một nỗi, may sao…). Ngoài ra chúng còn thể hiện chức năng biểu thị thái
độ, tình cảm của người nói: biểu thị thái độ tin cậy của người nói đối với tính xác thực của nội
dung sự việc được nêu trong phát ngôn (quả thật là, rõ ràng là, chắc chắn là…); thái độ hoài
nghi, chưa chắc chắn (hình như, dường như, không khéo…); thái độ ngạc nhiên, bất ngờ (té ra,
hóa ra, ra thế…); thái độ băn khoăn, trăn trở, lo lắng (liệu mà, chẳng hiểu sao, có thể…); thái độ
vui mừng, phấn khởi hay khó chịu, bực tức (may sao, ơn trời, khổ một nỗi…)…
Mặc dù trên hình thức là đánh giá, là biểu thị thái độ tình cảm của người nói nhưng các
QNTT xuất hiện trong phát ngôn còn với chức năng như một phương tiện để đền bù vào những
chỗ mà người nói sợ rằng sẽ xảy ra vi phạm các phương châm hội thoại, mà nhất là phương
châm lịch sự. Khi không tuân thủ được phép lịch sự thường tình trong giao tiếp, người nói
thường cảm thấy cần có sự che chắn, dẫn nhập để có thể giữ được xã giao trong tình trạng bình
thường.
Ví dụ:
(137) Theo như tin tức tôi mới nhận được thì hình như chúng nó ngủ với nhau rồi. [16; 160]
Văn Minh cảm thấy giận dữ khi biết chính xác Xuân tóc đỏ tán tỉnh em gái mình, tuy nhiên vì
còn vị nể Xuân – một trợ thủ đắc lực, một người đại diện cho công cuộc Âu hóa, văn minh của
chính Văn Minh - nên khi nói ra sự thực bất ngờ này với vợ, Văn Minh đã che chắn, giảm nhẹ sự
việc đi bằng QNTT hình như.
Khi khảo sát ngữ liệu, chúng tôi nhận thấy có một số quán ngữ hay được sử dụng như một
phương tiện để biểu thị TTGN, biểu thị tính lịch sự trong giao tiếp.
Có thể thống kê tần suất của chúng theo bảng 2.1.4 như sau:
Bảng 2.1.4:
STT Quán ngữ tình thái Tần số %
1.
phỏng chừng/ hình như / thì
phải/ hình như…thì phải
45 51.72
2. có lẽ 27 31.03
3. nghe đồn/ nghe đâu/ nghe nói 10 11.49
4. khí không phải 4 4.61
5. khí vô phép 1 1.15
Tổng thể: 87
Nhóm phỏng chừng/ hình như/ thì phải/ hình như…thì phải được sử dụng nhiều nhất với 45
lần xuất hiện chiếm đến 51.72%. Kế đến là QNTT có lẽ xuất hiện 27 lần chiếm 31.03%. Ít nhất
là quán ngữ khí vô phép, khảo sát cho thấy chỉ xuất hiện 1 lần chiếm 1.15%. Cũng phải thấy rằng
có các QNTT phỏng chừng, khí không phải, khí vô phép chủ yếu được sử dụng trong phương
ngữ Bắc Bộ. .
CÓ LẼ, NGHE ĐỒN/ NGHE ĐÂU/ NGHE NÓI, PHỎNG CHỪNG/ HÌNH NHƯ/THÌ
PHẢI/ HÌNH NHƯ…THÌ PHẢI
Khi muốn biểu đạt một ý kiến mà người nói không dám đoan chắc thông tin mình đưa ra có
chính xác hay không hoặc người nói có thể biết mười mươi nội dung đó nhưng vì tế nhị, không
muốn người nghe phật lòng hoặc mất thể diện , người Việt hay dùng các quán ngữ tình thái: có
lẽ, nghe đồn/ nghe đâu/ nghe nói, phỏng chừng/ hình như /thì phải/ hình như…thì phải. Ngay cả
trong những tình huống người nói muốn khẳng định ý kiến của mình mà ý kiến ấy có thể gây bất
lợi cho người nghe thì người Việt cũng thường sử dụng các quán ngữ nêu trên. Chúng có tác
dụng làm giảm nhẹ mức độ khẳng định ý kiến của người nói. Và ngay cả trong tình huống ý kiến
của người nói và người nghe khác nhau, đối lập nhau thì việc khéo léo dùng các quán ngữ có
tính chất “bỏ ngỏ” này sẽ giúp làm giảm đi mâu thuẫn, sự căng thẳng trong giao tiếp.
Ví dụ:
(138) Có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ. [1; 51]
(139) Nghe nói anh đã quyết định bỏ tổ truyền thanh. [22; 233]
(140) Xin lỗi đồng chí Tùng! Ở đây đồng chí Tùng cùng làm việc gần gũi với đồng chí Thủ, vậy
có lẽ xin đồng chí Tùng cho vài ý kiến sâu sắc. [22; 384]
(141) Hình như tình yêu của anh đối với em cũng chỉ là thứ tình yêu ích kỷ. [23; 333]
Ở ví dụ (138), với QNTT có lẽ, Lão Hạc muốn thể hiện ý nghĩ của mình một cách nhẹ nhàng,
thăm dò phản ứng của ông giáo trước sự kiện bất ngờ này.
Ở ví dụ (139), Thủ biết Sửu bỏ việc với ý định muốn thoát khỏi cái bóng của Thủ nhưng Thủ
vẫn hỏi để dò ý tứ của Sửu và cũng để báo động cho Sửu biết không có chuyện gì mà Thủ không
biết. Cách dùng quán ngữ nghe nói là cách dò ý nhẹ nhàng, khéo léo của Thủ.
Ở ví dụ (140), trước bầu không khí căng thẳng của buổi họp Đảng bộ xóm Giếng Chùa, trưởng
đoàn công tác Xuân Tươi đã đưa ra một đề nghị khéo léo và nhẹ nhàng thông qua QNTT có lẽ,
có tính chất không áp đặt, để kêu gọi ý kiến của Tùng nhằm làm dịu bầu không khí nặng nề của
buổi họp đồng thời làm giảm tâm trạng đang căng thẳng của Tùng.
Trong ví dụ (141), Vân đã cảm thấy thất vọng về cách nghĩ của Trọng, về điều mà Trọng đang tự
dối mình. Trọng không nói thật những điều Trọng đang nghĩ. Tuy nhiên, lời trách móc kia của
Vân cũng phần nào giảm đi sự nặng nề khi quán ngữ “hình như” xuất hiện. Và với Trọng, khi
vợ còn nói “hình như” thì Trọng vẫn còn cơ hội để giãi bày, giải thích.
KHÍ KHÔNG PHẢI, KHÍ VÔ PHÉP
Sử dụng quán ngữ khí không phải, khí vô phép là một cách tiền dẫn nhập, đưa đẩy, báo trước
cho người nghe chuẩn bị tiếp nhận một hành động ngôn từ nào đó có hiệu lực đe dọa thể diện để
người nghe đỡ bất ngờ và giảm sốc cho hành động ấy. Các quán ngữ này thể hiện rằng những
thông tin sắp được nói ra trong phát ngôn là tế nhị, nó cũng có giá trị như một lời xin lỗi trước,
tạo sự cảm thông thân hữu giữa người nói và người nghe, ngăn chặn những phản ứng tiêu cực có
thể có ở người nghe khi tiếp nhận những thông tin đó.
Ví dụ:
(142) Tôi ấy à! Nói khí vô phép chứ vợ tôi mà thế thì mấy tôi cũng không lấy nữa. [3; 231]
(143) Con hỏi khí không phải có người bảo ông Phán lấy tiền của con, thật hay dối hở cậu? [9;
117]
(144) Hỏi thế này khí không phải, cô sao không đến chơi sớm hơn một chút? [13; 117]
Ví dụ (142) là lời phản ứng gay gắt của ông Học về việc phụ nữ có hai đời chồng. Tuy nhiên, sự
có mặt của QNTT khí vô phép đã giúp cho lời tranh luận của ông lịch sự hơn, nhẹ nhàng hơn.
Ở ví dụ (143), thằng Quít hỏi nhân vật “tôi” – một người bạn của ông Dự - về sự thật ông Phán
Dự lập mưu lấy trộm tiền công làm thuê của nó. Quít đã ngợ ngợ khi đọc trên báo nhưng hỏi
thẳng nhân vật “tôi” thì nó còn ngần ngại không dám vì trong thâm tâm nó chưa tin hẳn là ông
chủ nó lại làm điều này. Quán ngữ khí không phải thể hiện thái độ còn e dè, mong có sự cảm
thông của thằng Quít khi nó hỏi đường đột như vậy.
Trong ví dụ (144), khí không phải giúp cho phát ngôn mang ý trách móc trên đây của nhân vật
‘tôi” với Lệ Minh – một người bạn thân thời niên thiếu – trở nên lịch sự, nhẹ nhàng hơn. Đó là
lời nhắc nhở nhẹ nhàng khi Lệ Minh đến nhà quá khuya.
Thực tế, trong diễn ngôn tiếng Việt, còn có một số quán ngữ có hình thức là tổ hợp có động
từ “nói”, “hỏi” làm trung tâm tương đồng với nhóm trên nhưng ít được sử dụng như: bỏ quá
cho, nói bỏ ngoài tai, nói của đáng tội…Chúng đều là các QNTT mà người Bắc Bộ hay sử dụng.
Những QNTT ra đời, tồn tại và được sử dụng lâu dần thành quen vì chúng phù hợp với lối
nói năng ưa tế nhị, ý tứ, trọng các mối quan hệ, sợ mất lòng, sợ phải phê bình người khác một
cách quá thẳng thắn của người Việt. Rõ ràng QNTT tiếng Việt không chỉ là lớp từ giàu sắc thái
chủ quan và tính khẩu ngữ tự nhiên mà đây còn là đơn vị góp phần làm phong phú thêm cách
diễn đạt tư tưởng, tình cảm bằng ngôn từ trong giao tiếp.
2.1.6 Dùng kiểu phát ngôn điều kiện, giả định (nếu (như)…thì…, giá (như)…thì…)
Bên cạnh việc sử dụng các phương tiện trực tiếp nêu trên để biểu thị ý nghĩa TTGN, trong
diễn ngôn tiếng Việt còn có một loại phương tiện trực tiếp gắn với kiểu phát ngôn, đó là kiểu
phát ngôn điều kiện - giả định.
Kiểu phát ngôn điều kiện – giả định có thể được sử dụng để biểu thị TTGN trong hành động
ngôn từ cầu khiến, hành động ngôn từ chê, trách. Do áp lực của tính mệnh lệnh, áp lực của tính
tiêu cực chê, trách nên đây là những hành động ngôn từ có nguy cơ đe dọa thể diện người nghe
cao. Tuy nhiên, sự xuất hiện của kiểu phát ngôn điều kiện – giả định sẽ làm tăng hiệu quả lịch sự
hoặc ít nhất cũng làm giảm bớt tính chất áp đặt của mệnh lệnh.
Có hai kiểu phát ngôn điều kiện – giả định hay được sử dụng là: nếu…/ nếu…thì…và giá…/
giá…thì…. Qua khảo sát ngữ liệu, chúng tôi thống kê được tần suất của chúng như sau:
Bảng 2.1.5:
STT Kiểu phát ngôn điều kiện , giả định Tần số %
1. Nếu…/Nếu…thì… 25 56.82
2. Giá (như)…/Giá (như)…thì… 19 43.18
Tổng thể: 44
Kiểu phát ngôn nếu…/ nếu…thì…có tần số sử dụng nhiều hơn chiếm 56.82% với 25 lần xuất
hiện. Kiểu phát ngôn giá…/ giá…thì…xuất hiện 19 lần chiếm 43.18%. Sự chênh lệch về tần số
giữa chúng không quá lớn.
Khi nếu…/ nếu…thì…; giá…/ giá…thì…. đi kèm với lời cầu khiến, ra lệnh hay chê - trách, nó
đã góp phần làm giảm nhẹ tính chất áp đặt của mệnh lệnh, làm giảm thiểu sự đe dọa thể diện ở
người nghe rất nhiều. Tính chất mệnh lệnh, áp đặt giảm khi người nói đã để ngỏ sự lựa chọn cho
người nghe; lời chê, trách trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ nghe hơn, có tác động tốt hơn đối với người
nghe và như vậy cũng đồng nghĩa với tính lịch sự được tăng cao.
Có thể xét một vài ví dụ chúng ta vẫn hay bắt gặp hàng ngày để thấy vai trò giảm nhẹ và tính
lịch sự của hai kiểu phát ngôn này khi chúng được sử dụng trong hành động ngôn từ cầu khiến,
ra lệnh cũng như hành động ngôn từ chê, trách như sau:
Ví dụ:
(145) Em ra khỏi lớp ngay. Em ra khỏi lớp ngay nếu em không thích học tiết tôi. (mệnh lệnh)
(146) Con về nhà ngay. Nếu không muốn bị ba đánh đòn thì con về nhà ngay. (mệnh
lệnh)
(147) Bạn mặc áo này không đẹp. Giá bạn kết hợp áo này với quần màu trắng sẽ đẹp hơn đấy.
(chê – rút kinh nghiệm)
(148) Anh về muộn quá. Giá anh về sớm thì có phải hay hơn không. (chê trách)
Theo Trần Quyết Thắng [79; 137], phát ngôn điều kiện - giả định trong lời chê là kiểu phát
ngôn điều kiện giả định phản thực được cấu tạo bằng một mệnh đề điều kiện nêu lên một sự
việc, một cảnh huống mang tính giả định dẫn tới kết quả mong muốn và một thành phần nêu kết
quả. Kết quả ở đây cũng là giả định, cụ thể hơn kết quả được nêu ra là một điều chưa xảy ra
trong thực tế mà nó là mong muốn của người nói để sự việc hay vấn đề đưa ra được tốt đẹp hơn.
Tác giả cũng đưa ra ba mô hình của kiểu phát ngôn điều kiện giả định phản thực:
(1) Chê: lịch sự, khéo léo:
Giá như/ nếu như C – V thì + tính từ + hơn/ biết bao…
Ví dụ:
(149) Chiếc áo này nếu màu dịu hơn một chút thì đẹp hơn!
(2) Chê: lịch sự, rút kinh nghiệm:
Giá như/ nếu như C – V thì + tính từ + hơn không/phải không?
Ví dụ:
(150) Nếu em cố gắng chút nữa thì đã đỗ trong kì thi này rồi phải không?
(3) Chê – trách nhẹ nhàng:
Giá như/ nếu như C – V thì đâu đến nỗi
Ví dụ:
(151) Giá mà chị nghe lời khuyên của tôi thì sự tình đâu đến nỗi!
Chúng tôi cũng khảo sát được một số các phát ngôn sử dụng kiểu câu điều kiện – giả định để
biểu thị ý nghĩa TTGN trong diễn ngôn tiếng Việt. Có thể trích dẫn, phân tích một vài ví dụ sau
để thấy vai trò của kiểu phát ngôn này.
Ví dụ:
(152) Giá nó nói với tao một tiếng, (thì) tao cho nó cái danh thiếp lên quan, có phải bằng mấy
lục sự thừa phái có khi họ đơm đó không? [6; 64]
(153) Nếu ông nghị cũng biết đãi nông dân và tá điền cho phải chăng thì không bao giờ phải lo
ngại gì nữa. [17; 46]
(154) Giá như dạo vừa tốt nghiệp anh về Sài Gòn tìm một việc gì đó …[20; 367]
(155) Nếu không cho tiền thì các ông phải để cho tôi cái áo the kha khá lại đây. [21; 141]
(156) Giá em khéo léo nói cho Tường biết từ trước. [24; 335]
Trong ví dụ (152), với cách nói giá…thì…, Nghị Lại đã đưa ra một câu chê trách nhẹ nhàng kèm
chút tiếc rẻ về vợ chồng Trương Thi trước mặt anh Pha để lôi kéo vợ chồng anh Pha vào một cái
bẫy mới của lão.
Ví dụ (153) là lời nhắc nhở và đưa ra yêu cầu một cách khéo léo khi sử dụng cách nói
nếu…thì…của Quan công sứ. Quan công sứ muốn nhắc khéo cho Nghị Hách biết phải làm thế
nào khi người dân không đồng tình với các chính sách của quan trên.
Trong ví dụ (154), giá như đã làm lời trách móc của Lê với Julien trở nên nhẹ nhàng sau mười
năm họ cách biệt nhau.
Ở ví dụ (155), trước mấy ông tổng lý ăn quỵt, bà hàng đành phải đưa ra lời yêu cầu nhẹ nhàng
trên để còn kiếm được chút tiền bù lỗ.
Ở ví dụ (156), Mùi đã đánh mất Tường vì Mùi cố ý giấu Tường cái quá khứ vào tù ra tội của
Mùi. Khi nghe Mùi kể lại, quản giáo Thảo cảm thấy rất tiếc nuối và giận Mùi. Tuy nhiên, trong
lúc này, trước tâm trạng của Mùi, lời chê trách trên có lẽ phù hợp nhất. Nó nhẹ nhàng và cảm
thông hơn.
Như vậy, rõ ràng kiểu phát ngôn điều kiện – giả định đã có một vai trò nhất định trong việc
biểu thị ý nghĩa TTGN trong các hành động ngôn từ có tính đe dọa thể diện cao.
2.1.7 Dùng ngữ điệu
Khi đưa ngữ điệu trở thành một phương tiện biểu thị ý nghĩa TTGN chúng tôi căn cứ trên số
lượng ngữ liệu khá phong phú đã khảo sát và thông qua những thành tựu nghiên cứu của các nhà
Việt ngữ học. Có thể điểm qua một số nhận định khá rõ nét về vai trò của ngữ điệu trong việc
biểu thị tình thái nói chung, TTGN nói riêng.
Nguyễn Kim Thản (1977) khi miêu tả câu cầu khiến và câu cảm thán – những biểu hiện của
hiện tượng tình thái mà ông gọi là “thái ngữ” - đã coi ngữ điệu là phương tiện hàng đầu. Với câu
cầu khiến, ngữ điệu “là phương thức giản tiện nhất. Muốn tạo câu cầu khiến, ta dùng câu rút gọn
chủ ngữ và dằn mạnh động từ làm vị ngữ” [74; 607]. Còn “câu cảm thán nhằm mục đích nói lên
các thứ tình cảm, các trạng thái tinh thần của người nói. Nó có nhiều ngữ điệu khác nhau mà
hiện nay chúng tôi chưa nghiên cứu được. Nhờ những ngữ điệu ấy mà ta nói lên được những tình
cảm vui mừng, sợ hãi, căm giận, âu yếm, nũng nịu (…). Nhiều khi, kết cấu của câu hoàn toàn
như nhau nhưng do ngữ điệu khác nhau mà có những sắc thái tình cảm khác nhau.” [74; 609]
Hoàng Trọng Phiến (1980) trong “Ngữ pháp tiếng Việt: Câu” cho rằng “trong các ngôn ngữ
khác nhau tính tình thái được biểu hiện khác nhau. Thông thường nó được biểu thị bằng ngữ
điệu, bằng danh xưng động từ, bằng trật tự từ và bằng các từ tình thái kiểu như: à, ư, nhỉ, nhé…”
[69; 51]
Hoàng Phê (1984), người dùng thuật ngữ “toán tử logich – tình thái” để chỉ phương tiện biểu
thị tình thái, nhấn mạnh: “Về hình thức toán tử logic – tình thái có thể là một từ, một tổ hợp từ
(có khi có hình thức câu) hoặc chỉ đơn giản là một ngữ điệu” và “đặc biệt cùng một toán tử logic
- tình thái, kết hợp với ngữ điệu có thể có những ý nghĩa logic – tình thái khác nhau. (Ví như:
với phát ngôn Giỏi nhỉ! thì tùy ngữ cảnh và ngữ điệu, nó có thể là một lời khẳng định hàm ý
khen, tán thưởng hoặc cũng có thể là lời mỉa mai, đe dọa) [65; 7 - 14]. Sau này, (1989), trong
“Logic ngôn ngữ học”, ông khẳng định lần nữa: “Điều đáng chú ý là riêng ngữ điệu có thể được
sử dụng như một toán tử lô - gich - tình thái tác động đến một từ để tạo câu đặc biệt trong một
ngôn cảnh nhất định.” [66; 150]
Phạm Thị Việt Thanh (1999), cũng trực tiếp bàn đến tình thái khi đi tìm các phương tiện
liên kết lời nói. Tác giả cho rằng: “Ngữ điệu là một trong những phương tiện đặc trưng để tạo
hàm ý cho lời nói. (…). Cùng một phát ngôn có thể mang những hàm ý khác nhau phụ thuộc vào
sự thay đổi của ngữ điệu. Đó có thể là hàm ý đánh giá sự vật, hàm ý ngạc nhiên, nghi ngờ, nhấn
mạnh, giễu cợt…” [75; 91 -92]
Võ Đại Quang (2001) khi nghiên cứu về ngữ điệu – một loại hình ngữ vi nổi trội trong tiếng
Anh đã có nhận xét chung rằng “ngữ điệu cho phép thể hiện thái độ, tình cảm của người nói.
Ngữ điệu chuyển tải một loại nghĩa chuyên biệt trong khi hỏi và trả lời. Chức năng này được gọi
là chức năng biểu thị thái độ [70; 34]. Và “ngữ điệu cùng với ngôn ngữ cử chỉ có khả năng xác
lập, khẳng định vị thế của nhnững người tham gia đối thoại, hỗ trợ cho cuộc thoại diễn tiến
thành công.” [70; 36]
Đỗ Tiến Thắng (2001) nêu rõ công dụng tham gia vào sự điều hòa ứng xử đàm thoại của ngữ
điệu. “Với những cuộc thoại trong đời sống thường nhật cũng như trên các diễn đàn cao sang,
người ta bao giờ cũng chú ý tới giọng điệu của bạn thoại để “lựa” cho được một giọng của mình
theo chiến lược giao tiếp nhất định: thân hay sơ, hiệp đồng hay tranh chấp, kết thúc hay kéo dài”
[77; 4]. Và mới đây (2009), trong công trình nghiên cứu chuyên sâu về “Ngữ điệu tiếng Việt”,
tác giả Đỗ Tiến Thắng một lần nữa khẳng định vai trò của ngữ điệu bằng câu nói của R.
Kingdon: “Ngữ điệu là linh hồn của một ngôn ngữ”, nếu câu với các âm vị, hình vị, từ,
ngữ…mới chỉ là thể xác thì ngữ điệu là linh hồn của câu và ngữ điệu là một trong những điều
kiện để câu tồn tại và thực hành giao tiếp [78; 65]. Tác giả cũng đưa ra một định nghĩa cho ngữ
điệu tiếng Việt như sau: “Ngữ điệu là một hiện tượng ngôn điệu được tạo thành từ sự hoạt động
của các nét khu biệt âm học tại những hình tiết nhất định trong câu. Ngữ điệu làm cho câu được
hiện thực hóa và trở thành đơn vị giao tiếp” [78; 59]. Tác giả dành hẳn một đề mục để nghiên
cứu về ngữ điệu tình thái – chức năng biểu cảm. Ông cho rằng bản chất của hiện tượng tình thái
là đa dạng và phức tạp nên các phương tiện thể hiện chúng cũng phong phú và sinh động không
kém. Tuy với loại hình ngôn ngữ đơn lập, tiếng Việt có một bộ phương tiện để biểu thị tình thái
nhưng nếu thiếu ngữ điệu thì chưa chắc đã có phát ngôn hay câu, hoặc chí ít là nếu thiếu ngữ
điệu đặc thù thì tính tình thái có thể bị thủ tiêu. [78; 150]
Nguyễn Minh Thuyết – Nguyễn Văn Hiệp (2004) đưa ra một nhận xét khá bao quát khi
nghiên cứu về tình thái: “Trong thực tế các nội dung tình thái được biểu thị xuyên thấm qua
nhiều cấp độ ngôn ngữ khác nhau, từ ngữ điệu, trật tự từ, các thành tố cấu trúc thuộc bậc câu,
trên câu và dưới câu.” [83; 268]
Lê Thị Kim Đính (2006), trong luận văn cao học, cho rằng trong giao tiếp tiếng Việt, người
Việt cũng dùng ngữ điệu như là một yếu tố để làm biến đổi lực ngôn trung trong hành động cầu
khiến. Ví như với cùng một câu hỏi Con có ra ngoài với mẹ không?, ngữ điệu bình thường, nhẹ
nhàng sẽ làm cho tính áp đặt trong hành động cầu khiến nêu trên giảm nhẹ, người nghe còn
quyền để lựa chọn thực hiện. Nhưng nếu phát ngôn trên được thể hiện bằng ngữ điệu cao, gay
gắt sẽ tạo nên hành động áp đặt cao đối với người nghe, mang tính đe dọa thể diện cao. Tác giả
cũng cho rằng, đối với người Việt, ngữ điệu là một yếu tố có ý nghĩa quan trọng trong việc thể
hiện tính lịch sự bởi vì chính ngữ điệu đã làm cho câu cầu khiến trở nên thân tình, dịu dàng,
mềm mại và dễ được chấp nhận từ phía người nghe hơn. [15; 85]
Nguyễn Thiện Giáp (2008) cũng khẳng định ngữ điệu có chức năng thể hiện tình thái. Nó có
thể chỉ ra trạng thái tình cảm của người nói, người nói buồn hay vui, bình tĩnh hay bị kích động.
Ý nghĩa tình thái của ngữ điệu phải được xem xét trong ngữ cảnh gồm cả người nói và hoàn
cảnh. [20; 174]
Và thực tế khảo sát qua 25 tác phẩm mà đa số là các tuyển tập đã đưa lại cho chúng tôi số
liệu thống kê tần suất như sau:
Bảng 2.1.6:
STT Ngữ điệu Tần số %
1. dịu giọng 14 13.33
2. giọng dịu dàng 13 12.38
3. giọng ngọt ngào 11 10.48
4. giọng nhẹ nhàng 10 9.52
5. nói nhỏ 9 8.57
6.
giọng sẽ sàng/ khẽ/khẽ khàng/
dẽ dàng
8 7.62
7. giọng thân mật 7 6.67
8. hạ thấp giọng 5 4.76
9. giọng nhỏ nhẹ/ nhỏ nhẻ 5 4.76
10. giọng thỏ thẻ 5 4.76
11.
giọng mềm mại/ hòa nhã/ êm
như ru
4 3.81
12. giọng ôn tồn/ ân cần 4 3.81
13. giọng âu yếm 4 3.81
14. giọng mềm mỏng 3 2.86
15. giọng thẽ thọt 3 2.86
Tổng thể: 105
15 ngữ điệu – giọng điệu nêu trên đã tạo nên bức tranh phong phú cho việc sử dụng ngữ điệu
làm phương tiện biểu thị TTGN. Đứng vị trí thứ nhất về tần số xuất hiện là ngữ điệu dịu giọng
xuất hiện 14 lần chiếm 13.33%, tiếp đến là giọng dịu dàng với 13 lần chiếm 12.38%, vị trí thứ
ba là giọng ngọt ngào với 10.48% cho 11 lần xuất hiện. Thấp nhất là giọng mềm mỏng, giọng thẽ
thọt xuất hiện 3 lần chiếm 2.86%. Theo bảng trên, có thể thấy tần số sử dụng giảm dần và không
quá chênh lệch đối với từng ngữ điệu. Rõ ràng, trong từng hoàn cảnh cụ thể, người nói sẽ lựa
chọn cách sử dụng ngữ điệu thích hợp để đạt được hiệu quả giao tiếp, tạo dựng mối quan hệ liên
nhân tốt đẹp giữa các đối ngô
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVNNH031.pdf