Luận văn Tinh thần nhân văn trong thơ Thiền Tuệ Trung

MỤC LỤC

LỜI CAM ĐOAN . 1

MỤC LỤC . 2

MỞ ĐẦU. 4

1. Lí do chọn đề tài.4

2. Lịch sử vấn đề .5

3. Phương pháp nghiên cứu .13

4. Đối tượng, mục đích nghiên cứu .13

5. Đóng góp của đề tài .13

6. Kết cấu đề tài.14

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG. 15

1.1. Khái niệm nhân văn và những biểu hiện của tinh thần nhân văn trong văn học.15

1.1.1. Khái niệm nhân văn .15

1.1.2. Những biểu hiện của tinh thần nhân văn trong văn học .19

1.2. Thời đại Lý – Trần và thơ Thiền Tuệ Trung.25

1.2.1. Thời đại Lý – Trần và Phật giáo Thiền tông thời Lý Trần .25

1.2.2. Tuệ Trung và thơ Thiền Tuệ Trung trong văn học Lý – Trần.30

CHƯƠNG 2: NỘI DUNG TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀNTUỆ TRUNG . 35

2.1. Nhân văn trong quan niệm về cuộc đời và con người .35

2.1.1. Thấu suốt lẽ “vô thường”.35

2.1.2. Thấu thị tinh thần “vong nhị kiến” .40

2.1.3. Tự tin, tự lực để “kiến tánh thành Phật” .44

2.2. Nhân văn trong cách ứng xử và hành động .49

2.2.1. Phá chấp để đạt đến tự do, an lạc cho tâm hồn.49

2.2.2. Hòa quang đồng trần để đem đạo đến cho đời .56

2.2.3. Tùy duyên, linh hoạt để sống hợp lẽ và hành động có ích, có hiệu quả.62

2.2.4. Tận tâm trong sự dẫn dắt, khai ngộ cho mọi người.67

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG

THƠ THIỀN TUỆ TRUNG. 75

3.1. Ngôn ngữ.75

3.1.1. Ngôn ngữ có sức biểu cảm mạnh:.75

3.1.2. Ngôn ngữ tượng trưng, ẩn dụ.793

3.1.3. Ngôn ngữ phi logic : .84

3.2. Thể thơ.88

3.2.1. Thể Đường luật .88

3.2.2. Thể cổ phong .93

3.3. Giọng điệu.98

3.3.1. Giọng thuyết giảng hùng biện, sắc sảo .98

3.3.2. Giọng tự tình tự do, phóng khoáng.102

3.3.3. Giọng trào lộng hóm hỉnh, ý nhị.105

KẾT LUẬN . 111

TÀI LIỆU THAM KHẢO . 113

PHỤ LỤC . 117

pdf129 trang | Chia sẻ: lavie11 | Lượt xem: 616 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Tinh thần nhân văn trong thơ Thiền Tuệ Trung, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
của ông, chúng ta không quá xa lạ với phong thái đầy tự tin vào năng lực chính mình của một bậc xuất trần thượng sĩ. Luôn tin chắc vào khả năng “kiến tánh”, đó là tinh thần tự tin; luôn khẳng định được sức mạnh nội lực bên trong con người, không dựa vào vào Phật, Tổ, đó là tinh thần tự lực. Tự tin và tự lực là hai yếu tố quan trọng để “kiến tánh” mà Thượng sĩ luôn muốn nhắc nhở, khai thị cho người đời sau. Rất tự tin, Tuệ Trung khẳng khái bảo với môn sinh: Hưu tầm Thiếu – thất dữ Tào – khê (Đừng có tìm Thiếu – thất với Tào – khê) Vì: Thể tính minh minh vị hữu mê (Thể tính vằng vặc, chưa có mê lầm) Cho nên, hãy cứ: Diệu khúc bản lai tu cử xướng Mạc tầm Nam Bắc dữ Đông Tê (Tây) (Khúc kỳ diệu “bản lai” nên cất giọng hát Chẳng phải tìm ở Nam Bắc với Đông Tây) (Thị chúng) [3; tr265] Trong tay Thượng sĩ luôn có sẵn chiếc gậy Thiền song, người cầm gậy lại có chút e ngại: Niêm lai khước khủng sơn hà toái Trác khởi hoàn phương nhật nguyệt lung (Nâng lên chỉ sợ non sông vỡ nát Dựng thẳng, e rằng mặt trời mặt trăng bị che khuất) (Trụ trượng tử) [3; tr266] Ẩn đằng sau sự e ngại kia là một khẩu khí Thiền đầy uy lực nội tại. Đó là lời xác chứng đồng thời là sự khai ngộ cho người học đạo về “cảnh giới” cao nhất của Thiền học. Do vậy, chúng ta không lạ gì khi Thượng sĩ nói: 48 Tam – xích Song lâm hà xứ hữu Lục hoàn Địa – tạng khoái nan phùng Túng nhiêu thế đạo kỳ khu thậm Bất nại tòng tiền bột tốt ông (Ba thước Song – lâm biết tìm chốn nào được? Sáu vòng Địa – tạng thật khó mà gặp gỡ Dẫu cho đường đời gập ghềnh biết mấy Chẳng còn ngại gì như ông già trước đây đi lại lật đật) (Trụ trượng tử) [3; tr266] Bởi lẽ, Thiền nhân khi ấy đã thừa tâm lực để “đập vỡ vòng kim cương”, “nuốt trọn tấm phên gai góc”: Đăng lung chàng phá kim cương quyển Lộ trụ hồn thôn lật cức bồng (Đèn lồng đập vỡ vòng kim cương Cột trần nuốt trọn tấm phên gai góc) (Tự đề) [3; tr267] Cái trí tuệ trùm khắp hư không pháp giới kia từ lúc này đã trở thành “sinh kế” của hành giả: Thanh phong minh nguyệt sinh nhai túc Lục thủy thanh sơn hoạt kế đa (Gió mát trăng thanh, sinh nhai đủ Non xanh nước biếc, kế sống dồi dào) (Giang hồ tự thích) [3; tr256] Đương nhiên, muốn “kiến tánh thành Phật” thật sự không phải là điều dễ dàng. Bằng chứng là, chỉ cần nhìn lại tương quan giữa những người học đạo Thiền và những người đã chứng ngộ Thiền. Người học đạo bao giờ cũng đông hơn người chứng đạo. Tổ vị được truyền từ Ấn Độ, Trung Hoa đến Việt Nam trước sau chưa quá trăm đời trong khi môn sinh 49 Thiền học thì đông vô số. Cho nên, cần phân định rõ ràng ranh giới giữa những bậc đạt đạo, thật sự “sống” trong đạo và những người “hiểu đạo”. Khẩu khí đầy tự tin của Tuệ Trung Thượng sĩ là khẩu khí của người đã “vào cửa”, đã “đến nhà”. Thượng sĩ có quyền được “ăn to nói lớn” vì ông đã và đang ở tại vị trí chứng đắc ấy. Còn người đến với Thiền chỉ trên phương diện “lý thuyết” thì phải hết sức cân nhắc. Song, trong một chừng mực nào đó, thông qua khẩu khí này, thông qua cách “khai thị” của Thượng sĩ, chúng ta có thể bước đầu hình dung được chiều sâu và tác dụng tích cực của Thiền học đối với cuộc sống con người. Nhìn ở phương diện văn chương, có thể xem thái độ xác quyết của Tuệ Trung khi khẳng định khả năng “kiến tánh thành Phật” ở con người là một quan niệm đầy tinh thần nhân văn. Trước hết là nhân văn trong cách đánh giá, nhìn nhận năng lực nội tâm của con người. Thượng sĩ đã nhìn con người bằng cái nhìn bình đẳng, “vô sai biệt” nên dù đứng ở vị trí là người đã đạt ngộ để khai thị cho hàng hậu học, chúng ta không hề thấy ở ông có thái độ phân ranh cao – thấp, ta - người. Thứ hai là nhân văn trong khẩu khí Thiền đầy dũng lực, trong phong độ Thiền hết sức “mẫu mực”. Không phải xuất phát từ tâm khí cao ngạo mà Tuệ Trung có khẩu khí lớn đến vậy. Trái lại, với khẩu khí ấy, ông muốn cho người học đạo thấy được giá trị và “tầm cỡ” đích thực của người “ngộ tánh” – con người luôn tự tin, tự lực để đến – đi giữa cuộc đời. Bởi vì, chỉ khi chúng ta đủ “tự tin” chúng ta mới có thể sử dụng hết mọi năng lực của mình. Cũng vậy, chỉ có “tự lực” mới có thể trụ vững trên mảnh đất bình an của tâm thức không dời không đổi, không lay không chuyển. Từ đây, có thể thấy tinh thần tự tin, tự lực để “kiến tánh thành Phật” trong thơ Thiền Tuệ Trung là một quan niệm đầy tính nhân văn tích cực. Nó góp phần hoàn chỉnh hơn hình ảnh về “con người tự do, giải thoát’ trong thơ Thiền trung đại. Đặt vào hoàn cảnh thực tế của cuộc sống, quan niệm này đã bước đầu hình thành cho con người lòng tin chắc thật vào chính mình, vào năng lực tâm linh vô hạn nơi mỗi cá nhân. Như vậy, tinh thần nhân văn của thơ Thiền Tuệ Trung Thượng sĩ không chỉ có giá trị trong lĩnh vực Thiền học mà còn có ý nghĩa thực tiễn hết sức tích cực đối với đời sống con người. 2.2. Nhân văn trong cách ứng xử và hành động 2.2.1. Phá chấp để đạt đến tự do, an lạc cho tâm hồn “Phá chấp” là một trong những điểm nổi bật của tư tưởng Thiền Tuệ Trung. “Phá chấp” tức là buông bỏ những gì đã có sẵn, đã được ấn định, được “đóng khung” trong tư tưởng và quan niệm của mỗi con người. Chính những ấn định có sẵn này là nguyên nhân 50 dẫn đến đau khổ. Bởi lẽ, một khi đã ấn định trước một sự việc, hiện tượng nào đó, chúng ta thường mặc nhiên ấn định luôn cả kết quả cần đạt được. Một khi sự việc diễn ra không như mong đợi, chúng ta dễ dàng rơi vào tâm trạng bế tắc, buồn bực, bất an, chán nản,. Nhìn ở một góc độ khác, đời thường hơn,“chấp” chính là một biểu hiện của “bản ngã’, của “cái tôi” tiềm ẩn trong mỗi con người, hơn nữa, đó là một cái tôi nhiều tham vọng, lắm mong cầu. Hiểu theo nghĩa thấp nhất, “chấp” cũng có nghĩa là “cố chấp”, là “không đủ can đảm” để nhìn vào “sự thật”. Như vậy, “chấp” hay “chấp trước” (theo ngôn ngữ Thiền) là một biểu hiện của sự yếu đuối trong tâm hồn mỗi con người. Từ trong sâu thẳm tâm linh, khi cảm thấy mình yếu đuối, lạc lõng, cô đơn, chúng ta luôn cố tìm nơi để “bám víu”, đó chính là “chấp”. Chỉ khi nào đủ can đảm “phá chấp”, chúng ta mới có thể trở thành con người thật sự tự do, an lạc. Và, cao hơn nữa, khi đã “phá chấp” triệt để, chúng ta sẽ đạt đến cảnh giới “vô ngã” trong Phật đạo. Nhắc đến vấn đề “phá chấp” của Tuệ Trung Thượng sĩ, chúng ta thường hay nghe nói về câu chuyện giữa Thượng sĩ và Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Thượng sĩ đã nhân cơ hội của buổi tiệc mà “khai thị” cho Hoàng Thái Hậu về cái nhìn “vô phân biệt”: “Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật. Phật cũng chẳng cần làm anh. Cô chẳng nghe các bậc cổ đức nói: Văn Thù là Văn Thù, Giải Thoát là Giải Thoát đó sao?” [22; tr 222]. Lời nói này, thoạt nghe có vẻ như “ngạo mạn”, tuy nhiên, đứng ở vị trí Thiền học để nhìn nhận thì đây chính là “khí phách” của hành giả Thiền tông chân chính. Thiền sư Quảng Nghiêm cũng từng nói về điều này, với một khẩu khí tương tự: “Nam nhi tự hữu xung thiên chí Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” (Nam nhi tự mình có cái chí tung trời Đừng đi theo bước đi của Như Lai) [22; tr 541] Nói về tinh thần “phá chấp” của Tuệ Trung Thượng sĩ, các nhà nghiên cứu thường nhắc đến “pháp môn bất nhị”, quan niệm “lưỡng nguyên”, tính chất “bất nhị” của vạn pháp cùng với lời kêu gọi “trở về thực tại”, “sống trong thực tại” được ông đề cập đến khá nhiều trong thơ và ngữ lục của mình. Điều này hoàn toàn không sai. Tuy nhiên, để có thể đánh giá một cách đầy đủ về giá trị nhân văn trong tác phẩm Tuệ Trung cần có một sự phân định mang tính hệ thống hơn về tinh thần “phá chấp” này. Qua việc tổng hợp, nghiên cứu các bài 51 thơ Thiền và ngữ lục của Tuệ Trung Thượng sĩ, chúng tôi tạm chia tinh thần “phá chấp” của ông thành hai kiểu: phá chấp đối với ngoại cảnh và phá chấp đối với tâm cảnh. Phá chấp đối với ngoại cảnh tức là thái độ không bám víu vào những nhân tố khách quan . Yếu tố “ngoại cảnh” được đề cập đến trong thơ Thiền Tuệ Trung khá phong phú, đa dạng. Song, có thể khái quát lại trong hai yếu tố: cảnh sắc thiên nhiên, quy luật vận động của vũ trụ. Nằm trong khuynh hướng chung của văn học trung đại, Tuệ Trung Thượng sĩ cũng có không ít những bài thơ viết về vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên và những suy ngẫm của con người trước cuộc đời vô cùng vô tận. Tuy nhiên, có thể thấy, điểm đặc biệt làm nên tinh thần nhân văn trong thơ Thiền Tuệ Trung nằm ở chỗ Thượng sĩ không phải thuộc vào hàng ngũ những thi sĩ tức cảnh, vịnh cảnh để tỏ chí, tỏ tình thuần túy. Cảnh trong thơ ông mang hai vẻ đẹp: rất đời nhưng cũng rất đạo – đạo của đời, một cuộc đời ở tầm cao triết lý và chiều sâu nhân thế. Ở góc độ đơn giản nhất, Tuệ Trung Thượng sĩ đi vào đả phá quan niệm quá coi trọng những tác động từ bên ngoài đến tâm hồn con người. Đa phần chúng ta thường nghĩ, muốn “an tâm” phải tìm nơi vắng vẻ, phải có một không gian thật thanh tịnh, yên tĩnh, xa rời mọi sự ồn ào của thế tục. Đây cũng là điều thường thấy ở những người tu Phật buổi đầu. Tuy nhiên, với Tuệ Trung Thượng sĩ thì khác. Với ông, đâu đâu cũng là chốn để “an tâm”: Bất yếu chu môn, bất yếu lâm Đáo đầu hà xứ bất an tâm (Chẳng cần cửa son cũng chẳng cần rừng Rốt cuộc, chốn nào là chẳng an tâm) (Phỏng Tăng Điền đại sư) [3; tr 228] Như vậy, cửa son hay rừng xanh vốn cũng chỉ là yếu tố “ngoại lai” so với tâm hồn con người. Tự bản thân nó không thể khiến chúng ta “an tâm” hay “vọng tâm”. Mang một cái tâm ngổn ngang, bề bộn dù có lên non cao rừng thẳm cũng không thể an. An hay bất an là do chính nơi bản thân chúng ta, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào ngoại vật. “Chấp” vào ngoại cảnh để “an tâm” sẽ khiến con người trở nên bị “lệ thuộc”, “ràng buộc” nhiều hơn. Bởi lẽ, một khi đã mang tâm lý “chờ đợi”, “nương nhờ” vào bên ngoài, con người dần dần mất đi sự tự do của chính mình. Có “cảnh an” mới có “tâm an”. Vậy, một khi không có “cảnh an” thì chúng ta phải làm sao? Có gì đảm bảo chắc chắn rằng cảnh kia lúc nào cũng 52 có, hoặc lúc nào cũng an trong khi vạn pháp vốn vô thường? Ở đây, Thượng sĩ đã chỉ rõ cho người đọc thấy rằng chúng ta phải đứng vững trên mảnh đất tâm của chính mình chứ đừng “nương tựa cửa nhà người”. Được như vậy, con người mới có thể “đứng đúng” với tư thế của mình giữa cuộc đời này – tư thế của một người hoàn toàn tự do, an lạc. Cho nên, với Tuệ Trung Thượng sĩ, lắng nghe tiếng vượn hú nơi rừng sâu cũng thú vị như ngắm nhìn vẻ đẹp của núi non hùng vĩ, rực rỡ: Nhân gian tận kiến thiên sơn hiểu Thùy thính cô viên đề xứ thâm (Người đời hết thảy chỉ nhìn thấy nghìn non sáng sủa Nào ai nghe tiếng vượn cô đơn kêu nơi rừng thẳm) (Phỏng Tăng Điền đại sư)[3; tr 228] Trong suy nghĩ của phần đông chúng ta, tiếng vượn nơi rừng thẳm không phải là âm thanh được “đón đợi” hay “mong muốn lắng nghe”. Chúng ta sẵn sàng mở lòng để ngắm nhìn vẻ đẹp của nghìn non sáng sủa vì tận sâu trong lòng mình, từ rất lâu rồi, chúng ta đã “mặc định” cho nó một giá trị: đó là cái đẹp của sự thanh tĩnh, hoang sơ, vượt ngoài thế tục. Còn tiếng vượn lại được “gán ghép” với sự buồn bã, thâm u, tịch mịch, cô liêu Đó chính biểu hiện của thái độ “chấp trước”. Ở đây, Tuệ Trung Thượng sĩ đã khéo léo chỉ ra cho người đọc thấy được cái nhìn thiên kiến, đầy lệ thuộc của tâm thức con người vào ngoại cảnh. Tự bản thân những tác nhân này không đẹp cũng không xấu, không thanh tịnh cũng không ô uế, chẳng qua do sự ấn định của chúng ta mà ra. Ở góc độ rộng hơn, khi nhìn vào quy luật vận động của vũ trụ, Thượng sĩ chỉ cho chúng ta thấy vũ trụ có quy luật vận hành riêng của nó. Thành – trụ - hoại – không đã thành là định luật ngàn đời. Không nên vì sự vật được “thành” hay “trụ” mà vui sướng, cũng đừng vì chúng bị “hoại”, “không” mà buồn khổ. Cũng vậy, đời sống con người thấm thoắt trôi qua, còn – mất chỉ trong chớp mắt, đừng quá bám víu vào nó, thì sẽ không phải khổ đau, nuối tiếc khi nó không còn. Theo Tuệ Trung Thượng sĩ, bậc trí giả không “chấp”, không tham cầu sự bất biến của vạn vật trong trời đất nên không cần nhọc công đi tìm thuốc trường sinh. Chỉ cần sống trọn vẹn giá trị đời mình cho “hiện tại” là đủ: “Tiểu căn dục vấn trường sinh dược Tác giả na cầu bất tử phương” 53 (Kẻ căn cơ thấp kém mới hỏi thuốc trường sinh Bậc đại đức cao tăng thì tìm làm gì phương thuốc bất tử) (Họa huyện lệnh) [3; tr 251] Một khi không còn “chấp” vào quy luật vận hành của vũ trụ, chúng ta chẳng cần phải lo lắng những điều bất như ý sẽ xảy đến. Bởi lẽ, giá trị đích thực của đời sống không nằm nơi ngoại cảnh mà ở trong tâm thức của con người. Không ấn định, chẳng cần đặt để trước bất cứ giá trị nào cho ngoại cảnh, chúng ta sẽ mở rộng cửa tâm thức để đón nhận được chân nguyên giá trị của vạn vật trong trời đất. Điều đó cũng có nghĩa là, chúng ta sẽ trở thành một con người hết sức tự do, hoàn toàn an lạc trong mọi hoàn cảnh. Bên cạnh tinh thần “phá chấp đối với ngoại cảnh”, thơ Thiền Tuệ Trung còn đi sâu hơn vào cõi tâm của con người, tiếp tục cởi bỏ những gông xiềng vô hình và hết sức tinh tế của hành giả Thiền tông trong quá trình hành pháp: Phá chấp đối với tâm cảnh. Ở đây, chúng tôi hiểu “tâm cảnh” là “cảnh giới nội tâm” của con người trong quá trình hành Thiền từ giai đoạn sơ khởi đến đạt ngộ. Trong giới hạn vấn đề như trên, chúng tôi chia tinh thần “phá chấp đối với tâm cảnh” của Tuệ Trung thành ba dạng: phá chấp kiến thức Phật học, phá chấp quá trình công phu và phá chấp cảnh giới chứng đắc. Phá chấp kiến thức Phật học, Tuệ Trung Thượng sĩ chủ trương “gỡ bỏ” mọi “gánh nặng” kiến thức, tri thức thiên về “lý thuyết” cho người học đạo. Ngay từ bước đầu đến với Thiền, Thượng sĩ muốn chúng ta hãy bước những bước chân “không vướng bận”, những bước chân thật sự tự do, an lạc. Nói theo tinh thần nhân quả của nhà Phật, đó là “gieo nhân tự do” để “gặt quả tự do”. Trước hết, Tuệ Trung đi vào đả phá cái nhìn nhị biên, lưỡng cực của phần đông con người khi đến với đạo: bỏ xấu lấy tốt, bỏ vọng cầu chân, bỏ mê tìm ngộ. lìa sinh tử đến Niết bàn. Thượng sĩ đã chỉ rõ rằng khái niệm trên chỉ là “phương tiện quyền biến” của các chư Phật và các bậc Tổ đức ngày trước đưa ra nhằm hóa độ cho người học đạo sơ cơ: “Sắc tức thị không, không thị sắc Tam thế Như Lai phương tiện lực Không bản vô sắc, sắc vô không Thể tính minh minh phi thất đắc 54 (Sắc tức là không, không tức sắc Ba đời chư Phật quyền biến đặt Không vốn không sắc, sắc không không Thể tính sáng làu chẳng được mất) (Đối cơ) [3; tr 316, 324] Quan niệm này của Tuệ Trung không khác gì lời “khai thị” cuối cùng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã trước khi Ngài nhập Niết Bàn: “Suốt 49 năm, ta chưa hề nói một lời”. Từ đây, có thể thấy giá trị cao tột của thái độ “phá chấp” trong Thiền học Tuệ Trung nói riêng, Phật giáo Thiền tông nói chung đều bắt nguồn từ tinh thần nhân văn, cái nhìn đầy tính nhân bản đối với con người. Sau khi đã “phá chấp về kiến thức Phật học”, Tuệ Trung kêu gọi mọi người hãy quay về tìm lại chính mình, đừng tiếp tục giong ruổi kiếm tìm, nương tựa vào bên ngoài: “Báo quân hưu ỷ tha môn hộ Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa” (Báo cho anh biết đừng có dựa vào cửa ngõ nhà người khác Chỉ một chấm sáng mùa xuân vừa lóe hiện thì khắp chốn đều nở hoa) (Thị học) [3; tr 232] Không “nương tựa cửa nhà người” với Tuệ Trung Thượng sĩ còn có nghĩa rộng hơn là không nương tựa cả vào “pháp môn”, phương thức thực hành thiền tập. Không ít lần, ông đã nói về quá trình “công phu” của hành giả Thiền: “Thanh văn tọa thiền, ngã vô tọa Bồ Tát thuyết pháp, ngã thực thuyết” (Thanh Văn ngồi thiền, ta không ngồi Bồ Tát thuyết pháp, ta nói thực) (Sinh tử nhàn nhi dĩ) [3; tr 282] 55 Trong phần “Đối cơ” của “Thượng sĩ ngữ lục”, Tuệ Trung nói rõ hơn cái nhìn của mình về việc “quá trình công phu”: “Lại hỏi: - Ngồi thiền tập định thì thế nào? Sư đáp: - Vua chúa xuống xe chào ếch bướng Lại hỏi: - Không ngồi thiền tập định thì thế nào? Sư đáp: - Thuyền Phạm Lãi sông hồ thỏa thích” [3; tr 323] Theo Thượng sĩ, “quá trình công phu” khó nhọc của con người cũng như hệ thống kinh điển đều “không cần thiết”. Bởi vì: “Tự thị quyện thời tâm tự tức, Bất quan nhiếp niệm bất quan thiền” (Khi nào mỏi mệt thì tâm tự tắt Chẳng cần niệm Phật, chẳng cần Thiền) (Ngẫu tác) [3; tr 233] Nói theo tinh thần “Kinh Kim Cang”, công phu mà không công phu, đó mới thật là công phu, chính là điều mà Tuệ Trung Thượng sĩ muốn người học Thiền hướng đến. Theo logic này, chúng ta không khó để lý giải vì sao Thượng sĩ lại “phá chấp cảnh giới chứng đắc” của hành giả Thiền tông. Phong độ Thiền thật sự là “như như”, “như nhiên”, không có trước sau. Cho nên, đọc thơ Thiền và ngữ lục của Thượng sĩ, chúng ta luôn thấy hiển hiện một “phong độ Thiền” hết sức an nhiên, tự tại. Và, Thượng sĩ gọi đó là “gia phong” của mình: “Nhàn phao nham quả hô viên tiếp Lãn điếu khê ngư dẫn hạc tranh” (Nhàn, kêu vượn đón quả rừng Lười, câu cá suối kêu hạc cùng tranh) 56 (Đối cơ) [3; tr 315 - 322] Với một thiền phong đầy bản lĩnh, tự do, vô ngã, Tuệ Trung đã cho người đọc thấy và cảm nhận thật sâu sắc về giá trị của tinh thần “phá chấp”. Tuy nhiên, cần phân định rõ rằng, thái độ “phá chấp” của Tuệ Trung trong trường hợp này chỉ dành cho những người học Phật thuộc hàng “thượng căn”, những bậc “thượng thủ” trong giới Thiền học. Nó không dành cho kẻ sơ cơ mới nhập đạo. Ở đây, không phải Tuệ Trung phủ nhận vai trò của “kiến thức Phật học”,“quá trình công phu” hay giá trị của những “cảnh giới chứng đắc” mà chỉ muốn nhắc nhở mọi người đừng chấp chặt vào đó. Nó chỉ là chiếc bè để qua sông, một khi đã qua sông thì phải bỏ lại chiếc bè kia. Có như vậy mới đạt đến “chân giải thoát”, mới thật sự là người tự do, tự tại, an lạc từ tâm đến thân. Có thể nói thái độ “phá chấp” trong thơ Thiền Tuệ Trung đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giá trị và chỗ đứng đúng đắn của bản thân trong cuộc đời. Chỉ khi thật sự không còn “vướng mắc”, mới có thể trở thành người tự do, an lạc, giải thoát. Không cần phải rong ruổi tìm cầu ở một phương trời xa xôi nào, bởi ngay nơi khởi nguồn của sự sống, con người vốn đã tự do và luôn tự do. Đây chính là giá trị nhân văn của thơ Thiền Tuệ Trung: Đưa ra một cách hành xử mang tinh thần cởi mở, lạc quan cho con người trước cuộc đời, khai phóng tâm thức con người khỏi những giá trị được ước định từ trước. 2.2.2. Hòa quang đồng trần để đem đạo đến cho đời “Hòa quang đồng trần” vốn là thuật ngữ của Lão Giáo được giới phật tử dùng để diễn tả thái độ dấn thân và hòa mình của các vị Bồ Tát trong cuộc đời. Theo tác giả Nguyễn Lang: “Truyền thống hòa quang đồng trần có lẽ có thể tìm thấy từ thiền sư Thường Chiếu ở chùa Lục Tổ, người làm gạch nối giữa Phật giáo – ba – tông – phái đời Lý và Phật giáo – một – tông – phái đời Trần” [17; tr 259]. “Hòa quang đồng trần” là tư tưởng cốt lõi của Thiền học Tuệ Trung nói riêng, Thiền tông Việt Nam thời Lý – Trần nói chung. Cuộc đời cũng như thơ ca, ngữ lục của Tuệ Trung Thượng sĩ là minh chứng rõ nét nhất cho phong cách sống “hòa quang đồng trần” – trộn lẫn cùng thế tục, hòa cùng ánh sáng chứ không trái hẳn với người đời. Nói một cách khác, đây là lối sống, hành xử “tùy tục”, thuận theo quan niệm và “chuẩn mực” đạo đức của phần đông con người. Song, cần lưu ý rằng, “tùy tục” không đồng nghĩa với thái độ thụ động, bị cuốn theo dòng chảy cuộc đời của con người trước thế tục. “Hòa quang đồng trần” là tư thế đầy chủ động của bậc chân nhân đạt đạo khi bước chân vào cuộc đời. Và, ở đây “hòa quang đồng trần” nhưng “bất nhiễm trần” mới 57 chính là cách hành xử của Tuệ Trung Thượng sĩ. “Hòa quang đồng trần” để có thể nhìn ngắm, tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của trần gian: “Đường trung đoan tọa tịch vô nghiên (ngôn) Nhàn khán Côn Luân nhất lũ yên” (Ngồi ngay ngắn giữa nhà, lặng lẽ không nói Thảnh thơi nhìn một tia khói trên núi Côn Luân) (Ngẫu tác) [3; tr 233] Để thảnh thơi vui thú giang hồ: “Tiểu đĩnh trường giang đãng dạng phù Du dương trạo bát quá than đầu” (Thuyền nhỏ lênh đênh trên dòng sông dài Mái chèo nhịp nhàng lướt qua đầu ghềnh) (Giang hồ tự thích) [3; tr 244] Để cảm nhận cuộc sống tiêu dao, tự tại: Thanh phong minh nguyệt sinh nhai túc Lục thủy thanh sơn hoạt kế đa Hiểu quải cô phàm lăng hãn mạn Vãn hoành đoản địch lộng yên ba (Gió mát trăng thanh, sinh nhai đủ Non xanh nước biếc, kế sống dồi dào Buổi sớm, kéo cánh buồm cô đơn băng mặt nước mênh mông Chiều hôm, cầm ngang chiếc sáo ngắn, đùa với khói sóng) (Giang hồ tự thích) [;3; tr 256] Và lắng nghe trọn vẹn: “Nhất thanh hà xứ tân lai nhạn Trắc giác thu phong biến thập châu” (Từ đâu vẳng lại một tiếng nhạn mới 58 Bất giác thấy gió thu thổi khắp mười cõi) (Giang hồ tự thích) [3; tr 244] Nếu tinh tế một chút, chúng ta dễ dàng nhận ra “dụng tâm” của Tuệ Trung khi dấn thân, nhập cuộc, “hòa quang đồng trần”: đem đạo đến cho đời, cho người. Đạo của Tuệ Trung không gì khác hơn là đạo của đời, một cuộc đời mà ở đó con người hoàn toàn tự chủ, tự do từ thân xác đến tâm hồn. Đạo ấy không được phát biểu bằng hệ thống giáo lý hay triết thuyết; đạo ấy xuất nguồn từ chính con người Tuệ Trung, “gia phong” Tuệ Trung. Do vậy, đó là một loại đạo hết sức sống động, linh thông “vô quái ngại”. Âm thanh của “tiếng nhạn mới” và phút giây con người nhận cảm được “gió thu thổi khắp mười cõi” chính là đạo. Âm thanh tiếng nhạn, ngọn gió mùa thu mênh mang sương khói không phải là mới, nếu không muốn nói là quá quen thuộc trong văn học trung đại. Từ không khí lãng đãng, cổ điển của Đường Thi Trung Hoa đến Việt Nam, tiếng nhạn, gió thu đã trở thành một phần của cảm xúc thơ, thành phương thức để gửi gắm tâm tình của thi nhân. Ở đây chúng tôi đặc biệt chú ý đến cái “chất” “mới”của âm thanh (tân lai nhạn) và phạm vi của ngọn gió thu (khắp mười cõi). Không phải “nhạn kêu sương” thâm u, thảm não của thơ Đường xưa cũ; không phải không gian se sắt, hoài nhớ của mùa thu truyền thống; “tân lai nhạn” của Tuệ Trung mở ra một “cuộc sống mới” với “âm thanh mới”, một điểm nhìn mới, rất mới. Mới ở cảm nhận, mới ở “phong độ”, ở tư thế của người ngắm cảnh. “Tiếng nhạn mới” là tiếng nhạn vừa vang lên lần đầu, vừa mới được lắng nghe ngay trong phút giây này, thời khắc này. Thời khắc ấy không gì khác hơn chính là phút giây “đạt ngộ” của con người. Chỉ có con người ở tư thế ấy mới cảm nhận đầy đủ và đúng đắn giá trị của vạn vật đang vận hành trước mắt. Với họ, bất cứ âm thanh, hình ảnh nào cũng đều là mới và luôn là mới. Vì luôn mới nên nó luôn đẹp, đẹp đúng với vẻ đẹp thật của nó. Hơn thế nữa, vẻ đẹp kia còn được “nới rộng” đến vô cùng về phạm vi tồn tại. Cho nên, Tuệ Trung Thượng sĩ mới cảm nhận được “gió thu thổi khắp mười cõi” chỉ trong khoảnh khắc (trắc giác). “Mười cõi” ở đây là hình ảnh tượng trưng tương đối cho phạm vi thực của “gió thu”. Đây là điểm khác biệt tinh tế giữa Thi nhân và Thiền nhân. Thi nhân “thấy” bằng cảm giác, cảm xúc, bằng sự nhạy cảm của giác quan. Trong khi đó, Thiền nhân “thấy như thật”, thấy đúng bản chất của vạn vật, thấy bằng “con mắt của chính nó”. Để “thấy” được như thế, trước hết Thiền nhân phải có khả năng “trở thành” vật đang ở trước mắt, bên tai mình. Đó là trạng thái “chân như”, “vô ngã” của tâm linh cao tột. Đó chính là “hòa quang đồng trần” của Thượng sĩ Tuệ Trung: Dấn thân, nhập 59 cuộc để trải nghiệm “đến nơi đến chốn” đời sống trần thế nhưng không “đắm nhiễm” trần thế. Đôi khi, chúng ta nghe trong thơ Thiền Tuệ Trung có hơi hướm của những dòng thơ đời như: Tối ái thanh tùng chủng kỉ niên, Hưu ta địa thế sở cư thiên Đống lương vị dụng nhân hưu quái, Dã thảo nhàn hoa nhãn mục tiền. (Mấy năm yêu dấu gốc tùng xanh Đừng thở than rằng đất vắng tanh Tài rường cột chưa được dùng, người đời chớ lấy làm lạ Nơi đây cỏ nội hoa nhàn đầy cả trước mắt) (Giản để tùng) [3; tr 234] Hay: Tiêu đầu lạn ngạch bị kim bào, Ngũ thất niên gian thị xưởng tào Túng dã siêu quần kim bạt tụy Nhất hồi phóng hạ nhất hồi cao (Cháy đầu bỏng trán thì được mặc áo bào vàng Còn mình năm bảy năm nay vẫn ở nơi xay giã Nếu là bậc siêu quần xuất chúng Thì cứ mỗi lần hạ xuống lại một lần lên cao) (Chiếu thân) [3; tr 240] Nhìn theo góc độ “trần thế”, có thể xem đây là “tiếng thở dài” mang đầy hơi ấm người đời hay lời “tâm sự” của Thượng sĩ về giá trị, công trạng, tài năng của mình trước cuộc đời. Nói như tác giả Nguyễn Văn Hồng trong bài viết TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ – CON MẮT THÔNG TUỆ, RỪNG THIỀN BA PHÍA, ở đây “Trần Tung sòng phẳng nói lên nỗi uất ức trước sự bất công của triều đình đối với những đóng góp của ông” [23; tr 91]. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Nếu chỉ căn cứ vào hai bài thơ với một “phần tử” “tiếng than” ít ỏi trong cả một “tập hợp” thơ Thiền Tuệ Trung để đánh giá thì e rằng, trong vô tình, 60 chúng ta đã “hạ giá” một bậc xuất trần thượng sĩ. Bởi lẽ, một con người đã tự tại với việc

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftvefile_2014_05_26_4729424886_6508_1872370.pdf
Tài liệu liên quan