Quan hệ kinh tế - Xã hội của Việt Nam với các nước hạ nguồn sông Mekong từ năm 1802 đến năm 2018

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT vi

MỞ ĐẦU 1

1. Lý do chọn đề tài 1

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3

2.1. Đối tượng nghiên cứu 3

2.2. Phạm vi nghiên cứu 5

3. Mục đích nghiên cứu 6

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 6

4.1. Cơ sở lý luận 6

4.2. Phương pháp nghiên cứu 6

5. Nguồn tư liệu 7

6. Những đóng góp mới của luận án 7

6.1. Về phương diện khoa học 7

6.2. Về phương diện thực tiễn 8

7. Cấu trúc của luận án 8

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI “QUAN HỆ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA VIỆT NAM VỚI CÁC NƯỚC HẠ NGUỒN SÔNG MEKONG TỪ NĂM 1802 ĐẾN NĂM 2018” 10

1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 10

1.1.1. Các công trình nghiên cứu tổng quan về khu vực sông Mekong 10

1.1.2. Các công trình nghiên cứu về quan hệ kinh tế - xã hội ở khu vực sông Mekong 11

1.2. Các công trình nghiên cứu ở Việt Nam 14

1.2.1. Các công trình nghiên cứu tổng quan về khu vực sông Mekong 14

1.2.2. Các công trình nghiên cứu về quan hệ kinh tế - xã hội của Việt Nam với các nước Hạ nguồn sông Mekong trong khuôn khổ song phương 14

1.2.3. Các công trình nghiên cứu về quan hệ kinh tế - xã hội của Việt Nam với các nước Hạ nguồn sông Mekong trong khuôn khổ đa phương 18

1.3. Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu 19

1.3.1. Về các công trình nghiên cứu ở nước ngoài 19

 

docx248 trang | Chia sẻ: honganh20 | Ngày: 14/03/2022 | Lượt xem: 340 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Quan hệ kinh tế - Xã hội của Việt Nam với các nước hạ nguồn sông Mekong từ năm 1802 đến năm 2018, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
quyền sử dụng quân đội Mỹ ở nước ngoài của Tổng thống. Tiếp đó, ngày 30/06/1970, thượng viện Mỹ thông qua quyết định bổ sung – cấm sử dụng thêm quân Mỹ ở Campuchia. Đây là một trong những nguyên nhân buộc Nixon phải rút quân khỏi Campuchia. Trong năm 1971, quân dân Việt Nam đã phối hợp với quân dân Lào, Campuchia đánh bại ba cuộc hành quân Lam Sơn 719, Toàn thắng 1/71 và Quang Trung 4 của đối phương trên ba địa bàn chiến lược là Đường 9–Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Ngã ba biên giới. Những thắng lợi này đã làm thay đổi cục diện chiến trường, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết của ba nước Đông Dương. Thắng lợi của Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ trên không vào cuối tháng 12/1972 đã góp phần đem lại thắng lợi của mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris vào đầu năm 1973. Kết quả đàm phán tại Paris không chỉ đem lại điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt nam mà tại Campuchia, Mỹ cũng chấm dứt hoàn toàn việc ném bom; rút quân khỏi Thái Lan; giảm dần viện trợ cho các chế độ thân Mỹ ở khu vực. Điều này đã tạo ra sự so sánh lực lượng mới có lợi cho cách mạng ở Đông Dương. Đây là một trong những nhân tố quan trọng đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/04/1975. Ở Campuchia, lực lượng vũ trang của Chính phủ liên hiệp đoàn kết dân tộc (FUNCIPEC) được Quân đội nhân dân Việt Nam hỗ trợ đánh bại quân đội của Lon Nol. Ngày 12/04/1975, Phnom Penh được giải phóng. Thắng lợi của cách mạng Campuchia và Việt Nam đã cổ vũ tinh thần của lực lượng kháng chiến Lào. Tháng 12/1975 chế độ quân chủ ở Lào bị lật đổ và thay thế bằng chế độ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân do lực lượng Pathet Lào lãnh đạo. Năm 1975 đã khép lại bằng những thắng lợi vang dội của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân các nước Đông Dương, đồng thời mở ra trang sử mới trong lịch sử khu vực Hạ nguồn sông Mekong. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã chấm dứt trong thắng lợi, song những hậu quả của nó để lại không chỉ gieo nỗi ám ảnh trong lòng người Mỹ, mà đối với các quốc gia trong khu vực vốn đã chịu quá nhiều thương tổn về vấn đề chủ quyền lãnh thổ trong suốt hơn một thế kỷ, phải mất đến gần 20 năm sau đó mới có thể khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Mặt trận đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương Trong giai đoạn 1955-1975, Việt Nam đã dốc lòng giúp đỡ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân Lào. Bảng 3.5: Số lượng cán bộ, chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam sang hỗ trợ cách mạng Lào. (Thống kê tại thời điểm đạt số người cao nhất trong từng giai đoạn) Giai đoạn 1955-1957 1959-1960 1961-1964 1966-1968 1969-1972 1973-1974 1975 Số người 849 100 14.599 26.939 51.135 42.894 30.000 Nguồn: (Bộ quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 2015, tập IX, tr. 530-531). Bảng 3.6: Giá trị viện trợ vật chất của Việt Nam cho Lào. Đơn vị tính: Việt Nam đồng Giai đoạn 1961-1964 1965-1968 1969-1972 1972-1973 1975 Giá trị viện trợ 48.908.000 67.560.000 162.721.000 149.596.000 71.125.404 Nguồn: (Bộ quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 2015, tập IX, tr. 531). Tổng lượng vật chất quy tiền từ năm 1960 đến năm 1975 Việt Nam viện trợ cho Lào là 523.791.907 đồng (Bộ quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 2015, tập IX, tr. 531). Ông Cay xỏn Phômvihản - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã nói: “Có thể khẳng định rằng trong mọi sự thành công của cách mạng Lào, đều có sự đóng góp trực tiếp của cách mạng Việt Nam, trên mỗi chiến trường của tổ quốc thân yêu của chúng tôi, đều có xương máu của các chiến sĩ quốc tế Việt Nam hòa lẫn với xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Lào chúng tôi” (Cay xỏn Phômvihản, 1978, tr. 184). Không chỉ gắn bó với cách mạng Lào, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, quân dân hai nước Việt Nam và Campuchia cũng xây dựng mối quan hệ bền chặt. Vùng biên giới Campuchia giáp ranh với Việt Nam, theo cách gọi của Mỹ là “đất thánh cộng sản” có chiều dài dọc biên giới hai nước và chiều sâu vào nội địa Campuchia khoảng trên 30 km. Chính các vùng đất này đã từng là nơi đứng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến, cơ sở hậu cần, các căn cứ chiến lược; nơi góp phần duy trì, bảo tồn thực lực cách mạng cho cuộc kháng chiến của nhân dân Miền Nam Việt Nam và là địa bàn của nhiều nhánh đường vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn đi qua. Nhân dân Campuchia trên dọc tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia đã từng nhường cơm, xẻ áo, hết lòng ủng hộ và tích cực giúp đỡ các lực lượng cách mạng miền Nam trong những thời điểm nguy cấp của kháng chiến. Về phía Việt Nam, sau ngày Hiệp định Genève được ký kết, lực lượng Khmer Ixarak bị buộc phải giải tán tại chỗ, không có vùng tập kết, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã chủ trương cố gắng bảo vệ lực lượng yêu nước Campuchia. Hơn 1.000 cán bộ, trong đó có gần 200 đảng viên Campuchia được tập kết về miền Bắc, trong số đó có Bí thư Trung ương Đảng và hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Campuchia (Bộ quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 2015, tập IX, tr. 520). Từ năm 1970, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia, thực hiện chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chỉ huy Miền quyết định khẩn trương điều động một bộ phận lực lượng sang giúp cách mạng Campuchia xây dựng hệ thống căn cứ địa: C10 (thuộc Kratie và Mondulkiri), C20 (thuộc Kongpong Cham), C30 (thuộc Xvay Rieng, Prey Veng), C40 (thuộc Seam Reap va Battambang). Khi quân đội giải phóng dân tộc Campuchia ra đời (04/05/1970), Việt Nam tiếp tục tăng cường cố vấn quân sự sang giúp quân đội nước bạn xây dựng và huấn luyện lực lượng. Từ các đơn vị nhỏ lẻ, đến cuối năm 1970, lực lượng cách mạng Campuchia đã có 27 trung đội, 53 đại đội và 9 tiểu đoàn với tổng quân số 10000 người (Bộ quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 2015, tập IX, tr. 524). Khi Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên toàn miền Nam Việt Nam có thêm nội dung lên án tội ác của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ngày 05/04/1970, 60.000 học sinh, sinh viên các trường đại học ở Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ cùng hàng vạn học sinh trên toàn miền Nam đã phát động đợt tổng bãi khóa mới. Tại Sài Gòn, đoàn biểu tình vượt qua hàng rào của cảnh sát, kéo đến trước Tòa Đại sứ Mỹ, nhà Quốc hội, trụ sở Bộ Giáo dục, Bộ Tư pháp và Tòa án quân sự đấu tranh đòi thả sinh viên bị bắt trái phép và phản đối đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia, tàn sát dã man Việt kiều ở Campuchia. Đây là cuộc bãi khóa có quy mô lớn nhất của học sinh, sinh viên miền Nam tính đến thời điểm đó. Trong hai ngày 24 và 25/04/1970, Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương được tổ chức tại địa điểm gần biên giới ba nước Việt Nam – Trung Quốc – Lào. Hội nghị nhất trí ra Tuyên bố chung, xem đó như Cương lĩnh đấu tranh chung của ba nước trên bán đảo Đông Dương. Tuyên bố chung của Hội nghị chỉ rõ mục tiêu chiến đấu của các bên Campuchia, Lào và miền Nam Việt Nam là độc lập, hòa bình, trung lập, không cho phép nước ngoài có quân đội hoặc căn cứ quân sự trên đất nước mình, không tham gia liên minh quân sự nào, không cho phép nước ngoài dùng lãnh thổ mình để xâm lược nước khác. Để đạt mục tiêu đó, các bên cam kết hết lòng ủng hộ lẫn nhau theo yêu cầu của mỗi bên và trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, quyết tâm bảo vệ và phát triển tình hữu nghị anh em và quan hệ láng giềng tốt giữa ba nước, trước mắt cũng như lâu dài. Đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới cho liên minh kháng chiến và đồng thời là một thành tựu ngoại giao có ý nghĩa đối với quan hệ của ba nước Đông Dương. Khi tổng kết về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong Báo cáo Chính trị ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói: “Thắng lợi của chúng ta cũng là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu không gì lay chuyển nổi của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, của mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung của ba dân tộc” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2004, tập 37, tr. 475). Liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương đã được duy trì lâu dài, bền vững, trong điều kiện kẻ thù tìm mọi cách chia rẽ, phá hoại, nội bộ có nhiều diễn biến phức tạp. Việt Nam giữ được vai trò nòng cốt, lãnh đạo liên minh vượt qua mọi khó khăn, từng bước tiến lên đánh bại hoàn toàn mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, giành thắng lợi vẻ vang cho cả ba dân tộc Đông Dương. 3.3.2. Những kết quả hợp tác trong khuôn khổ Ủy ban sông Mekong (MC) từ năm 1957 đến năm 1975 Nhìn về lịch sử khu vực Hạ nguồn sông Mekong trong thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vai trò của dòng Mekong càng được nhận diện rõ nét. Người Pháp ngay khi chiếm được sáu tỉnh Nam Kỳ của Việt Nam đã hướng đến mục đích sử dụng Mekong làm con đường thương mại để kết nối Đông Dương với vùng Vân Nam (Trung Quốc). Còn đế quốc Mỹ, ngay khi thiết lập được chính quyền tay sai đã có ý đồ sử dụng dòng sông cho mục đích chính trị. Hiện thực hóa ý đồ này, ngày 17/09/1957, Ủy ban Điều phối Nghiên cứu hạ lưu vực sông Mekong, gọi tắt là Ủy ban sông Mekong (MC) đã được thành lập. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tham gia vào cơ chế này với tư cách là thành viên sáng lập, cùng với Thái Lan, Lào và Campuchia. Tuy ra đời từ mục đích chính trị, song trong khoảng thời gian tồn tại (1957-1975), MC đã có những đóng góp nhất định đối với kinh tế - xã hội ở khu vực Hạ nguồn sông Mekong. Điều này được khẳng định trong Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong năm 1995. Ngay trong chương mở đầu, Hiệp định đã ghi rõ: “NHẮC LẠI việc Chính phủ các quốc gia thành lập Ủy ban Điều phối Nghiên cứu hạ lưu vực sông Mekong ngày 17/09/1957 thông qua Quy chế được Liên Hiệp Quốc xác nhận, GHI NHẬN tinh thần hợp tác đặc biệt và sự giúp đỡ lẫn nhau đã thúc đẩy công việc của Ủy ban Điều phối Nghiên cứu hạ lưu vực sông Mekong cùng các thành tựu đã đạt được” (vnmc.gov.vn) Hiệp định Mekong năm 1995 là cơ sở pháp lý để Ủy hội sông Mekong (MRC) ra đời với bốn nước thành viên là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Việc các nước thành viên thống nhất nhắc về sự tồn tại của MC trong Hiệp định Mekong năm 1995 khi mà bối cảnh chính trị ở khu vực đã hoàn toàn thay đổi sau năm 1975, cho thấy MRC cũng ghi nhận những đóng góp của MC. Trong lĩnh vực giao thông vận tải MC đã góp phần mở rộng mạng lưới giao thông vận tải trong khu vực Hạ nguồn sông Mekong và thúc đẩy sự giao thương giữa các quốc gia thành viên. MC đã phát triển hệ thống thủy vận ở khu vực một cách hệ thống bằng việc đo đạc để hoàn thành bản đồ thủy đạo sông Mekong, nhất là ở các đoạn sông hiểm trở; đặt thủy hiệu trên sông Mekong và sông Bassac; cung cấp xáng để đào sâu lòng sông và nghiên cứu việc dùng nước phá đá tại Keng Kabao (Lào); bảo vệ bờ sông; nghiên cứu việc dỡ hàng tại các thương cảng; lập một trung tâm đóng tàu và huấn luyện tại Nong Khai (Thái Lan); huấn luyện các hoa tiêu; nghiên cứu hệ thống kênh rạch tại vùng; tổ chức nhiều hội thảo về vấn đề thủy vận (Phông Bộ Công chánh, Hồ sơ BCC/1092, tr. 17). Các hoạt động này cung cấp những tư liệu quan trọng cho việc quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải trong lưu vực. Trong thời gian tồn tại, MC đã tiến hành các cuộc hội thảo, đề xuất các dự án mở rộng giao thông vận tải, kiếm nguồn tài trợ cho dự án ở khu vực như dự án cầu Mỹ Thuận (Việt Nam), dự án cầu Nong Khai tại biên giới Thái Lan – Lào. Hầu hết các dự án chỉ mới ở khâu nghiên cứu, chưa được triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, từ các dự án còn dang dở này, chính phủ các nước ở Hạ nguồn đã có được những tư liệu quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng được tiến hành trong vài thập niên sau. Trong lĩnh vực nông nghiệp Nông nghiệp là ngành kinh tế chính của các nước Hạ nguồn sông Mekong, vì vậy MC đã có các hoạt động cần thiết để phát triển ngành kinh tế này. Cụ thể: nghiên cứu việc dùng nước trong phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp; lập trại thí nghiệm tại đồng bằng Vientiane (Lào) vào năm 1962, tại Kalasin (Thái) năm 1965, tại Prek Thnot (Campuchia) năm 1965, tại Battambang (Campuchia) năm 1966 và EakMat Năm 1975, sau khi tiếp quản miền Nam và Tây Nguyên, Trung tâm này được đổi tên thành Trung tâm nghiên cứu Khoa hoc Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Eakmat – Tiền thân của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên ngày này, trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam. (Việt Nam) năm 1968; nghiên cứu việc thành lập trung tâm thí nghiệm và kiểu mẫu cho toàn vùng tại Vientiane (Lào); lập một kế hoạch nông thôn cho một vùng 5000 ha tại Vientiane (Lào); nghiên cứu loại lúa giống IR8-288-3 do Viện quốc tế khảo cứu về gạo tại Philippine khảo cứu; yêu cầu UNDP viện trợ việc lập các trại thí nghiệm trồng rừng tại Campuchia, Lào và Việt Nam; nghiên cứu ảnh hưởng của đập Tonle Sap đối với nghề cá tại Campuchia và Việt Nam (Phông Bộ Công chánh, Hồ sơ BCC/1092, tr. 17). Để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, các dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi đã được MC rất chú trọng, mở rộng hệ thống tưới tiêu từ 2.130 km2 lên đến 30.000 km2 (Jeffrey W. Jacobs, 1995, tr. 138). Trong lĩnh vực công nghiệp Các quốc gia thành viên của MC còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế công nghiệp. Vì vậy, MC cũng đã có một số hoạt động nhằm mở mang ngành kinh tế này. Cụ thể: nghiên cứu việc dùng thủy điện để sản xuất phân bón; nghiên cứu khai thác mỏ sắt và than tại Lào; nghiên cứu việc lập kỹ nghệ sản xuất hạt giống và giấy; nghiên cứu về khoáng chất tại Thái Lan (Phông Bộ Công chánh, Hồ sơ BCC/1092, tr. 18). Trong lĩnh vực năng lượng MC đã tiến hành nhiều hoạt động đánh giá tiềm năng thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh sông Mekong. Trên dòng chính, trong giai đoạn 1957-1975, MC đã xúc tiến việc nghiên cứu ba dự án là Pa Mong, Sambor, TonleSap và khởi công nghiên cứu chín dự án khác là Pak Beng, Luang Prabang, Sayaboury, Bung Kan, Thakhek, Khenarat, Paksé, Khone và Stung Treng. Trên dòng nhánh, năm 1966 các dự án Nam Pong và Nam Pung tại Thái Lan đã hoàn thành và đi vào vận hành. Sau đó các dự án thủy điện Nam Ngum, Hạ nguồn Se Done ở Lào, dự án Prek Thnot ở Campuchia cũng đi vào vận hành. Đồng thời, giai đoạn này, MC cũng đã hoàn thành báo cáo dự án Battambang ở Campuchia, Lam Don Noi ở Thái Lan, ba dự án Thượng nguồn Srepok ở Việt Nam là Darlac, Drayling và Krong Buk. Đồng thời, MC cũng yêu cầu UNDP viện trợ nghiên cứu bốn dự án khác trong khu vực là Stung Sen ở Campuchia, Se Bang Fai ở Lào, Hnai Bang Sai ở Thái Lan và Thượng nguồn Sesan ở Việt Nam. Tổng thể MC đã xúc tiến công tác liên quan đến 22 dòng nhánh trên toàn vùng Hạ lưu vực sông Mekong (Phông Bộ Công chánh, Hồ sơ BCC/1092, tr. 18). Quá trình lập kế hoạch, thu thập và xử lý dữ liệu, kêu gọi vốn đầu tư, triển khai xây dựng các dự án đã cung cấp cho các nước thành viên những kinh nghiệm quý báu. Đồng thời, những hoạt động này đã để lại những tư liệu quan trọng để Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) có cơ sở khoa học để xây dựng các bộ quy tắc về sử dụng nguồn nước ở khu vực sông Mekong. MC trong thời gian hoạt động của mình đã cho thấy tổ chức này không chỉ mang mục đích phát triển kinh tế, mà còn có sự quan tâm đến các vấn đề xã hội của Hạ lưu vực. Trước khi triển khai các dự án kinh tế, MC luôn có các nghiên cứu đánh giá tổng quan tình hình xã hội. Cụ thể: nghiên cứu về nhân công cho dự án Nam Ngum tại Lào và dự án thủy nông tại Vientiane; thi hành chương trình định cư cho 1000 gia đình bị di cư vì hồ chứa nước Nam Pong tại Thái Lan, đồng thời nghiên cứu vấn đề xã hội – kinh tế của chương trình định cư này; nghiên cứu vấn đề nông dân có tán thành và chịu thay đổi kỹ thuật nông tác một khi có nước tưới ruộng tại cùng Pa Mong; cấp các học bổng để huấn luyện chuyên viên các quốc gia duyên hà; tổ chức huấn luyện thống kê tại Việt Nam; tổ chức các hội thảo; nghiên cứu các điều kiện vệ sinh và các biện pháp cải tiến cho toàn vùng (Bộ Công chánh, Hồ sơ BCC/1092, tr. 18). Với những thành tựu đạt được trong thời gian tồn tại từ năm 1957 đến năm 1975, MC cho thấy đây là một tổ chức quốc tế có tầm ảnh hưởng nhất định đến các nước trong khu vực Hạ nguồn sông Mekong. Điều có ý nghĩa đặc biệt là các quốc gia thành viên đã nhìn nhận đúng mức tầm quan trọng của việc hợp tác khu vực và quốc tế trong vấn đề khai thác nguồn nước sông Mekong. Ngoài ra, cơ chế hoạt động và những điều khoản ràng buộc trong vấn đề khai thác dòng sông của MC là sự tham chiếu quan trọng cho MRC trong hiện tại. Quyền phủ quyết là một điều đặc biệt trong cơ chế hoạt động của MC, được quy định trong Điều 5 của Quy chế năm 1957. Điều khoản này hoàn toàn không được đề cập trong bản dự thảo ban đầu được soạn bởi các chuyên gia pháp lý của Liên Hợp Quốc. Phải đến phiên họp đầu tiên vào tháng 10/1957 tại Phnom Penh, các thành viên MC khẳng định sự cần thiết phải bổ sung hai điều kiện cơ bản: thứ nhất là các cuộc họp của MC phải có sự tham dự đầy đủ bốn thành viên, thứ hai là những quyết định của Ủy ban phải có sự nhất trí của tất cả các thành viên (Tuyet L Cosslett và Patrick D. Cosslett, 2014, tr. 121). Quyền phủ quyết đã trao cho mỗi thành viên MC sức mạnh để bảo vệ quyền lợi quốc gia của họ trước mỗi quyết định của MC. Đồng thời, nó cũng góp phần hướng đến sự bình đẳng và lợi ích chung của toàn khu vực. Xét dưới góc độ tích cực, chính điều này đã gia tăng sức mạnh cho MC, làm cho tổ chức này có được tính chủ động, tự thân, đồng thời tạo ra nền tảng của sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước thành viên. Quy tắc đồng thuận là một điều rất đặc biệt trong giai đoạn hợp tác ban đầu tại khu vực Hạ nguồn sông Mekong. Bà Virginia Wheeler, chuyên gia pháp lý cho MC đã khẳng định quy tắc nhất trí 100% trong quy chế của MC đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tự tin và hợp tác giữa các nước thành viên (Jeffrey W. Jacobs, 1995, tr. 122). Bên cạnh những thành tựu đạt được, MC vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế trong quá trình hoạt động của mình, điển hình là sự thao túng của các cường quốc và các tổ chức quốc tế đối với hoạt động của tổ chức này. Nguồn tài chính để tổ chức này vận hành chủ yếu là từ sự hỗ trợ của các cường quốc và các tổ chức quốc tế. Trên tổng số ngân sách 114 triệu của MC tính đến năm 1966, các quốc gia đóng góp nhiều nhất cho hoạt động của tổ chức này là Mỹ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản chỉ có một quốc gia trong khu vực là Thái Lan đóng góp 24 triệu đô la (Phông Bộ Công chánh, Hồ sơ BCC/1092, tr. 15). Đến cuối năm 1974, nguồn ngân sách hoạt động của MC là 294 triệu đô la Mỹ, với sự đóng góp của 25 quốc gia, 17 tổ chức của Liên Hợp Quốc, 5 quỹ và nhiều công ty trên thế giới (Tuyet L Cosslett và Patrick D. Cosslett, 2014, tr. 119). Nguồn kinh phí này giúp cho MC hoạt động và triển khai hàng loạt các dự án kinh tế - xã hội ở các quốc gia thành viên. Sự đóng góp hạn chế của các quốc gia thành viên vào ngân sách hoạt động của MC đã phần nào phản ánh được tính chất phụ thuộc của tổ chức này vào các chính phủ bên ngoài cũng như các tổ chức quốc tế và các công ty tư bản. Sự thao túng này phản ánh trong việc thực thi các dự án. Việc triển khai các dự án đã bộc lộ sự chi phối của yếu tố chính trị trong hoạt động của MC. Trong Tờ trình ngày 21/10/1967 của ông Phạm Hữu Vĩnh – Trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thứ 33 của Ủy ban Mekong (khóa đặc biệt) tại Vientiane ngày 12, 13/10/1967 đã cho biết nhiều bất ổn trong hoạt động của MC, sự bất mãn của phía Việt Nam Cộng hòa về dự án cầu Mỹ Thuận, cũng như của Campuchia trong dự án Đập Prek Thnot. Cụ thể, ông Vĩnh cho biết: “Trong bốn năm qua Giai đoạn 1964-1967 , sau khi một số dự án nghiên cứu đã hoàn tất, Ủy ban bước sang giai đoạn thực hiện. Thái Lan đã làm được hai đập Nam Pong và Nam Pung. Lào sắp khởi sự đấu thầu công tác đập Nam Ngum. Trong khi ấy còn hai dự án ưu tiên của Việt Nam và Cambodge là cầu Mỹ Thuận và Prek Thnot tuy đã được Ủy ban chấp nhận và ECAFE quyết định ủng hộ nhưng việc kiếm tài trợ mới được một phần cho Prek Thnot, còn cầu Mỹ Thuận thì chưa thấy một tia hy vọng nào” (Phông Bộ Công chánh, Hồ sơ BCC/1087, tr. 5). Trong văn bản này, ông Vĩnh cũng cho biết phản ứng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Campuchia về vấn đề này. “Phản ứng của Cambogde là từ sau phiên hội của Ủy ban cùng thời gian với phiên hội thứ 22 của ECAFE tại New Delhi vào đầu năm 1966 tới nay, không cử đại diện đi tham dự các phiên họp của Ủy ban nữa. Mãi cho đến kỳ hội này mới cử đại diện đi hội. Còn về Việt Nam thì đã nhiều lần tỏ rõ sự bất mãn của mình trước phiên họp của Ủy ban tư vấn họp hồi tháng 7/1966 tại Bangkok, trong phiên họp thứ 31 của Ủy ban hồi tháng hai 1967 tại Vientiane, phiên họp thứ 32 tại Tokyo vào tháng 4.1967 và trong phiên họp kỳ này nữa. Và quyết định của Việt Nam không chịu đóng góp phần bạc Việt Nam vào quỹ hoạt động của Văn phòng Ủy ban nhân kỳ xin quỹ khuếch trương Liên Hiệp Quốc tiếp tục tài trợ cho thời gian 1968-1972 là một đòn khá nặng có thể có những hậu quả tai hại cho Ủy ban” (Phông Bộ Công chánh, Hồ sơ BCC/1087, tr.6). Ngoài đập Prek Thnot, Campuchia còn bất mãn khi dự án đập Stung Treng một lần nữa lại gặp khó khăn về vấn đề tài chính, trong khi đó đập Pa Mong của Thái Lan một lần nữa lại được duyệt kinh phí triển khai. Trong quan điểm của Việt Nam và Campuchia, hai đập này tuy có công suất bằng nhau, song so với Pa Mong, đập Stung Treng có hiệu quả hơn trong vấn đề kiểm soát lũ, bảo vệ khu vực trồng trọt rộng gấp 37 lần và chi phí xây dựng cũng rẻ hơn (Tuyet L Cosslett và Patrick D. Cosslett, 2014, tr. 128). Đặt trong bối cảnh chính trị - Việt Nam là chiến trường chính ở khu vực, có sự chia cắt giữa hai miền Nam – Bắc với hai chế độ chính trị đối lập; Campuchia đang dưới sự lãnh đạo của Sihanouk thực thi đường lối trung lập; trong khi đó Thái Lan thực thi đường lối thân Mỹ; tại Lào, Mỹ đã xây dựng được lực lượng phái hữu làm tay sai, đặc biệt về vị trí địa lý thì Lào và Thái Lan có đường biên giới chung là sông Mekong. Vì vậy, khó để nhìn nhận rằng những ưu tiên trong triển khai dự án ở Thái Lan và Lào chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà không bị chi phối bởi yếu tố chính trị. Thậm chí, trong văn bản tờ trình nói trên, ông Vĩnh còn tỏ rõ quan điểm phía Việt Nam Cộng hòa đã cho rằng chính các kỹ sư của Mỹ đã làm khó dễ cho việc thực thi dự án cầu Mỹ Thuận (Phông Bộ Công chánh, Hồ sơ BCC/1087, tr. 4). Một hạn chế khác trong hoạt động của MC giai đoạn 1957-1975 là hầu hết các dự án chỉ mới hoàn tất khâu nghiên cứu, thu thập tài liệu, không có nhiều dự án kinh tế được triển khai thực tế hay đi vào vận hành. Các dự án liên quan các vấn đề xã hội, cải thiện điều kiện sống của người dân chiếm một vị trí rất khiêm tốn trong chương trình hoạt động của MC. Nhận diện những thành công và hạn chế của MC trong lịch sử là cơ sở để Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng khu vực Hạ nguồn sông Mekong hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng trong hiện tại và tương lai. TIỂU KẾT CHƯƠNG 3 Tìm hiểu về quan hệ kinh tế - xã hội của Việt Nam với các nước trong khu vực Hạ nguồn sông Mekong từ năm 1802 đến năm 1975, luận án đúc kết một vài luận điểm sau: 1. Đặc điểm trong quan hệ kinh tế - xã hội của Việt Nam với các nước Hạ nguồn sông Mekong từ năm 1802 đến năm 1884. Thứ nhất, với vị thế nước lớn ở khu vực, Việt Nam đã giữ thế chủ động hoàn toàn trong quan hệ kinh tế - xã hội với các nước Hạ nguồn sông Mekong. Trong giai đoạn này, quan hệ Việt Nam – Xiêm là quan hệ giữa hai nước có vị thế ngang hàng ở khu vực, trong khi đó quan hệ của Việt Nam với Lào và Campuchia là quan hệ giữa nước bảo hộ và các thuộc quốc. Vị thế này đã chi phối nội dung và hình thức quan hệ kinh tế - xã hội của Việt Nam với các nước ở khu vực. Trong quan hệ kinh tế, với vị thế ngang hàng, Việt Nam và Xiêm có sự trao đổi phẩm vật, giao thương buôn bán bình đẳng. Với Lào và Campuchia, vua của các nước này phải thực hiện nghĩa vụ kinh tế - triều cống cho triều Nguyễn, đệ đơn để xin được thông thương. Các vua Nguyễn chủ động trong vấn đề giao thương ở khu vực thông qua việc áp ngạch thuế, định vị trí thông thương, các mặt hàng buôn bán Trong quan hệ xã hội, Việt Nam và Xiêm có những hoạt động tương trợ và duy trì sự giao hảo, đặc biệt là giai đoạn 30 năm đầu Triều Nguyễn. Với Lào và Cao Miên, trong vai trò là nước bảo hộ, triều Nguyễn rất tích cực hỗ trợ khi hai nước này gặp khó khăn, nhất là khi bị Xiêm tấn công. Đặc biệt, triều Nguyễn còn chấp thuận cho người dân Cao Miên và Lào đến sinh sống ở khu vực biên giới. Dưới thời các vị vua Gia Long, Minh Mệnh còn ghi nhận quá trình hợp sức giữa nhân dân Việt Nam và Cao Miên trong việc khai khẩn đất hoang, mở mang đồn điền, khai thông kênh đào kết nối hai nước ở khu vực biên giới Tây Nam. Thứ hai, quan hệ kinh tế - xã hội của Việt Nam với các nước Hạ nguồn sông Mekong bị chi phối bởi quá trình tranh chấp quyền lực giữa Việt Nam với Xiêm tại Lào và Cao Miên. Là hai quốc gia có vị thế ngang hàng ở khu vực, Việt Nam và Xiêm chỉ duy trì được mối quan hệ hữu hảo và ổn định trong gần 30 năm đầu Triều Nguyễn. Những tranh chấp quyền lực với Xiêm, vốn đã nhen nhóm từ thời vua Gia Long đã trở nên gay gắt, dẫn đến ch

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxquan_he_kinh_te_xa_hoi_cua_viet_nam_voi_cac_nuoc_ha_nguon_so.docx
Tài liệu liên quan