Tiểu luận Đầu ra cho nông sản Việt Nam

Những năm tới, gạo, cà phê, tiêu, điều, cá tra - ba sa, tôm. tiếp tục là những nông sản giữ vị trí quan trọng cho kinh tế nông nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung bên cạnh các sản phẩm triển vọng từ ngành lâm nghiệp. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2015, xuất khẩu nông sản đạt 22 tỷ USD, riêng năm 2011 là 19 tỷ USD. Theo đó, ngành nông nghiệp Việt Nam tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm duy trì mức tăng trưởng cao (từ 3,5% đến 3,8%/năm) để góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung, kiềm chế lạm phát, tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và sức cạnh tranh. Trong đó, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện tiêu chuẩn VietGAP, được xây dựng trên cơ sở thừa kế các tiêu chuẩn GAP đã ra đời trước đó. Theo đó, năm 2011 hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn tập trung ở 100% tỉnh, thành phố trong nước; 50% các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất an toàn tập trung bảo đảm đủ điều kiện sản xuất, sơ chế sản phẩm rau, quả, chè phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP; 30% lượng hàng nông sản tại các vùng sản xuất an toàn tập trung được chứng nhận hoặc tự đánh giá và công bố sản xuất theo VietGAP. Đối với thủy sản, sẽ tập trung quản lý chặt chẽ về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; mở rộng chế biến, xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; đổi mới công nghệ, đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng tốt các đòi hỏi khắt khe của thị trường.

 

 

doc13 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 3947 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Đầu ra cho nông sản Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài tiểu luận: ĐẦU RA CHO NÔNG SẢN VIỆT NAM Phần 1 : Phần mở đầu 1.1 Tính cấp thiết của đề tài: Trong những năm vừa qua, nông nghiệp Việt Nam đã có những biến đổi rõ rệt, nhất là về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra một bước ngoặt trong nông nghiệp với nhịp độ tăng trưởng  khá cao. Sản lượng nông sản sản xuất ra hàng năm ngày càng nâng cao, không những đã giải quyết được nhu cầu trong nước mà còn đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có thứ hạng cao về xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, sự phát triển ngành nông nghiệp cũng vấp phải   một khó khăn rất lớn về thị trường tiêu thụ đầu ra. Hiện nay, hệ thống thị trường tiêu thụ nông sản của chúng ta còn nhỏ bé, chưa tương xứng với khả năng sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, được mùa lại trở thành một mối lo trong sản xuất. Trước tình hình đó, việc mở rộng phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trở nên quan trọng và cấp thiết. Dựa trên những kiến thức đã được học và tìm hiểu thực tế, đề án này đề cập đến một số giải pháp chủ yếu để mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản cho nước ta hiệnnay. Do trình độ của người viết còn hạn chế, đề án không tránh khỏi những thiếu sót, em rất mong nhận được những đóng góp nhận xét của các thầy cô giáo để hoàn thiện hơn cho đề tài nghiên cứu này. Trong kinh doanh, điều người ta quan tâm nhất là đầu ra của sản phẩm và lợi nhuận thu được. Đây cũng là yếu tố quyết định sự thành bại của mỗi mô hình kinh tế. Tuy nhiên, trước hàng loạt khó khăn, bất cập như mua bán trôi nổi, không qua hợp đồng, có quá nhiều trung gian, thiếu sự liên kết... khiến việc tiêu thụ nông sản của nông dân gặp khó. Đã đến lúc, vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi tiêu thụ nông sản phải đi vào thực chất hơn. Ngày nay, ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, người nông dân đang lao đao do giá nông sản như lúa, gạo, rau, quả đều mất giá. Người dân chưa kịp vui mừng vì mùa bội thu đã phải lo đối mặt với bao khó khăn từ việc tìm đầu ra cho sản phẩm đến việc trả nợ ngân hàng. Với người trồng lúa, khi vụ đông xuân bắt đầu thu hoạch thì giá lúa giảm dần từ 5.000 đồng/kg đầu tháng 1, xuống còn 4.000 đồng/kg. Để hạn chế thiệt hại cho nông dân, Hiệp hội Lương thực Việt Nam khuyến cáo bà con không nên vội bán lúa, nhưng do nợ ngân hàng, chi phí sản xuất, nông dân không thể ngồi chờ. Hơn nữa, một bài học từ năm 2008, khi nông dân trữ lúa chờ tăng giá, nhưng kết quả là giá lúa lại giảm hơn một nửa, từ 120.000 đồng/giạ xuống còn 50.000 đồng/giạ. Chỉ có thương lái và các nhà máy xay xát, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo mới có điều kiện để trữ lúa gạo thắng lớn khi giá tăng cao. Còn với người trồng dưa tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên những ngày gần đây cũng lao đao không kém, khi dưa bội thu mà không có thương lái nào đến hỏi mua. Năm nay, dưa hấu tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên được mùa, năng suất cao từ 2 -2,5 tấn/sào. Nhưng giá dưa cứ giảm dần từ 4.000 đồng/kg xuống còn 300 đồng/kg, khiến nông dân thua lỗ nặng. Do không có thương lái đến hỏi mua, nhiều hộ nông dân thuê xe chở đi các địa phương khác để bán, nhưng vẫn ế ẩm. Trong khi đó, những người trồng rau ở Đà Lạt, Lâm Đồng hiện nay giá các loại rau bắp sú, cải thảo tăng vọt, nhưng nông dân lại không còn rau để bán. Nguyên nhân là những tháng cuối năm ngoái, giá bắp sú, cải thảo quá rẻ, nông dân tìm cách bán tháo, bán rẻ, nên nhiều nhà vườn chuyển sang trồng loại cây khác. Nay thị trường cần, giá tăng cao thì lại thiếu rau cung cấp cho thị trường. Để giải quyết tình trạng này, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ quy hoạch diện tích trồng, đến việc cung cấp thông tin và tìm thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân…, có như vậy mới phần nào giúp nông dân yên tâm sản xuất và được hưởng lợi từ thành quả lao động của mình. 1.2 Mục tiêu nghiên cứu Đưa ra một số giải pháp nhằm định hướng cho đầu ra của thị trường nông sản Việt Nam. Đánh giá tình hình khó khăn trong tiêu thụ nông sản ở Việt Nam. . Phần 2 : Khó khăn và thách thức trong tiêu thụ của thị trường nông sản Việt Nam 2.1 Khó khăn trong tiêu thụ nông sản Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong quý đầu năm 2010 ước đạt gần 3,65 tỷ USD, tăng trên 4,2% so với cùng kỳ năm 2009 (so với 3,5 tỷ USD). Riêng trong tháng 4/2010, xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 890 triệu USD. Trong 11 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có 2 mặt hàng là cà phê, gạo, giảm về kim ngạch. Cụ thể, ước xuất khẩu cà phê tháng 4/2010 đạt 120 ngàn tấn, kim ngạch đạt 168 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả 4 tháng đầu năm leen465 ngàn tấn, giá trị đạt 651 triệu USD. Cà phê xuất khẩu đang giảm cả về lượng lẫn giá trị, so với cùng kỳ năm trước giảm 16,3% về lượng và 21,9% về giá trị. Xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đạt 700 ngàn tấn, với giá trị đạt 385 triệu USD. Tổng lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 2,14 triệu tấn, thu về 1,18 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước giảm 13,8% về lượng. Hiện giá mặt hàng này đang có xu hướng giảm, một số thị trường truyền thống như Philipin, Malaysia sẽ khó có hợp đồng lớn. Xuất khẩu nông sản giảm sút nguyên nhân là do thị trường quốc tế đối với hàng hóa nông sản có nhiều diễn biến phức tạp, giá mua giảm ở một số mặt hàng nên xuất khẩu nông sản có khó khăn. Tiến sĩ Ngô Văn Hải, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phân tích, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các loại nông sản của Việt Nam vẫn tăng hàng năm nhưng chủ yếu là tăng do khối lượng nhiều hơn là do giá bán bình quân. Đa phần giá bán hàng hóa nông sản của Việt Nam thường thấp hơn sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc bởi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô và chất lượng thấp, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, ngành chế biến nông sản của Việt Nam vẫn còn kém phát triển, số sản phẩm nông nghiệp được chế biến so với tổng sản lượng thu hoạch còn thấp. 2.2 Thách thức về đầu ra cho nông sản Việt Nam Có thể thấy, chuỗi tiêu thụ nông sản hiện nay tồn tại quá nhiều nghịch lý. Nông dân phải bán với giá rẻ, còn người tiêu dùng lại mua với giá cao hơn gấp 2 – 3 lần. Nguyên nhân là do việc phân phối nông sản phải qua nhiều khâu trung gian. Mặc dù Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng đã ra đời được 6 năm nhưng quan hệ giữa các “nhà” vẫn “ông chẳng bà chuộc”. 2.2.1 Doanh nghiệp nắm đằng chuôi Nông sản không chỉ khó vào siêu thị mà ngay cả ở những thị trường khác, cũng thường rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”. Chưa lúc nào vấn đề tiêu thụ cá tra, ba sa, lúa, mía... lại rơi vào tình trạng phập phù và khó khăn như hiện nay. Tại TP. Cần Thơ, chỉ có khoảng 500.000 tấn lúa, rau màu, nấm rơm của nông dân được doanh nghiệp (DN) trực tiếp bao tiêu, còn lại phải bán qua các kênh nhỏ lẻ. Nhiều người nuôi cá tra, ba sa ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, rất ít DN ký hợp đồng bao tiêu với mặt hàng này hoặc khi thảo hợp đồng, họ luôn nắm đằng chuôi mà ít quan tâm tới việc chia sẻ lợi ích với nông dân. Nhiều DN còn yêu cầu phải giao sản phẩm tại kho hàng của công ty nhưng lại không tính chi phí vận chuyển. Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ sản Cần Thơ bức xúc: “Phải chăng vẫn tồn tại sự gian lận trong việc ký hợp đồng bao tiêu? Khi xảy ra sự cố, DN bẻ kèo, nông dân không có đủ cơ sở để đấu tranh với họ. Thậm chí sau 30 ngày, DN cố tình “ngâm” thêm 1 – 2 tháng mới thanh toán, bà con vẫn phải bấm bụng chịu trận”. Vì thế, việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng vẫn chưa phổ biến, ngay cả với những hợp đồng đã ký thì tỷ lệ thực hiện đúng các điều khoản vẫn rất thấp. Ông Nguyễn Trí Khiêm, Trưởng khoa Kinh tế Quản trị kinh doanh (Trường Đại học An Giang) cho biết: “Riêng ngành gạo của An Giang, tỷ lệ hợp đồng thành công chỉ đạt 10 – 15%”. Cũng theo ông Khiêm, hạn chế không nhỏ trong việc liên kết giữa nông dân và DN là do bà con chưa tin vào tính thực thi và lợi ích của hợp đồng bao tiêu. Khi có lợi thì 2 bên bắt tay nhau, nhưng khi xảy ra sự cố, 2 bên cùng “xù” hợp đồng. Những hợp đồng tiêu thụ lúa gạo tại An Giang luôn trong tình trạng áp lực thị trường chưa đủ mạnh để “ép” 2 bên liên kết với nhau và đã xảy ra nhiều trường hợp DN ép giá bà con khi được mùa hoặc “mang con bỏ chợ” với lý do không có thị trường tiêu thụ hay chất lượng không đảm bảo. Đơn cử như trường hợp ký hợp đồng bao tiêu của HTX nông nghiệp Đức Thành ở Châu Phú (An Giang). HTX này thường ký hợp đồng thu mua theo phương thức giá sàn và ra điều kiện, nếu giá mua cao hơn giá sàn, 2 bên sẽ thương lượng, nếu thương lượng không thành thì hợp đồng mặc nhiên bị thanh lý. Và ai cũng thừa hiểu, DN luôn tìm cách để hưởng lợi ở mức cao nhất. Trong khi đó, chính sách khuyến khích tiêu thụ qua hợp đồng của Nhà nước chưa có điều khoản hay cơ sở pháp lý, chế tài nào xử phạt những trường hợp vi phạm các điều khoản trong hợp đồng. Điều đáng nói là chính nông dân cũng thường xuyên vi phạm. Một số người đã ký hợp đồng bao tiêu và nhận vốn ứng trước của DN, nhưng sau khi thu hoạch, thấy giá thị trường cao hơn, họ lại bán cho thương lái. Thậm chí, nhiều hộ còn cố tình né tránh thanh toán hợp đồng cũng như kéo dài thời gian trả lại vốn ứng trước cho DN. 2.2.2 Siêu thị - giấc mơ xa vời đối với sản phẩm nông dân Việc bán hàng trong siêu thị, trung tâm thương mại luôn mang lại lợi nhuận hấp dẫn nhưng không phải nông dân nào cũng đặt chân được vào đây. ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Đà Lạt – Lâm Đồng) cho biết: “Chúng tôi bán 1kg cà chua cho siêu thị có thể lãi thêm 30 - 40% so với bán ở ngoài. Đây là con số mơ ước của người nông dân, vì bán bên ngoài giá vừa thấp lại không ổn định”. Tuy nhiên, rất ít nông dân bán hàng trực tiếp cho siêu thị mà chủ yếu bán lẻ tại chợ hoặc qua thương lái. Tỉnh Bình Dương có gần 2.000 trang trại lớn nhỏ, sản xuất lượng nông sản lớn nhưng sản phẩm vào được siêu thị chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến ở xã Tân Định (huyện Tân Uyên) rộng 26ha, sản lượng lên tới 200 – 250 tấn rau quả/năm nhưng chỉ tiêu thụ ở thị trường tự do hoặc qua các chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh). Ông Thừa cho hay, nông sản muốn vào siêu thị không hề dễ dàng. Tiêu chuẩn đầu tiên là phải đảm bảo chất lượng và an toàn, điều này buộc nhà cung cấp phải xuất trình được chứng chỉ về quản lý chất lượng. Ngoài ra, còn hàng loạt yêu cầu khắt khe khác như khối lượng, thời gian giao hàng, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, thủ tục thanh toán... Các siêu thị luôn đòi hỏi nhiều chủng loại nhưng số lượng hạn chế. HTX Anh Đào sản xuất 32 loại nông sản, nhưng mỗi ngày siêu thị chỉ nhập 4 loại, mỗi loại khoảng 10kg. Trong khi đó, thủ tục thanh toán rất chậm, thường phải 15 – 20 ngày sau khi giao hàng siêu thị mới trả tiền, so với “tiền tươi thóc thật” ngay tại chợ hoặc chỉ sau 3 – 4 ngày nếu bán cho thương lái thì quả là khó khăn với nông dân. Chính vì chen chân vào siêu thị quá phức tạp và nhiêu khê nên xu hướng chung của bà con hiện nay vẫn là tiêu thụ ở chợ nhỏ hoặc các chợ đầu mối. Chị Nguyễn Thị Xuân ở Vân Nội (Đông Anh – Hà Nội) cho biết: “Vào siêu thị chắc chắn có lợi hơn nhưng rất khó, thôi thì cứ mang đến chợ làng bán cho tiện”. Còn ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Trường An (Khu đô thị Văn Quán - Hà Nội), một trong những đầu mối cung cấp nông sản cho siêu thị cho biết: “Chúng tôi không thể đến từng gia đình để kiểm tra, lấy mẫu sản phẩm. Bởi vậy, bà con phải thay đổi tư duy làm ăn, liên kết lại, thành lập các tổ, nhóm và sản xuất một vài loại cây – con nhất định mà thị trường có tiềm năng”. Theo GS. TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, ở Việt Nam, việc nông sản vào siêu thị vẫn là giấc mơ xa vời... vì chất lượng hàng hoá thấp, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch kém, sản xuất phân tán nên không đáp ứng số lượng ổn định. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến, rào cản lớn nhất chính là vấn đề ký hợp đồng chính thức giữa bên cung cấp hàng hóa và siêu thị. Đương nhiên, các điều khoản trong hợp đồng đều có lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, họ còn yêu cầu được mua sản phẩm loại 1, tức là loại tốt nhất. “Đó là chưa kể các siêu thị rất ít khi có kế hoạch hay hợp đồng dài hạn và thường xuyên thay đổi nhà cung cấp khiến nông dân, chủ trang trại phải chấp nhận kiểu làm ăn may rủi hơn là hợp tác hai bên cùng có lợi. Rau quả phải có thời gian sản xuất nhất định, vậy mà siêu thị chỉ báo trước vài ba ngày, dẫn tới nông dân, chủ trang trại luôn ở thế bị động”, ông Chiến cho biết. 2.2.3 Thương lái lộng hành Theo GS. TS Võ Tòng Xuân, nếu không có thương lái, nông sản do nông dân làm ra không thể hoặc rất khó đến với DN do đội ngũ này khá nhanh nhạy, nắm bắt nhu cầu của cả 2 phía. Thương lái có thể luồn lách khắp các vùng sâu, vùng xa, đến từng nhà để thu mua nông sản, trong khi với DN, điều này không thể thực hiện. Tuy nhiên, khiếm khuyết ở chỗ, thương lái thường xuyên ép giá, bắt chẹt nông dân. Gia đình ông Võ Văn Xuân ở ấp 1, xã Trí Phải (Thới Bình – Cà Mau) có 4 công ruộng (1 công = 1.000m2) chủ yếu trồng dưa leo và củ cải. Năm 2008, dưa leo rớt giá thảm hại, bán tại ruộng chỉ còn 800 đồng/kg. Trong khi đó, dưa leo tại TP. Cà Mau do thương lái vận chuyển đến bán với giá 4.000 đồng/kg. “Không chỉ bị ép giá, thương lái còn thường xuyên cân gian, bán lận để kiếm lời. Biết vậy nhưng không bán cho họ thì chúng tôi biết bán cho ai?”. Tương tự, bưởi Năm Roi ở Mỹ Hoà (Bình Minh – Vĩnh Long) vào cuối tháng 10 được thương lái mua tại vườn giá 2.500 – 3.000 đồng/kg tuỳ loại. Anh Nguyễn Minh Hoàng Em có 10 công bưởi cho biết: “Với giá này, người trồng bưởi lỗ nặng”. Trong khi đó, tại cửa hàng bưởi Năm Roi Hoàng Gia cách vườn nhà anh Minh hơn 5km, giá bưởi loại 1 lên tới 8.000 đồng/kg. Và từ đây, nếu hàng được đưa đi siêu thị hoặc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, giá có thể lên tới 12.000 – 15.000 đồng/kg. GS. TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, cần tổ chức lại đội ngũ thương lái, hạn chế những mặt tiêu cực và phát huy khả năng của họ, ví dụ như bồi dưỡng kiến thức để thương lái tham gia công tác khuyến nông kết hợp thu gom nông sản, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nếu biết phát huy vai trò của họ trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, họ sẽ tác động tích cực đến tư duy và cách thức sản xuất của nông dân. 2.2.4 Đưa nông sản “ vượt “ đại dương Những năm tới, gạo, cà phê, tiêu, điều, cá tra - ba sa, tôm... tiếp tục là những nông sản giữ vị trí quan trọng cho kinh tế nông nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung bên cạnh các sản phẩm triển vọng từ ngành lâm nghiệp. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2015, xuất khẩu nông sản đạt 22 tỷ USD, riêng năm 2011 là 19 tỷ USD. Theo đó, ngành nông nghiệp Việt Nam tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm duy trì mức tăng trưởng cao (từ 3,5% đến 3,8%/năm) để góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung, kiềm chế lạm phát, tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và sức cạnh tranh. Trong đó, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện tiêu chuẩn VietGAP, được xây dựng trên cơ sở thừa kế các tiêu chuẩn GAP đã ra đời trước đó. Theo đó, năm 2011 hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn tập trung ở 100% tỉnh, thành phố trong nước; 50% các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất an toàn tập trung bảo đảm đủ điều kiện sản xuất, sơ chế sản phẩm rau, quả, chè phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP; 30% lượng hàng nông sản tại các vùng sản xuất an toàn tập trung được chứng nhận hoặc tự đánh giá và công bố sản xuất theo VietGAP... Đối với thủy sản, sẽ tập trung quản lý chặt chẽ về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; mở rộng chế biến, xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; đổi mới công nghệ, đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng tốt các đòi hỏi khắt khe của thị trường. Phần 3 : Giải pháp cho đầu ra của nông sản Việt Nam 3.1 Khuyến khích các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, phát triển các hợp tác xã (HTX) sản xuất nông sản với số lượng lớn và chất lượng cao thông qua hợp đồng với nông dân. Việc xây dựng vùng nguyên liệu phát triển trên cơ sở liên kết "4 nhà" và sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành, tăng chất lượng để chủ động cạnh tranh. Doanh nghiệp và nhà nông có vai trò quan trọng trong mối liên kết “4 nhà”. Doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, chủ động ký kết hợp đồng, hướng dẫn, giúp đỡ nhà nông trong việc áp dụng kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn và vật tư nông nghiệp, thực hiện bao tiêu sản phẩm với giá thoả thuận bảo đảm lợi ích của cả hai bên. Nhà nước tham gia vào mối liên kết với vai trò hỗ trợ, điều phối thông qua các chính sách khuyến khích và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, đồng thời là người kiểm tra, giám sát và bảo đảm tính pháp lý cho việc thực hiện hợp đồng giữa các bên. 3.2 Xây dựng thương hiệu cho nông sản Nhà nước cần có một kế hoạch dài hạn về việc xây dựng thương hiệu mặt hàng nông sản, dĩ nhiên chiến lược này phải là một bộ phận hợp thành quan trọng trong chiến lược tổng thể của Nhà nước đối với việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam. Hiện nay một số thương hiệu nông sản của ta như cà phê Trung Nguyên, gạo nàng thơm Chợ Đào, bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn... rất có uy tín và được tiêu thụ mạnh trên thị trường khu vực và thế giới. Những điển hình tiên tiến này cần được nhân rộng lên một cấp độ mới. Muốn làm được như vậy cần phải có sự quảng bá, tuyên truyền giới thiệu mạnh mẽ các mặt hàng nông sản Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là xây dựng trang WEB về thương hiệu nông sản Việt Nam. Thiết tưởng các cơ quan tài chính ngân hàng nên có một cơ chế tài chính đặc thù ưu tiên cho việc quảng bá và xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, vì hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng này đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam chỉ có thể phát triển vững chắc khi nó được đặt trong mối tương quan với việc gia tăng năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tích cực chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới và trên hết tìm một vị thế vững chắc cho nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. 3.3 Tổ chức các hội chợ triển lãm kinh tế nông nghiệp, các hội chợ giống vật tư nông nghiệp, các hiệp hội nông dân cùng làm nông nghiệp…nhằm tạo cho nông dân và các thành phần kinh tế khác động lực để phát triển kinh tế 3.4 Hoạch định chiến lược cho tiêu thụ nông sản Cơ chế chính sách hỗ trợ cần phải chia ra các nhóm giải pháp: ngắn hạn và dài hạn. Trong đó ngắn hạn là hỗ trợ tức thì về lãi suất, về giá sàn, cung ứng vốn thu mua… Còn về dài hạn, phải nâng cao năng lực dự báo thị trường, phát triển công nghiệp chế biến, từ đó có chiến lược hoạch định lâu dài cho tiêu thụ nông sản. Để giải quyết tình trạng bị động về thị trường xuất khẩu, làm chủ giá nông sản, cách tốt nhất là dự trữ, canh giá lên. Để làm được điều này, chính phủ phải tham gia điều tiết giá nông sản. Nếu giá trên thị trường thế giới quá thấp thì cho doanh nghiệp vay vốn để dự trữ, không xuất đi. Về phía nông dân cũng phải biết điều tiết chứ không thể tái diễn cảnh trúng giá vỗ tay, rớt giá la làng. Ngoài việc xuất khẩu, doanh nghiệp cũng nên hướng mạnh vào thị trường nội địa bởi đây là giải pháp hữu hiệu cho các mặt hàng nông sản hiện nay. Trên thực tế, hiện nay Việt Nam xuất khẩu đến 95% sản lượng hạt tiêu hằng năm, tiêu thụ tại thị trường nội địa chỉ khoảng 5%. Cà phê xuất khẩu cũng chiếm đến 90-95% tổng sản lượng trong nước. Chính bởi chỉ chú trọng vào xuất khẩu nên khi giá cả thế giới xuống thấp đã gây không ít khó khăn cho nông dân. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã và đang từng bước triển khai việc đưa nông sản Việt lên sàn, theo đánh giá của các chuyên gia đây là hình thức rấy ưu việt bởi khi sản phẩm nông sản lên sàn, chúng ta đã cắt bỏ khâu trung gian, bán trực tiếp cho người tiêu thụ, mô hình sàn giao dịch nông sản ở nhiều nước trên thế giới đã giúp cuộc sống của người dân giàu có hơn. Tại Việt Nam, dù sàn giao dịch nông sản hoạt động chưa thực sự hiệu quả nhưng cũng được coi là một trong những giải pháp quan trọng để tìm kiếm đầu ra hạn chế tình trạng bị ép giá đối với mặt hàng nông sản hiện nay. Phần 4 : Kết luận Những năm gần đây, thế giới biết đến Việt Nam như là một đất nước đang tiến hành thành công công cuộc đổi mới, trong đó có sự đóng góp đáng kể của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Được thành lập năm 1945 cùng với sự ra đời của một nước Việt Nam độc lập, ngành nông nghiệp đã trải qua 55 năm thăng trầm của sự phát triển kinh tế. Do xuất phát điểm của nền kinh tế quá thấp, hậu quả chiến tranh quá nặng nề cùng với những thiếu sót, sai lầm trong chỉ đạo kinh tế nên đến năm 1985 kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Thực hiện đường lối Đổi mới toàn diện của Đại hội VI Đảng Cộng Sản Việt Nam (tháng 12 năm 1986), trong đó đổi mới kinh tế là trọng tâm, ngành nông nghiệp có sự tiến bộ đột biến với chế độ khoán nông nghiệp (1988), giao đất cho nông dân, lấy hộ nông dân làm đơn vị kinh tế. Kết quả là nếu năm 1988 phải nhập 450 nghìn tấn lương thực thì năm 1989 trở thành nước xuất khẩu gạo gần 1 triệu tấn, mở đầu cho thời kỳ gạo và các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam có mặt trên thị trường quốc tế. Thành tựu lớn nhất là trong một thời gian không dài từ một nền nông nghiệp tự cấp tự túc, lạc hậu đã vươn lên trở thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá đảm bảo an toàn lương thực quốc gia và có tỷ lệ hàng hoá ngày càng lớn, có vị trí đáng kể trong khu vực và trên thế giới. Nước ta đã trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu 4 mặt hàng là gạo, cà phê, điều và hạt tiêu. Để góp phần đạt được những thành tựu to lớn và rất có ý nghĩa đó có sự đóng góp của nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đó thì con nhiều khó khăn và thách thức như : thương lái lộng hành, doanh nghiệp nắm đằng chuôi, sự thiếu đồng bộ của bốn nhà ( nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước ). Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, để đạt được kim ngạch xuất khẩu nông sản cao hơn nữa, cần hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu; phối hợp với các địa phương tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng và quản lý chất lượng nông sản hàng hóa, hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký và bảo vệ thương hiệu. Đặc biệt, tích cực thực hiện kế hoạch hành động về hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng, có tính cạnh tranh cao để kinh tế Việt Nam sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường. Tài liệu tham khảo :

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docdau_ra_cho_thi_truong_nong_san_o_viet_nam_4476.doc
Tài liệu liên quan