Tiểu luận Đôi nét về tranh Đông Hồ

Đôi khi những bức tranh Đông Hồ còn được những nghệ nhân trang trí kèm theo những từ chỉ dẫn hoặc những tứ thơ tình tứ, lãng mạn, cứ bóc tách từng lớp nang văn hoá hiện trên mỗi bức tranh Đông Hồ cũng đủ cho chúng ta thấy vốn liếng văn hoá Việt thuần khiết và trong sáng, đa dạng và vô cùng độc đáo. Các nghệ nhân Đông Hồ đã chuyển hóa những lời hay - ý đẹp, những kinh nghiệm đúc rút trong cuộc sống từ ngàn đời để lại vào tranh dân gian với những cách thể hiện rất riêng.

Những ai đã yêu thích tranh Đông Hồ hẳn rất quen thuộc với các tranh gà: Gà mẹ con, gà đại cát, gà dạ xướng, kê cúc. Chẳng hạn bức "Gà thủ hùng".

Theo sử sách xưa kể lại, vào khoảng năm 1915 cụ Chánh Hoàn gả con gái cho một anh Phán, Cụ Đám Giác ( tên thật là Nguyễn Thể Thức (1882 - 1943) là một nghệ nhân sáng tác nổi tiếng của Đông Hồ. Ngoài tranh về cuộc sống ở nông thôn cụ còn vẽ nhiều tranh truyện tranh phong cảnh, tranh tố nữ.) đã mừng đám cưới bằng một mẫu tranh mới: một gia đình gà gồm gà trống, gà mái và đàn con.

 

doc9 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 6271 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Đôi nét về tranh Đông Hồ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
T ranh dân gian Việt Nam góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ các nét văn hóa cổ xưa của dân tộc, làm cho đời sống tinh thần của người Việt Nam thêm phong phú và đa dạng. Nhắc tới tranh dân gian Việt Nam không thể không nói tới dòng tranh Đông Hồ, hay còn gọi là tranh khắc gỗ Đông Hồ. Đây là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Dòng tranh này ra đời từ khoảng thế kỷ 16 và phát triển cho đến nửa đầu thế kỷ 20 sau đó suy tàn dần. Trong các dòng tranh dân gian Tranh Đông Hồ khá gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam, nhắc tới hầu như ai cũng đều biết. Tranh gần gũi vì nó gắn liền với làng quê, ngõ xóm, với cuộc sống lao động của người dân bình dị, chất phát và hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn. Tranh Đông Hồ còn mang trong mình những nét tinh túy riêng với những giá trị văn hóa to lớn. Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Thơ Tú Xương về tranh Đông Hồ ngày Tết có câu: “Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột Om sòm trên vách bức tranh gà” Trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm nhắc đến đầy tự hào và kiêu hãnh về tranh Đông Hồ như một đặc sản nghệ thuật của vùng quê Kinh Bắc. “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” Không phải tự nhiên mà nhà thơ miêu tả như vậy. Cái làm nên nét đặc sắc độc đáo của tranh Đông Hồ chính là ở chất liệu làm tranh, được chế biến thủ công từ các nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên: Giấy in tranh Đông Hồ được làm từ cây dó phủ lên một lớp phấn điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn – hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông để quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo chiều đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lắp lánh những mảnh điệp dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào trong quá trình làm giấy điệp; Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như: Màu hồng lấy từ gạch non. Màu đỏ lấy từ sỏi son, vỏ gỗ cây vang. Màu vàng từ hoa điệp vàng, hoa hòe, hoa vành vành. Màu đen từ lá tre đốt, than rơm đốt. Màu trắng được nghiền từ vỏ sò, ốc. Màu xanh vỏ lá cây chàm, từ gỉ đồng… Trên cơ sở những màu sắc cơ bản ấy người dân đã tạo thêm nhiều màu sắc khác nhau từ việc trộn lẫn các màu. Tuy nhiên, thông thường tranh Đông Hồ chỉ sử dụng tối đa 5 màu. Để hoàn thành một sản phẩm, không kể khâu khắc tranh trên bản gỗ, có sẵn giấy và màu, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong từng giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quết điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi… Cứ thế, dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh từng hình ảnh, đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân, những hình ảnh của cuộc sống thường ngày ... như “bừng” sáng trên giấy dó. Mọi giai đoạn đều thật công phu nên đòi hỏi người làm tranh luôn cẩn trọng, cầu kì, chú ý đến từng chi tiết nhỏ để có được một bức tranh đẹp. Tranh Đông Hồ - Đấu Vật Nguồn: www. vi.wikipedia.org Ngoài ra tranh được in rất công phu, in hoàn toàn bằng tay với các bản màu; mỗi màu dùng một bản, và bản nét (màu đen) in sao cùng. Nhờ cách in này, tranh được sản xuất với số lượng lớn và không đồi hỏi kỷ năng cầu kỳ nhiều. Tuy nhiên, vì in trên ván gỗ một cách thủ công nên tranh bị hạn chế về kích thướt, thông thường các tờ tranh không lớn qua 50 cm mỗi chiều. Vào thế kỷ 16 tranh Đông Hồ xuất hiện nhưng không ai thống kê hết có bao nhiêu mẫu tranh mà chỉ biết gồm có 5 loại là: Tranh thờ: bộ ngũ sắc; Tranh lịch sử: Hai Bà Trưng, Bà Triệu,…; Truyện tranh: Thánh Gióng, Truyện Kiều, Thạch Sanh…; Tranh chúc tụng: Vinh hoa – Phú quý, Nghi xuân, Gà đàn…; Tranh sinh hoạt: Đánh Ghen, Chăn Trâu Thổi Sáo, Nhà Nông, Đám Cưới Chuột…Với các bức tranh có phần chữ Hán đi kèm thì thì ý nghĩa sáng tỏ hơn bao giờ hết. Ví dụ như tranh Nhân nghĩa vẽ hình em bé ôm con Cóc có chú thích chữ “nhân nghĩa” ấy chính là lời cầu chúc cho các cháu bé được tặng tranh có được cái Nhân, cái Nghĩa như con Cóc trong truyện cổ: mình mẩy tuy có thể xấu xí, bé nhỏ song dám lên kiện cả ông trời để đòi mưa cho dân làng. Chính vì vậy tranh vẽ hình em bé ôm con Cóc một cách trìu mến. Không có sự giải thích nội dung tranh trở nên khó hiểu vì ai mà bồng bế một con cóc bao giờ. Các tranh khác, đặt biệt là tranh sinh hoạt thì có nhiều cách giải thích hơn, cho tới nay có những cách phân thích khác nhau hoàn toàn (ví như tranh Đánh ghen). Tranh Đông Hồ - Nhân Nghĩa Nguồn: www. vi.wikipedia.org Tranh Đông Hồ có đặc điểm thường là những hình ảnh sung túc như Đám cưới chuột, cảnh trai gái cùng nhau hái dừa, cánh cá chép nhiều màu vẩy đuôi…thể hiện mong muốn về sự sung túc. Từ cuối thế kỷ XIX đến 1944 là thời kì cực thịnh của làng tranh. Lúc ấy, trong làng có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh. Đến hẹn lại lên, cứ khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm là cả làng đã tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết, khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào không được người dân làng Hồ tận dụng để phơi giấy: từ sân nhà, sân đình, ven các ngõ xóm, đường làng, dọc theo triền đê cho đến các nóc nhà, nóc bếp….Không khí trong làng rộn ràng từ sáng đến tối suốt mấy tháng liền như thế. Mỗi năm, chợ tranh chỉ nhộn nhịp và tấp nập nhất vào tháng Chạp, họp 5 phiên vào các ngày 6, 11,16, 21 và 26. Bà con, du khách thập phương đổ về mua tranh đông vui, tấp nập. Hàng nghìn, hàng triệu bức tranh các loại được mang  ra xếp gọn lại bán cho những lái buôn, hoặc bán lẻ cho các gia đình mua về làm tranh treo tết để mang phú quý, vinh hoa cho nhà mình. Sau phiên chợ tranh cuối cùng (26/12 âm lịch) những gia đình nào còn lại tranh đều bọc kín đem cất đi chờ đến mùa tranh năm sau lại mang ra chợ tranh bán. Đến chợ tranh làng Hồ không chỉ có khách buôn và mua tranh, mà có cả những người hâm mộ nghệ thuật tranh dân gian thích thăm thú, xem tranh và đi trảy hội mùa xuân. Tranh Đông Hồ - Đám Cưới Chuột Nguồn: www.thuvienkhoahoc.com Tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và có sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ con người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài cũng bởi những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi gắn liền với văn hoá người Việt. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã giải thích về ý nghĩa của việc dùng màu sắc sao cho phù hợp với mỗi đề tài khác nhau: nền màu đỏ cho tranh đánh ghen để lột tả được cái nóng giận bực bội ngột ngạt của không khí lúc đó, nền màu vàng cho cảnh vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày tết, nền màu hồng nhạt cho tranh làng quê yên bình … Đôi khi những bức tranh Đông Hồ còn được những nghệ nhân trang trí kèm theo những từ chỉ dẫn hoặc những tứ thơ tình tứ, lãng mạn, cứ bóc tách từng lớp nang văn hoá hiện trên mỗi bức tranh Đông Hồ cũng đủ cho chúng ta thấy vốn liếng văn hoá Việt thuần khiết và trong sáng, đa dạng và vô cùng độc đáo. Các nghệ nhân Đông Hồ đã chuyển hóa những lời hay - ý đẹp, những kinh nghiệm đúc rút trong cuộc sống từ ngàn đời để lại vào tranh dân gian với những cách thể hiện rất riêng. Những ai đã yêu thích tranh Đông Hồ hẳn rất quen thuộc với các tranh gà: Gà mẹ con, gà đại cát, gà dạ xướng, kê cúc. Chẳng hạn bức "Gà thủ hùng". Theo sử sách xưa kể lại, vào khoảng năm 1915 cụ Chánh Hoàn gả con gái cho một anh Phán,  Cụ Đám Giác ( tên thật là Nguyễn Thể Thức (1882 - 1943) là một nghệ nhân sáng tác nổi tiếng của Đông Hồ. Ngoài tranh về cuộc sống ở nông thôn cụ còn vẽ nhiều tranh truyện tranh phong cảnh, tranh tố nữ...) đã mừng đám cưới bằng một mẫu tranh mới: một gia đình gà gồm gà trống, gà mái và đàn con. Tranh Đông Hồ - Gia Đình Gà Nguồn: http.img79.imageshack.us Bằng ngôn ngữ ước lệ, các con gà được cách điệu hóa, chúng sống động mà không cần giống thực. Gà mái có bố cục theo đường xoắn ốc - tạo nên sự nũng nịu. Gà trống được đặt trong một hình thang, đáy lớn nằm trên - tạo nên tư thế chủ gia đình, che chở cho gà mái và đàn con. Bức tranh gợi không khí hạnh phúc, đầm ấm trong một gia đình. Trên tranh có dòng chữ nôm "Lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông" một lời chúc thật sâu sắc! Bức tranh này được xây dựng từ câu phương ngôn: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Con trâu "đầu cơ nghiệp của nhà nông", cũng được các nghệ nhân Đông Hồ dành nhiều tâm huyết. Tranh cưỡi trâu thổi sáo có chữ: "Hà diệp cái thanh thanh" (Lọng lá sen xanh xanh). Một tàu lá sen dựng đứng như chiếc ô - ý tưởng thật thú vị. Con trâu nghển cổ thưởng thức tiếng sáo, tư thế, dáng vẻ của nó khiến ta cùng nghe thấy tiếng sáo réo rắt, thấy bầu trời trong xanh lồng lộng, thấy cuộc sống thanh bình... Tranh Đông Hồ - Chăn Trâu Thổi Sáo Nguồn: www.chuahoikhanh.com Tranh cưỡi trâu thả diều có chữ "Vũ thu phong nhất tướng" (Một hình ảnh gió thu múa). Một cậu bé nằm ngửa trên lưng trâu thả diều... thật thú vị. Một câu phương ngôn về trẻ chăn trâu: " Đầu đội nón mé như lộng che - Tay cầm cành tre như roi ngựa". Thực tế khó có thể nằm trên lưng trâu mà dong các diều bằng nón mê như vậy? Thế mà ngắm tranh ta vẫn thấy khoái! Bức tranh thả diều còn có hai dị bản khác, một bức có chữ "Vũ thu phong nhất dực" (gió thu múa, một cánh), bức kia có chữ "Nhất tương phúc lộc điền" (một hạnh phúc của nhà nông) - cũng thú vị không kém. Xuất phát từ câu phương ngôn: "Tre già măng mọc" nghệ nhân Nguyễn Thể Thức có đôi tranh, bức thứ nhất có tên: "Cử chỉ hữu cương thường", trên đó có câu thơ: "Tre già dẻo đã có thì - còn phần tráng trực để tùy người sau". Bức kia có tên: "Kim ngân hóa luật lệ" với câu thơ: "Lệ luật thì giáp là trên - Kim ngân hóa ắt vượt lên ai bì". Trải qua nhiều thăng trầm, lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã mai một, làng tranh cũng thay đổi nhiều: Trong những năm kháng chiến chống pháp, khi cả nước điêu linh, Đông Hồ cũng rơi vào cảnh đạn bom lay lắt, làng tranh bị giặc đốt phá tan hoang, người dân trong làng lo chạy loạn khắp nơi, các bản khắc tranh cũng bị thiêu cháy rụi. Nghề tranh từ đó cũng bị gián đoạn. Hoà bình lập lại (1954) làng tranh được khôi phục. Nhiều tổ hợp tác sản xuất tranh Đông Hồ được thành lập, đây cũng là thời điểm tranh Đông Hồ được xuất khẩu sang các nước XHCN đạt kết quả cao. Nhưng từ năm 1985- 1990, do tác động của nền  kinh tế thị trường, nhu cầu thẩm mỹ của người dân thay đổi, việc xuất khẩu tranh gặp nhiều khó khăn. Người dân làng tranh chuyển dần sang làm hàng mã. Nghề làm tranh tồn tại yếu ớt, chỉ còn lẻ tẻ một vài gia đình bám trụ với nghề tranh như: gia đình ông Nguyễn Đăng Chế, gia đình ông Nguyễn Hữu Sam… Đến nay, nhờ công gìn giữ của các nghệ nhân ấy mà tranh dân gian này được khôi phục lại. Cùng với nhiều sáng tạo mới mẻ, tranh dân gian Đông Hồ lại chiếm được cảm tình của nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến mảnh đất văn vật hữu tình này. Tuy nhiên, điều đáng buồn là giờ đây tranh Đông Hồ không còn mang tính “thuần Việt” như thời xưa mà đang dần bị thương mại hoá. Theo đánh giá của một số họa sĩ, tranh Đông Hồ in ở thời điểm hiện tại thường không có màu sắc thắm như tranh cổ, nguyên nhân là người ta trộn màu trắng vào điệp quét giấy để bớt lượng điệp khiến giấy mất độ óng ánh và trở nên "thường", màu sắc sử dụng cũng chuyển sang loại màu công nghiệp, các bản khắc mới có bản không được tinh tế như bản cổ. Một điểm đáng lưu ý khác nữa là một số bản khắc đã đục bỏ phần chữ Hán (hoặc chữ Nôm) bên cạnh phần hình của tranh khiến tranh ít nhiều bị què cụt về mặt ý nghĩa. Dự đoán nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là: Có một thời chữ Hán (và chữ Nôm) bị coi là phong kiến lạc hậu, liệt vào danh mục bài xích nên thợ in đục bỏ đi. Thế hệ sau này không phải ai cũng đọc và hiểu được các ký tự ấy nên tự ý bỏ đi. Cũng do không đọc hiểu được nên các ván khắc truyền lại "tam sao thất bản", đến mức còn lại các ký tự nhưng không đọc được ra chữ gì. Đến với chợ tranh Đông Hồ bây giờ, người ta không còn được thấy cảnh tấp nập bán mua, cũng không còn cảnh người người, nhà nhà ưa chuộng tranh Đông Hồ như ngày xưa nữa. Các thế hệ sau cũng ít muốn học và theo nghề tranh truyền thống của cha ông vì quá vất vả mà lại ít lợi nhuận. Du khách đến làng tranh bây giờ vẫn thấy cảnh phơi giấy nhưng đó lại là giấy để làm hàng mã chứ không phải giấy dó in tranh... Tranh Đông Hồ - Tranh thờ Thần Tài Nguồn: lichsuvn.info Mặc dù gần đây đã có nhiều dự án khôi phục lại làng nghề, phát triển du lịch làng nghề truyền thống song làng tranh dân gian Đông Hồ vẫn chỉ đang tồn tại ở mức độ "phảng phất", chưa thực sự được quan tâm đầu tư để phát triển. Hi vọng trong tương lai gần, cùng với các làng nghề truyền thống khác trên cả nước, làng tranh Đông Hồ sẽ tìm lại được vị trí vốn có của mình và ngày càng phát triển, làm giàu thêm cho nền văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Nó đóng vai trò như một di sản văn hóa, một dòng tranh dân gian không thể thiếu./.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docĐôi nét về tranh đông hồ.doc
Tài liệu liên quan