MỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Vai trò của rong mơ
1.1. Vai trò của rong mơ đối với tự nhiên
1.2. Vai trò của rong mơ đối với con người
2. Hiện trạng nguồn lợi và tình hình khai thác rong mơ
2.1. Hiện trạng nguồn lợi rong mơ
2.2. Thực trạng khai thác rong mơ ở một số địa phương và các hệ quả gặp phải
2.2.1. “Tận diệt” rong mơ ở Quảng Nam
2.2.2. Tình hình khai thác rong mơ ở Khánh Hòa
2.2.3. Khai thác rong mơ ở Quảng Ngãi
3. Thách thức đối với nguồn lợi rong mơ
4. Một số đề xuất đối với nguồn lợi rong mơ và hướng giải quyết
KẾT LUẬN
11 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 3555 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Nguồn lợi rong mơ – các vấn đề cần quan tâm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG
KHOA NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
BÀI TIỂU LUẬN
CÁC VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG
NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
NHA TRANG, THÁNG 5 NĂM 2011
GVHD:
HVTH:
MSHV:
LỚP :
T.S PHẠM ANH TUẤN
NGUYỄN THỊ THANH XUÂN
52CH037
CHNT - 10
NGUỒN LỢI RONG MƠ – CÁC VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂMMỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Vai trò của rong mơ
1.1. Vai trò của rong mơ đối với tự nhiên
1.2. Vai trò của rong mơ đối với con người
2. Hiện trạng nguồn lợi và tình hình khai thác rong mơ
2.1. Hiện trạng nguồn lợi rong mơ
2.2. Thực trạng khai thác rong mơ ở một số địa phương và các hệ quả gặp phải
2.2.1. “Tận diệt” rong mơ ở Quảng Nam
2.2.2. Tình hình khai thác rong mơ ở Khánh Hòa
2.2.3. Khai thác rong mơ ở Quảng Ngãi
3. Thách thức đối với nguồn lợi rong mơ
4. Một số đề xuất đối với nguồn lợi rong mơ và hướng giải quyết
KẾT LUẬN
ĐẶT VẤN ĐỀ
Việt Nam có đường bờ biển dài 3 260km, hệ thống sông ngòi dày đặc, cộng với điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Toàn bộ sự quan tâm cho ngành nuôi trồng thủy sản hiện nay, dường như chỉ tập trung cho các đối tượng là cá, giáp xác và thân mềm. Các đối tượng là rong biển nhận được sự quan tâm chưa xứng với tầm quan trọng và giá trị của chúng. Bất kể một hệ sinh thái trên cạn hay dưới nước, mức độ đa dạng sinh học đều phụ thuộc phần lớn vào điều kiện môi trường sống, như nguồn thức ăn, nơi cư trú, bãi đẻ, …
Rong mơ thuộc ngành rong Nâu, chiếm tỷ lệ lớn về sinh lượng trong các khu hệ rong. Vai trò của chúng đã được nhiều tác giả nghiên cứu và công bố. Tuy nhiên, vấn đề gặp phải hiện nay là sự suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi này, kéo theo đó là những hệ quả khó lường đối với các hệ sinh thái tự nhiên, sự đa dạng vùng bờ, và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất một số ngành công nghiệp nước ta hiện nay.
Phạm vi bài tiểu luận sẽ trình bày một số vấn đề liên quan đến vai trò của rong mơ, hiện trạng nguồn lợi, các thách thức đối với nguồn lợi và công tác bảo vệ nguồn lợi, và định hướng phát triển nguồn lợi.
Vai trò của rong mơ
Vai trò của rong mơ đối với tự nhiên
Rong mơ chiếm tỉ lệ thành phần loài và trữ lượng lớn nhất so với các loài khác của ngành rong Nâu. Chúng góp phần quan trọng vào việc bảo tồn nguồn lợi đa dạng sinh học vùng biển ven bờ, là mắt xích trong chuỗi thức ăn của khu hệ, là nơi cư trú, bãi đẻ của nhiều loài sinh vật như các loài thân mềm (ốc cối, ốc nhảy, …), các loài giáp xác (cua, tôm) hay các loài cá (cá ngựa, cá sơn,…). Rong mơ được coi như một bức tường chắn sóng cho đất liền. Sự phân bố của rong mơ thường tập trung ở những nơi có độ sóng đập mạnh. Với mật độ dày đặc và kích thước cơ thể lớn, chúng có khả năng làm giảm độ mạnh của sóng, giảm lực cơ học tác động và gia tăng tuổi thọ cho các công trình.
Rong mơ có khả năng làm sạch các chất thải phóng xạ trong môi trường nước. Hàm lượng Strongti (Sr90) trong tro rong mơ ở khoảng 10-3g/g và không có sự dao động lớn giữa các loài, khả năng rong mơ tích tụ Sr90 trong cơ thể lớn hơn 100 lần so với nước biển. Điều đó đã mở ra một hướng nghiên cứu mới điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ nhờ vào dẫn xuất Natri-Alginate. Natri-Alginate sẽ hấp thụ chất phóng xạ rồi thải ra ngoài trước khi chúng xâm nhập vào máu và tủy xương.
Vai trò của rong mơ đối với con người
Rong mơ được sử dụng đầu tiên ở Nhật Bản và Trung Quốc trong vai trò là nguồn thực phẩm quan trọng. Ở Việt Nam, rong mơ ít được sử dụng làm thực phẩm, đa phần trong số chúng được dùng làm thức ăn cho gia súc và được coi là nguồn cung cấp khoáng và các nguyên tố vi lượng quan trọng (P, S, K, Cu, Fe, Mn, Co, MO,…), hay sử dụng làm phân bón cho các loại thuốc lá, khoai lang, hành tỏi, rau xanh, các loại hoa…
Hàm lượng Iod trong rong mơ (0,25-0,35% khối lượng khô) cao hơn hàm lượng Iod của các cây trên lục địa vài trăm lần. Rong mơ được sử dụng như một loại dược thảo chữa bệnh bướu cổ, nó không chỉ cung cấp Iod và các nguyên tố vi lượng cho con người mà còn cung cấp một số vitamin như: vitamin A, B, C, D, E, K và hầu hết các acid amin không thay thế.
Thành phần hóa học có trong vách tế bào của rong mơ có ý nghĩa rất lớn. Acid Alginic là một loại polysaccharide rất có giá trị sử dụng. Đây là loại nguyên liệu quan trọng dùng để chiết xuất keo Alginate, dùng trong nhiều ngành công nghiệp như: công nghiệp giấy, sơn, cao su, phim ảnh, mỹ phẩm, công nghiệp thực phẩm, hoặc thay thế Carbon metyl celluloza (CMC) làm phụ gia cho xi măng dùng cho giếng khoan dầu ở biển, có tác dụng làm tăng thời gian quánh của xi măng, giải quyết sự cố xi măng đông kết sớm gây khó khăn cho quá trình xây dựng các công trình, có độ bền uốn cao hơn đảm bảo độ bền cho công trình. Keo Alginate còn được ứng dụng sản xuất một số dụng cụ (băng gạc, chân tay giả,…) trong ngành y. Manitol là một loại polyol, đồng phân của sorbitol. Loại đường rượu này được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm. Nó có tác dụng ngăn ngừa hoặc điều trị nước trong cơ thể dư thừa. Manitol là giải pháp hiệu quả làm giảm áp suất trong mắt, giảm sưng não sau chấn thương đầu, điều trị bệnh giãn mạch vành, trị ung thư, rất có lợi cho người bị bệnh tiểu đường, …
Bùi Minh Lý và cộng sự (2008) đã nghiên cứu công nghệ và thiết bị sản xuất Fucoidan quy mô pilot từ một số loài rong Nâu và nhận thấy hàm lượng Fucoidan trong rong mơ rất cao: 4-8% khối lượng khô. Đây là một loại tài nguyên vô cùng quý giá về hợp chất thiên nhiên với hoạt tính sinh học cao có tác dụng dược dụng đáng được để ý nhất của rong mơ. Qua kết quả nghiên cứu của các tác giả đã xác định thành phần và cấu trúc của Fucoidan trong rong Nâu có liên quan đến hoạt tính kháng ung thư và kháng vi rút, ngăn chặn máu khó đông, ...
Hiện trạng nguồn lợi và tình hình khai thác rong mơ
Hiện trạng nguồn lợi rong mơ
Rong mơ phân bố rộng ở Việt Nam, kéo dài từ vùng biển Quảng Ninh đến Kiên Giang. Theo nghiên cứu của Nguyên Hữu Đại (1980), nhiều nơi, rong hình thành nên những thảm rong dày đặc, rất nhiều bãi có diện tích 30-50 ha, một số bãi có diện tích lên tới 100 ha, kéo dài hàng chục km như ở Quảng Ninh, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Sinh lượng rong trung bình đạt 7kg tươi/m2. Tại vùng Hòn Chồng, sinh lượng rong cao nhất đạt 12kg tươi/m2 (1980), với tổng sản lượng 10.000-15.000 tấn rong khô/năm. Cũng theo nghiên cứu của ông, trong thời gian trưởng thành của rong, có tới 10 cá thể/dm2.
Kết quả điều tra nguồn lợi rong mơ ven biển các tỉnh phía nam trong những năm 1990, có thể dự tính sản lượng khai thác rong mơ của các địa phương khoảng trên dưới 4.000 tấn khô/năm. Các vùng có khả năng khai thác lớn nhất nguồn lợi rong mơ tự nhiên theo thứ tự là: Khánh Hòa (Vịnh Nha Trang, Vịnh Cam Ranh, Vịnh Văn Phong – Hòn Khói), Bình Định (Qui Nhơn – Phù Mỹ), Ninh Thuận, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên,…
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay về nguồn lợi và khai thác rong mơ có nhiều thay đổi. Đá hoa san hô bị khai thác rất bừa bãi, gây nên sự giảm sút nghiêm trọng nguồn lợi các bãi rong cũng như các sinh vật khác và sinh thái ven biển. Nhiều nơi, thảm rong bị tàn phá. Riêng vùng Hòn Chồng có trên 30 ha rong phân bố, do đào phá thềm san hô chết, năm 1991, sản lượng rong chỉ còn khoảng 1/3 so với năm 1980.
Đầu những năm 1980, sinh lượng và sản lượng rong có sự ổn định giữa các năm và luôn ở mức cao do chưa hoặc có rất ít hoạt động khai thác của người dân tác động vào khu hệ rong. Khi thị trường nguyên liệu rong của Trung Quốc có nhu cầu, người dân đã ồ ạt khai thác tập quán: bắt đầu khai thác khi rong xuất hiện và chỉ ngừng khi nó tàn lụi. Các cây rong bị cắt sát gốc và không có khả phát triển trở lại cũng như không còn khả năng mọc nhánh để hình thành cơ quan sinh sản. Hình thức khai thác triệt để đó đã làm nguồn lợi rong suy giảm nhanh chóng. Nguồn lợi rong mơ suy giảm còn do sự ô nhiễm môi trường dẫn đến sự phát triển và cạnh tranh diện tích phân bố của loài rong thích dinh dưỡng cao như rong xà lách (Ulva reticulata), rong tai mèo (Lobophora variegate).
Theo Bùi Minh Lý (2010), diện tích bãi rong vùng Hòn Chồng chỉ còn khoảng 12 ha, trữ lượng 33,5 tấn khô, sinh lượng trung bình còn khoảng 0,3-0,5 kg tươi/m2; vào tháng 4, sinh lượng cao nhất ở một vài nơi là 6,2 kg rong tươi/m2; độ phủ trung bình của rong thấp: 10-30%. Điều đó có nghĩa rằng trữ lượng rong tại khu vực này đã giảm tới 78%. Cũng trong kết quả của nghiên cứu này, nhiều loài và nhiều vùng diện tích trước đây là nơi phân bố của rong mơ thì nay không còn bắt gặp.
Sự suy giảm nguồn lợi rong mơ đã kéo theo sự suy giảm của các loài sinh vật khác cư trú trong các bãi rong, sống vùng ven bờ. Nguyên nhân của sự suy giảm đó bắt nguồn từ hoạt động khai thác của con người: khai thác rong và khai thác san hô cũng như đục lấy thềm san hô. Hoạt động này đã làm thay đổi điều kiện môi trường, độ sâu, sóng, bề mặt vật bám, … với bề mặt mới này, nếu độ sâu của địa hình không thay đổi nhiều thì cây con cũng cần phải có một thời gian lâu mới thích nghi được.
Thực trạng khai thác rong ở một số địa phương và những hệ quả gặp phải
“Tận diệt” rong mơ ở Quảng Nam
Nghề vớt rong mơ mới xuất hiện 2 – 3 năm gần đây, nhưng có ghe 1 ngày vớt đến 300kg khô. Hàng loạt ngư dân nghề tôm nhí trước đây đã chuyển qua đi vớt rong. “Lực lượng” vớt rong từ vài chục người của mấy năm trước đã tăng lên vài trăm người trong 2010 (với khoảng 150 gia đình, sử dụng 130 ghe, có loại trên 20CV). Năm trước người dân chỉ vớt rong ven bờ, năm nay họ sử dụng đồ lặn tôm nhí để lặn bứt rong ở mực nước sâu đến 10m. Những người than phiền trong mùa vớt rong mơ là những ngư dân khai thác hải sản gần bờ. Khai thác rong mơ quá mức đã khiến tôm, cá càng lúc càng ít. Vài ba năm trước, việc khai thác các loài hải sản khác ven bờ rất dễ dàng và với số lượng lớn, nhưng nay thì nó chỉ còn là quá khứ. Khai thác rong mơ không đúng cách còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái rạn san hô trong khu vực do các hoạt động đi kèm trong quá trình khai thác (giật vỡ tảng san hô, đạp chân lên san hô, làm sụp đổ rạn san hô, …)
Trong vài năm nay trở lại đây, rong mơ bị khai thác ngay từ đầu mùa vụ, và trơ cạn chỉ sau vài ngày khai thác. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của các ngư dân trong thời gian tiếp theo, bởi mùa rong mơ phát triển từ tháng 4 đến tháng 6 cũng chính là mùa tôm cá có chỗ trú ngụ để đẻ trứng, sinh sôi nảy nở.
Tình trạng khai thác rong mơ ở Khánh Hòa
Tại đây, việc khai thác rong mơ bừa bãi đang từng ngày đe dọa môi trường và hệ sinh thái biển. Những năm gần đây, rong mơ ngày càng có giá trên thị trường nên người dân sinh sống ven biển đã tập trung khai thác ngay khi bắt đầu mùa vụ rong. Giá rong mơ (đã phơi khô) trên thị trường dao động từ 4.000-5.000 đồng/kg (2011), trung bình mỗi ngày, một người khai thác rong mơ có thể kiếm được khoảng 500.000 đồng khá dễ dàng. Vì thế, ngay từ những tháng đầu năm, khi rong mơ đang còn non, nhiều người đã kéo đến khu vực biển Nha Trang để khai thác.
Theo điều tra, vùng biển tỉnh Khánh Hòa có nguồn rong mơ khá phong phú, tập trung với sản lượng lớn ở các bãi triều đáy cứng (đá, san hô chết...) ven biển và các đảo, sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 10.000 tấn rong tươi. Nếu như trước đây, việc khai thác rong mơ chủ yếu ở gần bờ, ở các bãi bồi sau khi thủy triều rút và chỉ ở độ sâu khoảng 3m. Thì nay, việc khai thác rong mơ cả những nơi rất sâu, kể cả ở các rạn san hô quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong đánh giá năm 2010 của Bùi Minh Lý và ctv đã cho thấy sự suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi rong mơ mà nguyên nhân phần lớn là do hoạt động khai thác không có kế hoạch, không có sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý, cũng như hoạt động khai thác theo tập quán và thiếu một tầm nhìn rộng của người dân.
Khai thác rong mơ ở Quảng Ngãi
Theo thống kê, chỉ riêng hai xã Bình Hải, Bình Châu của huyện Bình Sơn, hiện hàng ngày có trên 200 hộ dân khai thác rong mơ. Không chỉ ở huyện Bình Sơn, thời gian gần đây, phong trào khai thác rong mơ ở huyện đảo Lý Sơn phát triển một cách ồ ạt. Do rong được giá nên người dân ở đây khai thác vô tội vạ, khiến rong mơ gần bờ gần như cạn kiệt. Lãnh đạo huyện Lý Sơn đã ra một chỉ thị nghiêm cấm khai thác rong mơ, nhưng người dân vẫn lén lút ra biển cắt rong. Huyện không đủ lực lượng để tuần tra, kiểm soát và cũng chưa có chế tài. Việc khai thác rong mơ không đúng quy trình kỹ thuật, trước mắt đe dọa đến môi trường sống, môi trường sinh sản của hàng chục loài hải sản đang sinh sống ven bờ tại đảo Lý Sơn và các huyện ven biển. Về lâu dài có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái biển khu vực ven biển hải đảo.
Tình trạng khai thác rong mơ bừa bãi kéo dài thì môi trường biển ven bờ sẽ bị ô nhiễm, hệ san hô bị tổn thất, các loài hải sản sẽ trở nên khan hiếm. Nhận rõ thực trạng khai thác thiếu khoa học gây hậu quả kéo theo, một số tỉnh miền Trung có nghề này đã có khuyến cáo nhân dân chỉ nên khai thác rong mơ vào thời điểm tháng 5 và 6, khi cây rong già cỗi và tự nổi lên mặt biển. Tuy nhiên, các khuyến cáo không đủ sức mạnh để có tác dụng cảnh báo người dân, các quy định chế tài lại được thực hiện thiếu nghiêm túc, thiếu triệt để nên việc khai thác rong mơ vẫn diễn ra tràn lan và chưa có dấu hiệu đáng mừng nào.
Thách thức trong công tác bảo vệ nguồn lợi rong mơ
Vai trò quan trọng của rong mơ đã được khẳng định trong nhiều nghiên cứu của các tác giả. Tuy nhiên, như đã trình bày nguồn lợi rong mơ đang bị suy giảm nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến cân bằng sinh thái vùng biển ven bờ cũng như liên quan đến hoạt động sản xuất của nhiều ngành công nghiệp nước ta. Trước thực trạng đó, yêu cầu phải có những động thái tích cực trong công tác bảo vệ nguồn lợi.
Kế hoạch bảo vệ nguồn lợi rong mơ đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học và nhà quản lý. Song kết quả hoạt động lại rất hạn chế do một số khó khăn sau:
Khó xác định tất cả các vùng phân bố rong mơ do điều kiện về địa hình, các hạn chế về công nghệ và trang thiết bị nghiên cứu.
Vùng phân bố tự nhiên rộng, rải rác.
Tổng số loài, tổng sản lượng hiện có cũng như sản lượng khai thác tiềm năng chưa được xác định.
Chưa quy hoạch được các vùng có thể và không thể khai thác.
Chưa có kế hoạch khai thác hợp lý và thiếu tính đồng bộ giữa các địa phương, các vùng.
Thiếu các nghiên cứu cụ thể về khả năng khai thác và tỷ lệ khai thác hợp lý, thiếu các hướng dẫn khai thác của nhà quản lý.
Một số địa phương đã ra các văn bản quy định khai thác rong mơ, song thiếu tính triệt để, hoạt động kiểm tra giám sát không được tiến hành, hoặc tiến hành nhưng không hiệu quả.
Sự dàn trải trong hoạt động quản lý làm giảm hiệu quả của công tác bảo vệ nguồn lợi.
Hạn chế về ý thức bảo vệ nguồn lợi và hoạt động khai thác theo tập quán của người dân.
Một số đề xuất đối với nguồn lợi rong mơ và hướng giải quyết
Để sản xuất keo alginate, fucoidan, manitol,…, Việt Nam phải dựa hoàn toàn vào sản lượng rong mơ thu hoạch từ tự nhiên. Hiện trạng khai thác rong mơ hiện nay cho ta cái nhìn đáng lo ngại về nguồn lợi này trong tương lai. Cứ đà khai thác này, trong thời gian chỉ khoảng vài năm nữa, nguồn lợi rong mơ sẽ suy kiệt và khó có thể phục hồi. Bảo vệ, phục hồi và phát triển rong mơ là việc làm vô cùng quan trọng và khẩn thiết.
Bảo vệ nguồn lợi. Sự suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi rong mơ tự nhiên trong khi chưa chủ động được nguồn nguyên liệu yêu cầu công tác bảo vệ phải thực sự hiệu quả và triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương. Một số biện pháp bảo vệ nguồn lợi rong mơ:
Xác định vùng khai thác:
Tiến hành điều tra tổng thể các vùng phân bố rong mơ.
Điều tra sản lượng rong ở các vùng phân bố và xác định vùng có thể cho sản lượng khai thác. Xác định và cấm khai thác ở các vùng không đáp ứng sản lượng khai thác, vùng có sự phân bố trùng với phân bố của hệ sinh thái rạn san hô, các vùng có đá san hô, vùng là nơi trú ngụ, sinh sản của các loài hải sản có giá trị kinh tế,…
Lập kế hoạch khai thác:
Tại các vùng có thể tiến hành hoạt động khai thác: quy hoạch vùng có thể khai thác, nghiên cứu và quy định mùa vụ khai thác, thời gian bắt đầu khai thác.
Nghiên cứu khả năng phục hồi nguồn lợi của khu hệ với các mức độ khai thác khác nhau, từ đó đặt ra tỷ lệ sản lượng có thể khai thác. Tỷ lệ khai thác phải đảm bảo khu hệ rong hoàn toàn có thể phục hồi nguồn lợi trong mùa vụ tiếp theo.
Nghiên cứu xác định rõ tỷ lệ và sản lượng khai thác cho phép ở mỗi vùng.
Có kế hoạch luân phiên địa điểm khai thác trong tổng vùng khai thác, nghiêm cấm khai thác rong non, rong trước khi sinh sản.
Kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác:
Tăng cường lực lượng kiểm tra giám sát hoạt động khai thác của người dân.
Ban hành các văn bản pháp lý quy định mức phạt đối với những người không thực hiện đúng kế hoạch và phương pháp khai thác, những hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường sống, đến vật bám của rong, đặc biệt là các hoạt động khai thác đá san hô và san hô.
Chế biến và sử dụng: nguồn lợi rong mơ là hạn chế, chính vì vậy cần sử dụng nguồn lợi tiết kiệm và hợp lý.
Hạn chế sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch:
Phục hồi hoạt động của các nhà máy chế biến rong mơ tại Việt Nam.
Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến rong nói chung và rong mơ nói riêng.
Quy định mức giá mua tối thiểu đối với tư thương Trung Quốc, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời giảm sản lượng rong xuất sang Trung Quốc.
Chế biến và sử dụng:
Nghiên cứu ứng dụng rong mơ trong vai trò cải thiện chất lượng nước, giảm hàm lượng các nguyên tố phóng xạ trong nước biển. Đồng thời nghiên cứu sản xuất sản phẩm y học điều trị cho các bệnh nhân nhiễm chất phóng xạ.
Nghiên cứu hoàn thiện và nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chuyển giao quy trình chiết xuất các sản phẩm có giá trị từ rong mơ.
Cải tiến quy trình sản xuất hiện có, tiến đến tinh chế và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tiếp tục nghiên cứu khả năng ứng dụng làm thực phẩm chức năng và các ứng dụng trong y học của sản phẩm tách chiết từ đối tượng.
Phát triển nguồn lợi:
Tiến hành nghiên cứu sâu các đặc điểm sinh học, đặc biệt là đặc điểm sinh học sinh sản và các lĩnh vực liên quan nhằm ứng dụng sản xuất giống và đưa rong mơ trở thành đối tượng rong kinh tế mới, giảm áp lực cho hoạt động khai thác rong tự nhiên, đồng thời phát triển nguồn lợi có giá trị cao này.
KẾT LUẬN
Rong mơ là nguồn tài nguyên biển quý giá, có giá trị và vai trò rất lớn không chỉ đối với tự nhiên mà đối với cả con người. Tình trạng khai thác không hợp lý có thể dẫn đến sự suy giảm không thể phục hồi của nguồn lợi này, và trong tương lai sự biến mất của nó là không khó xảy ra. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể khai thác chúng bền vững, bên cạnh đó nghiên cứu phát triển nguồn lợi thì những lợi ích thu được sẽ rất lớn.
Các nước trên thế giới hiện nay đều có xu thế hướng biển. Khi nguồn tài nguyên trên lục địa đang cạn kiệt dần và không có khả năng phục hồi thì tầm nhìn của các quốc gia đều hướng đến tài nguyên biển. Mục tiêu hướng biển, tận dụng các nguồn tài nguyên phong phú có trong biển và đại dương cũng là nguyên nhân chính của các cuộc tranh giành lãnh hải. Là quốc gia có tiềm năng về phát triển tài nguyên biển, chúng ta cần tận dụng những ưu đãi của tự nhiên.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- cac_va_n_de_can_quan_tam_trong_ntts_7044.doc