MỤC LỤC
NỘI DUNG CHÍNH
1. Khái niệm gia đình
2. Khái niệm trẻ vị thành niên
3. Khái niệm hành vi lệch chuẩn
4. Nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên nhìn từ phía gia đình
4.1. Cha mẹ quá nuông chiều con cái
4.2. Cha mẹ quá nghiêm khắc với con cái
4.3. Cha mẹ thờ ơ, không quan tâm đến con cái
4.4. Hành vi lệch chuẩn của cha mẹ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
13 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 5830 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Nguyên nhân phạm pháp của trẻ em vị thành niên từ góc độ gia đình, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA TÂM LÝ HỌC
…0O0…
BÀI TIỂU LUẬN
Đề tài:
“ NGUYÊN NHÂN PHẠM PHÁP CỦA TRẺ EM VỊ THÀNH NIÊN TỪ GÓC ĐỘ GIA ĐÌNH”
Họ và tên: Nguyễn Văn Lượt
Lớp: K6TLH
Khoá: 2004 - 2007
Hà Nội, tháng 6/2005
NỘI DUNG CHÍNH
1. Khái niệm gia đình
Theo PGS.Trần Trọng Thuỷ: “gia đình là một nhóm nhỏ liên kết với nhau bởi những mối quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nhận con nuôI, tạo thành một hệ riêng biệt, tác động qua lại và giao tiếp lẫn nhau qua vai trò xã hội của từng người: là chồng, là cha, là mẹ, là con trai, là con gái tạo thành một nền văn hoá chung” - Giáo dục đời sống gia đình, NXB: Giáo dục, 1990, tr20.
Luật hôn nhân gia đình năm 2000 quy định : “gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, do quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền lợi giữa họ với nhau theo quy định của luật này”
Từ góc độ tâm lý học, chúng tôi cho rằng: “gia đình là một nhóm xã hội, tồn tại và phát triển dựa trên các mối quan hệ cơ bản là quan hệ hôn nhân và tình cảm huyết thống sâu sắc, trong đó, mỗi cá nhân hình thành và phát triển nhân cách”.
2. Khái niệm trẻ vị thành niên
Quá trình phát triển của một đứa trẻ từ khi sinh ra tới khi trưởng thành trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau với các đặc đIểm tâm sinh lý đặc trưng.
Tuổi vị thành niên là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát triển của trẻ em. Đó là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người lớn.
Việc xác định chính xác tuổi bắt đầu và kết thúc của tuổi vị thành niên là không đơn giản. Mỗi tác giả có những quan niệm khác nhau. Chẳng hạn E.Spranger cho rằng tuổi vị thành niên là từ 14 tới 17 tuổi; Đ.Bromlei lại coi tuổi vị thành niên là từ 11 đến 15 tuổi; nhà tâm lý học Xô viết Đ.B.Encônhin cho rằng lứa tuổi vị thành niên là từ 11 cho tới hết 15 - Vũ Dũng, Tâm lý học tuổi vị thành niên, Tạp chí Tâm lý học, số 4/1998, tr 17 - 21.
Theo các nhà Tâm lý học Việt Nam thì tuổi vị thành niên gồm hai giai đoạn là: giai đoạn học sinh THCS (hay thiếu niên) và giai đoạn học sinh PTTH (hay giai đoạn đầu của tuổi thanh niên).
Theo chúng tôi, khái niệm trẻ em vị thành niên là khái niệm dùng để chỉ những trẻ có độ tuổi từ 11 tới 17 tuổi, là lứa tuổi chuyển tiếp từ trẻ em lên người lớn.
3. Khái niệm hành vi lệch chuẩn
Hành vi lệch chuẩn là những hành vi của một cá nhân, của một nhóm người hay một cộng đồng người tạo ra không phù hợp với chuẩn mực xã hội hiện hành, bị cộng đồng, xã hội lên án
4. Nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên nhìn từ phía gia đình
Trong phần này chúng tôi đi sâu phân tích một số nguyên nhân dẫn trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lắc xét từ góc độ gia đình.
Liên tục trong thời gian gần đây báo chí cả nước xôn xao về một “hiện tượng lạ”, “lạc điệu” trong thanh thiếu niên, đó là việc sử dụng loại ma tuý tổng hợp. Thuốc “lắc” ecstasy - ma tuý tổng hợp là thuốc kích thích loại amphetamine hiện đang được hầu hết dân đi vũ trường biết đến. Một viên thuốc nhỏ xíu giá từ 220.000 - 300.000 đồng, có loại thậm chí có giá tới 800.000 - 1 triệu đồng, tuỳ theo công dụng của thuốc và thời điểm giao hàng. Càng dùng theo thời gian liều lượng càng tăng. Điều đặc biệt nguy hiểm là người sử dụng khi đã “dính” vào thì rất nhanh nghiện, không dùng sẽ cảm thấy rất nhạt nhẽo và buồn tẻ. Do vậy, người sử dụng phải sử dụng thường xuyên với liều lượng ngày một tăng. Đây là loại thuốc có khả năng gây kích thích cực mạnh, thậm chí có thể gây ảo giác cho người sử dụng. Điều đáng nói là trong số những đối tượng bị lực lượng công an TP Hồ Chí Minh và Hà Nội bắt có rất nhiều trẻ em vị thành niên, có nhiều em còn đang theo học trong các trường phổ thông. Thực trạng này đã gây nên những nhức nhối không chỉ cho các gia đình có con em sử dụng loại thuốc “lắc” mà còn gây bức xúc cho toàn xã hội về một lối sống lệch lạc trong thế hệ trẻ.
Trẻ em từ khi sinh ra đã phải chịu rất nhiều ảnh hưởng ở những môi trường xã hội khác nhau như môi trường gia đình, bạn bè…Tuy nhiên, môi trường trẻ chịu ảnh hưởng sớm nhất, nhiều nhất và trực tiếp nhất là giáo dục gia đình. Bởi vì:
Sự tác động của giáo dục gia đình diễn ra thường xuyên, liên tục và kéo dài theo suốt quá trình phát triển của trẻ.
Tác động của giáo dục gia đình chủ yếu diễn ra theo cơ chế bắt chước, đồng nhất từ phía trẻ nhỏ theo những tấm gương của người lớn mà trẻ có thể học tập.
Sự tác động của giáo dục gia đình dựa trên tình cảm.
Có ba cách giáo dục gia đình ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển nhân cách của trẻ, đó là:
- Cha mẹ quá nuông chiều con cái.
- Cha mẹ thờ ơ, không quan tâm tới con cái.
- Cha mẹ quá nghiêm khắc với con cái.
Theo chúng tôi, có một số nguyên nhân từ phía gia đình dẫn trẻ em vị thành niên sử dụng thuốc lắc trong thời gian qua bao gồm :
4.1. Cha mẹ quá nuông chiều con cái
Theo chúng tôi nguyên nhân đầu tiên xét từ khía cạnh gia đình dẫn trẻ sử dụng thuốc lắc là do cha mẹ quá nuông chiều con cái.
Cha mẹ quá nuông chiều con cái là mẫu cha mẹ rất quan tâm đến con cái nhưng lại sao nhãng việc quản lý con và thường rất ít đặt ra các yêu cầu đối với con cái. Nhiều cha mẹ cố ý nuôi nấng con cái theo cách này, bởi họ tin rằng sự quan tâm trừu mến, kết hợp với việc ít kiềm chế, bó buộc sẽ nuôi dạy con trở thành người tự tin và sáng tạo.
Hiện nay, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, không ít ông bố bà mẹ mải lo làm ăn, lo thăng quan tiến chức… mà ít có thời gian chăm sóc con cái, phó mặc mọi việc dạy dỗ và giáo dục cho Ôsin và nhà trường. Họ nghĩ đơn giản rằng, việc cung cấp cho con mọi nhu cầu về vật chất là điều kiện tốt nhất cho con mình phát triển nhưng đâu đơn giản vậy.
Các bậc cha mẹ tưởng rằng cung cấp đủ tiền bạc cho con cái là chúng phát triển bình thường như bao trẻ khác. Họ không hiểu rằng ở giai đoạn này nhu cầu chia sẻ của trẻ rất lớn. Do đó, sự thương yêu chăm sóc, động viên của cha mẹ, đặc biệt là mẹ đối với trẻ nữ và cha đối với trẻ nam có ýy nghĩa lớn lao.
Một em học sinh lớp 10 tâm sự: “ba mẹ làm nhiều tiền, không quan tâm tụi em muốn gì, cứ mỗi lần xin tiền là thảy cho một cọc, xài vào mục đích gì cũng không cần biết”.
Đó là tâm sự của V, một cô nữ sinh trung học bị lực lượng công an của thành phố Vũng Tàu bắt ngày 8/6/2005 trong một quán bar cùng nhóm bạn với tang vật là những viên thuốc lắc tổng hợp. V, một cô bé nữ sinh không làm gì để có tiền nhưng tiêu tiền như ném đá qua cửa sổ. Bạn bè ganh tị về sự giàu có, muốn gì được đấy của V nhưng trong thâm tâm V lại ganh tị với bạn bè, vì mỗi lần tan học, nhiều đứa được đích fhân cha mẹ tới đón, còn V lủi thủi một mình với ông tài xế riêng của mẹ. Ba mẹ V ly dị từ khi cô bé học cấp 2, sống với mẹ dư thừa vật chất nhưng những cái đó không cần đối với V. V tìm đến quán bar, tìm đến thuốc lắc để thả mình trong những điệu nhảy quay cuồng. Đối với V quán bar là nhà và những đứa bạn “lắc” là gia đình. Sau các cuộc chơi bốc lửa, V về nhà với những bước chân mệt mỏi để rồi ngủ vùi vào sáng hôm sau.
Đó là chân dung của một trẻ vị thành niên “dính” vào thuốc lắc ở thành phố Vũng Tàu. Những lời tâm sự của em cho thấy: gia đình - nơi tổ ấm duy nhất của em không còn là nơi để trở về sau những buổi học căng thẳng và mệt nhọc ở trường. Sự nuông chiều của cha mẹ bằng cách chu cấp tiền bạc, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ (nhưng không đáp ứng được một nhu cầu rất người của trẻ đó là tình thương yêu), không cần biết nhu cầu đó là gì, phó mặc đời sống tâm hồn của trẻ, dẫn trẻ tới cô đơn, tuyệt vọng (mặc dù sống trong dư thừa vật chất) và việc trẻ sử dụng thuốc lắc như là một hậu quả tất yếu.
Mặt khác, chính cách giáo dục con cái theo kiểu nuông chiều như vậy đã làm cho trẻ có cơ hội phát triển tính tự cao, tự đại quá đáng, sinh ra tâm lý thích chơi trội, thích là được coi là người sành điệu, thời thượng... Chính việc được chu cấp tiền bạc rủng rỉnh từ phía cha mẹ, những đứa trẻ sống trong các gia đình có kiểu giáo dục con cái theo kiểu trên sẵn sàng tham gia bất cứ hoạt động nào miễn được coi là thời thượng, là chơi trội, là dân sành điệu.
“Hiện tượng lạm dụng các chất kích thích nói chung và sử dụng ecstacy nói riêng đã đáp ứng được một “nhu cầu” xu thời mang tính thời thượng của một bộ phận thanh niên. Nó không phải hoàn toàn là sự bắt chước mà là sự adua, đua đòi, hiểu lầm rằng như thế mới là thanh niên thành phố, là biết ăn chơi…Tất thảy những đối tượng này đều là con em trong các gia đình khá giả, được cha mẹ cưng chiều cung cấp tiền bạc rủng rỉnh và không hề kiểm soát chúng đã chi tiều những đồng tiền đó vào việc gì”- GS.TS. Đỗ Long.
4.2. Cha mẹ quá nghiêm khắc với con cái
Nếu cha mẹ nuông chiều con cái quá mức đã dẫn đến những hậu quả không tốt, kết quả của cách giáo dục đó là rất nhiều trẻ em đã sử dụng những đồng tiền của cha mẹ vào hoạt động vi phạm pháp luật, đặc biệt là việc sử dụng các loại thuốc lắc trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nếu cha mẹ giáo dục con quá nghiêm khắc, khắt khe thì cũng đẩy trẻ tới việc vi phạm các chuẩn mực xã hội trong đó có việc sử dụng thuốc lắc. Thoạt nghe có vẻ khó chấp nhận nhưng sự thực là như vậy.
Cha mẹ có kiểu giáo dục này là cha mẹ rất khắt khe, bắt buộc con cái nhất nhất phải theo đường, hướng mà cha mẹ đã vạch ra và phải luôn luôn xem trọng công việc và sự nỗ lực. Cha mẹ kiểu này thường đặt ra những giới hạn chính xác, quản lý gắt gao và kiểm soát con hoàn toàn. Những kiểu cha mẹ này thường rất ít khi cho con cái được trao đổi, tranh luận với họ. Điều này khiến cho con cái họ thường thiếu tính cá nhân, bảo gì làm ấy rất dễ bị lôi kéo, thuyết phục bởi người khác.
Có hiện tượng sau chúng ta thường hay quan sát thấy trong đới sống xã hội: nhiều trẻ được thừa nhận là rất ngoan ngoan khi ở nhà, cha mẹ bảo gì làm đấy, thậm chí có những lúc còn bị coi là “đần” thế nhưng lại là những trẻ tham gia tích cực vào các nhóm băng đảng phạm tội. Theo chúng tôi, chính cách giáo dục của cha mẹ một cách quá độc đoán và nghiêm khắc đã làm cho trẻ không có cơ hội thể hiện cái tôi của mình. Cái tôi đó bị dồn nén, khống chế. Do đó, khi gặp môi trường thuận lợi trẻ bộc lộ và có nhu cầu thể hiện cái tôi của mình một cách sâu sắc. Tuy nhiên, trẻ bị lôi kéo và dụ dỗ tham gia vào các nhóm bạn bè xấu. Vậy là, trong môi trường gia đình trẻ không có cơ hôi thể hiện cái tôi thì ở đây trẻ được tôn trọng, được bộc lộ hết cái tôi của mình mà không hề bị ai kiểm soát, ngăn cấm.
Nhiều trẻ em vị thành niên trong các gia đình được coi là gia giáo đã tham gia sử dụng thuốc “lắc”, thông qua việc sử dụng thuốc lắc trẻ có cảm giác rằng chúng là một người có giá trị trong con mắt bạn bè; trong khi đó điều này hầu như không bao giờ có được trong gia đình của trẻ - nơi mà trẻ luôn luôn bị coi là nhỏ bé và không bao giờ được thể hiện quan điểm cá nhân.
Một đặc điểm tâm lý rất phổ biến ở trẻ em tuổi vị thành niên là sự tò mò khám phá thế giới xung quanh trẻ. Chính sự tò mò đã cho phép loài người khám phá ra không ít tri thức khoa học thú vị. Về mặt tâm lý, con người ta khi một nhu cầu nào đó không được thoả mãn thì con người còn cố gắng tìm mọi cách thoả mãn nhu cầu đó. Trẻ em trong các gia đình có kiểu giáo dục độc đoán và nghiêm khắc thường không có cơ hội thể hiện sự tò mò (sự khám phá) của mình. Chính vì vậy trẻ trong các gia đình mong muốn rất lớn khám phá thế giới xung quanh mình. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn trẻ sử dụng thuốc lắc để khám phá cảm giác của chúng. Tất nhiên những cảm giác này trẻ biết được thông qua sự trao đổi với bạn bè của trẻ, qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Tóm lại, chính cách giáo dục độc đoán và nghiêm khắc của cha mẹ làm cho trẻ bị kìm nén việc thể hiện cái tôi của mình, trẻ cảm thấy không được thừa nhận trong gia đình mà trẻ đang sống. Đó là nguyên nhân tâm lý sâu xa dẫn trẻ vi phạm pháp pháp luật nói chung, sử dụng thuốc lắc nói riêng.
4.3. Cha mẹ thờ ơ, không quan tâm đến con cái
Cha mẹ thờ ơ là cha mẹ không quan tâm tới cuộc sống của con cái, không biết đến nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của con. Cha mẹ không cần biết kết quả học tập của con cái ra sao, bạn bè của con cái mình là những người như thế nào. Chính sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con cái mà biết bao trường hợp trẻ em có những hành vi lệch chuẩn do tập nhiễm từ những nhóm bạn xấu mà cha mẹ không hề hay biết. Nguy hiểm là những em vi phạm mà không biết mình vi phạm vì không nhận được sự định hướng, khuyên nhủ từ cha mẹ.
Chúng ta cũng cần lưu tâm tới các trẻ em sinh sống trong các gia đình thiếu sự chăm sóc của cha mẹ do cha mẹ ly hôn, ly thân, hay tai nạn… Đó là những trẻ thiệt thòi, rất cần sự nâng đỡ tâm lý rất lớn. Đặc biệt, trẻ em vị thành niên rất nhạy cảm với sự ly hôn, ly thân của cha mẹ. Rất nhiều trẻ do chán nản cuộc sống lạnh lẽo và nặng nề nơi gia đình để đi tìm niềm vui trong những tiếng nhạc inh tai ức óc. Họ tham gia vào việc sử dụng thuốc lắc để quên đi cuộc sống hiện tại của gia đình mà trẻ sinh sống. Đây là cảm giác của một cô nữ sinh trung học của thành phố Hồ Chí Minh khi sử dụng thuốc lắc: “chân tay tôi cựa quậy, chỉ muốn hoà vào nhịp của những âm thanh đang mời gọi náo nức kia. Và tôi hoà vào những người đã “bay” thực sự từ lâu rồi. Những gương mặt lạ lẫm bỗng trở nên gần gũi, đáng yêu. Nét mặt họ thanh thản và hạnh phúc. Tôi cảm thấy một tình yêu cuộc sống, yêu những người xung quanh mình. Cảm giác về một gia đình lạnh lẽo biến mất trong tôi tự lúc nào. Tôi cứ nhảy. Suốt 6 tiếng đồng hồ không ngồi xuống”
Như vậy, chính mối quan hệ của ngươi lớn đã làm cho trẻ bị tổn thương nặng nề. Người lớn chỉ biết thoả mãn nhu cầu cá nhân của bản thân họ mà không hề biết rằng chính đứa trẻ trong gia đình là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi và “đau đớn” nhất cả về mặt thể xác và tâm lý.
Ở độ tuổi vị thành niên trẻ rất dễ bị lôi kéo bởi các nhóm không chính thức. Chính môi trường gia đình luôn luôn căng thẳng, bất hoà hoặc lạnh lẽo đã đẩy trẻ ra khỏi mái ấm gia đình tham gia vào các nhóm không chính thức. ở nhóm này, trẻ tìm thấy sự thương yêu và đùm bọc lẫn nhau của các thành viên trong nhóm - điều mà trẻ khao khát trong gia đình nhưng không bao giờ có được. Từ việc tham gia vào nhóm không chính thức tiêu cực, trẻ tiếp thu các chuẩn mực của nhóm. Tất nhiên, chuẩn mực này thường là không tốt đối với sự phát triển của trẻ.
4.4. Hành vi lệch chuẩn của cha mẹ
Chúng ta đôi khi không để tâm đến những việc chúng ta làm ảnh hưởng như thế nào đến thái độ và hành vi của trẻ.
Trong cuộc sống, không ít ông bố, bà mẹ đã noi gương xấu cho con cái của họ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức và hành vi của trẻ. Trẻ sẽ bắt chước các hành vi của cha mẹ chúng một cách rất tự nhiên. Và như vậy, vô hình chung, các ông bố bà mẹ đã tự dẫn dắt con em mình đến hành vi vi phạm pháp luật.
Báo chí thành phố Hồ Chí Minh gần đây xôn xao về một trường hợp rất hy hữu ở thành phố đó là một gia đình gồm 6 thành viên bao gồm cả bố mẹ và con cái đã sử dụng thuốc lắc tại một quán bar sau một bữa tiệc tại gia đình. Điều đáng nói là chính cha mẹ của trẻ cũng tham gia vào hoạt động này. Nó sẽ làm cho trẻ nghĩ đơn giản rằng cha mẹ mình là những người từng trải, biết được điều hay điều giở họ làm mà còn tham gia sử dụng thuốc lắc thì có lẽ gì mà họ lại không tham gia.
Không ít các ông bố, bà mẹ đưa người tình riêng của mình về sinh sống ngay trước mặt con cái; tham gia buôn bán ma tuy, thậm chí yêu cầu con mình tham gia cùng… người lớn có thú vui riêng của mình, trẻ em cũng tự tìm lấy thú vui của họ. Và họ đi tìm kiếm thú vui đó…và việc sử dụng thuốc lắc như là một hệ quả bất khả kháng.
Những nguyên nhân từ phía gia đình đã phân tích ở trên đã giải thích được một phần nào trẻ vị thành niên tham gia sử dụng thuốc lắc. Tất nhiên, bên cạnh nguyên nhân gia đình còn có nhiều nguyên nhân tâm lý xã hội khác. Việc trẻ vị thành niên tham gia sử dụng thuốc lắc là điều không thể chấp nhận được nhưng chúng ta cũng không nên đổ lỗi tất cả cho vị thành niên. Họ vừa là thủ phạm và cũng chính là nạn nhân của thuốc lắc. Họ là những người còn trẻ, ưa khám phá, tìm tòi và vẫp ngã là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng là gia đình, nhà trường và xã hội cần có cái nhìn thông cảm với những lỗi lầm của họ giúp họ vượt qua chúng bằng chính sự dũng cảm của mình.
Gia đình vẫn là cái nôi quan trọng nhất. Trong một gia đình hoà thuận, cha mẹ quan tâm đúng mức tới con cái từ cách sống đến các mối quan hệ giao tiếp sẽ làm giảm tỷ lệ trẻ em vị thành niên chỉ muốn lao vào thế giới lắc để quên đi mọi buồn phiền. Việc cho con cái tiêu tiền vô tội vạ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thói ngông cuồng, ăn chơi vô độ của của các “ông vua” con nhà giàu. Cha mẹ cần để tâm tới việc chi tiêu của con em mình không phải để theo dõi, giám sát việc chi tiêu của con mà để biết chắc chắn rằng việc chi tiêu của con em là nhằm phát triển con người nơi trẻ chứ không phải là để ăn chơi trác táng ở chốn quán bar, vũ trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Trọng Thủy, Giáo dục đời sống gia đình, NXB: Giáo dục, 1990.
2. Luật hôn nhân gia đình năm 2000, NXB: Chính trị Quốc gia, 2001.
3. Vũ Dũng, Tâm lý học tuổi vị thành niên, Tạp chí Tâm lý học, số 4/1998, tr 17 - 21.
4. Nguyễn Thanh Bình, Con đường dẫn trẻ vào bar và lắc, ngày 8/6/2005, Tuổi Trẻ Online.
5. Đông Việt, “Thiêu thần” Hà thành, 1/4/2005, Tuổi Trẻ Online.
6. Bích Dậu, Cô đơn thích chơi nổi, 29/3/2005, Tuổi Trẻ Online.
7. Mai Hà, Tâm sự của một gái lắc, 18/9/2004, Tuổi Trẻ Online.
8. Sơn Nam, Vì sao thanh niên hiện nay dễ đi vào con đường “thác loạn”?, Website: Tamsubantre.org.
9. Đông Việt, “Lắc” vì đâu?, 20/6/2005, Tuổi Trẻ Online.
10. Nguyễn Lan Hương, Ảnh hưởng của gia đình tới hành vi lệch chuẩn của ở trẻ em vị thành niên. Khoá luận tốt nghiệp, 2005.
11. Nguyễn Đình Gấm, nguyên nhân tâm lý xã hội của tội phạm vị thành niên, Tạp chí Tâm lý học, số 5/2002.
12. Nguyễn Thị Hồng Nga, nguyên nhân dẫn trẻ em tới hư hỏng và phạm pháp, Tạp chí Tâm lý học số 9/2002.
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- XHH (51).DOC