Pháp trị là tư tưởng chính trị quan trọng của phái Pháp gia. Một trong những đại diện xuất sắc của Pháp gia là Thương Ưởng (390 - 338 TCN) với việc áp dụng học thuyết "Hình danh" (một nhánh của pháp gia) trong khi thực hiện Biến pháp ở nước Tần. Học thuyết này được tóm gọn ở hai điều:
- Mọi người dân bình đẳng trước pháp luật(6).
- Lấy thưởng phạt làm nguyên lý trị nước, không cần giáo dục.
Có thể thấy đường lối: 'không cần giáo dục' của pháp gia có nguồn gốc từ học thuyết "vô vi" của Lão Tử và đó là đặc trưng cơ bản để phân biệt học thuyết Pháp gia với Nho gia.
7 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 4591 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Những đặc trưng cơ bản của pháp luật phong kiến Trung Quốc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. Phần mở đầu.
Pháp luật Trung Quốc thời phong kiến đã đạt tới sự phát triển tương đối cao so với luật pháp ở các nước phương Đông khác. Qua hàng ngàn năm phát triển và hoàn thiện dưới các triều đại: Hán, Đường,..., Minh, Thanh; pháp luật phong kiến Trung Quốc đã bộc lộ những đặc trưng cơ bản của nó. Có hai đặc trưng cơ bản, đó là:
- Luật pháp phong kiến Trung Quốc kết hợp giữa Lễ và Hình.
- Sự kết hợp giữa Đức trị với Pháp trị và hoà đồng giữa quy phạm pháp luật với quy phạm đạo đức.
Những đặc trưng này không những là điểm phân biệt rõ ràng nhất pháp luật Trung Quốc với pháp luật những nước khác; mà hơn thể nữa, nó còn phản ánh những nét đặc sắc của nền văn minh, văn hoá Trung Hoa, cũng như đời sống vật chất, tinh thần thời bấy giờ ở Trung Quốc.
* * *
B. Phần nội dung.
I. Luật pháp phong kiến Trung Quốc kết hợp giữa Lễ và Hình.
Trước khi phân tích đặc trưng này, ta cần phải hiểu:
- "Lễ": là nguyên tắc xử sự của con người đã được hệ thống hoá theo một chuẩn mực nhất định.
- "Hình": là hình phạt, biểu hiện cho chế tài của pháp luật.
1. Tiền đề tư tưởng.
* Vì hệ tư tưởng chính trị pháp lý Trung Quốc bị ảnh hưởng rất lớn từ học thuyết Nho giáo nên tiền đề tư tưởng của đặc trưng này chính là một số chủ trương chính trị của Nho gia.
* Xét về mặt lịch sử ta thấy, chính bản thân Khổng Tử_ người sáng lập ra Nho giáo, đã có chủ trương dùng lễ trong việc cai trị. Nhưng chủ trương chính của ông là kết hợp Lễ và Nhạc chứ không phải Lễ và Hình. Trong đó: Lễ dùng để ước thúc, Nhạc để phát triển con người theo khuôn khổ mà Lễ đã định. Sách Luận Ngữ, chương XVII, tiết 5 có chép lại, đại ý rằng Khổng Tử có ý khen học trò của mình là Tử Yển đã biết dùng Lễ và Nhạc để dạy dân, dù là ở một huyện nhỏ.(1)
Đến thời Hán, Đổng Trọng Thư xây dựng nên các khái niệm tam cương, ngũ thường thì phạm trù Lễ đã trở nên hoàn thiện. Tam cương nêu ra ba mối quan hệ: vua tôi, cha con, vợ chồng. Trong đó; tôi, con và vợ phải phục tùng vua, cha, và chồng. Như vậy, "Lễ" xác lập nguyên tắc xử sự của con người trong ba mối quan hệ xã hội cơ bản đó. Pháp luật dùng Lễ tức là pháp luật bảo vệ những nguyên tắc xử sự được quy định trong Lễ. Mà đa phần những quy định đó lại bảo vệ cho quyền lợi của giai cấp thống trị và chế độ phụ quyền. Vì thế, nhà nước Trung Quốc lấy Lễ làm cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
* Việc sử dụng Hình vốn không phải chủ trương của Nho gia. Sách Luận Ngữ, chương II, tiết 3 viết: "Tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ."(2) Tức là: nếu dùng hình phạt thì dân vì sợ bị phạt chứ không phải họ biết hổ thẹn mà tránh. Tuy nhiên, khi Lễ đã phát triển, khuôn phép ngày một khắt khe; nếu không có Hình để răn đe thì chắc chắn sẽ chẳng ai tuân theo Lễ. Điển hình là tình trạng "tiếm lễ", tức là kẻ dưới dùng lễ của người trên đã từng diễn ra vào thời Xuân Thu. Nguyên tắc của việc dùng lễ là "Đôn tông tương lễ, xưng trật nguyên tự"(3) đã được ghi trong thiên Lạc Cáo, sách Kinh Thư. Đại ý là dùng lễ phải theo phẩm trật. Nhưng có trường hợp quan của nước chư hầu lại dám dùng lễ của thiên tử(4), đó là biểu hiện của sự "tiếm lễ".
* Nói tóm lại, việc kết hợp giữa Lễ và Hình trong luật pháp phong kiến Trung Quốc có nguồn gốc từ đường lối chính trị Nho giáo. Tuy thủy tổ học thuyết Nho giáo không chủ trương dùng hình, nhưng trong quá trình xây dựng và bảo vệ pháp luật, Hình tất yếu phải được áp dụng để bảo vệ sự tồn tại của Lễ.
2. Mối quan hệ giữa Lễ Và Hình.
Trong việc thực hiện và áp dụng pháp luật phong kiến Trung Quốc, giữa Lễ và Hình có mối quan hệ biện chứng như sau:
- Lễ là yếu tố quyết định, chỉ đạo, mang tính khuôn phép của việc lập pháp, hành pháp cũng như giải thích pháp luật.
- Hình giữ vai trò cưỡng chế, thi hành. Hình pháp phong kiến Trung Quốc rất nặng nề và hà khắc.
- Lễ đã "mượn" Hình làm công cụ để duy trì sự tồn tại của mình bằng cách hợp pháp hoá và hợp lý hoá tính cưỡng chế của Hình.
3. Hệ quả.
Việc giải thích pháp luật và xét xử bị khống chế bởi nguyên tắc lễ nghĩa của Nho gia. Mà điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cách thức luận vấn đề của người cầm cân nảy mực. Thế nên do cách luận án khác nhau mà có khi cùng một tội nhưng lại thành ra hai phán xét khác nhau, còn gọi là "tội đồng dị luận". Như vậy, cơ chế này ắt dẫn tới việc bản án phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của người nghị án, có khi người đó do kém hiểu biết mà phán bừa, cũng có khi cố tình luận sai để dùng Hình với người bị kết tội.Tư Mã Thiên đã chỉ ra hiện tượng đó như sau: "bọn thư lại chỉ lo bẻ cong pháp luật, khéo tìm cách hại người ta."(5)
4. Nhận xét, đánh giá.
Việc kết hợp giữa Lễ và Hình đã tạo nên một khung pháp lý vững chắc cho hệ thống pháp luật Trung Quốc. Hình bảo vệ Lễ và Lễ lại bảo vệ chế độ quân chủ chuyên chế phong kiến phụ quyền. Trong đó Lễ giữ vai trò quyết định vì Lễ bảo vệ quyền lợi giai cấp thống trị và hợp lý hoá Hình, biến Hình thành công cụ bảo vệ sự tồn tại của mình. Vì vậy tất cả luật pháp từ thời Hán đến Thanh đều tuân theo một quy tắc: "Nhất chuẩn hồ lễ".
II. Sự kết hợp giữa Đức trị với Pháp trị và hoà đồng giữa quy phạm pháp luật với quy phạm đạo đức.
1. Tiền đề tư tưởng.
a) Đức trị.
Trước hết, phải hiểu rằng Đức trị là một đường lối cai trị của phái Nho gia. Phái này chủ trương cai trị bằng Đức. Tức là không những người cầm quyền phải là người có đức cao hơn dân chúng mà ông ra còn phải thi hành chính sách giáo hoá khiến cho người dân ai cũng có đức và tin theo đức.
Đây là tư tưởng chính trị cơ sở của học thuyết nho giáo. Quan điểm cai trị theo Đức trị có lẽ được hình thành từ việc: khi nghiên cứu nhà nước Trung Hoa cổ đại, đặc biệt là thời Nghiêu, Thuấn; Khổng Tử nhận thấy rằng hai ông này đều cai trị bằng Đức và đã thành công rực rỡ.
b) Pháp trị.
Pháp trị là tư tưởng chính trị quan trọng của phái Pháp gia. Một trong những đại diện xuất sắc của Pháp gia là Thương Ưởng (390 - 338 TCN) với việc áp dụng học thuyết "Hình danh" (một nhánh của pháp gia) trong khi thực hiện Biến pháp ở nước Tần. Học thuyết này được tóm gọn ở hai điều:
- Mọi người dân bình đẳng trước pháp luật(6).
- Lấy thưởng phạt làm nguyên lý trị nước, không cần giáo dục.
Có thể thấy đường lối: 'không cần giáo dục' của pháp gia có nguồn gốc từ học thuyết "vô vi" của Lão Tử và đó là đặc trưng cơ bản để phân biệt học thuyết Pháp gia với Nho gia.
2. Mối quan hệ giữa Đức trị và Pháp trị.
- Ta thấy, Đức trị đóng vai trò là hình thức cai trị chủ chốt, theo đúng chủ trương học thuyết Nho gia. Từ thời Hán Vũ đế, nhà Hán đã bãi truất bách gia, độc tôn nho học. Tuy nhiên, thực chất, những điểm tích cực của Đức trị được vận dụng rất hạn chế. Các vua thời phong kiến rất kém tự giác tu thân, nhiều người còn sa đọa, tàn ác nên chắc chắn không thể có Đức hơn người dân được. Ngoài ra, chính sách giáo dục tuy có được thi hành nhưng không được coi là quốc sách, trong xã hội chỉ có một bộ phận có tiền của là được học hành nghiêm chỉnh còn đa phần là mê muội, mù chữ. Đức trị chỉ là một phương tiện để mị dân của giai cấp thống trị.
- Pháp trị tuy không phải là hình thức cai trị chính thống nhưng lại được vận dụng để nhằm giữ trật tự xã hội. Khi Đức trị không thể thi hành lý tưởng giáo hoá dân thì Pháp trị phải được sử dụng để giữ ổn định trật tự xã hội.
=> Đức trị chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài, được phô trương ra nhằm lừa phỉnh dân rằng giai cấp thống trị làm mọi việc đều vì lợi ích chung của dân chúng, thế nên mới có cụm từ "quan phụ mẫu". Còn Pháp trị là phương pháp được thực hiện khi Đức trị không thể bảo đảm xã hội trong vòng trật tự theo ý chí của giai cấp thống trị.
3. Hệ quả.
Việc cai trị người dân bằng Đức trị một cách lừa bịp và dối trá đã khiến dân tộc Trung Hoa suốt thời phong kiến chìm trong vòng mê muội. Người dân coi quan như cha mẹ, phục tùng ngay cả khi biết việc quan làm là sai trái. Nếu có bất cứ sự phản kháng từ dân chúng, nhà cầm quyền không ngại sử dụng những phương thức Pháp trị với chủ trương: "phạt không gì bằng cương quyết để cho dân sợ"(7); bất chấp điều đó có hợp với đạo đức và pháp luật hay không.
Đức trị đề cao lễ và đạo đức. Vì thế, một số quy phạm đạo đức đã được pháp điển hoá thành quy phạm pháp luật và một số quy phạm pháp luật (chủ yếu là liên quan tới lợi ích của giai cấp thống trị) cũng được đạo đức hoá thành những quy tắc đạo đức của người dân. Đó chính là sự hoà đồng giữa quy phạm pháp luật và quy phạm đạo đức.
4. Đánh giá, nhận xét.
Cả Đức trị và Pháp trị đều là hai thủ đoạn cai trị của giai cấp thống trị. Tách riêng ra, chúng có ưu và nhược điểm riêng. Nhưng khi kết hợp lại chúng lại trở thành công cụ cai trị hữu hiệu. Khi đó, pháp luật vừa có sức mê hoặc, lừa bịp của Đức trị, vừa có sức mạnh trấn áp của Pháp trị. Đạo đức và pháp luật có sự trộn lẫn vào nhau, khi vi phạm một trong hai thì hậu quả đều là sự lên án của xã hội và sự trừng phạt của nhà nước.
* * *
C. Phần kết luận.
Hai đặc trưng đã phân tích ở trên đã cho ta thấy, pháp luật phong kiến Trung Quốc chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng của Nho gia. Tuy nhiên, trong quá trình vận động của lịch sử, nhiều chủ trương chính trị Nho giáo trở nên khó thực hiện và đã được bổ sung bằng các học thuyết khác. Vì thế nội hàm của cả hai đặc trưng đều có "sự kết hợp" và đó là đặc điểm rất cơ bản của pháp luật phong kiến Trung Quốc. Do khuôn khổ bài tập có hạn trong khi vấn đề nghị luận lại rất phức tạp, bài làm chưa thể đề cập và phân tích sâu sắc vấn đề. Vì vậy, em rất mong sẽ nhận được những đánh giá của thầy cô để đề tài được hoàn thiện hơn.
Chú thích:
(1): Đoàn Trung Còn (dịch), Tứ Thơ, Luận Ngữ, trang 271, nhà in Trí Đức Tòng Thơ, Sài Gòn, 1950.
(2): Đoàn Trung Còn, sđd, trang 15.
(3): Trần Lê Sáng - Phạm Kỳ Nam (dịch), Kinh Thư, trang 195, Nxb VHTT, Hà Nội, 2004.
(4): Đoàn Trung Còn, sđd, trang 31.
(5): Tư Mã Thiên, Sử Ký (Quyển 2), Phan Ngọc (dịch), trang 387, NxbVăn Học, Hà Nội, 1988.
(6): Tư Mã Thiên, sđd (Quyển 1), trang 368.
(7): Hàn Phi, Hàn Phi Tử, Phan Ngọc (dịch), trang 403, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2001.
Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Nxb CAND, Hà Nội, 2005.
2. Vũ Dương Ninh (chủ biên), Lịch sử Văn minh thế giới, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2003.
3. Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1995.
4. Rene Étiemble, Confucius, Nxb Gallimard, Paris, 1966.
5. Đoàn Trung Còn (dịch), Tứ Thơ, Luận Ngữ, nhà in Trí Đức Tòng Thơ, Sài Gòn, 1950.
6. Trần Lê Sáng và Phạm Kỳ Nam (dịch), Kinh Thư, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2004.
7. Tư Mã Thiên, Phan Ngọc (dịch), Sử Ký (2 Quyển), NxbVăn Học, Hà Nội, 1988.
8. Hàn Phi, Phan Ngọc (dịch), Hàn Phi Tử, trang 403, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2001.
9. Bách khoa toàn thư mở (điện tử): Wikipedia.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Những đặc trưng cơ bản của pháp luật phong kiến trung quốc.doc