Mục lục:
I. Đặt vấn đề.
II. Giải quyết vấn đề.
1. Khái niệm “cán bộ” và “công chức”.
2. Phân tích khái niệm.
a. Điểm chung.
b. Điểm khác biệt.
3. Nhận xét những quy định của pháp luật về kháiniệm “cán bộ” và “công chức”.
III. Kết thúc vấn đề.
3 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 10918 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Pháp luật về khái niệm cán bộ và công chức, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài làm:
Đặt vấn đề:
Cán bộ, công chức là một bộ phận quan trọng nhằm đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác. Nhận thức được vai trò thiết yếu đó, Luật cán bộ, công chức ra đời năm 2008 đã làm rõ những vấn đề liên quan đến vai trò, quyền hạn, chức năng, chế độ tuyển dụng, chế độ lương bổng…của cán bộ, công chức. Bài viết này chỉ xin làm rõ cách hiểu về hai khái niệm “cán bộ” và “công chức” để tiện cho việc đọc và hiểu luật.
Giải quyết vấn đề:
Khái niệm “cán bộ”, “công chức” theo quy định của Luật cán bộ, công chức.
Điều 4: Cán bộ, công chức.
1. Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kì trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phảI là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lí của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lí của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”
2. Phân tích khái niệm “cán bộ” và khái niệm “công chức”.
a. Điểm chung.
Cả hai khái niệm “cán bộ” và “công chức” đều nêu rõ yêu cầu đầu tiên đối với những người là cán bộ, công chức, đó là họ phải là “công dân Việt Nam”. Điều đó có nghĩa chỉ những người có quốc tịch Việt Nam mới có thể trở thành cán bộ, công chức và loại trừ đối tượng là những người nước ngoài, người không có quốc tịch.
b. Điểm khác biệt.
*Cán bộ:
- Về việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm: Theo khoản 1 Điều 4 của Luật cán bộ, công chức thì cán bộ là những người được giao cho những chức vụ và quyền hạn qua việc “bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm”. Việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm phải được thực hiện bởi các cơ quan của tổ chức có liên quan và phải theo các quy định, điều lệ của pháp luật có liên quan. Đặc trưng chủ yếu của các phương pháp này là: Người cán bộ phải thể hiện được uy tín và năng lực của mình trong cơ quan hoặc tổ chức mà mình là thành viên.
- Về nhiệm kì của cán bộ: Cũng theo khái niệm về cán bộ thì người cán bộ được giữ chức danh, chức vụ “theo nhiệm kì” trong cơ quan, tổ chức mà mình công tác. Điều đó có nghĩa là người cán bộ chỉ giữ chức danh, chức vụ công tác trong một thời gian nhất định mà sau thời gian đó thì phải chuyển giao chức danh, chức vụ đó cho người khác hoặc tiếp tục được đảm nhiệm chức danh, chức vụ của mình nếu làm tốt vai trò trong cơ quan, tổ chức.
- Vê chế độ lương bổng: Khái niệm về cán bộ cũng cho biết người cán bộ được “hưởng lương từ ngân sách Nhà nước”. Việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước là điều kiện để cán bộ tạo lập được cuộc sống ổn định và từ đó có điều kiện để hoàn thành tôt công việc được giao.
- Về đơn vị công tác: Khái niệm về cán bộ quy định đơn vị công tác của các cán bộ là các “cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh”. Việc quy định chặt chẽ cơ quan làm việc của các cán bộ đã giới hạn phạm vi những người là cán bộ, từ đó tạo cho mọi người dễ dàng nắm bắt và hiểu về đội ngũ cán bộ.
- Các ví dụ cụ thể: (ở cấp xã), các cán bộ gồm: Bí thư, các Phó Bí thư đảng uỷ, Thường trực đảng uỷ (nơi không có Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng), Bí thư, Phó Bí thư chi bộ (nơi chưa thành lập đảng uỷ cấp xã); Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân; Chủ tịch uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ, Chủ tịch Hội nông dân, Chủ tịch Hội cựu chiến binh.
*Công chức:
- Về việc tuyển dụng và bổ nhiệm công chức: Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật tổ chức cán bộ, công chức thì công chức là những người được giao các nhiệm vụ, chức danh thông qua việc “tuyển dụng, bổ nhiệm”. Tuyển dụng công chức là điểm khác biệt so với việc lựa chọn các cán bộ. Việc tuyển dụng các công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế của cơ quan, tổ chức đó. Mặt khác, pháp luật cũng quy định việc tuyển dụng phải bảo đảm sự bình đẳng, công khai, khách quan, cạnh tranh và có chất lượng.
- Về thời gian công tác: Trong khái niệm về “công chức” không nêu lên việc công chức phải công tác theo nhiệm kì, từ đó có thể hiểu những người là công chức được làm việc không theo nhiệm kì. Đây là điểm khác biệt rất rõ ràng giữa cán bộ và công chức vì đối tượng cán bộ phải làm việc theo nhiệm kì nhất định.
- Về chế độ lương bổng: Khái niệm “công chức” nêu rõ, công chức được “hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lí của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.” Quy định này cũng cho thấy một điểm khác biệt nữa giữa cán bộ và công chức: Cán bộ chỉ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong khi công chức có thể hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc có thể hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị (đối với công chức của các đơn vị sự nghiệp công lập).
- Về đơn vị công tác: Khái niệm về “công chức” nêu lên các cơ quan công tác của các công chức là các “cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phảI là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lí của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội”. Như vậy, một điểm dễ thấy là phạm vi các cơ quan công tác của công chức rộng hơn rất nhiều so với phạm vi các cơ quan công tác của cán bộ.
- Ví dụ thực tế: (ở cấp xã), công chức gồm có các chức danh sau: Trưởng công an (nơi chưa bố trí lực lượng công an chính quy), Chỉ huy trưởng quân sự, Văn phòng- thống kê, Địa chính- xây dựng, Tài chính- kế toán, Tư pháp- hộ tịch, Văn hoá- xã hội.
3. Nhận xét về các quy định của pháp luật hiện hành về khái niệm : “cán bộ”, “công chức”.
So với các Pháp lệnh về cán bộ, công chức trước đó thì Luật cán bộ, công chức đã thể hiện sự phân định rõ ràng hơn về hai khái niệm “cán bộ” và “công chức”. Việc phân định rõ ràng hai khái niệm này có ý nghĩa quan trọng trong việc quy định các vấn đề liên quan đến chức vụ, chức danh, nhiệm vụ, quyền hạn, các chế độ liên quan…
Kết thúc vấn đề:
Chế độ công vụ, cán bộ, công chức là nội dung quan trọng trong hoạt động của nền hành chính quốc gia, đặc biệt trong thời kì hội nhập ngày nay, cán bộ, công chức vừa là đối tượng của quá trình đổi mới, vừa là thước đo của quá trình đổi mới, dân chủ hoá đời sống xã hội nên việc ban hành và thực hiện Luật cán bộ, công chức năm 2008 với việc phân định rõ ràng các khái niệm “cán bộ”, “công chức” sẽ tạo ra cơ sở pháp lí quan trọng để tổ chức và quản lí các hoạt động liên quan đến công vụ, công chức, xây dựng nên hành chính phục vụ nhân dân, từng bước đổi mới cơ chế quản lí công chức phù hợp với thời kì xây dựng và phát triển đất nước.