Cùng với sự tồn tại của những phong tục tập quán lạc hậu, phụ nữ nông thôn có rất ít cơ hội tiếp cận với các nguồn lực cũng như phát huy tiềm năng lao động của mình. Trong đó, việc bảo đảm quyền lợi về ruộng đất là vấn đề hết sức quan trọng đối với phụ nữ ở nông thôn, đặc biệt là phụ nữ làm nông nghiệp. Điều này lại càng đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa, hoặc phụ nữ là người dân tộc thiểu số, họ ít có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực khác nên đất đai có thể xem như là phương tiện sinh kế duy nhất giúp họ duy trì cuộc sống và thoát nghèo. Mặc dù phong tục truyền thống của Việt Nam thừa nhận cả nam giới và phụ nữ đều được thừa kế đất đai nhưng trên thực tế, ít phụ nữ được đứng tên giấy tờ sử dụng đất.
10 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2734 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Quyền của người phụ nữ nông thôn trong các hoạt động nông lâm ngư nghiệp dưới góc độ bình đẳng giới, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề bài: Quyền của người phụ nữ nông thôn trong các hoạt động nông lâm ngư nghiệp dưới góc độ bình đẳng giới.
Bài làm
Phụ nữ nông thôn có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn. Là một lực lượng chủ yếu trong nông nghiệp và chiếm đông đảo trong nguồn nhân lực của đất nước, nhưng phụ nữ nông thôn còn gặp nhiều khó khăn so với nam giới nông thôn đặc biệt trong các hoạt động nông lâm ngư nghiệp. Chính vì vậy, cần có những quan tâm hợp lý đến quyền của người phụ nữ nông thôn trong các hoạt động nông lâm ngư nghiệp dưới góc độ bình đẳng giới.
1. Thực trạng quyền của người phụ nông thôn trong các hoạt động nông lâm ngư nghiệp
Ở Việt Nam, phụ nữ nông thôn là lực lượng to lớn và quan trọng của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Theo số liệu từ Tổng điều tra dân số năm 2009, trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp phụ nữ chiếm 49,95% lực lượng lao động. Trong sản xuất nông nghiệp, vai trò của phụ nữ càng trở nên quan trọng hơn trong quá trình chuyển đổi kinh tế, với sự tham gia của lao động nữ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng trong khi lao động nam giảm dần. Thời kỳ 1993 – 1998, số nam giới tham gia hoạt động nông nghiệp mỗi năm giảm 0,9%. Trong giai đoạn này, 92% số người mới gia nhập lĩnh vực nông nghiệp là phụ nữ, vì nam giới chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp. Hiện tượng này cũng diễn ra tương tự trong lâm ngư nghiệp, phụ nữ đã tham gia ngày càng nhiều hơn.
Sống ở vùng nông thôn, với nền kinh tế tự cung tự cấp, phụ nữ phải làm rất nhiều việc như nội trợ, nuôi con, tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, trồng rừng, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, nuôi trồng thủy sản... chăm lo phát triển kinh tế gia đình trong điều kiện cạnh tranh của cơ chế thị trường. Công cuộc đổi mới kinh tế ở nông thôn Việt Nam đã tạo ra mức tăng trưởng rất đáng khích lệ về lĩnh vực sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Trong sự thay đổi đó, phụ nữ nông thôn đã có những đóng góp hết sức quan trọng bởi vì họ là lực lượng lao động cơ bản trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Tuy nhiên, vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế thị trường, trong các quan hệ xã hội và trong đời sống gia đình chưa tương xứng với mức độ đóng góp của họ.
Về thu nhập: Nguồn thu nhập chính của phụ nữ nông thôn là từ sản xuất nông lâm ngư nghiệp và bình quân thu nhập là rất thấp. Tuy nhiên trong cái nghèo khổ chung, người phụ nữ là người chịu đựng cơ cực nhiều hơn vì bị ràng buộc bởi nhiều hủ tục lạc hậu. Ngoài những bữa ăn đạm bạc, đàn ông còn nhiều thú vui khác như uống rượu, hút thuốc hoặc vui thú hát hò nhưng với phụ nữ, ngoài bữa ăn no, họ không được hưởng thú vui nào hơn ngoài việc quanh năm, suốt tháng lo lắng cho gia đình, con cái. Thậm chí các chị không có thời gian và điều kiện để lo cho chính bản thân mình.
Về việc làm: Người phụ nữ phải làm các công việc từ sản xuất kinh doanh, nuôi con, chăm lo gia đình, thậm chí còn tham gia các công việc của nam giới như cày, bừa, trồng rừng, đào ao, thả cá... Họ thường xuyên làm không hết việc, không có thời gian nghỉ ngơi. Ví dụ có những nơi ở vùng cao, họ phải giã gạo cả đêm nhưng cũng chỉ đủ để sinh hoạt cho ngày hôm sau. Đa số phải đi lấy củi để đun và sưởi ấm, có khi mất cả buổi mới kiếm được một gùi củi dùng trong một ngày. Những công việc như thế tiêu tốn rất nhiều công sức và thời gian song không được coi là có thu nhập.
Về quyền và lợi ích: Mặc dù các hoạt động nông lâm ngư nghiệp thường mang tính chất nặng nhọc nhưng vì đời sống khó khăn nên phụ nữ nông thôn thường không có thời gian nghỉ ngơi. Bên cạnh đó do nạn tảo hôn, nhiều phụ nữ phải đẻ sớm, đẻ nhiều dẫn đến sức khoẻ giảm sút. Nhiều nơi còn giữ những hủ tục lạc hậu như mẹ phải ăn cơm sau con trai, sinh con phải ở ngoài rừng, con sống hay chết là trách nhiệm của người mẹ... Chị em vẫn thường chấp nhận những hủ tục này như một điều hiển nhiên vì thiếu hiểu biết về luật pháp, thiếu nhận thức về bình đẳng. Khi được hỏi về quyền bình đẳng nam nữ, 83% chị em trả lời không biết gì, số còn lại không trả lời.
Có thể thấy, phụ nữ đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới: thường phải làm việc nhiều hơn, không có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội và học tập chuyên môn nghiệp vụ. Hậu quả là khả năng tìm kiếm việc làm của họ trở nên khó khăn hơn, nguy cơ nghèo khổ vì thiếu việc làm tăng, thu nhập thấp. Sự phụ thuộc của họ vào gia đình và xã hội vì vậy cũng tăng lên.
2. Nguyên nhân
2.1 Về trình độ chuyên môn kỹ thuật
Theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm, nước ta có hơn 1 triệu người tham gia lực lượng lao động, đa số lực lượng này là cư dân nông thôn, không được đào tạo nghề cơ bản. Nguồn nhân lực làm việc trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản ở các vùng nông thôn có trình độ và được đào tạo nghề có tỷ lệ rất thấp. Cả nước có 81.300 công chức xã nhưng tỷ lệ được đào tạo chuyên môn đại học chỉ chiếm 9%; 39,4% có trình độ trung cấp; 9,8% sơ cấp và 48,7% chưa qua đào tạo. Như vậy, phần lớn lao động trong nông, lâm nghiệp và thủy sản là các lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm. Đây là nguyên nhân căn bản của việc năng suất lao động trong nông, lâm, thủy sản ở nước ta còn rất thấp.
Có điểm đáng chú ý là, mặc dù phụ nữ đảm nhận đa phần các công việc liên quan đến sản xuất nông lâm ngư nghiệp, nhưng họ lại ít có cơ hội tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật. Theo khảo sát, chỉ có khoảng 10% phụ nữ là các thành viên tham gia các khóa học trồng trọt và 25% trong các khóa học về chăn nuôi. Hiện tượng “nữ làm, nam học” này khá phổ biến ở các vùng nông thôn Việt Nam. Thực tế cho thấy, các hoạt động kinh tế của phụ nữ nông thôn thường được thực hiện theo tập quán và kinh nghiệm truyền thống, chưa được đào tạo ngay cả kỹ năng nghề nông, về lâm nghiệp và nuôi trồn thủy sản. Vì vậy, mặc dù công sức của chị em bỏ ra rất lớn nhưng sản lượng cây trồng, vật nuôi thu được rất thấp và dễ gặp rủi ro. Trong khi đó, hiệu quả sản xuất nông lâm ngư nghiệp có ý nghĩa quyết định đối với thu nhập, việc làm và đời sống của phụ nữ cũng như đối với cả gia đình họ.
2.2 Về sức khỏe lao động nữ trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn
Kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho thấy các bệnh nghề nghiệp, mãn tính do làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm của người lao động nông nghiệp ngày mỗi tăng. Có 30,3% nông dân mắc các bệnh nghề nghiệp về da, gần 30% bị viêm nhiễm đường hô hấp, 10% bị đau đầu. Theo số liệu thống kê, cứ 100 ngàn lao động thì có 1.710 người bị ảnh hưởng sức khỏe do tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật… Môi trường sản xuất nông nghiệp ô nhiễm không chỉ do sử dụng nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật mà còn tăng thêm bởi ô nhiễm do các khu chế xuất, khu công nghiệp, sân gôn… đang đua nhau mọc lên ở các vùng nông thôn.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2007 có gần 4 triệu tấn phân bón các loại bị sử dụng lãng phí do cây trồng không hấp thụ được (chiếm 55% – 60%), cộng với việc lạm dụng sử dụng tới 75.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật mà không tuân thủ các quy trình kỹ thuật đã gây mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm nghiêm trọng đất, nguồn nước tại nhiều vùng nông thôn. Cùng với trồng trọt, hằng năm, ngành chăn nuôi cũng “đóng góp” khoảng 73 triệu tấn chất thải, trong đó chỉ có 30% – 60% chất thải được xử lý, còn lại xả thẳng ra môi trường. Ngay cả mô hình chăn nuôi trang trại cũng chỉ có 10% trong tổng số 16.700 trang trại có hệ thống xử lý chất thải. Ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và nông thôn tác động xấu đến sức khỏe của phụ nữ nhiều hơn nam giới, bởi phụ nữ là người đảm nhận chính các hoạt động sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi.
Tác động của công việc sản xuất nông nghiệp vất vả trong môi trường ô nhiễm còn cộng thêm với vai trò làm vợ, làm mẹ. Việc thực hiện chức năng sinh sản của phụ nữ cũng là một gánh nặng khi mà nam giới còn ít tham gia và chia sẻ trách nhiệm với phụ nữ trong kế hoạch hóa gia đình, khiến cho tỷ lệ nạo, hút thai do có thai ngoài mong đợi của phụ nữ nông thôn khá cao, bình quân tỷ lệ nạo, hút thai là 1/1 ca đẻ sống. Đó là chưa kể, phụ nữ chưa có được quyền sinh sản khi mà họ bị sức ép của chồng và gia đình chồng đẻ con trai. Tất cả những điều này là những yếu tố tác động xấu đến sức khỏe thể chất, tinh thần và tâm lý của phụ nữ nông thôn. Trong khi thực hiện “thiên chức”, phụ nữ nông thôn không được hưởng các chế độ thai sản như phụ nữ thuộc các lĩnh vực làm công ăn lương khác, họ cũng không được hưởng các tiêu chuẩn về bảo hiểm xã hội, y tế trong thời gian mang thai, sinh nở.
2.3 Phụ nữ ít có cơ hội tiếp cận quyền sở hữu ruộng đất
Cùng với sự tồn tại của những phong tục tập quán lạc hậu, phụ nữ nông thôn có rất ít cơ hội tiếp cận với các nguồn lực cũng như phát huy tiềm năng lao động của mình. Trong đó, việc bảo đảm quyền lợi về ruộng đất là vấn đề hết sức quan trọng đối với phụ nữ ở nông thôn, đặc biệt là phụ nữ làm nông nghiệp. Điều này lại càng đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa, hoặc phụ nữ là người dân tộc thiểu số, họ ít có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực khác nên đất đai có thể xem như là phương tiện sinh kế duy nhất giúp họ duy trì cuộc sống và thoát nghèo. Mặc dù phong tục truyền thống của Việt Nam thừa nhận cả nam giới và phụ nữ đều được thừa kế đất đai nhưng trên thực tế, ít phụ nữ được đứng tên giấy tờ sử dụng đất. Từ năm 1988 ruộng đất đã được cấp cho các hộ gia đình nông thôn nhưng đa số giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất đều do nam giới đứng tên. Luật Đất đai năm 2003 có quy định tất cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới phải bao gồm tên của cả hai vợ chồng.
3. Giải pháp về chính sách đối với phụ nữ nông thôn trong các hoạt động nông lâm ngư nghiệp.
+) Một là, ưu tiên đào tạo nghề và việc làm cho phụ nữ
Quá trình biến động đất đai trong nông nghiệp không chỉ khiến cho nhiều nông dân, nhất là phụ nữ thất nghiệp mà nó còn tác động đến thị trường lao động với những mức độ khác nhau. Với mô hình phân công lao động theo giới hiện nay cộng thêm nam giới di cư đến các vùng đô thị, khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm, phụ nữ nông thôn đảm nhận “đa vai trò” nên có những bất lợi hơn so với nam giới trong việc tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp. Có cơ sở để thấy rằng phụ nữ nông thôn cần được quan tâm đào tạo nghề hơn nam giới, ít nhất là ở mấy lý do: a) phụ nữ là “nhân vật chính” vì họ đảm nhận hầu hết các công việc trồng trọt, chăn nuôi; b) ở các vùng quê nam giới đi làm ăn xa, nếu có ở lại quê thì họ cũng dễ tìm kiếm việc làm và ít gặp rủi ro hơn so với phụ nữ; c) phụ nữ không chỉ gắn với ruộng đồng mà còn gắn với làng xóm vì xu hướng “nữ hóa nông thôn” đang diễn ra; và d) phụ nữ thường gặp trở ngại nhiều hơn nam giới trong cơ hội tiếp cận giáo dục, đào tạo do vẫn còn quan niệm thiên vị giới ở mức độ khác nhau. Trong một phân tích về thay đổi nghề nghiệp trong các khu vực nông thôn cho thấy nam giới thay đổi nghề nghiệp nhiều gấp hơn 2 lần phụ nữ (31,6% và 13,2%). Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, xác suất đổi nghề của lao động nam lớn hơn lao động nữ, nếu một phụ nữ có xác suất đổi nghề là 22% thì một lao động nam tương đương có xác suất đổi nghề là 52%. Điều này càng cho thấy sự cần thiết ưu tiên đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật liên quan đến sản xuất nông lâm ngư nghiệp cho phụ nữ, vì nam giới có tính linh hoạt hơn nữ trong quá trình nắm bắt các cơ hội mới khi chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm.
Trong lĩnh vực thuỷ sản, đây là một trong những ngành kinh tế chính tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản. Các dự án của nhà nước cần nhằm mục đích tạo càng nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho chị em. Cùng với đó các hoạt động, chính sách cũng cần phải có sự lưu tâm đến các vấn đề giới và tạo cơ hội để chị em phụ nữ tăng thêm thu nhập.
Mục tiêu của các chính sách trong bộ luật lao động cần phải mang lại lợi ích cho người lao động, đặc biệt là người phụ nữ nghèo, và tạo việc làm nhiều hơn, dù là chính thức hay không chính thức, cho những lao động nữ thiếu kỹ năng. Trong tập huấn, cần chú ý đến những khác biệt giữa nam và nữ trong tiếp cận các dịch vụ khuyến nông, và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp ở nông thôn. Có chính sách ưu tiên chuyển giao khoa học – kỹ thuật và đào tạo nghề cho phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ trong các hộ gia đình có ruộng đất thu hồi. Chú ý đến những phẩm chất của phụ nữ thích hợp với các ngành nghề truyền thống… Trong đào tạo nghề, chuyên môn kỹ thuật cho phụ nữ nên tính đến đặc điểm phong tục, tập quán, dân tộc và mức độ phát triển kinh tế – xã hội của từng vùng, miền. Chỉ khi chúng ta tính đến những đặc điểm văn hóa – xã hội như vậy mới có thể xây dựng chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm phù hợp với điều kiện, năng lực và hoàn cảnh của phụ nữ, và đào tạo nghề mới có hiệu quả.
+) Hai là tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận các nguồn lực
Không làm chủ được các nguồn lực (đất đai, tài sản, phương tiện sản xuất,…) thì phụ nữ sẽ thuộc “nhóm yếu thế”, không thể tự chủ và khó phát huy được sức mạnh của vai trò nữ giới. Điều này sẽ càng thêm bất lợi nếu như đời sống gia đình của người phụ nữ có vấn đề, gặp chuyện “cơm không dẻo, canh chẳng ngọt” dẫn đến gia đình tan vỡ.
Chính vì lẽ đó, cần thúc đẩy việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai theo Luật Đất đai 2003. Đứng tên trong giấy tờ sử dụng đất không chỉ cho phép phụ nữ tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn mà còn nâng cao sự an toàn cho chính họ trong trường hợp ly hôn hoặc thừa kế. Với phụ nữ nông thôn, đất đai là một phương tiện bảo đảm an sinh xã hội đồng thời cũng là phương tiện duy nhất để thoát nghèo. Nghiên cứu cũng cho thấy, so với nam giới thì phụ nữ nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng thường ít có cơ hội trong việc tiếp cận vay vốn tín dụng. Vì thế, cần tính đến những khác biệt giữa nam và nữ trong tiếp cận và sử dụng vốn vay tín dụng từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác để có chính sách, chế độ riêng đối với nam và nữ nông dân trong triển khai chính sách tín dụng hiện nay.
+) Ba là, chăm lo sức khỏe và an sinh xã hội cho phụ nữ nông thôn
Hiện nay phụ nữ nông thôn vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi trong việc chăm sóc sức khỏe. Để có chính sách ưu đãi nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho phụ nữ nông thôn, nên tập trung vào:
- Sức khỏe sinh sản của phụ nữ: Khi thực hiện chức năng tái sinh sản, người phụ nữ nông thôn hiện nay phải đối diện với những gánh nặng về dân số – kế hoạch hóa gia đình do quan niệm của nam giới “khoán” việc đó cho nữ giới và nam giới thiếu sự tham gia, chia sẻ trách nhiệm trong vấn đề này. Đồng thời, quan tâm đến chất lượng dân số hiện nay không thể coi nhẹ những nội dung liên quan đến sức khỏe sinh sản, quyền sinh sản của người phụ nữ nông thôn.
- Cải thiện môi trường lao động và sinh hoạt ở nông thôn: Hiện nay, ô nhiễm môi trường sống ở nông thôn và môi trường sản xuất nông nghiệp đã và đang đến mức báo động. Cùng với đó, việc phát triển nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản có thể sẽ tác động tiêu cực đến môi trường nếu các biện pháp phòng ngừa thích hợp không được áp dụng. Do vậy, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cần chú trọng đến việc giữ gìn, bảo vệ môi trường nông lâm ngư nghiệp. Có như thế, thì phụ nữ nông thôn mới duy trì được các nguồn thu nhập từ các hoạt động nông lâm ngư nghiệp của mình.
Tóm lại, trên đây là một số vấn đề về quyền của người phụ nữ nông thôn trong các hoạt động nông lâm ngư nghiệp dưới góc độ bình đẳng giới. Qua phân tích thực trạng đồng thời đề ra những giải pháp chúng ta có thể hy vọng rằng quyền của người phụ nữ nông thôn trong các hoạt động nông lâm ngư nghiệp sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực và tiến đến bình đẳng thực chất trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1.Luật bình đẳng giới năm 2006
2. Luật đất đai năm 2003
3.
4.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Quyền của người phụ nữ nông thôn trong các hoạt động nông lâm ngư nghiệp dưới góc độ bình đẳng giới.doc