Luận văn Nghiên cứu một số đặc điểm dinh dưỡng và tập tính của vượn đen má trắng - Nomascus leucogenys (Ogilby, 1840)

1.1. Vị trí phân loại

Vượn đen má trắng thuộc họ Vượn (Hylobatidae), bộ Linh trưởng (Primates). Vị trí phân loại cấp dưới họ của vượn đen má trắng có sự thay đổi trong các công trình nghiên cứu của các tác giả khác nhau. Các công trình nghiên cứu trước đây (Delacour,1951, Đào Văn Tiến, 1985, Đặng Huy Huỳnh và cs., 1994, Fooden, 1996) đều cho rằng vượn đen má trắng thuộc giống Hylobates và là một phân loài của vượn đen – Hylobates concolor leucogenys. Tuy nhiên, Corbet và Hill (1992), trong công trình “ The mammals of the Indomalayan region. A systemtic review” đã tách vượn đen má trắng thành loài độc lập (Hylobates leucogenys) thuộc giống phụ Nomascus. Thomas Geissman, 1994 (trong Phạm Nhật, 2002) cho rằng các loài vượn ở Việt Nam không thuộc giống Hylobates mà thuộc giống Nomascus; vượn đen má trắng được xếp thành loài độc lập là Nomascus leucogenys. Gần đây công trình “Đánh giá tình trạng bảo tồn của Linh trưởng ở Việt Nam năm 2000, Phần 1: Các loài vượn” của Thomas Geissman, Nguyễn Xuân Đặng, Nicolas Lormeé và Frank Momberg (2000) khẳng định rằng hiện chỉ có giống Nomascus phân bố ở Việt Nam. Theo hệ thống này, thì vượn má trắng có 2 phân loài là vượn má trắng - Nomascus leucogenys leucogenys (Ogilby, 1840) và vượn siki -Nomascus leucogenys siki (Delacour, 1951 trong Phạm Nhật, 2002).

Về hình thái ngoài, hai phân loài của vượn đen má trắng khá giống nhau (Phạm Nhật (2002)). Phân loài vượn siki (Nomascus leucogenys siki) (Hình 1): con đực có bộ lông dày, mịn, sợi mềm, màu đen tuyền. Lông hai má trắng, sợi ngắn, đắm trắng nhỏ, chỉ cao ngang ngửa vành tai. Lông hai góc mép mọc hướng về phía hai má và trông giống như 2 dấu ngoặc đơn. Con cái màu vàng bẩn ở lưng, vàng tươi ở đầu và trước cổ. Lông chỏm đầu và gáy màu đen. Giống như vượn má trắng, vượn siki con mới đẻ, cả đực và cái đều có lông màu vàng nhạt (Hình 3). Kích thước: dài đầu và thân 580-670 mm, dài bàn chân sau 120-170 mm, cao tai 31-33mm, trọng lượng 6.5-10kg.

Phân loài vượn má trắng (Nomascus leucogenys leucogenys) (Hình 2), con đực có bộ lông dày, sợi lông dài mịn và màu đen. Hai má có đám lông mọc chìa ra ngoài, màu trắng, đám trắng đó rộng cao vượt lên trên chỏm vành tai và phần phía trên lớn hơn phần phía dưới. Con cái màu vàng đậm ở vai, lưng vàng nhạt hơn, ở bụng vàng tươi. Đỉnh đầu có một mảng lông khá rộng, bắt đầu từ giữa trán kéo đến tận ra gáy và màu đen. Cả đực và cái đều có da mặt đen, mắt đen. Vượn con mới đẻ (cả đực và cái ) đều có lông vàng nhạt. Kích thước vượn trưởng thành: dài đầu và thân 570-625 mm, dài bàn chân sau 150-165 mm, cao tai 29-38 mm, trọng lượng 7-12kg.

1.2. Vùng phân bố của vượn đen má trắng

Vượn đen má trắng có phân bố ở Bắc Việt Nam, Lào, Campuchia và Nam Vân Nam của Trung Quốc (Corbett and Hill, 1992). Ở Việt Nam, theo tổng quan của Phạm Nhật (2002), vùng phân bố của phân loài vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys leucogenys) là từ sông Đà đến Bắc Nghệ An, còn phân loài vượn siki phân bố từ Nghệ An đến Thừa Thiên- Huế.

Vượn đen má trắng là loài thú hẹp sinh cảnh, chúng sống trong 2 kiểu sinh cảnh rừng: Rừng kín thường xanh, rừng kín nửa rụng lá. Nơi sống thích hợp nhất là những cánh rừng già nhiều cây gỗ lớn trên núi, tán rừng liền giải và có ít sự tác động của con người. Phạm vi sống của vượn giới hạn chủ yếu ở các phần rừng cây cao trên chỏm núi. Rất ít khi gặp chúng ở các vệt rừng dưới thấp hoặc trong thung lũng. Chúng không ở các loại rừng thưa và rừng tre nứa.

 

doc52 trang | Chia sẻ: lethao | Lượt xem: 3518 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Nghiên cứu một số đặc điểm dinh dưỡng và tập tính của vượn đen má trắng - Nomascus leucogenys (Ogilby, 1840), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docNghiên cứu một số đặc điểm dinh dưỡng và tập tính của vượn đen má trắng - Nomascus leucogenys (Ogilby, 1840) trong điều kiện nuôi nhốt ở Trung tâm Cứu.doc
Tài liệu liên quan