Tiểu luận Đối chiếu cấu trúc và phương thức biểu hiện của câu hỏi chính danh trong tiếng Anh và tiếng Việt (tiểu loại câu hỏi có đại từ nghi vấn)

 

MỤC LỤC

 

Chương I: Cơ sở lý thuyết về câu hỏi và câu hỏi chính danh 1

I. Vài quan niệm về câu hỏi 1

1. Quan niệm của Cao Xuân Hạo 1

2. Quan niệm của Hoàng Trọng Phiến 2

3. Quan niệm của Simon C.Dik 2

II. Phân loại câu hỏi 3

1. Câu hỏi trong tiếng Anh 3

2. Câu hỏi trong Tiếng Việt 5

3. Quan niệm về câu hỏi chính danh 6

Chương II: Miêu tả cấu trúc và phương tiện biểu hiện câu hỏi chứa đại từ nghi vấn trong tiếng anh và câu hỏi không lựa chọn trong tiếng Việt 7

I. Miêu tả cấu trúc và phương tiện biểu hiện của câu hỏi chứa đại từ nghi vấn trong tiếng Anh 7

II. Miêu tả cấu trúc và phương tiện biểu hiện của câu hỏi không lựa chọn trong tiếng Việt 8

Chương III: Đối chiếu về cấu trúc và phương tiện biểu hiện của câu hỏi chứa đại từ nghi vấn trong tiếng Anh với tiếng Việt 9

I. Hỏi về người 9

II. Hỏi về vật và đối tượng của hành động 10

III. Hỏi phân loại 11

IV. Hỏi về sở hữu 12

V. Hỏi về nguyên nhân 12

VI. Hỏi về thời gian 13

VII. Hỏi về địa điểm – hỏi về hướng chuyển động 13

VIII. Hỏi về cách thức hành động, tính chất hay đặc trưng của sự vật 14

TÀI LIỆU THAM KHẢO 15

 

 

doc15 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 5201 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Đối chiếu cấu trúc và phương thức biểu hiện của câu hỏi chính danh trong tiếng Anh và tiếng Việt (tiểu loại câu hỏi có đại từ nghi vấn), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đối chiếu cấu trúc và phương thức biểu hiện của câu hỏi chính danh trong tiếng anh và tiếng việt (tiểu loại câu hỏi có đại từ nghi vấn) Chương I: Cơ sở lý thuyết về câu hỏi và câu hỏi chính danh Trong học tiếng, dạy tiếng cũng như trong giao tiếp, câu hỏi là một trong các loại câu được dùng với tần suất cao. Việc nghe, tiếp nhận câu hỏi cũng như việc cấu tạo câu hỏi, thực hiện hành vi hỏi là những vấn đề mà người học, người sử dụng ngoại ngữ thường gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt phức tạp trong lĩnh vực liên ngữ, xuyên ngữ là việc dịch thuật câu hỏi từ tiếng này ra tiếng khác và ngược lại mà phạm vi trực tiếp ta đang nói đến ở đây là dịch Anh – Việt và Việt Anh. Do đó việc nghiên cứu đối chiếu câu hỏi Anh – Việt là rất cần thiết hữu ích. Trong phạm vi bài tiểu luận của mình, chúng tôi chỉ xin đối chiếu về cấu trúc và phương tiện biểu hiện câu hỏi chính danh trong tiếng Anh và tiếng Việt, mà cụ thể là đối chiếu cấu trúc và phương thức biểu hiện của câu hỏi có chứa đại từ nghi vấn – một tiểu loại của câu hỏi chính danh trong tiếng Anh với tiếng Việt. I. Vài quan niệm về câu hỏi Có nhiều quan niệm khác nhau về khái niệm câu hỏi, tuy nhiên trong bài tiểu luận này, chúng tôi chỉ xin đưa ra ba quan niệm của ba nhà ngôn ngữ học như sau: 1. Quan niệm của Cao Xuân Hạo Ông cho rằng: “Câu hỏi trong tiếng Việt cũng như nhiều thứ tiếng khác, ngoài các giá trị hỏi (yêu cầu thông báo) là giá trị tại lời trực tiếp của nó, còn có thể có 1 hay nhiều giá trị tại lời phái sinh khác như phủ định, khẳng định hay nghi ngờ. Theo ông, câu hỏi có giá trị đưa một ẩn số, một cái chưa biết trong mệnh đề. Mỗi câu hỏi còn có giá trị tại lời phát sinh và đây lại chính là công cụ và mục đích của người hỏi. Những câu hỏi trong tiếng Việt ngoài đóng góp sắc thái tu từ cho câu nói còn có rất nhiều các hình thức hỏi khác nhau. Người nghe cảm nhận đó là những câu hỏi nhờ ngữ điệu câu, trọng âm vào tiêu điểm nghi vấn, các cung bậc chuyển từ ý hỏi thuần túy qua nhiều sắc độ như gợi ý, ngờ vực, phủ định, khẳng định với những sắc thái cảm xúc của người hỏi. 2. Quan niệm của Hoàng Trọng Phiến Ông quan niệm rằng: “Câu hỏi là một thể câu thuộc phạm trù phân chia câu theo thực tại hóa. Nếu câu kể thuộc phạm trù câu hiện thực thì câu hỏi thuộc phạm trù khả năng…cho dù dưới dạng nào, trong nội dung câu hỏi đều làm cho nổi rõ một “cái không rõ” mà câu trả lời cần hướng đến…” Câu hỏi nhằm đạt đến sự đồng tình của người nghe là loại câu hỏi tu từ. Câu hỏi có một quy định cho tổ chức cú pháp riêng biệt là “cái không rõ”. Mục đích của chủ thể là mong tìm được câu trả lời về “cái không rõ” này, và người trả lời đáp ứng bằng cách cung cấp một thành phần tương ứng. Và tiêu điểm tư duy của cả người hỏi và người trả lời đều tập trung vào “cái không rõ” ấy. Nội dung ngữ nghĩa của câu hỏi được tạo thành nhờ hai nhân tố là: sự có mặt của “cái không rõ”, và nguyện vọng, ý định của người hỏi. Ở đây, người hỏi phải tác động đến người trả lời sao cho người trả lời tập trung và ý thức được để trả lời cho cái không rõ. Nếu biểu đạt câu hỏi bằng công thức: X + Y thì X biểu thị “cái không rõ” và nguyện vọng, ý định của người hỏi biểu thị bằng Y. Công thức này chỉ rõ nội dung ngữ nghĩa của câu hỏi. X làm chức năng khu biệt câu hỏi với các thể câu khác và Y làm chức năng liên kết câu hỏi vào phạm trù ngữ pháp. 3. Quan niệm của Simon C.Dik Ông đề cập đến chức năng câu hỏi và các kiểu trả lời khác nhau có thể áp dụng trả lời cho câu hỏi. Các kiểu câu hỏi có thể phân biệt theo: a. Loại thông tin được hỏi b. Kiểu trả lời có thể áp dụng cho câu hỏi. Ông cho rằng “ Câu hỏi có đại từ hỏi bộc lộ những đặc tính nổi bật nhất, cụ thể là trong mối tương quan, một mặt với động từ hạn định, còn mặt khác với các cấu trúc khuyết, có thể tách ra được, có thể biến đổi được…” Những câu hỏi có đại từ hỏi có mối quan hệ với các động từ hạn định theo kiểu chúng có thể được hiểu theo nghĩa của một hoạt động cấu trúc của câu hỏi này, có thể là một cấu trúc trung tâm, một cấu trúc chính, trong đó thành tố nghi vấn trong câu hỏi có từ hỏi mang chức năng chính xét về bản chất. Ông mô tả cấu trúc chung của câu hỏi như sau: Int: X: Extended Predication (Trong đó: Int: là câu hỏi; Extended Predication: vị ngữ mở rộng ) Trong đó, tác tử ( Operator - / OP / ) nghi vấn, về mặt ngữ nghĩa và ngữ pháp có thể chuyển hóa thành câu cầu khiến, câu hỏi tu từ hay câu cảm thán… Ông quan tâm đến khía cạnh kiểu trả lời cho câu hỏi, cần phân biệt rõ câu trả lời và lời đáp cho mỗi câu hỏi. Ông cho rằng mọi câu hỏi đều có lời đáp là câu trả lời. Câu hỏi: Where’s Peter’s office? (Văn phòng của Peter ở đâu?) Lời đáp: I don’t know ( Tôi không biết ) I can’t tell you ( Tôi không thể nói cho anh ) That’s none of you business (Không phải việc của anh ) Trả lời: It’s on the second floor ( Trên tầng hai kia ) It’s over there ( ở đằng kia ) Tất cả những câu trả lời đều là lời đáp nhưng không phải lời đáp nào cũng là câu trả lời. Câu hỏi là những hành vi lời nói ban đầu điển hình. Và câu trả lời là hành vi đáp lại cần thiết. Câu hỏi có thể tạo ra môi trường cho bước tiếp theo, và câu trả lời là thành viên của cặp đi đôi với nhau: hỏi- trả lời. II. Phân loại câu hỏi 1. Câu hỏi trong tiếng Anh a) Ngữ pháp truyền thống cho rằng tiếng Anh có ba loại câu hỏi sau: *Câu hỏi tổng quát ( câu hỏi có/không – Yes/No question ): loại câu hỏi này đòi hỏi câu trả lời có hoặc không. Khi nói, ngữ điệu lên cao cuối câu hỏi. Loại câu hỏi này được cấu tạo bằng cách chuyển một phần vị ngữ, như tác tử lên trước chủ thể gây ra hành động của câu. Ví dụ: Do you like art? Can you speak English? Câu hỏi đuôi ( Tag question ) đòi hỏi câu trả lời có hoặc không, và gồm một vế là dạng câu phủ định, đứng sau là trợ từ dạng khẳng định, hoặc một vế là dạng câu khẳng định, đứng sau là trợ từ phủ định, cùng các đại từ nhân xưng. Ngữ điệu câu lên giọng ở vế trước và xuống giọng ở vế sau. Ví dụ: You are tired, are’t you? *Câu hỏi chứa đại từ nghi vấn – WH-question: bắt đầu bằng một từ hỏi với ngữ điệu câu xuống giọng ở cuối câu. Trật tự từ cũng giống như câu hỏi tổng quát, nhưng từ hỏi được đặt trước tác tử, động từ tình thái ( model verb ) hoặc động từ BE trực tiếp làm vị ngữ. Ví dụ: Where do you live? When did he go there? *Câu hỏi lựa chọn ( Alternative question ): loại câu hỏi này báo hiệu sự lựa chọn một trong hai đối tượng trong câu hỏi và ngữ điệu câu lên giọng ở phần đầu, xuống giọng ở phần kết thúc câu. Ví dụ: Do you live in the town or in the country? b)Về dụng học của câu hỏi: -Câu hỏi có đại từ nghi vấn hỏi về một phần lời xác nhận đã được đưa ra, có thể là hỏi trực tiếp cho thành phần vị ngữ, hoặc có thể về lĩnh vực ngữ nghĩa như: thời gian, nơi chốn, hay cách thức…cũng như câu hỏi có/không, trợ động từ đứng trước chủ ngữ được đưa vào sau cụm từ hỏi hoặc từ hỏi xét về ngữ nghĩa, một câu hỏi có từ hỏi phỏng đoán sự thực của một phần lớn lời xác nhận và tìm kiếm thông tin về cụm từ có từ hỏi wh- -Còn các câu hỏi có/không thường cố gắng xác định sự đúng- sai của toàn bộ lời xác nhận được đưa ra, nhưng đôi khi chỉ cần những thông tin về thời gian, nơi chốn và về các mối quan hệ khác. -Câu hỏi lựa chọn yêu cầu trả lời cho một trong hai thành phần được hỏi. Câu hỏi đuôi tìm sự đồng tình của người nghe trong câu trả lời. Câu hỏi ở dạng chuyển lời đã biến thành một thành phần phụ, vẫn bảo lưu được các ý nghĩa dụng học của nó. 2. Câu hỏi trong Tiếng Việt Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về việc phân loại câu hỏi trong Tiếng Việt. Căn cứ vào mục đích phát ngôn quan hệ với sự trả lời, chúng tôi theo quan điểm chia câu hỏi chính danh làm hai loại chính là: - Câu hỏi không lựa chọn - Câu hỏi lựa chọn a) Câu hỏi không lựa chọn: Các đại từ nghi vấn: ai, thế nào, đi đâu, bao giờ …là những đại từ chuyên dùng cho loại câu hỏi này. Người nói xác lập nội dung mệnh đề của câu hỏi trên cơ sở đã dự tính rằng, có một khả năng nào đó để người nghe thiết lập được câu trả lời. Mục đích phát ngôn của câu hỏi là hướng tới nhận câu trả lời của người đối thoại. Với những câu hỏi này, câu trả lời luôn được chỉ ra một cách rõ ràng. Ví dụ: Ai đang ở ngoài vườn đấy? Cháu đây, bà ạ. Anh đi đâu mà giờ mới về? Anh sang nhà ông Toán. b) Câu hỏi lựa chọn: “Là kiểu câu hỏi trong đó các khả năng lựa chọn, tức là các điểm mốc đánh dấu phạm vi dao động bấp bênh trong nhận thức của người nói, cũng được biểu hiện trên bề mặt câu”. Nói cụ thể hơn, câu hỏi lựa chọn là câu hỏi mà thông tin chưa biết cần lựa chọn để xác định từ người trả lời. Câu hỏi lựa chọn gồm có: *Câu hỏi lựa chọn mang tính chất khẳng định hoặc phủ định: kiểu câu hỏi này thường có hai vế, một vế khẳng định và một vế phủ định. Ví dụ: Anh ta là người tử tế hay không phải người tử tế? Thường vế phủ định dễ bị rút gọn lại, chỉ để từ phủ định. Ví dụ trên có thể rút gọn lại thành: Ví dụ: Anh ta là người tử tế hay không? Hoặc kèm lời xác nhận có hoặc không, phải hay không phải, đúng hay không đúng… Ví dụ: Có phải anh đã đến đây hôm qua? Vâng, đúng đấy ạ. *Câu hỏi lựa chọn không xác định: đây là loại câu hỏi đưa ra hàng loạt khả năng lựa chọn khác nhau. Với câu hỏi loại này, tuỳ thuộc vào khả năng mà người đó có thể lựa chọn. Ví dụ: Anh có đi được xe máy hay lái được ô tô không? Các khả năng trả lời: -Anh ta chỉ đi được xe máy thôi. -Anh ta đi được cả xe máy lẫn ô tô. -Anh ta không đi được cả xe máy lẫn ô tô. -Anh ta chỉ đi được ô tô thôi. Trong tiếng Việt, ngữ điệu câu giữ vai trò quan trọng để tạo câu hỏi. Ngữ điệu câu thường bị quy định bởi nội dung ý nghĩa và mục đích phát ngôn. Ngữ điệu là công cụ biểu đạt tính tình thái của câu hỏi và các sắc thái biểu đạt lời nói. Kèm theo ngữ điệu là rất nhiều tổ hợp từ trong các câu hỏi tiếng Việt biểu đạt sắc thái hỏi. 3. Quan niệm về câu hỏi chính danh Theo Lê Quang Thiêm, người ta phân chia câu hỏi thành hai loại lớn: câu hỏi chính danh và câu hỏi phi chính danh. Trong đó, câu hỏi chính danh là câu hỏi dùng đúng nghĩa, đúng mục đích câu hỏi là để tìm kiếm thông tin và cần trả lời thông tin đó. Câu hỏi chính danh là câu hỏi cần có câu trả lời. Nói cụ thể hơn, câu hỏi chính danh là câu hỏi có đặc điểm: người hỏi không biết câu trả lời hoặc là người hỏi muốn biết câu trả lời và hướng tới người đối thoại để nhận được thông tin chưa biết đó. Câu hỏi chính danh là bộ phận chính, bộ phận cốt lõi của các loại câu hỏi trong mọi ngôn ngữ. N.Belnap và T.Stil (1981) cho rằng: “ý nghĩa câu hỏi chính danh là cái tập hợp gồm những câu có thể trả lời nó.” Câu hỏi chính danh trong tiếng Anh có 3 loại: - Câu hỏi có đại từ nghi vấn Wh- - Câu hỏi dạng có/không - Câu hỏi lựa chọn. Câu hỏi chính danh trong tiếng Việt có 2 loại: - Câu hỏi không lựa chọn - Câu hỏi lựa chọn. Chương II: Miêu tả cấu trúc và phương tiện biểu hiện câu hỏi chứa đại từ nghi vấn trong tiếng anh và câu hỏi không lựa chọn trong tiếng Việt Dựa vào những cơ sở lý thuyết đã nêu trên, chúng ta cũng đã phần nào nhận thấy rằng câu hỏi không lựa chọn trong tiếng Việt có những điểm tương đương với loại câu hỏi chứa các đại từ nghi vấn trong tiếng Anh. Chính vì vậy trong chương này, chúng tôi tiến hành miêu tả về cấu trúc và phương tiện biểu hiện của hai tiểu loại câu hỏi thuộc câu hỏi chính danh trên trước khi đi vào đối chiếu chúng. I. Miêu tả cấu trúc và phương tiện biểu hiện của câu hỏi chứa đại từ nghi vấn trong tiếng Anh a) Cấu trúc: Câu hỏi có chứa đại từ nghi vấn trong tiếng Anh (thường bắt đầu bằng Wh-) được hình thành có sự tham gia của các từ nghi vấn (hoặc các từ hỏi) gồm: who, whom, whose, what, which, when, how, why, where. Câu hỏi dạng này được thiết lập theo quy tắc: - Bộ phận nghi vấn xuất hiện ở vị trí đầu tiên của câu (ngoài một số liên từ (conjuncts) và phân đoạn). - Từ nghi vấn đứng ở vị trí đầu tiên của bộ phận nghi vấn. - Các câu hỏi có chứa đại từ nghi vấn thường có ngữ điệu xuống ở cuối câu. Ví dụ: Why is he always arguing? When will she come back? b) Tiền giả định: Mỗi câu hỏi có đại từ nghi vấn có thể ứng với một câu trần thuật gọi là tiền giả định. Tiền giả định này là chân thực đối với bất kì ai sử dụng câu hỏi đó và giữ được trật tự bình thường của câu trần thuật. Do vậy, nếu chúng ta liệt kê những tiền giả định tương ứng với một số câu hỏi ở trên thì nó sẽ làm sáng tỏ trật tự cú pháp của câu hỏi có đại từ nghi vấn liên quan đến câu trần thuật. II. Miêu tả cấu trúc và phương tiện biểu hiện của câu hỏi không lựa chọn trong tiếng Việt Đây là những câu hỏi có chứa các từ hỏi như: ai, gì, nào, đâu, sao…được đặt ở các vị trí thích hợp trong câu tuỳ theo người nói. Các đại từ nghi vấn được dùng trong câu hỏi không lựa chọn tiếng Việt được xét như sau: a) Các từ dùng để hỏi về người và vật dùng, có thể hỏi cho chủ thể hoặc khách thể. Ví dụ: Ai đang đến kia? ( Ai-chủ thể ). Anh đến chơi ai tối qua? ( Ai –khách thể ) Chuyện gì xảy ra ở đây vậy? ( Chuyện gì-chủ thể ) Anh đã gây ra chuyện gì? ( Chuyện gì-khách thể ) b) Các từ để hỏi về phương thức, tính chất, đặc trưng của sự vật: thường kết hợp với gì-nào: - Gì: chỉ ra tên riêng của cá thể sự vật hoặc chủng loại các đối tượng. Ví dụ: Bạn nuôi con gì vậy? - Nào: đòi hỏi cung cấp thông tin thiên về chức năng tách vật cần xác định ra khỏi một nhóm đã biết hoặc coi là một tập hợp xác định trong thế giới nhận thức. Ví dụ: Anh cho đứa nào đi du học, con Lan hay thằng Hùng? c) Mấy và bao nhiêu được dùng để hỏi số lượng :số lượng của mấy có thể bị hạn định từ mười trở xuống, còn bao nhiêu được dùng hỏi cho số lượng lớn hơn. Ví dụ: Năm nay cháu lên mấy? Bác năm nay bao nhiêu tuổi rồi ạ? d) Bao giờ, lúc nào, hồi nào…được dùng để hỏi thời gian. Bao giờ luôn gắn với một điểm mốc nào đó. Ví dụ: Anh về bao giờ? ( hành động đã xảy ra trước thời điểm nói ) e) Sao, vì sao, tại sao…hỏi về nguyên nhân, tìm hiểu nguyên nhân của sự kiện. Ví dụ: Sao anh lại đánh nó? Tại sao con lại bỏ cơm? f) Đâu, ở đâu, chỗ nào, đi đâu…hỏi về nơi chốn hay chuyển động, thường đứng cuối câu hỏi. Ví dụ: Anh Lâm đâu? Hôm nay cô ấy ngồi chỗ nào nhỉ? Tôi biết đi đâu bây giờ? Chương III: Đối chiếu về cấu trúc và phương tiện biểu hiện của câu hỏi chứa đại từ nghi vấn trong tiếng Anh với tiếng Việt Dựa vào những miêu tả trên, chúng tôi tiến hành đối chiếu câu hỏi chứa đại từ hỏi trong tiếng Anh với tiếng Việt, để từ đó tìm ra những nét tương đồng và dị biệt giữa chúng. Tư liệu được chúng tôi sử dụng để đối chiếu là các chuyện cười song ngữ trong cuốn “Nụ cười Anh-Việt” (NCAV) của Hương Thuỷ-Anh Đào soạn và dịch. Trong tiếng Anh, các đại từ nghi vấn thường đứng ở vị trí đầu câu hỏi. Còn trong tiếng Việt, đại từ nghi vấn đứng ở vị trí đầu câu hỏi trong một số trường hợp, các trường hợp còn lại đứng ở cuối câu hoặc đứng ở giữa câu hỏi. Đại từ nghi vấn chính là tiêu điểm thông báo, phần còn lại thuộc phạm vi tiền giả định của câu. Các đại từ nghi vấn trong tiếng Anh và tiếng Việt có sự tương đồng cao về phạm vi sử dụng. Cả hai ngôn ngữ đều có noững câu hỏi giống nhau. I. Hỏi về người Đại từ nghi vấn chỉ người who trong tiếng Anh và ai trong tiếng Việt đứng ở vị trí đầu câu hỏi khi điểm nghi vấn là chủ thể của hành động ( phải có những đặc tính của con người ) a) Ở vị trí chủ ngữ: - Ở vị trí chủ ngữ, who trong câu hỏi tiếng Anh bao giờ cũng có vị trí ở đầu câu. Ví dụ: Who baked it? ( t28-NCAV ) Ai nướng bánh vậy? Ở vị trí này, hai đại từ nghi vấn who và ai có vị trí tương ứng hoàn toàn. Trong tiếng Việt, ai có thể đứng cuối câu hỏi. Ví dụ: Who did you greet? ( t98-NCAV) Anh đã chào ai thế? b)Ở vị trí bổ ngữ: đại từ nghi vấn ai đứng sau động từ vị ngữ chiếm một số lượng lớn trong câu hỏi tiếng Việt. Ví dụ: Who do want to leave it to ( when you croak )? ( t32-NCAV (Nhưng khi cậu tịch thì) tất cả những cái đó cậu để cho ai? II. Hỏi về vật và đối tượng của hành động What trong tiếng Anh và cái gì trong tiếng Việt là những đại từ nghi vấn chỉ vật hoặc chỉ đối tượng của hành động. a)Hỏi về vật: Khi hỏi về vật, câu hỏi trong tiếng Anh có hai vị trí cho what là: chủ ngữ và bổ ngữ. Trong câu hỏi tiếng Việt, what có thể được dịch là: cái gì, chuyện gì, điều gì…tuỳ thuộc vào ngữ cảnh giao tiếp. -What ở vị trí chủ ngữ : Ví dụ: What is it? (t93-NCAV) Cái gì vậy? Ở vị trí chủ ngữ trong câu hỏi tiếng Anh, nhưng what được chuyển xuống vị trí cuối câu trong câu hỏi tiếng Việt với như thế nào trong các trường hợp: Ví dụ: What is the difference between me and the movies? (t63-NCAV) Giữa em và điện ảnh khác nhau như thế nào? - What ở vị trí bổ ngữ: cũng được đặt ở các vị trí khác nhau trong câu hỏi tiếng Việt. Đa số chúng đều đặt ở vị trí cuối câu với vai trò bổ ngữ khi đã được kết hợp với một động từ như: làm gì, nói gì, cần gì… Ví dụ: What do you mean? (t69-NCAV) Em muốn nói gì cơ? Hoặc được kết hợp với một danh từ như một định tố: tên gì, thứ gì, bài gì, nghề gì… Ví dụ: What is her job? (t86-NCAV) Cô ấy làm nghề gì? What được dịch là gì đứng ở vị trí giữa câu hỏi trong tiếng Việt không có nhiều. b)Hỏi về đối tượng của hành động: Trong các trường hợp có động từ, what được chuyển nghĩa thành từ hỏi phương thức hành động, được chuyển dịch sang tiếng Việt là: gì, thế nào, làm sao… Ví dụ:What did you dream about? (t31-NCAV) Anh đã mơ thấy gì? Vị trí từ hỏi đóng vai trò bổ ngữ của what cũng được đặt ở các vị trí khác nhau trong câu hỏi tiếng Việt. Phần lớn chúng đứng ở cuối câu hỏi/ Ví dụ: What are you wearing? (t17- NCAV) Em đang mặc gì thế? Hoặc chúng đứng ở vị trí đầu câu hỏi: Ví dụ: What secret helps you live together for such a long time? (t45-NCAV) Bí quyết gì giúp cô chú sống được với nhau lâu như thế? What đóng vai trò bổ ngữ cũng được sử dụng với nghĩa sao, tại sao, làm sao trong câu hỏi tiếng Việt. Trường hợp này từ nghi vấn đứng ở vị trí đầu câu hỏi. What có hai vai trò cơ bản trong câu hỏi tiếng Anh và tiếng Việt là chủ ngữ và bổ ngữ. Dù là ở vai trò nào, trong câu hỏi tiếng Anh, từ nghi vấn này cũng đứng ở vị trí đầu câu. Còn trong câu hỏi tiếng Việt nó có thể đứng đầu, cuối hay giữa câu tuỳ theo cách diễn đạt của người nói. III. Hỏi phân loại What còn xuất hiện trong cụm danh từ What kind / what book làm cụm từ nghi vấn hạn định Ví dụ: What kind of book do you want? (t34-NCAV) Anh muốn loại sách nào? Which cũng được dùng để hỏi phân loại trong những hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ: Which book do you want? (t45-NCAV) Anh muốn cuốn sách nào? Trong tiếng Việt, các định tố gì trong câu hỏi yêu cầu trả lời bằng một danh từ hay vị từ chỉ loại, trong khi định tố nào thường dùng trong câu hỏi hạn định. Định tố nào chỉ sắc thái phân biệt. Trong tiếng Anh, dạng từ này gần như tương đương hoàn toàn với tiếng Việt. Ví dụ: Which is Goring? Beautiful idiot or the other thing? (t76-NCAV) Thế Goring thuộc loại nào? loại ngu ngốc xinh đẹp hay loại kia? IV. Hỏi về sở hữu Đại từ nghi vấn Whose trong câu hỏi tiếng Anh bao giờ cũng đứng ở vị trí đầu câu hỏi và được kết hợp với một danh từ tạo thành cụm từ nghi vấn ( Whose house, Whose room…). Có hai vị trí cho cụm từ nghi vấn này trong câu hỏi tiếng Việt. -Đứng đầu câu: Ví dụ: Whose house is there on the hill? (t56-NCAV) Nhà của ai trên đỉnh đồi kia? -Đứng cuối câu: Ví dụ: Whose house is it? (t63-NCAV) Căn nhà đó của ai? V. Hỏi về nguyên nhân Đại từ nghi vấn Why trong câu hỏi tiếng Anh tương đương với vì sao, tại sao, làm sao trong câu hỏi tiếng Việt, hoặc cụm từ nghi vấn For what reason, For which tương đương với vì lí do gì, vì lí do nào trong tiếng Việt. Chúng được dùng ở vị trí đầu câu hỏi trong cả hai ngôn ngữ để hỏi về nguyên nhân của một hành động nào đó khi tiêu điểm nghi vấn là trạng ngữ chỉ nguyên nhân. Ví dụ:Why did I get married to you? (t33-NCAV) Vì sao ngày ấy tôi lại cưới cô làm vợ nhỉ? VI. Hỏi về thời gian Đại từ nghi vấn When, What time trong tiếng Anh tương đương với đại từ nghi vấn khi nào, bao giờ, vao lúc nào.. trong tiếng Việt. Chúng luôn đứng ở vị trí đầu câu hỏi trong tiếng Anh còn trong tiếng Việt, chúng có thể đứng đầu, cuối hoặc giữa câu hỏi. -Ở vị trí đầu câu: Ví dụ: When will he come? (t78-NCAV) Bao giờ ông ấy mới trở về? -Ở vị trí cuối câu: Ví dụ: When did you see last? (t88-NCAV) Lần trước là bao giờ? -Ở vị trí giữa câu: Ví dụ: When do you expect your friend to come and eat the rice? (t69-NCAV) Anh hi vọng bạn anh bao giờ lên ăn cơm? VII. Hỏi về địa điểm – hỏi về hướng chuyển động Đại từ nghi vấn Where trong tiếng Anh thường đứng đầu câu hỏi khác với đại từ nghi vấn đâu, ở đâu, chỗ nào, đi đâu trong tiếng Việt thường đứng ở vị trí cuối câu, được dùng khi tiêu điểm nghi vấn là trạng ngữ chỉ nơi chốn hoặc chỉ hướng chuyển động. a)Hỏi về địa điểm: đứng ở vị trí cuối câu là chủ yếu trong câu hỏi tiếng Việt. Ví dụ: Where dose he live now? (t45-NCAV) Hiện nay anh ấy đang ở đâu? b)Hỏi về chuyển động: Where trong câu hỏi tiếng Anh cũng có ý nghĩa để hỏi hướng chuyển động đi đâu khi đi cùng các động từ chuyển động hoặc động từ Be trong một số trường hợp với các tiểu từ kèm theo. Ví dụ: Where were you yesterday? (t88-NCAV) Hôm qua anh đi đâu? Từ nghi vấn thường đứng cuối trong câu hỏi tiếng Việt và nó cũng có thể có kèm theo các tiểu từ ở vị trí cuối như thế, ư, chứ, đấy…biểu đạt thái độ của người hỏi. Ví dụ: Where are you going? (t24-NCAV) Anh định đi đâu thế? VIII. Hỏi về cách thức hành động, tính chất hay đặc trưng của sự vật How là đại từ nghi vấn chỉ cách thức hành động trong tiếng Anh tương đương với cụm từ nghi vấn như thế nào, thế nào trong câu hỏi tiếng Việt. How luôn đứng đầu câu hỏi trong tiếng Anh. Còn như thế nào luôn đứng cuối câu hỏi trong tiếng Việt. Ví dụ: How did I act in this play? (t74-NCAV) Anh thấy em diễn xuất như thế nào? Như vậy, câu hỏi không lựa chọn trong tiếng Việt tương ứng với loại câu hỏi chứa đại từ nghi vấn trong tiếng Anh. Hai loại câu hỏi này trong tiếng Anh và tiếng Việt đều sử dụng các từ như là tiêu điểm nghi vấn trong cấu trúc thông báo-cú pháp của câu. Sự tương đồng của kiểu câu hỏi này trong tiếng Anh và tiếng Việt nằm ở khuôn câu hỏi, cấu trúc thông báo, ý nghĩa phạm trù của các đại từ nghi vấn. Còn có nhiều điểm khác biệt giữa hai thứ tiếng về tổ chức kiểu loại câu hỏi này như vị trí của từ hỏi, bộ phận hỏi, tác tử cấu trúc tạo câu hỏi, vị trí thành phần câu trong cấu trúc cú pháp. Việc đối chiếu câu hỏi chính danh của tiếng Anh và tiếng Việt, mà cụ thể ở đây là đối chiếu loại câu hỏi chứa đại từ nghi vấn trong câu hỏi tiếng Anh với tiếng Việt là rất cần thiết và hữu ích cho việc dạy và học tiếng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. ghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ - Lê Quang Thiêm – NXB Đại học Quốc Gia – 2004. 2. o sánh cấu trúc và phương tiện biểu hiện câu hỏi chính danh trong tiếng Anh và tiếng Việt – Luận văn Thạc sĩ Trần Mai Chi – 2000. 3. Nụ cười Anh – Việt (song ngữ) – Hương Thuỷ và Anh Đào (soạn và dịch) – NXB Thanh Niên – 1999. MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docNN20 (13).doc
Tài liệu liên quan